THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1292/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2014 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Xét đề nghị của Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động) với các nội dung chủ yếu sau:
1. Định hướng
Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm, môi trường, sử dụng năng lượng bền vững.
2. Mục tiêu
- Hoàn thiện cơ chế và chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức, năng lực thực thi, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Thu hút đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng để doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng quốc gia.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao các công nghệ chế tạo thiết bị, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng phù hợp với các điều kiện cụ thể của Việt Nam.
3. Kế hoạch hành động
Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng gồm 36 hành động, chia theo lĩnh vực (Phụ lục kèm theo) như sau:
a) Lĩnh vực sản xuất thiết bị xử lý môi trường: từ hành động số 1 đến số 6.
b) Lĩnh vực dịch vụ môi trường: từ hành động số 7 đến số 11.
c) Lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải: từ hành động số 12 đến số 16.
d) Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính: từ hành động số 17 đến số 25.
đ) Lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ: từ hành động số 26 đến số 36.
4. Giải pháp thực hiện
- Nhà nước tăng cường công tác quản lý, tạo sức ép và thị trường đầu ra; đồng thời, ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư; thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của nước ngoài tham gia thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ để thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
5. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động được huy động từ các nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, vốn viện trợ quốc tế, vốn huy động từ xã hội, đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.
- Kinh phí để thực hiện các hành động thuộc lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ được Nhà nước đảm bảo từ nguồn vốn Ngân sách và một phần từ nguồn tài trợ của nước ngoài (nếu có).
- Kinh phí để thực hiện các hành động đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp môi trường và tiết kiệm được huy động từ nguồn lực của xã hội, đầu tư nước ngoài, vốn viện trợ quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.
6. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Công Thương có trách nhiệm:
- Căn cứ vào nội dung của Kế hoạch hành động, tổ chức, phân công các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình chủ trì triển khai thực hiện;
- Làm đầu mối đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính từ Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các hành động thuộc lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ; huy động, điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, nguồn vốn từ xã hội và các nguồn vốn khác để thực hiện Kế hoạch hành động.
- Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được phân công trong Kế hoạch hành động.
c) Bộ Tài chính có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán và đảm bảo kinh phí cho việc triển khai thực hiện các hành động thuộc lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ tại các Bộ theo quy định hiện hành.
- Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được phân công trong Kế hoạch hành động.
d) Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể được phân công trong Kế hoạch hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình.
- Hàng năm tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công gửi Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ.
đ) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý các KCN có trách nhiệm:
- Tổ chức xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình.
- Hàng năm tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án được phân công, gửi Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
PHÁT
TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÔI TRƯỜNG VÀ TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG
ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1292/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của
Thủ tướng Chính phủ)
1. Vị trí, vai trò của ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Ngành công nghiệp môi trường đã và đang thu hút được sự quan tâm đầu tư phát triển của xã hội. Việt Nam, với dân số 90 triệu người, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày đang tạo ra một khối lượng lớn chất thải rắn, nước thải và khí thải đòi hỏi ngành công nghiệp môi trường phải xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã giao Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường; Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương cũng quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với ngành công nghiệp môi trường.
Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về phát triển ngành công nghiệp môi trường như: Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2009 phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, 249/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 phê duyệt “Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020”, số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 phê duyệt “Chiến lược Bảo vệ Môi trường quốc gia đến năm 2020” trong đó nêu rõ giải pháp “Phát triển ngành công nghiệp môi trường chú trọng phát triển các năng lực cung ứng dịch vụ môi trường nhất là xử lý, tái chế chất thải” v.v..
Ngành tiết kiệm năng lượng đã và đang thu hút được sự quan tâm đầu tư phát triển của xã hội. Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được triển khai thực hiện một cách sâu rộng, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua năm 2010, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng đã được ban hành.
Theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Do đó, để đảm bảo phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang trở thành một yêu cầu cấp thiết dưới sức ép của nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước hạn chế và xu hướng tăng giá năng lượng trên toàn cầu, cũng như việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ... Yêu cầu này đã được thể chế hóa theo Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngành công nghiệp đóng một vai trò quan trọng bởi vì công nghiệp vừa là “người tiêu thụ” lượng năng lượng lớn (như ngành: gốm, sứ, giấy, thép, xi măng v.v..), đồng thời vừa là “nhà sản xuất” các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
2. Phân tích cung - cầu ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp tạo nên sức ép môi trường đang gia tăng, đòi hỏi phải phát triển các năng lực xử lý/chế biến mới, đủ sức giải quyết các vấn đề môi trường đang đặt ra. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, đến năm 2015, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các đô thị từ loại IV trở lên ước tính khoảng 37.000 tấn/ngày và đến năm 2020 là 59.000 tấn/ngày, tăng gấp 1,7 - 4 lần so với hiện tại. Khối lượng chất thải rắn phát sinh ở các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp ở Việt Nam được dự báo đến năm 2015 vào khoảng 26.000 tấn/ngày, năm 2020 khoảng 57.000 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ chất thải nguy hại chiếm khoảng 0,4%. Theo kết quả điều tra, mỗi ha khu công nghiệp hàng ngày thải ra khoảng 25-50m3 nước thải và tạo ra khoảng 200 tấn chất thải rắn/ha/năm. Tính đến tháng 12/2013, Việt Nam có khoảng 293 khu công nghiệp tập trung (KCN), hơn 878 cụm công nghiệp (CCN) và 15 khu kinh tế (KKT) đang hoạt động. Trong số 207 KCN đã đi vào hoạt động, có 158 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành, chiếm 76,3% tổng số KCN đang hoạt động. Do tính chất đặc thù tổng hợp đa ngành, các KKT không có hệ thống xử lý nước thải tập trung mà sử dụng hệ thống xử lý nước thải của các KCN trong các KKT. Đối với CCN, theo số liệu năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có khoảng 3% số CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 97% còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn đầu ra của môi trường.
Theo Báo cáo môi trường quốc gia 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn thông thường phát sinh trên cả nước vào khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó chất thải rắn công nghiệp thông thường là 6,88 triệu tấn/năm, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 19 triệu tấn/năm, chất thải rắn y tế thông thường vào khoảng 2,12 triệu tấn/năm. Hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường chủ yếu do các Công ty môi trường đô thị tại các địa phương thực hiện. Ước tính tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt khoảng 83%, ở khu vực nông thôn đạt khoảng 40 - 55%; chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt khoảng 65%; tỷ lệ chất thải rắn y tế được thu gom đạt trên 75%.
Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có giao thông, y tế và du lịch cũng đóng góp lớn vào tổng lượng thải, với tỷ lệ chất thải nguy hại cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, hiện có khoảng 13.500 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 1.263 bệnh viện các tuyến, trên 1.000 cơ sở Viện, Trung tâm công nghiệp môi trường, y tế dự phòng và các cơ sở tư nhân khác. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở công nghiệp môi trường, y tế vào khoảng 350 tấn/ngày, trong đó 10-20% (trung bình 40,5 tấn/ngày hiện nay) là chất thải nguy hại. Mức độ gia tăng của loại chất thải này khá cao, khoảng 7,6%/năm. Với năng lực xử lý hiện tại còn rất thấp, mới chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu, thì đây sẽ là thách thức không nhỏ cho ngành công nghiệp môi trường.
Theo số liệu thống kê năm 2011, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường là 928 doanh nghiệp, trong đó, có khoảng hơn 10 doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế tạo thiết bị công nghệ môi trường như hệ thống lọc khí, bụi, lò đốt chất thải nguy hại và thông thường, các thiết bị công nghệ phân loại rác, sản xuất phân compost, viên nhiên liệu, 125 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải (105 nhà máy xử lý nước thải cho khu công nghiệp với tổng công suất thiết kế 201.950 m3/ngày đêm, chiếm 61% tổng số khu công nghiệp đang hoạt động, tốc độ tăng trưởng năng lực xử lý nước thải khoảng 10%/năm; Khu vực đô thị, cả nước có 20 dự án với tổng công suất 1,75 triệu m3/ngày đêm, trong đó có 12 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất 415 ngàn m3/ngày đêm); 473 doanh nghiệp làm dịch vụ xử lý chất thải rắn. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 5 năm 2012, cả nước có 86 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại, đã được cấp phép. Số lượng lao động làm việc trong lĩnh vực liên quan đến các hoạt động môi trường năm 2011 là 82.406 người; trong đó, lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước có 27.713 lao động (43%); thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu có 31.738 lao động (49%), còn lại khoảng 4.687 lao động làm việc trong lĩnh vực khác.
Nhu cầu về công nghệ và thiết bị công nghiệp môi trường đến năm 2020 được xác định là rất cao, bao gồm các lĩnh vực dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, y tế và chất thải nguy hại); xử lý nước thải đô thị và nước thải công nghiệp; sản xuất các thiết bị xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn; nghiên cứu phát triển và chuyển giao các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, những lĩnh vực có tiềm năng phát triển có thể kể đến là nghiên cứu, chuyển giao và hỗ trợ áp dụng các quy trình công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như: thép, giấy, xi măng và gốm sứ, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ xanh như đèn chiếu sáng LED, các thiết bị điện tử và điện lạnh hiệu suất cao v.v..
“Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 đã và đang được tổ chức thực hiện, bước đầu thu được những kết quả nhất định. Đã xây dựng và trình Chính phủ Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đang triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp môi trường, trong đó có quy định các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp môi trường. Nhiều loại công nghệ, thiết bị xử lý chất thải đã được nghiên cứu, có khả năng chuyển giao áp dụng vào thực tế. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp môi trường được hình thành và phát triển, đáp ứng được một phần nhu cầu công nghệ, thiết bị xử lý môi trường trong nước.
Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng đang được quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, các sản phẩm thiết bị tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo chưa được phát triển nhiều. Hiện tại mới chỉ có một số ít chủng loại thiết bị tiết kiệm năng lượng được sản xuất và sử dụng như bóng đèn compact, đèn LED, vòng bi rãnh sâu trong động cơ điện, quạt điện, máy giặt, điều hòa không khí sử dụng biến tần, nồi cơm điện và tủ lạnh v.v... Tiềm năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng rất lớn nhưng hiện nay các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp chủ yếu dựa trên việc thay đổi quản lý và tổ chức sản xuất hơn là đầu tư vào dây chuyền sản xuất, công nghệ và thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả do Việt Nam chưa có đầy đủ cơ sở hạ tầng và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện để phổ biến công nghệ, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp.
3. Những vấn đề tồn tại của ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam
Năng lực ngành công nghiệp môi trường vẫn còn yếu kém, đến nay mới đáp ứng 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực tái chế như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử v.v.. chưa phát triển.
Kết quả thu hút các nguồn vốn đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Lĩnh vực dịch vụ môi trường vẫn dựa chủ yếu vào kinh phí cấp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải đô thị.
Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường vẫn chưa được phê duyệt, chậm so với quy định tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và thực hiện, chưa nghiêm túc và hiệu quả. Việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm đầu tư cho xử lý môi trường. Giá dịch vụ môi trường vẫn ở mức thấp, ít hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây sẽ là khó khăn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Cơ sở hạ tầng, dây chuyền công nghệ, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trong công nghiệp cũng như các dự án sản xuất sản phẩm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đòi hỏi công nghệ cao và đầu tư lớn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam có nguồn lực tài chính hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa có cơ hội tiếp cận dây chuyền công nghệ, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị tiết kiệm năng lượng vẫn chỉ dừng ở giai đoạn lắp ráp, gia công. Số lượng các sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực môi trường và tiết kiệm năng lượng còn hạn chế, chỉ tập trung vào việc xử lý chất thải rắn, nước thải và chất thải nguy hại, hàm lượng công nghệ thấp. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ, thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là trong công nghiệp vẫn chưa phổ biến.
Năng lực và sự liên kết giữa nghiên cứu và triển khai sản xuất hàng loạt các thiết bị môi trường và tiết kiệm năng lượng còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp môi trường của nhà nước còn yếu kém về đầu tư vốn và công nghệ. Trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp nước ngoài đóng vai trò chi phối; các doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội để phát triển.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ về ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đang tác động tiêu cực tới quá trình giám sát và hoạch định chính sách cho ngành công nghiệp này.
Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng bền vững.
1. Hoàn thiện cơ chế và chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
2. Tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức, năng lực thực thi, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
3. Thu hút đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng để doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng quốc gia.
4. Nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao các công nghệ chế tạo thiết bị, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng phù hợp với các điều kiện cụ thể của Việt Nam.
IV. CÁC VẤN ĐỀ MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC
1. Môi trường đầu tư, bao gồm khuôn khổ pháp lý, thủ tục hành chính, chính sách khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các yếu tố khác như thông tin, nhận thức của cộng đồng, năng lực thực hiện, giám sát thực thi các quy định đã ban hành v.v.. đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Vì vậy, để thực hiện thành công Chiến lược công nghiệp hóa và Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, cần thiết phải hoàn thiện cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn để thu hút đầu tư. Các cơ chế, chính sách cần đồng bộ và nhất quán, được hình thành trên cơ sở có sự tham vấn của doanh nghiệp, vừa tạo được động lực thu hút đầu tư, vừa tạo được áp lực lên các cơ sở sản xuất để tạo cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nhà đầu tư.
2. Trên cơ sở môi trường đầu tư thuận lợi đã được ban hành, cần công bố thông tin rộng rãi và tập trung thu hút được đầu tư của các doanh nghiệp tiềm năng để thực hiện được mục tiêu của Kế hoạch hành động.
3. Huy động tối đa sự tham gia của các bên: Chính phủ - doanh nghiệp - nhà khoa học và các chuyên gia đến từ các viện, trường và các chuyên gia quốc tế vào quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá kết quả phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
4. Tăng cường giám sát thị trường và tình hình thực hiện các quy định, công bố kết quả giám sát định kỳ.
TT |
Hành động |
Thời gian thực hiện |
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
A. |
Sản xuất thiết bị xử lý môi trường |
|
|
|
1. |
Chế tạo thiết bị lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện cho các nhà máy có lượng phát thải khí lớn như nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện v.v. |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT |
2. |
Sản xuất bể xử lý nước thải kiểu mô đun để xử lý nước thải phân tán phù hợp cho các tòa nhà, khu chung cư, khu dân cư phân tán, làng nghề, các điểm dịch vụ đơn lẻ v.v.. |
2015-2020 |
Bộ Xây dựng |
Bộ Công Thương, Bộ TN&MT |
3. |
Sản xuất xe chuyên dùng phun nước-quét rác, xe chở rác thải, xe hút bùn thải, thông cống v.v.. |
2015-2020 |
Bộ Giao Thông vận tải |
Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng |
4. |
Sản xuất hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh trên các phương tiện giao thông vận tải (toa xe khách, tàu thủy). |
2015-2020 |
Bộ Giao Thông vận tải |
Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng |
5. |
Sản xuất thiết bị phân loại rác thải, lò đốt rác, dây chuyền sản xuất phân vi sinh |
2015-2020 |
Bộ Xây dựng |
Bộ Công Thương, Bộ TN&MT |
6. |
Sản xuất thiết bị phân tích, quan trắc môi trường |
2015-2020 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Công Thương |
B. |
Phát triển dịch vụ môi trường |
|||
7. |
Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung tại các thành phố |
2015-2020 |
UBND các thành phố |
Các Bộ: TN&MT, Xây dựng |
8. |
Đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung tại các khu công nghiệp |
2015-2020 |
Ban Quản lý các KCN |
Các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, Xây dựng |
9. |
Đầu tư xây dựng các nhà máy phân loại rác-sản xuất phân vi sinh-đốt rác kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện |
2015-2020 |
Bộ Xây dựng |
Bộ Công Thương |
10. |
Đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại tập trung |
2016-2020 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Công Thương |
11. |
Phát triển và chuyển giao công nghệ xử lý nước thải ngành thuộc da và mía đường |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
C. |
Tái chế, tái sử dụng chất thải |
|||
12. |
Xây dựng nhà máy tái chế nhựa phế thải thành dầu nhiên liệu hoặc các sản phẩm khác |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: TN&MT, Xây dựng |
13. |
Xây dựng nhà máy tái chế dầu thải thành dầu nhiên liệu hoặc các sản phẩm khác |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: TN&MT, Xây dựng |
14. |
Xây dựng trung tâm thu gom, tái chế các phương tiện vận tải hết niên hạn sử dụng |
2015-2020 |
Bộ Giao thông vận tải |
Các Bộ: Công Thương, TN&MT |
15. |
Thử nghiệm và triển khai mô hình thu gom, tái chế rác thải thiết bị điện và điện tử |
2015-2020 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các Bộ: Công Thương, Xây dựng |
16. |
Thử nghiệm và triển khai mô hình sản xuất biodiesel và các sản phẩm có giá trị khác (DHA, alkaloid, chất chống oxy hóa ...) từ các loại vật liệu như: mỡ cá, mỡ động vật, dầu ăn thải, các loại hạt cây cao su, Jatropha, đậu dầu |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
D. |
Tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính |
|||
17. |
Đầu tư sản xuất bóng đèn chiếu sáng LED |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: KH&CN, Xây dựng |
18. |
Phát triển cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và sản xuất thiết bị phục vụ phổ biến sử dụng khí thiên nhiên hiệu suất cao trong các ngành công nghiệp tại Việt Nam |
2018-2020 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải |
19. |
Triển khai mô hình sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính ở các nhà máy sản xuất bia |
2014-2020 |
Bộ Công Thương |
Các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
20. |
Triển khai mô hình tiết kiệm năng lượng ở các bệnh viện, khách sạn, tòa nhà công sở lớn |
2014-2020 |
Bộ Xây dựng |
Bộ Công Thương và các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
21. |
Triển khai mô hình nâng cao hiệu suất năng lượng ở các nhà máy chế biến thủy sản |
2014-2020 |
Bộ Công Thương |
Các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
22. |
Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
23. |
Phát triển công nghệ xử lý nước thải ngành chế biến thực phẩm theo phương pháp khuấy trộn xoáy sử dụng ozon |
2015-2020 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
24. |
Phát triển công nghệ xử lý bùn thải của các trạm xử lý nước thải đô thị, chất thải hữu cơ từ khách sạn, nhà hàng, hộ gia đình có tận thu năng lượng |
2015-2020 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
25. |
Đầu tư sản xuất thiết bị sử dụng khí biogas độ bền cao |
2015-2020 |
Bộ Công Thương |
Các bộ, ngành, tổ chức liên quan |
E. |
Cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ |
|||
26. |
Xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp môi trường |
2014-2015 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: TN&MT, KH&ĐT và Tài chính |
27. |
Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả |
2014-2020 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: KH&CN, KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, GTVT |
28. |
Ban hành tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho sản phẩm |
2014-2020 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: KH&CN, GTVT, Xây dựng, GTVT, NN&PTNT |
29. |
Xây dựng cơ chế, chính sách trợ giá mua điện từ các tổ máy phát điện đồng hành trong nhà máy đốt rác, tổ máy phát điện đồng hành từ khí biogas |
2014-2015 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: TN&MT, KH&ĐT và Tài chính |
30. |
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất, tiêu thụ bóng đèn chiếu sáng LED |
2014-2015 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: TN&MT, KH&ĐT và Tài chính |
31. |
Rà soát, sửa đổi Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường |
2014-2015 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các Bộ: KH&ĐT và Tài chính |
32. |
Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức liên quan về bảo vệ môi trường |
2014-2015 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các Bộ: Công Thương, Xây dựng |
33. |
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và hướng dẫn thực hiện Cơ chế tín chỉ chung (JCM) Việt Nam - Nhật Bản |
2014 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Các Bộ: KH&ĐT và Tài chính |
34. |
Xây dựng quy định về thẩm định công nghệ, quản lý chất lượng đối với thiết bị, dây chuyền công nghệ xử lý môi trường. |
2014-2015 |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải |
35. |
Xây dựng quy định về xây dựng các cụm xử lý nước thải đối với các khu chung cư, cụm dân cư, tòa nhà lớn |
2014 |
Bộ Xây dựng |
Bộ TN&MT |
36. |
Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn 2016-2020 (tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” theo Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ) |
2016-2020 |
Bộ Công Thương |
Các Bộ: KH&CN, Xây dựng, TN&MT và các bộ, ngành, đơn vị liên quan |
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CƠ CHẾ GIÁM SÁT
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
- Căn cứ vào nội dung của Kế hoạch hành động, tổ chức, phân công các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình chủ trì triển khai thực hiện;
- Làm đầu mối đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xác định và phân bổ nguồn tài chính từ Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các hành động thuộc lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ; huy động, điều phối các nguồn tài trợ của nước ngoài, nguồn vốn từ xã hội và các nguồn vốn khác để thực hiện Kế hoạch hành động.
- Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được phân công trong Kế hoạch hành động.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán và đảm bảo kinh phí cho việc triển khai thực hiện các hành động thuộc lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ tại các Bộ theo quy định hiện hành.
- Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được phân công trong Kế hoạch hành động.
4. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể được phân công trong Kế hoạch hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình.
- Hàng năm tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công gửi Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý các KCN có trách nhiệm:
- Tổ chức xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình.
- Hàng năm tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án được phân công, gửi Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Giám sát thực hiện kế hoạch hoạt động
- Bộ Công Thương chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá chung kết quả thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; hàng năm báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược và Thủ tướng Chính phủ.
- Cáo Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng theo chức năng, nhiệm vụ và sự phân công trong Kế hoạch hành động; hàng năm gửi báo cáo kết quả về Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược và Thủ tướng Chính phủ.
- Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, các Bộ được phân công chủ trì thực hiện các hành động trong Kế hoạch hành động báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược và Thủ tướng Chính phủ.
7. Chỉnh sửa kế hoạch hành động
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động, nếu thấy cần thiết, Bộ Công Thương báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược điều chỉnh, bổ sung nội dung của Kế hoạch hành động cho phù hợp yêu cầu thực tế./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.