THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1290/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2014 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Xét đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |
PHÁT
TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT
NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN
2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số
1290/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Vị trí, vai trò, quá trình hình thành và phát triển của ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam
a) Phạm vi công nghiệp điện tử Việt Nam
Theo Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật công nghệ thông tin (CNTT) về công nghiệp CNTT, hoạt động công nghiệp phần cứng, điện tử bao gồm các loại hình thiết kế, chế tạo sản phẩm phần cứng; lắp ráp, gia công sản phẩm phần cứng; cung cấp dịch vụ công nghiệp phần cứng. Sản phẩm phần cứng bao gồm: Máy tính, thiết bị mạng, thiết bị ngoại vi; Điện tử nghe nhìn; Điện tử gia dụng; Điện tử chuyên dùng; Thông tin - viễn thông, thiết bị đa phương tiện; Phụ tùng, linh kiện điện tử; Các sản phẩm phần cứng khác.
b) Vị trí, vai trò ngành công nghiệp điện tử
Công nghiệp điện tử (CNĐT) là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Sự phát triển của CNĐT thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ khác, tạo cơ sở thu hút lao động, giải quyết việc làm. Một mặt CNĐT là một ngành mang lại lợi nhuận rất lớn, trở thành nguồn tích lũy tư bản của quốc gia. Mặt khác ngành CNĐT tạo ra khả năng hiện đại hóa các ngành công nghiệp khác và thay đổi tư duy cũng như cách làm việc của cả xã hội. Vì vậy CNĐT còn được coi là công nghệ cơ sở của xã hội hiện đại, làm chuyển đổi mạnh mẽ công nghệ sản xuất, cơ cấu kinh tế và hiện đại hóa các quan hệ kinh tế, văn hóa xã hội.
c) Tình hình phát triển CNĐT Việt Nam
Công nghiệp điện tử Việt Nam giai đoạn 2000-2010 có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt từ 20-30%, trong năm 2011 tốc độ tăng trưởng của ngành tăng lên tới hơn 96%, Nhiều tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang mở rộng quy mô hoạt động, điển hình là Intel, Samsung Electronics, Canon, Nokia,… Riêng năm 2012, ngành đã xuất khẩu hơn 22,9 tỷ USD sản phẩm, chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu của cả nước và lần đầu tiên đưa sản phẩm điện tử (vượt xuất khẩu dầu thô) trở thành ngành hàng xuất khẩu lớn nhất nước. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là linh kiện, sản phẩm, thiết bị phần cứng, máy tính, điện tử, viễn thông.
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành CNTT, nhưng trên thực tế giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại.
d) Phân tích SWOT công nghiệp điện tử Việt Nam
- Điểm mạnh
Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động, đặc biệt là đối với ngành CNĐT.
Việt Nam rất ổn định về an ninh và chính trị, nhà đầu tư luôn được đảm bảo an toàn.
Lợi thế của Việt Nam là dân số trẻ, 60% trong độ tuổi lao động (từ 17 đến 60 tuổi), với 94% dân số biết chữ. Nguồn lao động dồi dào của Việt Nam được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại.
Giá nhân công tương đối rẻ: chi phí cho lao động tương đối thấp ở Việt Nam tạo cho các doanh nghiệp chế tạo sản phẩm phụ trợ, lắp ráp hàng điện tử có lợi thế cạnh tranh so với khu vực. Chi phí hoạt động và giá thuê nhân công ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines.
Có các tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit,...
Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và hỗ trợ các công ty nước ngoài đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực CNĐT.
- Điểm yếu
Do chưa tự cung cấp được nguyên cho mình, phải nhập khẩu từ bên ngoài nên Việt Nam bị phụ thuộc vào chính nguồn cung đó.
Năng lực sản xuất của ngành còn hạn chế, trong một thời gian dài Việt Nam thiếu các mảng quan trọng cho phát triển công nghiệp điện tử như: các nhà máy sản xuất bo mạch và nhà máy lắp ráp linh kiện lên bo mạch; thiết kế chipset; các nhà máy sản xuất chipset; thiết kế logic trên nền những thiết bị logic có thể lập trình; thiết kế và sản xuất các sản phẩm điện tử. Các doanh nghiệp chủ yếu lắp ráp sản phẩm theo thiết kế và linh kiện nhập khẩu nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, ước tính chỉ vào khoảng 5-10%.
Khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao: chủng loại sản phẩm nghèo nàn, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành thì cao do chi phí về nguyên liệu và linh kiện tại Việt Nam cao hơn của các nước trong khu vực, chưa có thương hiệu sản phẩm điện tử mạnh.
- Cơ hội
Khả năng xuất khẩu hàng hóa CNTT, linh kiện điện tử của Việt Nam đang tăng cao: Việt Nam gia nhập WTO vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các sản phẩm vươn ra khu vực và thế giới.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, Việt Nam ngày càng trở thành điểm thu hút đầu tư lý tưởng của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực CNĐT trên thế giới.
Giá cả các sản phẩm điện tử, viễn thông sẽ giảm nhiều khi gỡ bỏ hàng rào thuế quan, đây là động lực phát triển CNĐT.
Sự quan tâm và tăng cường đầu tư của các quốc gia hàng đầu về CNĐT là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tạo đà kéo theo nhiều nhà đầu tư khác tham gia vào công cuộc phát triển của Việt Nam.
- Thách thức
Sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà: do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu thể hiện rõ ở quy mô vốn nhỏ, kinh nghiệm quản lý kinh doanh, công nghệ, trình độ cán bộ còn yếu, năng suất lao động thấp.
Vấn đề thu hút nhân tài: chất xám của các doanh nghiệp Việt Nam, áp lực đối với nguồn nhân lực chất lượng cao đang ngày càng đè nặng lên hệ thống đại học của Việt Nam.
Tầm và quy mô của doanh nghiệp: đáp ứng những khách hàng có yêu cầu rất cao về chất lượng, thời gian, giá cả và quy mô.
Chưa có đội ngũ nguồn nhân lực đủ mạnh thích ứng với yêu cầu đi trước đón đầu công nghệ: đáp ứng xu hướng sản phẩm điện tử được tích hợp các phần mềm, dịch vụ thông minh, tiết kiệm năng lượng là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành CNĐT.
Các chính sách bảo hộ, đặc biệt là chính sách thuế bị xóa bỏ: các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp thách thức phải cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu thiết bị toàn bộ chi ngang bằng hoặc thấp hơn nhập linh kiện.
Nhật Bản với lợi thế là quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực CNĐT và Việt Nam với lợi thế nguồn nhân lực và thị trường rộng lớn hoàn toàn có thể hợp tác nhằm mang lợi ích của hai nước nói chung và ngành CNĐT nói riêng.
II. ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN 2030
1. Quan điểm thực hiện
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung, của Nhật Bản nói riêng vào công nghiệp điện tử tại Việt Nam; tạo dựng và củng cố liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mô hình quản lý, nghiên cứu - phát triển, đào tạo nhân lực và thị trường.
Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, kết hợp sản xuất linh kiện, phụ tùng và các sản phẩm điện tử trọng điểm với phát triển các phần mềm nhúng, phần mềm điều khiển, phần mềm ứng dụng chuyên dùng làm nền tảng phát triển bền vững cho ngành.
Cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, bao gồm: thực hiện cam kết ưu tiên thúc đẩy phát triển công nghiệp điện tử; ưu đãi thuế, hỗ trợ tín dụng cho công nghiệp điện tử và công nghiệp phụ trợ liên quan; đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực đông đảo, có kỹ năng và chất lượng; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, tạo thuận lợi thúc đẩy phân phối, lưu thông sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
2. Mục tiêu chung đến năm 2020
Phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam với công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng góp lớn cho kinh tế quốc dân, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
3. Tầm nhìn đến năm 2030
Xây dựng Việt Nam trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.
III. MỤC TIÊU HƯỚNG TỚI NĂM 2020
- Thu hút được nhiều dự án đầu tư có chất lượng của nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản vào ngành công nghiệp điện tử và ngành công nghiệp phụ trợ liên quan.
- Huy động tối đa sự tham gia của Chính phủ - doanh nghiệp - nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế, nhất là Nhật Bản vào toàn bộ quá trình xây dựng thực hiện và đánh giá hiệu quả phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam.
- Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, làm chủ công nghệ, phần mềm nhúng, phần mềm điều khiển để có thể sáng tạo, thiết kế, sản xuất các sản phẩm phần cứng, điện tử của Việt Nam.
- Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp điện tử tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 10% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp; đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất.
- Đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường, gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam. Duy trì tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động cao và phát triển bền vững.
IV. CÁC VẤN ĐỀ MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC
- Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử.
- Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử.
- Phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử.
- Thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới.
- Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử.
- Hình thành các cụm công nghiệp điện tử (cluster).
1. Nhiệm vụ cụ thể
a) Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử
Tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; rà soát và bổ sung các chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc ngành công nghiệp điện tử. Đề xuất bổ sung các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.
Rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử. Trên cơ sở đó, xây dựng quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật này trong việc sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo uy tín của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.
Xây dựng các chương trình liên kết, kênh thông tin giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và các nước với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm góp phần tích cực đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ, mô hình quản lý, nghiên cứu - phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử.
b) Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử
Nâng cao chất lượng nhân lực trình độ đại học và sau đại học cho ngành công nghiệp điện tử. Cải tiến mạnh mẽ phương pháp đào tạo và chương trình giảng dạy tại các khoa điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin của các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật. Liên kết chặt chẽ với các tổ chức và cơ sở đào tạo có uy tín của Nhật Bản và các nước để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp điện tử.
Xây dựng chương trình thu hút chuyên gia cao cấp và hỗ trợ khởi nghiệp cho lưu học sinh sau khi về nước, các kỹ sư mới ra trường trong ngành công nghiệp điện tử.
Khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 bên (doanh nghiệp - viện, trường - cơ quan quản lý nhà nước) để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Đánh giá cụ thể nhu cầu lao động và năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong ngành công nghiệp điện tử, trên cơ sở đó xây dựng chương trình hỗ trợ người lao động đạt các chứng chỉ kỹ năng nghề quốc tế.
c) Phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử
- Thị trường trong nước:
Tăng cường công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu về sử dụng sản phẩm ngành công nghiệp điện tử trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước.
- Thị trường xuất khẩu:
Xây dựng chương trình quảng bá hình ảnh sản phẩm điện tử “an toàn, chất lượng cao” có xuất xứ tại Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.
Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoặc các trung tâm thương mại ở nước ngoài để tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và ký kết hợp đồng, tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
d) Thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để thu hút các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới và doanh nghiệp vệ tinh liên quan đầu tư tại Việt Nam.
Xây dựng quy định cho phép các doanh nghiệp chế xuất (EPE) bán tại thị trường nội địa các hàng hóa là linh phụ kiện điện tử trong nước chưa sản xuất được nhằm phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với doanh nghiệp lắp ráp.
Hỗ trợ thu hút và triển khai các dự án đầu tư FDI lớn trong ngành công nghiệp điện tử.
đ) Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử
Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm điện tử ưu tiên phát triển quy định tại Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao ngành công nghiệp điện tử trên cơ sở liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo, khuyến khích thông qua hình thức hợp tác công - tư.
e) Hình thành các cụm công nghiệp điện tử (cluster)
Hình thành các cụm công nghiệp điện tử thúc đẩy sự quy tụ, đầu tư của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt của các doanh nghiệp điện tử.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: cung cấp nguồn điện ổn định và hạ tầng mạng thông tin, hệ thống giao thông thuận tiện.
2. Giải pháp thực hiện
a) Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch hành động được huy động, từ các nguồn vốn: ngân sách trung ương; ngân sách địa phương; vốn viện trợ quốc tế; vốn huy động xã hội, cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
b) Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai Kế hoạch hành động, đặc biệt là các nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu - phát triển, xúc tiến thương mại ngành công nghiệp điện tử. Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Kế hoạch được giao cho các Bộ và các cơ quan Trung ương chủ trì, các hoạt động chỉ đạo, điều hành triển khai Kế hoạch và hỗ trợ một số đề án, dự án quan trọng do các địa phương chủ trì; Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc phạm vi Kế hoạch do các địa phương chủ trì; Các tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi quyền hạn của mình ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các nội dung, nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động.
Hàng năm, căn cứ vào mục tiêu, nội dung Kế hoạch hành động, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án và lập dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Kinh phí và nguồn vốn thực hiện một số nhiệm vụ, đề án, dự án được chi tiết trong Phụ lục kèm theo.
c) Ưu tiên sử dụng vốn ODA vay lại của Chính phủ đối với các đề án, nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp điện tử.
d) Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử; đặc biệt là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản và các nước đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
đ) Ưu tiên hỗ trợ về tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất, nghiên cứu - phát triển và đào tạo nhân lực ngành công nghiệp điện tử thông qua các Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, và các quỹ khác theo quy định của pháp luật.
3. Kế hoạch hành động cụ thể
TT |
Đề án, nhiệm vụ |
Phân công tổ chức thực hiện |
Thời gian thực hiện |
||||
Cơ quan chủ trì |
Cơ quan phối hợp |
||||||
1 |
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử |
||||||
1.1 |
[Biện pháp hỗ trợ, ưu đãi thuế] Xây dựng tiêu chí cụ thể, thủ tục thẩm định đơn giản, thuận tiện để xác định dự án được ưu đãi và thực hiện ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 về phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Bộ Công Thương |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
1.2 |
[Biện pháp hỗ trợ, ưu đãi tín dụng] Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 ưu tiên ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư trang thiết bị và hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp điện tử |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015 |
|||
1.3 |
[Xây dựng hệ thống chứng chỉ, tiêu chuẩn môi trường đối với công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi] Xây dựng chính sách, tiêu chuẩn đảm bảo môi trường về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
1.4 |
[Mở rộng cơ sở phát triển công nghiệp hỗ trợ và các chương trình ưu đãi/hỗ trợ] Xây dựng và phát hành Sách Trắng về công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử |
Bộ Công Thương |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
1.5 |
[Mở rộng cơ sở phát triển công nghiệp hỗ trợ và các chương trình ưu đãi/hỗ trợ] Xây dựng và triển khai chương trình thúc đẩy liên kết giữa hiệp hội doanh nghiệp các nước, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng như hỗ trợ kinh doanh/công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam |
Bộ Công Thương |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
2 |
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp điện tử |
||||||
2.1 |
[Phát triển nguồn nhân lực: nắm bắt thực trạng] Điều tra, khảo sát thực trạng nguồn nhân lực cho công nghiệp điện tử, nhu cầu lao động của ngành, đánh giá năng lực của các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong lĩnh vực này và công bố |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
2015 |
|||
2.2 |
[Phát triển nguồn nhân lực: các cấp bậc đào tạo] Dự án hỗ trợ sinh viên và nhân lực công nghiệp điện tử nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, đạt các chứng chỉ đánh giá kỹ năng nghề quốc tế |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
2015-2020 |
|||
2.3 |
[Phát triển nguồn nhân lực: các cấp bậc đào tạo] Nâng cao chất lượng nhân lực trình độ đại học và sau đại học trong lĩnh vực về cơ điện tử, hệ thống nhúng, vi mạch điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
2.4 |
[Phát triển nguồn nhân lực: hợp tác đào tạo] Xây dựng các chương trình hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp lực lượng lao động trong ngành công nghiệp điện tử nhằm đáp ứng cả về chất và lượng theo nhu cầu sử dụng tại Việt Nam |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội |
2015-2020 |
|||
2.5 |
[Phát triển nguồn nhân lực: giai đoạn việc làm] Xây dựng chương trình thu hút chuyên gia cao cấp và hỗ trợ khởi nghiệp cho lưu học sinh sau khi về nước, các kỹ sư mới ra trường trong ngành công nghiệp điện tử |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các trường đại học, các Hiệp hội công nghệ thông tin, các doanh nghiệp |
2015-2020 |
|||
3 |
Phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử |
||||||
3.1 |
[Thị trường trong nước: nắm bắt thực trạng] Điều tra khảo sát, đánh giá nhu cầu và tiềm năng thị trường một số sản phẩm điện tử chuyên dùng tại Việt Nam |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các Hiệp hội công nghệ thông tin |
2015, 2017 |
|||
3.2 |
[Thị trường trong nước: hỗ trợ thị trường) Xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các Hiệp hội công nghệ thông tin |
2015-2020 |
|||
3.3 |
[Thị trường xuất khẩu: xây dựng hình ảnh] Quảng bá hình ảnh sản phẩm điện tử “an toàn, chất lượng cao” có xuất xứ tại Việt Nam tại các thị trường nước ngoài |
Bộ Công Thương |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
3.4 |
[Thị trường xuất khẩu: xúc tiến thương mại] Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoặc các trung tâm thương mại ở nước ngoài để tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và ký kết hợp đồng, tổ chức tiêu thụ sản phẩm |
Bộ Công Thương |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
4 |
Thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới |
||||||
4.1 |
[Thu hút đầu tư: cải cách thủ tục hành chính] Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để thu hút các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới và doanh nghiệp vệ tinh liên quan đầu tư tại Việt Nam |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
4.2 |
[Thu hút đầu tư: chính sách ưu đãi, hỗ trợ] Hỗ trợ thu hút và triển khai các dự án đầu tư FDI lớn trong ngành công nghiệp điện tử |
Các địa phương |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
4.3 |
[Thu hút đầu tư: hỗ trợ sản xuất] Xây dựng quy định cho phép các doanh nghiệp chế xuất (EPE) bán tại thị trường nội địa các hàng hóa là linh phụ kiện điện tử trong nước chưa sản xuất được nhằm phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với doanh nghiệp lắp ráp |
Bộ Tài chính |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
5 |
Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử |
||||||
5.1 |
[Sản phẩm trọng điểm: nghiên cứu - phát triển] Xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện hỗ trợ cho việc thành lập, xây dựng các khu, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển cho các sản phẩm điện tử ưu tiên phát triển quy định tại Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo, khuyến khích thông qua hình thức hợp tác công - tư |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
5.2 |
[Sản phẩm trọng điểm: tiêu chuẩn kỹ thuật] Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm cơ điện tử, hệ thống nhúng, vi mạch điện tử, công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử theo quy định của pháp luật |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
5.3 |
[Sản phẩm trọng điểm: chuyển giao công nghệ] Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong ngành, công nghiệp điện tử trên cơ sở liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo, khuyến khích thông qua hình thức hợp tác công - tư |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
5.4 |
[Sản phẩm trọng điểm] Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, kiểm định và sản xuất thử nghiệm sản phẩm vi mạch |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh |
2015-2020 |
|||
5.5 |
[Sản phẩm trọng điểm] Nâng cao năng lực nghiên cứu - phát triển, sản xuất thử nghiệm một số thiết bị mạng IpV6 |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các tập đoàn Viễn thông, CNTT |
2015-2020 |
|||
5.6 |
[ Sản xuất thử nghiệm] Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất thử nghiệm các sản phẩm điện tử ưu tiên phát triển quy định tại Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
5.7 |
[Sản phẩm trọng điểm: thương mại hóa sản phẩm] Xây dựng cơ chế thích hợp để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học ngành công nghiệp điện tử |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2015-2020 |
|||
5.8 |
[Sản phẩm trọng điểm: sản xuất sản phẩm] Dự án hỗ trợ doanh nghiệp điện tử xây dựng quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng đạt các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động sản xuất công nghiệp điện tử |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Bộ Công Thương |
2015-2020 |
|||
6 |
Hình thành các cụm công nghiệp điện tử (cluster) |
||||||
6.1 |
[Chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển] Xây dựng chính sách khuyến khích hình thành, phát triển các cụm công nghiệp điện tử thúc đẩy sự quy tụ, đầu tư của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt của các doanh nghiệp |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Các địa phương |
2016 |
|||
6.2 |
[Hỗ trợ thành lập] Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: cung cấp nguồn điện ổn định và đảm bảo mạng thông tin, mạng lưới giao thông thuận tiện nhằm phát triển các cụm công nghiệp điện tử |
Các địa phương |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
2015-2020 |
|||
7 |
Điều phối, giám sát thực hiện Kế hoạch hành động |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp |
2015-2020 |
|||
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CƠ CHẾ GIÁM SÁT
1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:
- Thành lập Ban điều hành với sự tham gia của các bên liên quan để điều hòa, phối hợp, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động đồng bộ, hiệu quả;
- Căn cứ vào nội dung của Kế hoạch hành động, đặc biệt là các nhiệm vụ, đề án, dự án tại Mục (3) phần V của Kế hoạch này, tổ chức, phân công các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của mình chủ trì triển khai thực hiện;
- Đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; hàng năm khảo sát, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm:
- Chủ trì triển khai các giải pháp về nguồn vốn, kinh phí quy định tại Mục (3) phần V của Kế hoạch hành động này;
- Cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan Trung ương và ngân sách hỗ trợ các địa phương theo quy định của pháp luật;
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể được giao tại Mục (3) phần V của Kế hoạch hành động này.
3. Các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm:
- Tổ chức xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình nêu tại phần V của Kế hoạch, đặc biệt là các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể được phân công tại Mục (3) phần V của Kế hoạch hành động. Hàng năm, các Bộ, ngành giao các đơn vị chủ trì chủ động lập kế hoạch thực hiện và dự toán kinh phí để trình phê duyệt và triển khai, bảo đảm hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tế;
- Phối hợp triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án thuộc Kế hoạch hành động này với các dự án phát triển của ngành, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả huy động nguồn vốn và tiết kiệm;
- Hàng năm tiến hành đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án được phân công, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của địa phương xây dựng và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù và tiềm năng, lợi thế của địa phương; Tổ chức xây dựng, phê duyệt và triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án cụ thể để thực hiện Kế hoạch hành động này, bảo đảm kịp thời, hiệu quả;
- Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các đề án, nhiệm vụ trên cơ sở các nội dung, nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch hành động đảm bảo đồng bộ, tránh chồng lấn và hiệu quả đầu tư;
- Tổ chức và huy động các nguồn lực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án thuộc Kế hoạch hành động này với các dự án của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả huy động nguồn vốn và tiết kiệm.
5. Các doanh nghiệp: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty cổ phần Điện tử Tin học Việt Nam (VEIC), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (CNS) và các doanh nghiệp khác có hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp điện tử, căn cứ nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động này, chủ động xây dựng các đề án, dự án cụ thể để đầu tư triển khai thực hiện.
6. Giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch hành động
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Tổ công tác chiến lược công nghiệp hóa thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đốc thúc thực hiện kế hoạch.
Tổ chức họp Tổ công tác chiến lược công nghiệp hóa và các bên liên quan về ngành công nghiệp điện tử mỗi năm một lần để nghe báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động Tổ công tác này sẽ báo cáo kết quả giám sát cho Ban chỉ đạo.
7. Điều chỉnh Kế hoạch hành động
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phản hồi về Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổ Công tác về Chiến lược công nghiệp hóa để xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét giải quyết.
Đến năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ Công tác về Chiến lược công nghiệp hóa và các bên liên quan tiến hành khảo sát, tổng hợp kết quả thực hiện đến năm 2016, trên cơ sở đó sẽ xem xét có thể điều chỉnh lại Kế hoạch hành động cho giai đoạn từ sau năm 2017 phù hợp với tình hình thực tế./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.