THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
Số: 145/1998/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 1998 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993;
Để việc quản lý và sử dụng rừng PAM phù hợp với mục tiêu của Dự án: hỗ trợ
cho các hộ gia đình nông dân nghèo trồng rừng trên đất trống đồi trọc, giải quyết
nhu cầu chất đốt, gỗ gia dụng và nâng cao năng lực phòng hộ của rừng, chống xói
mòn, bảo vệ đất và cải thiện môi trường sinh thái;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ
trình số 2498/BNN-CS ngày 26 tháng 6 năm 1998,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (gọi ta tắt là rừng PAM) nói trong Quyết định này là những khu rừng có sử dụng nguồn vốn tài trợ của PAM để trồng và chủ rừng đã tự đầu tư bổ sung vốn và lao động để chăm sóc, bảo vệ theo mục tiêu của Dự án.
Điều 2. Các nguyên tắc về quản lý và sử dụng rừng PAM:
1. Các chủ rừng khi tiến hành khai thác, sử dụng rừng PAM phải bảo đảm tái tạo rừng theo hướng ổn định, bền vững, phát huy tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường.
2. Bảo đảm quyền hưởng lợi của chủ rừng phù hợp với mục tiêu của Dự án đã được Chính phủ thỏa thuận với tổ chức PAM.
3. Tạo điều kiện để chủ rừng được khai thác, sử dụng, tiêu thụ sản phẩm từ rừng PAM được thuận lợi.
Điều 3. Đối tượng xác định chủ rừng PAM:
1. Chủ rừng PAM là những tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có một trong các điều kiện sau đây:
a) Đã trực tiếp nhận vốn tài trợ của PAM để trồng rừng trên đất được Nhà nước giao quyền sử dụng ổn định, lâu dài cho mình;
b) Đã trực tiếp nhận vốn tài trợ của PAM để trồng rừng trên đất do người có quyền sử dụng đất hợp pháp lâu dài giao khoán theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên (Bên giao khoán và Bên nhận khoán);
c) Đã được các hợp tác xã, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng hợp pháp rừng PAM hoặc được chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp và người được chuyển nhượng đã trồng rừng PAM.
2. Đối với rừng PAM do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã trồng trên đất quy hoạch các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu thì nay giao lại cho các Tổ chức được Nhà nước giao quản lý các khu rừng đó làm chức năng chủ rừng. Các Tổ chức này khoán ổn định lâu dài cho họ bảo vệ và khai thác theo quy định của từng loại rừng.
3. Đối với rừng PAM xuất do các hợp tác xã, hoặc các tổ chức đã trồng trên đất quy hoạch rừng sản xuất nay đã giải thể, nhưng chưa chuyển nhượng hợp pháp quyền sử dụng đất và rừng đó, thì giao lại cho Uỷ ban nhân dân xã trực tiếp quản lý để giao khoán cho các hộ gia đình.
Điều 4. Chính sách sử dụng rừng PAM:
Đối với rừng PAM trồng trên đất quy hoạch rừng sản xuất, rừng phòng hộ ở vùng ít xung yếu, rừng phòng hộ cục bộ ở trong phạm vi một thôn, một xã thì chủ rừng có quyền sở hữu hoàn toàn đối với rừng do mình gây trồng, có quyền chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và được khai thác, sử dụng sản phẩm rừng PAM phù hợp với quy chế quản lý của từng loại rừng.
Hộ nhận khoán rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa, nông, lâm kết hợp và các lâm sản phụ dươí tán rừng; được khai thác rừng theo thiết kế của bên giao khoán phù hợp với quy chế quản lý của từng loại rừng.
Khi khai thác và tiêu thụ sản phẩm rừng PAM, chủ rừng chỉ cần báo với cơ quan kiểm lâm gần nhất hoặc ủy ban nhân dân xã, thị trấn sở tại để trong vòng 10 ngày được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hợp pháp từ rừng trồng, làm căn cứ để vận chuyển lưu thông.
Điều 5. Nghĩa vụ của chủ rừng khi khai thác rừng PAM.
1. Trồng lại rừng hoặc xúc tiến tái sinh để tái tạo rừng, bảo đảm cho rừng phát triển bền vững để giữ gìn ổn định môi trường sinh thái.
Trong vòng một năm sau khi khai thác nếu chủ rừng không có biện pháp để tái tạo rừng thì Hạt kiểm lâm hoặc Uỷ ban nhân dân xã đề nghị ủy ban nhân dân huyện thu hồi lại đất và tiền hỗ trợ đầu tư của chương trình PAM cho chủ rừng để giao cho người khác sử dụng và gây trồng lại rừng.
2. Đóng thuế sử dụng đất theo luật định.
3. Hỗ trợ cho ngân sách xã một khoản tiền tương đương giá trị 100 kg gạo/ha nếu trồng rừng lâu năm khai thác một lần, hoặc bằng 3% giá trị sản phẩm khai thác hàng năm nếu trồng cây lâu năm thu hoạch hàng năm (thông nhựa, cây lấy quả ...). Khoản kinh phí này chỉ dùng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của xã.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và chỉ áp dụng đối với rừng PAM. Những văn bản trước đây có nội dung trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
Nguyễn Công Tạn (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.