THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1054/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2014 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại Tờ trình số 6269/TTr-BGTVT ngày 30 tháng 5 năm 2014 về Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
a) Phát triển hệ thống thông tin duyên hải phù hợp với định hướng phát triển mạng thông tin truyền thông quốc gia, ưu tiên sử dụng hạ tầng sẵn có, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch phát triển ngành hàng hải và các ngành kinh tế khác có liên quan; đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, đảo và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển, đảo;
b) Đảm bảo hệ thống thông tin duyên hải là hệ thống thông tin chủ đạo về cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin cấp cứu, an toàn, an ninh; tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó ô nhiễm môi trường biển; góp phần đảm bảo thông tin liên lạc và tăng cường bảo vệ quốc phòng, an ninh;
c) Phát triển hệ thống thông tin duyên hải theo hướng hiện đại với chất lượng ngày càng cao đáp ứng xu hướng phát triển của thế giới, phù hợp với lộ trình gia nhập các điều ước quốc tế về hàng hải và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
a) Mục tiêu chung:
- Phát triển hệ thống thông tin duyên hải nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông cho người và phương tiện hoạt động trên các vùng biển, đảo; phục vụ công tác quản lý điều hành, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển; phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển, đảo;
- Phát triển hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam nhằm đáp ứng lộ trình hiện đại hóa hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO);
- Đa dạng hóa dịch vụ nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thông tin duyên hải.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2020:
+ Nâng cao năng lực sẵn sàng cung cấp dịch vụ thông tin duyên hải theo tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn quốc gia cho 100% tàu thuyền (bao gồm tàu vận tải và tàu cá), phương tiện hoạt động trên các vùng biển, đảo của Việt Nam và tàu thuyền, phương tiện của Việt Nam hoạt động trên các vùng biển quốc tế;
+ Đáp ứng yêu cầu quản lý giám sát vị trí 100% tàu thuyền theo quy định tại Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (Công ước SOLAS 74/88) mà Việt Nam là thành viên.
- Định hướng đến năm 2030:
+ Mở rộng đối tượng quản lý giám sát vị trí đối với các tàu thuyền không tuân theo tiêu chuẩn của Công ước SOLAS 74/88;
+ Phát triển các hệ thống hỗ trợ hành hải đáp ứng định hướng hành hải điện tử (e-navigation).
a) Phát triển hệ thống thông tin duyên hải:
- Phát triển hạ tầng hệ thống thông tin duyên hải, gồm:
+ Triển khai công nghệ số trên các băng tần MF/HF/VHF cho các đài thông tin duyên hải loại I tại Thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh;
+ Bổ sung và phát triển hạ tầng để nâng cao năng lực thông tin cho các đài thông tin duyên hải tại những khu vực có mật độ tàu thuyền, lưu lượng thông tin liên lạc lớn như: Hòn Gai, Thanh Hóa, Bến Thủy, Hòn La, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Lý Sơn, Quy Nhơn, Phú Yên, Phan Rang, Phan Thiết, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang;
+ Từng bước thiết lập mới các đài thông tin duyên hải tại Nam Định, Quảng Bình, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, đảo Phú Quý và khu vực quần đảo Trường Sa;
+ Thiết lập các đài thu dự phòng nhằm nâng cao chất lượng thông tin tại 04 khu vực, gồm: Khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, từ Quảng Bình đến Quy Nhơn, từ Phú Yên tới Ninh Thuận và từ Bình Thuận tới Kiên Giang;
+ Ứng dụng các công nghệ giám sát, điều khiển liên đài cho toàn hệ thống; kiện toàn hạ tầng mạng kết nối nội bộ các đài thông tin duyên hải sử dụng công nghệ truyền dẫn cáp quang, vệ tinh,... để đảm bảo độ tin cậy, tính sẵn sàng và khả năng xử lý hiệp đồng trong toàn hệ thống;
+ Nâng cấp các đài thông tin vệ tinh mặt đất Inmarsat (LES), đài vệ tinh mặt đất, Trung tâm điều khiển và xử lý dữ liệu báo động cấp cứu qua vệ tinh Cospas - Sarsat (LUT/MCC) đáp ứng định hướng phát triển của Inmarsat sử dụng hệ thống vệ tinh I4, I5 và của Cospas-Sarsat sử dụng hệ thống vệ tinh tầm trung MEOSAR; thiết lập mạng dịch vụ thông tin vệ tinh băng rộng trên cơ sở sử dụng hệ thống vệ tinh Vinasat quốc gia để phát triển hệ thống thông tin biển, đảo.
- Thiết lập hệ thống quản lý tàu thuyền (AIS) trạm bờ và ứng dụng AIS vệ tinh nhằm hỗ trợ hành hải, quản lý và theo dõi tàu thuyền hoạt động trên biển, kết nối, đồng bộ với các hệ thống thông tin khác như LRIT, VTS.
- Từng bước đầu tư hệ thống thông tin hỗ trợ hành hải, giám sát tàu (VTS) phục vụ khai thác, điều hành, kiểm soát và quản lý các phương tiện hoạt động tại các cảng tổng hợp quốc gia quan trọng, lưu lượng phương tiện lớn.
- Nâng cấp và phát triển hệ thống thông tin duyên hải đáp ứng định hướng hành hải điện tử (e-navigation) của Tổ chức hàng hải quốc tế nhằm cung cấp các dịch vụ thông tin đa dạng, được chuẩn hóa giữa tàu biển với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Cảng vụ hàng hải, Hoa tiêu, Bảo đảm an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn và các doanh nghiệp cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển.
b) Phát triển các dịch vụ thông tin trên biển:
- Duy trì, bảo đảm chất lượng dịch vụ trực canh thông tin cấp cứu, khẩn cấp, an toàn, an ninh và thông tin thông thường trên các phương thức sóng mặt đất và vệ tinh;
- Triển khai cung cấp các dịch vụ trực canh cấp cứu mới trong lĩnh vực thông tin vệ tinh theo định hướng của Tổ chức hàng hải quốc tế;
- Triển khai cung cấp dịch vụ giám sát, theo dõi vị trí tàu; hành hải điện tử; đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ quản lý nhà nước đối với phương tiện hoạt động trên biển;
- Phát triển và cung cấp các dịch vụ thông tin duyên hải mới sử dụng công nghệ số trên băng tần VHF/MF/HF và công nghệ vệ tinh băng rộng.
c) Phát triển nguồn nhân lực:
- Nâng cao trình độ người khai thác và kỹ thuật viên của hệ thống thông tin duyên hải theo hướng áp dụng công nghệ mới trong khai thác và điều hành;
- Đào tạo trưởng ca khai thác các đài loại I, II, đài vệ tinh, trạm mặt đất khu vực (LES), trung tâm tìm kiếm, cứu nạn (LUT/MCC) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về thông tin duyên hải;
- Nâng cấp cơ sở vật chất và năng lực đội ngũ giảng viên trung tâm đào tạo nghiệp vụ viễn thông hàng hải phục vụ hoạt động đào tạo nghiệp vụ thông tin duyên hải;
- Đào tạo và phổ cập kiến thức nghiệp vụ khai thác hệ thống thông tin liên lạc cho người đi biển.
4. Một số giải pháp, chính sách chủ yếu
a) Các giải pháp về cơ chế chính sách:
- Tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng hiện đại, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trang thiết bị thông tin an toàn cho tàu, thuyền không tuân theo tiêu chuẩn quốc tế (quy định tại Công ước SOLAS 74/88);
- Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ sang công nghệ số cho các đài thông tin duyên hải; chuyển đổi trang thiết bị thông tin liên lạc đầu, cuối của tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, đặc biệt là tàu cá;
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng dịch vụ thông tin duyên hải khi đầu tư chuyển đổi công nghệ.
b) Các giải pháp về khoa học - công nghệ:
- Từng bước ứng dụng công nghệ số cho hệ thống các đài thông tin duyên hải nhằm hiện đại hóa, tăng cường năng lực cho hệ thống thông tin duyên hải phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới;
- Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trên thế giới đối với hệ thống thông tin ngành hàng hải; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật đối với hệ thống thông tin duyên hải phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên;
- Tập trung huy động mọi nguồn lực, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các viện, trường, doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng sản phẩm phục vụ cho thông tin liên lạc ngành hàng hải; đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong hệ thống thông tin ngành hàng hải;
- Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về thông tin liên lạc ngành hàng hải.
c) Các giải pháp về tài chính:
- Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ viễn thông công ích, nguồn vốn hỗ trợ phát triển (vốn ODA) và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia xây dựng phát triển hệ thống thông tin duyên hải, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải;
- Xây dựng cơ chế huy động các nguồn vốn, cơ chế ưu đãi và sử dụng các nguồn thu của ngành để đảm bảo đầu tư cho phát triển hệ thống thông tin duyên hải;
- Bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch.
d) Các giải pháp về nguồn nhân lực:
- Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin hàng hải, phục vụ công tác đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực thông tin duyên hải;
- Tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các khóa học quản lý, chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ thông tin duyên hải cho đội ngũ nhân viên, cán bộ, công chức;
- Tổ chức các cuộc hội thảo, xây dựng chương trình tập huấn phổ biến kiến thức nghiệp vụ thông tin liên lạc cho người đi biển;
- Xây dựng chính sách đãi ngộ thích hợp cho cán bộ, công chức tại các đơn vị, nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
đ) Các giải pháp về hợp tác quốc tế:
- Tích cực tham gia các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo của tổ chức hàng hải quốc tế và các tổ chức quốc tế khác; đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực thông tin cấp cứu, an toàn an ninh, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải với các nước trong khu vực;
- Khảo sát và học tập mô hình phát triển mạng lưới thông tin duyên hải của các nước trên thế giới.
5. Một số dự án ưu tiên đầu tư
a) Thiết lập mới đài thông tin duyên hải tại khu vực quần đảo Trường Sa, tỉnh Nam Định, tỉnh Bến Tre;
b) Bổ sung nâng cao năng lực thu, phát cho các đài thông tin duyên hải tại Đà Nẵng, Nha Trang, Thanh Hóa, Bến Thủy, Huế, Quy Nhơn, Phú Yên, Phan Thiết, Cà Mau, Kiên Giang;
c) Đầu tư xây dựng hệ thống đài vệ tinh mặt đất Cospas Sarsat thế hệ mới (MEOLUT); đầu tư, nâng cấp hệ thống VNLUT/MCC đáp ứng định hướng phát triển của tổ chức Cospas-Sarsat chuyển sang hệ thống vệ tinh tầm trung MEOSAR;
d) Thiết lập các trung tâm thu dự phòng nhằm nâng cao chất lượng thông tin tại 04 khu vực: Khu vực từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, từ Quảng Bình đến Quy Nhơn, từ Phú Yên tới Ninh Thuận và từ Bình Thuận tới Kiên Giang;
đ) Đầu tư hạ tầng mạng kết nối nội bộ các đài thông tin duyên hải sử dụng các công nghệ truyền dẫn cáp quang, vệ tinh;
e) Đầu tư hệ thống VTS luồng Quảng Ninh, Đà Nẵng.
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch;
b) Chỉ đạo nghiên cứu xây dựng kế hoạch, lộ trình số hóa một số đài thông tin duyên hải trọng điểm;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ tổ chức xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ thông tin duyên hải, trang thiết bị an toàn trên các tàu, thuyền thuộc đối tượng quản lý của ngành giao thông vận tải phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế;
d) Chỉ đạo huy động các nguồn vốn để đầu tư, phát triển hệ thống thông tin duyên hải theo quy hoạch được duyệt;
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối tượng sử dụng dịch vụ thông tin duyên hải trong quá trình chuyển đổi công nghệ tương tự (Analog) sang công nghệ số;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng và các địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền cho tàu thuyền hoạt động trên biển về các tần số phát tin dự báo thiên tai, trực canh cấp cứu, an toàn và tìm kiếm, cứu nạn của hệ thống các đài thông tin duyên hải.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổng hợp, bố trí đủ vốn đầu tư phát triển cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo quy hoạch được duyệt;
b) Chủ trì tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (vốn ODA) để thực hiện quy hoạch.
3. Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí và bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước phục vụ phát triển hệ thống thông tin duyên hải theo quy hoạch được duyệt.
4. Bộ Quốc phòng
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế cung cấp thông tin phục vụ tìm kiếm, cứu nạn và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý tài nguyên viễn thông đảm bảo hoạt động của hệ thống thông tin duyên hải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và theo thông lệ quốc tế; ban hành quy chế kiểm tra, kiểm soát các đài vô tuyến tự phát của ngư dân;
b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị thông tin liên lạc trên biển.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trang thiết bị thông tin an toàn trên các tàu, thuyền thuộc đối tượng quản lý của Bộ phù hợp với hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thông tin duyên hải;
b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng thông tin duyên hải đã được đầu tư để cung cấp dịch vụ thông tin, quản lý tàu cá và phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống thiên tai trên biển;
c) Tổ chức biên soạn và cung cấp các bản tin thông tin về nghề cá cho các đài thuộc hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam;
d) Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thông tin liên lạc, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho người sử dụng hệ thống thông tin duyên hải;
đ) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc hỗ trợ các đối tượng tàu cá sử dụng dịch vụ thông tin duyên hải khi đầu tư chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia kết nối với hệ thống thông tin duyên hải để cung cấp bản tin dự báo thời tiết biển;
b) Phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường biển trên các bản tin của Đài thông tin duyên hải.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương
a) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin duyên hải tại địa phương;
b) Phối hợp với các đơn vị đài thông tin duyên hải trong công tác tổ chức thông tin phục vụ phòng, chống lụt, bão và thiên tai trên biển;
c) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân sử dụng trang thiết bị liên lạc; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các đài vô tuyến tự phát của ngư dân theo quy định;
d) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc hỗ trợ ngư dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ thông tin duyên hải khi đầu tư chuyển đổi từ công nghệ tương tự sang công nghệ số.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Quyết định này thay thế Quyết định số 269/TTg ngày 26 tháng 4 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam đến năm 2000 và định hướng đến năm 2010.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.