BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 528/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2022 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TẠI NHÀ ĐỐI VỚI TRẺ EM MẮC COVID-19”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo Biên bản họp ngày 01/03/2022 của Hội đồng xây dựng các tài liệu, hướng dẫn chuyên môn và quy định bảo đảm công tác chẩn đoán và điều trị COVID-19 được thành lập theo Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19”.
Điều 2. Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19” được áp dụng tại tuyến y tế cơ sở và các gia đình.
Điều 3. Giao Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19” để xây dựng và triển khai Hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 5. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh thanh tra Bộ, Tổng Cục trưởng, Cục trưởng và Vụ trưởng các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
CHĂM SÓC TẠI NHÀ ĐỐI VỚI TRẺ EM MẮC COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 528/QĐ-BYT ngày 03 tháng
03 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
DANH
SÁCH BAN BIÊN SOẠN
“HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TẠI NHÀ ĐỐI VỚI TRẺ EM MẮC COVID-19”
Chỉ đạo biên soạn |
|
PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn |
Thứ trưởng Bộ Y tế |
Chủ biên |
|
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê |
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế |
Đồng chủ biên |
|
GS.TS. Nguyễn Gia Bình |
Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam |
GS.TS. Nguyễn Văn Kính |
Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW |
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng |
Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh |
Tham gia biên soạn và thẩm định |
|
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh |
Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc – Trường Đại học Dược Hà Nội, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai |
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu |
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh |
TS. Vương Ánh Dương |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế |
BSCKII. Nguyễn Hồng Hà |
Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW |
TS. Lê Quốc Hùng |
Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy |
BS. Trương Hữu Khanh |
Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh, cố vấn bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh |
TS. Nguyễn Trọng Khoa |
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế |
TS. Nguyễn Phú Hương Lan |
Trưởng khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM |
BS. Lương Chấn Lập |
Chuyên viên phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP Hồ Chí Minh |
BSCKII. Bùi Nguyễn Thành Long |
Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP Hồ Chí Minh |
ThS. Ngô Thị Hương Minh |
Phó Trưởng phòng Kinh doanh Dược, Cục Quản lý Dược |
PGS.TS. Phùng Nguyễn Thế Nguyên |
Chủ nhiệm bộ môn Nhi trường ĐHYD TP. HCM, trưởng khoa COVID-19 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh |
ThS. Nguyễn Thị Thanh Ngọc |
Phụ trách phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Bảo vệ sức khoẻ cán bộ, Cục QLKCB - Bộ Y tế |
ThS. Trương Lê Vân Ngọc |
Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Bảo vệ sức khoẻ cán bộ, Cục QLKCB - Bộ Y tế |
ThS. Cao Đức Phương |
Chuyên viên phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Bảo vệ sức khoẻ cán bộ, Cục QLKCB - Bộ Y tế |
PGS.TS. Phạm Thị Ngọc Thảo |
Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy |
BSCKII. Nguyễn Minh Tiến |
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh |
BSCKII. Nguyễn Thanh Trường |
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh |
TS. Tạ Anh Tuấn |
Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa – Bệnh viện Nhi TW |
ThS. Nguyễn Thanh Tuấn |
Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh |
TS. Cao Việt Tùng |
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương |
TS. Vũ Đình Phú |
Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW |
Thư ký biên soạn |
|
PGS.TS. Phùng Nguyễn Thế Nguyên |
Chủ nhiệm bộ môn Nhi trường ĐHYD TP. HCM, trưởng khoa COVID-19 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh |
TS. Tạ Anh Tuấn |
Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa – Bệnh viện Nhi TW |
ThS. Trương Lê Vân Ngọc |
Phó trưởng phòng Nghiệp vụ - Thanh tra - Bảo vệ sức khoẻ cán bộ, Cục QLKCB - Bộ Y tế |
BS. Nguyễn Thị Dung |
Chuyên viên Cục QLKCB - Bộ Y tế |
DS. Đỗ Thị Ngát |
Chuyên viên Cục QLKCB - Bộ Y tế |
MỤC LỤC
I. TIÊU CHÍ ĐỐI VỚI TRẺ EM MẮC COVID-19 ĐƯỢC CHĂM SÓC TẠI NHÀ
II. KHAI BÁO Y TẾ
III. CHUẨN BỊ CẦN THIẾT ĐỂ CHĂM SÓC TRẺ TẠI NHÀ
1. Các vật dụng cần thiết tại nhà:
2. Thuốc điều trị tại nhà
3. Cách ly, phòng lây nhiễm
4. Phương tiện liên lạc
IV. HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ TẠI NHÀ
1. Hướng dẫn theo dõi sức khỏe trẻ mắc COVID-19
2. Thuốc điều trị
3. Thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn
4. Xét nghiệm để kết thúc cách ly, chăm sóc tại nhà
V. NHIỆM VỤ CỦA TRẠM Y TẾ, CƠ SỞ QUẢN LÝ TẠI NHÀ
HƯỚNG DẪN
CHĂM SÓC TẠI NHÀ ĐỐI VỚI TRẺ EM MẮC COVID-19
I. TIÊU CHÍ ĐỐI VỚI TRẺ EM MẮC COVID-19 ĐƯỢC CHĂM SÓC TẠI NHÀ
1. Tiêu chí lâm sàng
- Trẻ em ≤ 16 tuổi mắc COVID được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.
- Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi).
- Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
2. Có người chăm sóc
Như bố, mẹ, người thân… có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ (sau đây gọi chung là người chăm sóc), có khả năng liên lạc với nhân viên y tế (qua các phương tiện như điện thoại, máy tính…) để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.
1. Đánh giá nhanh khả năng trẻ em được chăm sóc tại nhà: Nhân viên y tế, cơ sở y tế hoặc người chăm sóc đánh giá trẻ em thuộc đối tượng được chăm sóc tại nhà theo quy định tại mục I trên đây.
2. Người chăm sóc thông báo với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà… theo hướng dẫn của địa phương về: thông tin cá nhân, thời điểm được xác định mắc COVID-19, khả năng được chăm sóc tại nhà, thời điểm hết cách ly, điều trị tại nhà.
3. Trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở quản lý trẻ mắc COVID-19 thu thập thông tin và lập danh sách người mắc COVID-19 tại nhà theo mẫu quy định tại Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà”.
III. CHUẨN BỊ CẦN THIẾT ĐỂ CHĂM SÓC TRẺ TẠI NHÀ
1. Các vật dụng cần thiết tại nhà
a) Nhiệt kế;
b) Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có);
c) Khẩu trang y tế;
d) Phương tiện vệ sinh tay;
đ) Vật dụng cá nhân cần thiết;
e) Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
2. Thuốc điều trị tại nhà
a) Thuốc hạ sốt: paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, đủ dùng từ 5-7 ngày).
b) Thuốc cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
c) Thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc), đủ dùng từ 5-7 ngày.
d) Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.
đ) Thuốc điều trị bệnh nền (nếu cần, đủ sử dụng trong 01-02 tuần).
3. Cách ly, phòng lây nhiễm
a) Tạo không gian cách ly riêng cho trẻ nhất là khi trẻ có khả năng tự chăm sóc. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ.
b) Đeo khẩu trang: trẻ em mắc COVID-19 (với trẻ ≥ 2 tuổi), người chăm sóc, người trong gia đình và trẻ em ≥ 2 tuổi.
c) Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa trẻ mắc COVID-19 và những người khác nếu có thể được.
4. Phương tiện liên lạc
Điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh…).
IV. HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ TẠI NHÀ
1. Hướng dẫn theo dõi sức khỏe trẻ mắc COVID-19
1.1. Trẻ dưới 5 tuổi
a) Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.
b) Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
(1) Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật
(2) Sốt cao liên tục >39◦C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h
(3) Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:
- Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;
- Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút;
- Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
(4) Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn…
(5) Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít…
(6) Tím tái
(7) SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
(8) Nôn mọi thứ
(9) Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
(10) Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…
(11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
1.2. Trẻ từ 5 tuổi trở lên
a) Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác.
b) Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
(1) Cảm giác khó thở.
(2) Ho thành cơn không dứt
(3) Không ăn/uống được
(4) Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
(5) Nôn mọi thứ
(6) Đau tức ngực
(7) Tiêu chảy
(8) Trẻ mệt, không chịu chơi
(9) SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
(10) Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
(11) Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn…
(12) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
a) Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,5◦C: Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn, cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi, chi tiết trong Phụ lục); Lưu ý tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.
b) Thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;
c) Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.
d) Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:
- Ho: Có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc).
- Ngạt mũi, xổ mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.
- Tiêu chảy: men vi sinh, men tiêu hóa.
đ) Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.
e) Lưu ý:
- Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm… khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.
- Không xông cho trẻ em.
3. Thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn
a) Với trẻ mắc COVID-19:
- Không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly.
- Không sử dụng chung vật dụng với người khác.
- Không ăn uống cùng với người khác.
- Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.
b) Người chăm sóc:
- Rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, bồn rửa mặt...
- Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.
- Đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn (nếu có), vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc.
4. Xét nghiệm để kết thúc cách ly, chăm sóc tại nhà
a) Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vi rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc do người chăm sóc, trẻ tự thực hiện tại nhà.
b) Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.
V. NHIỆM VỤ CỦA TRẠM Y TẾ, CƠ SỞ QUẢN LÝ TẠI NHÀ
1. Quản lý danh sách trẻ mắc COVID-19 tại nhà theo mẫu quy định tại Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà”.
2. Đánh giá và phân loại trẻ mắc COVID-19 được quản lý tại nhà.
3. Hướng dẫn người chăm sóc theo dõi sức khỏe trẻ mắc COVID-19.
4. Xử trí cấp cứu, hướng dẫn người chăm sóc chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu, triệu chứng bất thường.
5. Xác nhận khỏi bệnh cho trẻ theo quy định hiện hành.
6. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định hiện hành.
HƯỚNG DẪN LIỀU LƯỢNG THUỐC
PARACETAMOL CHO TRẺ EM THEO TUỔI
(chỉ dùng khi không biết cân nặng – tối ưu nhất là tính liều theo cân nặng của
trẻ)
Độ tuổi trẻ em |
Thuốc |
Liều thuốc mỗi lần |
< 1 tuổi |
Paracetamol 80mg |
1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 1 đến dưới 2 tuổi |
Paracetamol 150mg |
1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 2 đến dưới 5 tuổi |
Paracetamol 250mg |
1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 5 đến 12 tuổi |
Paracetamol 325mg |
1 viên x 4 lần/ ngày |
Trên 12 tuổi |
Paracetamol 500mg |
1 viên x 4 lần/ ngày |
* Ghi chú: Uống paracetamol khi sốt trên 38,50C, có thể lặp lại mỗi 04 giờ đến 06 giờ nếu vẫn còn sốt.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.