ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2003/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 01 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ PHÊ DUYỆT QUI HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI TRƯỜNG HỌC NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh qui hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 ;
Theo Quyết định số 2380/QĐ-UB-QLDA ngày 27 tháng 4 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố về duyệt công tác qui hoạch phát triển mạng lưới trường học thuộc ngành giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020 ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Kiến trúc sư Trưởng thành phố tại Công văn số 838/GDĐT-KTST ngày 21 tháng 6 năm 2002 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Phê duyệt qui hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020 với các nội dung chính sau đây :
1. Mục tiêu :
1.1- Chuẩn bị các điều kiện cơ bản cho việc thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020 : Nâng cao giáo dục toàn diện, đổi mới hệ thống trường lớp, thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa ngành giáo dục và đào tạo.
1.2- Xác định tốc độ, yêu cầu và qui mô phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố, từ đó xác định qui mô đầu tư tương ứng về đất và vốn đầu tư xây dựng trong tổng thể phát triển thành phố đến năm 2020.
1.3- Là cơ sở để Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận-huyện lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng, nâng cấp, chủ động dành quỹ đất và huy động các nguồn vốn, xác định bước đi, giải pháp cho việc thực hiện qui hoạch chi tiết mạng lưới trường học của hệ thống giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
2. Nội dung cụ thể :
2.1- Các yêu cầu phải đáp ứng đến năm 2020 :
2.1.1- Sắp xếp lại mạng lưới trường học trên từng địa bàn quận-huyện phù hợp với các mặt về lịch sử, địa lý và dân cư ; đồng thời phù hợp với qui hoạch phát triển thành phố.
2.1.2- Qui hoạch mạng lưới trường học phải đồng bộ, hoàn chỉnh trong cơ cấu giáo dục quốc dân và là cơ sở để các quận-huyện thực hiện tiếp bước qui hoạch chi tiết và dành quỹ đất xây dựng trường học.
2.1.3- Cải tạo, mở rộng, nâng cấp, tận dụng mặt bằng của các cơ sở trường học hiện có để đạt tới chuẩn diện tích m2 đất/chỗ học theo quy định. Các trường xây mới phải đúng qui chuẩn theo từng cấp học, ngành học đã ban hành. Đến năm 2005, mỗi quận-huyện phải có ít nhất một trường đạt chuẩn cho một ngành học, bậc học.
2.1.4- Gắn việc xây dựng trường lớp với trang thiết bị giáo dục theo hướng hiện đại hóa để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, tiến tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở tất cả các cấp học, ngành học vào năm 2010.
2.2- Các chỉ tiêu cơ bản :
2.2.1- Định mức số học sinh/lớp :
+ Mầm non : 25 học sinh/lớp ;
+ Tiểu học : 35 học sinh/lớp ;
+ Trung học cơ sở : 45 học sinh/lớp ;
+ Trung học phổ thông : 45 học sinh/lớp ;
+ Ngành học khác : Từ 35 đến 45 học sinh/lớp.
2.2.2- Định mức số lớp/trường :
+ Mầm non : 20 nhóm/lớp/trường ;
+ Tiểu học : 30 lớp/trường ;
+ Trung học cơ sở : 45 lớp/trường ;
+ Trung học phổ thông : 45 lớp/trường.
2.2.3- Định mức diện tích đất/chỗ học :
+ Khu vực 1 gồm : Các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận và Tân Bình ; định mức khoảng từ 4 m2 đến 5 m2/chỗ học ;
+ Khu vực 2 gồm : Các quận 6, 8, Gò Vấp và Bình Thạnh ; định mức khoảng từ 6 m2 đến 8 m2/chỗ học ;
+ Khu vực 3 gồm : Các quận 2, 7, 9, 12 và Thủ Đức ; định mức khoảng từ 8 m2 đến 10 m2/chỗ học ;
+ Khu vực 4 gồm : Các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ ; định mức khoảng từ 10 m2 đến 15 m2/chỗ học.
2.2.4- Định mức này được áp dụng cho tất cả các cấp học, ngành học.
2.3- Quỹ đất dành cho phát triển ngành giáo dục và đào tạo thành phố:
Tổng diện tích đất dành cho phát triển ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố đến năm 2020 là 1.904,2 ha ; diện tích hiện hữu là 496,8 ha, cần tăng thêm 1.407,4 ha. Trong đó, nhu cầu đất đến năm 2010 cần tăng thêm cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông là 1.024,60 ha, được phân bổ cho các địa bàn như sau (có bảng phân bổ quy hoạch chi tiết kèm theo) :
+ Khu vực 1 có : Diện tích đất hiện có 120,07 ha, đến năm 2020 cần tăng thêm 216,98 ha (trong đó đến năm 2010 cần thêm 183,85 ha).
+ Khu vực 2 có : Diện tích đất hiện có 68,83 ha, đến năm 2020 cần tăng thêm 239,02 ha (trong đó đến năm 2010 cần thêm 168,20 ha).
+ Khu vực 3 có : Diện tích đất hiện có 112,77 ha, đến năm 2020 cần tăng thêm 493,7 ha (trong đó đến năm 2010 tăng thêm 281,97 ha).
+ Khu vực 4 có : Diện tích đất hiện có 195,08 ha, đến năm 2020 cần tăng thêm 954,5 ha (trong đó đến năm 2010 tăng thêm 390,58 ha).
2.4- Nhu cầu cơ sở vật chất :
2.4.1- Khu vực 1 và khu vực 2 :
+ Trường Mầm non : Số trường hiện có là 347 trường, tăng thêm 69 trường ;
+ Trường Tiểu học : Số trường hiện có là 243 trường, tăng thêm 54 trường ;
+ Trường Trung học cơ sở : Số trường hiện có là 120 trường, tăng thêm 19 trường ;
+ Trường Trung học phổ thông : Số trường hiện có là 68 trường, tăng thêm 30 trường.
2.4.3- Khu vực 3 :
+ Trường Mầm non : Số trường hiện có là 134 trường, tăng thêm 93 trường ;
+ Trường Tiểu học : Số trường hiện có là 69 trường, tăng thêm 92 trường ;
+ Trường Trung học cơ sở : Số trường hiện có là 37 trường, tăng thêm 36 trường ;
+ Trường Trung học phổ thông : Số trường hiện có là 13 trường, tăng thêm 36 trường.
2.4.3- Khu vực 4 :
+ Trường Mầm non : Số trường hiện hữu là 111 trường, tăng thêm 260 trường ;
+ Trường Tiểu học : Số trường hiện hữu là 124 trường, tăng thêm 138 trường ;
+ Trường Trung học cơ sở : Số trường hiện hữu là 59 trường, tăng thêm 58 trường ;
+ Trường Trung học phổ thông : Số trường hiện hữu là 19 trường, tăng thêm 61 trường.
2.4.4- Các ngành học khác : Mỗi quận-huyện có một trung tâm giáo dục thường xuyên, một trường khuyết tật, một trung tâm kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp-dạy nghề ; quy mô khoảng từ 1 ha đến 3 ha/cơ sở.
2.4.5- Xây dựng mới 4 trường Trung học chuyên nghiệp tại quận 9, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi (theo tiêu chuẩn 10 m2/chỗ học).
2.4.6 Nâng cấp các trường Trung học chuyên nghiệp hiện có thành trường Cao đẳng (Trung học kinh tế, Trung học Sư phạm Mầm non, Trung học kỹ thuật nghiệp vụ Lý Tự Trọng).
2.4.7- Nâng cấp trường Cao đẳng sư phạm thành phố thành trường Đại học Sài Gòn, diện tích 30 ha tại quận 8.
2.5- Xây dựng cơ sở vật chất đến năm 2010 :
2.5.1- Số phòng học cần xây dựng mới đến năm 2010 để đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày là 22.207 phòng ; chia ra như sau :
+ Mầm non : 6.805 phòng (tương đương 340 cơ sở) ;
+ Tiểu học : 7.363 phòng (tương đương 245 cơ sở) ;
+ Trung học cơ sở : 5.004 phòng (tương đương 111 cơ sở) ;
+ Trung học phổ thông : 3.035 phòng (tương đương 67 cơ sở) ;
+ 4 trường Trung học chuyên nghiệp ;
+ 15 trung tâm giáo dục thường xuyên, 12 trung tâm can thiệp sớm-trường khuyết tật.
2.5.2- Quỹ đất cần tăng thêm cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông là 1.024,60 ha ; cho giáo dục khác là 61,5 ha.
2.6- Xây dựng cơ sở vật chất đến năm 2005 :
2.6.1- Số phòng học cần xây dựng mới đến năm 2005, để đảm bảo 50% học sinh học 2 buổi/ngày, phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, đào tạo dạy nghề, ... là 9.343 phòng, chia ra như sau :
+ Mầm non : 2.940 phòng (tương đương 120 cơ sở) ;
+ Tiểu học : 2.250 phòng (tương đương 75 cơ sở) ;
+ Trung học cơ sở : 2.850 phòng (tương đương 92 cơ sở) ;
+ Trung học phổ thông : 1.303 phòng (tương đương 18 cơ sở) ;
+ Trung tâm giáo dục thường xuyên : 15 trường ;
+ Trung tâm can thiệp sớm-trường khuyết tật : 12 trường ;
+ Trung học chuyên nghiệp : 4 trường tại quận 9, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi.
2.6.2- Quỹ đất cần tăng thêm 292 ha.
3. Các giải pháp phát triển mạng lưới ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố :
3.1- Giải pháp về đất :
3.1.1- Khu vực 1 và khu vực 2 :
+ Hoán chuyển, thanh lý các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở mới hay nâng cấp các cơ sở cũ có điều kiện phát triển ;
+ Thu hồi các diện tích đất bị chiếm dụng trái phép trong khuôn viên các trường để mở rộng thêm mặt bằng ;
+ Tùy theo điều kiện hiện có các trường đề xuất các giải pháp giữ nguyên, cải tạo hoặc mở rộng, nâng cấp kết hợp với xây tầng cao để dành diện tích đất cho sân chơi, thể dục-thể thao,... Tập trung vào cải tạo, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại ;
+ Nghiên cứu đề xuất phương án quản lý theo cụm, không cần thiết theo ranh giới hành chính, các trường hay cụm trường có thể cùng sử dụng chung một số cơ sở vật chất như sân tập luyện thể thao, phòng thí nghiệm, vườn trường,.... ;
+ Các trường xây dựng mới phải đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.
3.1.2- Khu vực 3 và khu vực 4 :
+ Phát triển đồng bộ mạng lưới trường học theo đúng qui hoạch chi tiết trên địa bàn ; sử dụng quỹ đất công vào xây dựng trường học, các trường xây dựng mới phải đạt chuẩn theo quy định ;
+ Đầu tư nâng cấp các cơ sở trường học hiện có.
3.2- Giải pháp tạo nguồn vốn :
3.2.1- Thanh lý các cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn.
3.2.2- Đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa giáo dục, phát huy các nguồn lực trong nhân dân, khuyến khích phát triển loại hình trường bán công, dân lập, tư thục,...
3.2.3- Ban hành quy chế đóng góp công ích cho xây dựng trường lớp từ các chủ đầu tư đối với các dự án kinh doanh phát triển nhà trong các khu qui hoạch dân cư trên địa bàn.
3.2.4- Thành phố sẽ tìm nguồn vốn ODA, các nguồn vay có lãi suất thấp, phát hành trái phiếu để phát triển trường học.
Điều 2.- Tổ chức thực hiện :
2.1- Trong quá trình điều chỉnh qui hoạch chung, qui hoạch tổng mặt bằng của thành phố và qui hoạch chi tiết từng khu vực ở địa bàn quận-huyện, Kiến trúc sư Trưởng thành phố có trách nhiệm thực hiện qui hoạch mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020 đã được phê duyệt.
2.2- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Sở Địa chính-Nhà đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Qui hoạch xây dựng và Ủy ban nhân dân các quận-huyện tiếp tục thực hiện qui hoạch chi tiết các địa điểm trường học trên từng địa bàn và đề xuất các giải pháp phối hợp, quản lý có hiệu quả.
2.3- Sau 6 (sáu) tháng kể từ khi ban hành quyết định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về qui hoạch địa điểm, diện tích mặt bằng cụ thể ; đề xuất phương án tạo nguồn vốn đền bù giải tỏa để giải phóng mặt bằng và kế hoạch triển khai xây dựng trường học thuộc các ngành học, cấp học trên địa bàn theo phân kỳ từng 5 năm, từ nay đến năm 2020.
Căn cứ kế hoạch thực hiện qui hoạch chi tiết của quận-huyện đã được phê duyệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm tổ chức đo đạc cắm mốc và quản lý các mặt bằng đã qui hoạch.
2.4- Viện Kinh tế chủ trì phối hợp với Sở Tài chính-Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Địa chính-Nhà đất và Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ chế huy động vốn, đề xuất các chính sách khuyến khích để các quận-huyện thực hiện đền bù giải tỏa, giữ mặt bằng cho xây dựng trường học.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Địa chính-Nhà đất, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Thủ trưởng các sở-ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.