QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
| Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1988 |
NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM 1988 THÔNG QUA KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 1989
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi nghe Hội đồng bộ trưởng báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1988 và những vấn đề chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 1989;
Sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ
I. Tán thành báo cáo của Hội đồng bộ trưởng về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1988.
II. Thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1989 với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Kế hoạch Nhà nước năm 1989 nhằm vào các mục tiêu chủ yếu:
Một là, đổi mới cơ chế quản lý và chính sách kinh tế nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, khai thác mọi tiềm năng và nhân tố mới trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, mở rộng quyền tự chủ của địa phương và cơ sở, mở rộng quan hệ với bên ngoài để thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm về lương thực - thực phẩm hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
Hai là, ổn định đời sống nhân dân, trước hết đối với công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, các đối tượng chính sách và nông dân ở những vùng bị thiên tai mất mùa nặng, đặc biệt chú trọng bảo đảm nhu cầu tối thiểu về lương thực cho toàn xã hội, tăng dần dự trữ Nhà nước, nhất thiết không để xẩy ra khó khăn đột xuất về lương thực. Bằng nhiều nguồn, nhiều hình thức, giải quyết việc làm cho người lao động. Giải quyết các nhu cầu về vật chất và văn hóa, về bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, khôi phục và thiết lập trật tự xã hội theo cơ chế quản lý mới.
Ba là, trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất và tổ chức tốt lưu thông theo hướng phát triển kinh tế hàng hoá mà phấn đấu giảm dần tốc độ tăng giá, giảm mức bội chi ngân sách và lạm phát.
Để đạt được những mục tiêu trên, phải kiên quyết khắc phục sự bảo thủ, trì trệ trong nhận thức và hành động, tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội và cơ chế quản lý theo hướng đổi mới; đồng thời phải bảo kịp thời các cân đối vật chất chủ yếu để thực hiện các mục tiêu kinh tế.
2. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tổng sản phẩm xã hội tăng 7,6% so với năm 1988;
- Thu nhập quốc dân sản xuất tăng 8,2% so với năm 1988;
- Giá trị sản lượng công nghiệp tăng 10% so với năm1988 trong đó công nghiệp hàng tiêu dùng tăng 12%;
- Giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 5% so với năm 1988
- Sản lượng lương thực (quy thóc): 20 triệu tấn;
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 15% so với năm 1988;
- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản 1.000 tỷ đồng (theo giá quý IV/1988);
- Tỷ lệ tăng dân số không quá 2%.
III. Thông qua phương hướng về chính sách và cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế hàng hoá có kế hoạch nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch năm 1989 như sau:
1. Về các thành phần kinh tế
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xoá bao cấp, bảo đảm các điều kiện cần thiết để các đơn vị kinh tế quốc doanh thật sự phát huy quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với các cơ sở kinh tế quốc doanh sản xuất kinh doanh kém hiệu quả hoặc gặp khó khăn về vốn có thể áp dụng các hình thức liên doanh, liên kết, huy động vốn của xã hội; cho tập thể, tư nhân thuê hoặc xem xét quyết định chuyển thành kinh tế tập thể, xí nghiệp cổ phần hoặc bán cho tư nhân,... để tận dụng năng lực sản xuất, tăng thêm sản phẩm cho xã hội. Tiếp tục ban hành thêm một số chính sách đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đồng thời sớm soạn thảo để ban hành luật đầu tư trong nước, bảo đảm cho các thành viên xã hội hoạt động trong các thành phần kinh tế này tin tưởng, yên tâm bỏ vốn đầu tư phát triển mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Về giá
Bằng các biện pháp đồng bộ, không để giá tăng đột biến đối với một số loại vật tư, hàng hoá thiết yếu, nhất là giá lương thực, để không ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế giá kinh doanh, để cho cơ sở có quyền tự chủ trong việc định giá, tự chịu trách nhiệm về lời lỗ, trừ giá cả của một số sản phẩm có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Năm 1989 thu hẹp giá ổn định có tính chất bao cấp, mở rộng giá kinh doanh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện việc tính đúng, tính đủ giá thiết bị, vật tư, còn giá bán thì áp dụng rộng rãi cơ chế giá kinh doanh phù hợp với sức mua của thị trường xã hội.
3.Về tiền lương
Hội đồng Bộ trưởng có giải pháp trước mắt áp dụng trong năm 1989 bảo đảm tiền lương thực tế cho các đối tượng hưởng lương nhằm giảm bớt khó khăn về đời sống hiện nay theo tinh thần khắc phục dần tính chất bình quân trong lương và sự chênh lệch quá đáng, bất hợp lý trong thu nhập giữa các khu vực.
Đối với khu vực hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang, cần xem xét từng đối tượng để có biện pháp giải quyết thích hợp, cố gắng nâng mức thu nhập thực tế, bảo đảm lương của khu vực này không chênh lệch quá nhiều so với khu vực sản xuất kinh doanh.
Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, phải gắn liền lương với kết quả lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh và giao trách nhiệm cho các giám đốc các đơn vị cơ sở bảo đảm tiền lương thực tế của mức tối thiểu.
4. Lưu thông hàng hoá
Trên cơ sở phát triển sản xuất, phải tổ chức thật tốt việc huy động lương thực, thu thuế đúng chính sách, thu nợ, chú trọng công tác bảo quản, vận chuyển, giảm hư hao, mất mát, chuyển hoạt động lương thực sang kinh doanh mua bán thật sự thoả thuận, áp dụng phổ biến giá kinh doanh, Nhà nước không bù lỗ về lương thực.
Các tổ chức kinh doanh lương thực chủ động trong việc mua bán lương thực giữa các vùng, trao đổi vật tư với nông dân; xuất khẩu và nhập khẩu lương thực. Bảo đảm cân đối nhu cầu lương thực cho miền Bắc, miền Trung (những vùng bị thiên tai), nhất là những tháng đầu năm 1989 và giáp hạt.
Từ năm 1989 thực hiện cơ chế mua bán vật tư theo nguyên tắc kinh doanh. Trong điều kiện cung cầu vật tư còn căng thẳng, nhất là đối với những vật tư chiến lược như xăng dầu, điện, thép... thì mua bán theo mục tiêu kế hoạch trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật.
Mở rộng giao lưu hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng trong nước, thực hiện quan hệ trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, bảo đảm hàng hoá lưu thông thông suốt, không qua trung gian, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Sắp xếp lại hệ thống tổ chức kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh, gắn khâu bán buôn với bán lẻ, bảo đảm hàng hoá vận động nhanh từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, giảm đến mức thấp nhất chi phí lưu thông.
Các thành phần kinh tế bình đẳng trong kinh doanh trên thị trường theo pháp luật và chính sách của Nhà nước, khuyến khích cạnh tranh một cách đúng đắn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.
Việc mua bán giữa đơn vị sản xuất quốc doanh với đơn vị kinh doanh thương nghiệp phải dựa trên cơ sở hợp đồng, thuận mua, vừa bán. Các cơ sở sản xuất có quyền tiêu sản phẩm của mình với mọi tổ chức thương nghiệp bán lẻ, kể cả việc mở cửa hàng trực tiếp bán cho người tiêu dùng.
5. Về kinh tế đối ngoại
Khẩn trương nghiên cứu để công bố danh mục lĩnh vực và công trình ưu tiên đầu tư, ban hành tiếp các văn bản dưới luật và quy chế quản lý công tác đầu tư, để năm 1989 và những năm tới thu hút mạnh đầu tư của nước ngoài. Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư.
Từ nay việc liên doanh trong nước và liên doanh đầu tư với nước ngoài, cơ sở nào, ngành nào dùng vốn vay hoặc vốn liên doanh với nước ngoài thì cơ sở đó, ngành đó có trách nhiệm hoàn trả, trừ một số công trình do Hội đồng bộ trưởng quy định. Phải thực hiện tốt cam kết hợp đồng đã ký với nước ngoài. Các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu ngoại tệ phải chủ động giải quyết bằng cách tự vay tự trả với nước ngoài, mua ngoại tệ tại ngân hàng. Các đơn vị có thu ngoại tệ đều phải mở tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng để gửi vào hoặc bán cho ngân hàng theo giá kinh doanh.
Về xuất nhập khẩu, từ năm 1989 Nhà nước cần đối đủ vật tư, hàng hoá, tiền mặt tương ứng với giá trị hàng xuất khẩu giao theo nghĩa vụ, Nhà nước không bù lỗ xuất nhập khẩu. Song song với cơ chế này Nhà nước hướng dẫn và tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu được hợp tác, trao đổi hàng hóa với công ty nước ngoài kể cả việc trao đổi hàng hoá ngoài Nghị định thư với các nước.
6. Về ngân sách Nhà nước và tín dụng
- Ngân sách Nhà nước là một hệ thống thống nhất từ trên xuống dưới. Phân cấp quản lý ngân sách phải phù hợp với nhiệm vụ và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Năm1989, trên cơ sở phát triển sản xuất, chấn chỉnh khâu phân phối lưu thông thưc hành triệt để tiết kiệm chống tham ô lãng phí, chống thất thu, phấn đấu động viên các nguồn thu vào ngân sách Nhà nước khoảng từ 23% đến 25% thu nhập quốc dân sản xuất, đồng thời bố trí bảo đảm các khoản chi hợp lý, tiết kiệm và giảm các khoản chi có thể giảm được để giảm dần bội chi ngân sách.
Về tín dụng: Bằng nhiều hình thức, huy động ngày càng nhiều các nguồn vốn nhàn rỗi trong các tổ chức kinh tế và trong nhân dân làm nguồn chủ yếu của hoạt động tín dụng. Nghiên cứu chính sách bảo hiểm cho người gửi tiền tiết kiệm không bị thiệt do trượt giá. Soát xét và điều chỉnh lãi suất tín dụng cho phù hợp với diễn biến sức mua của đồng tiền, đặc điểm của sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh tăng nhanh vòng quay vốn. Tập trung vốn tín dụng cho khu vực sản xuất, giảm dự nợ tín dụng ở khâu lưu thông. Mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ trong khu vực quốc doanh, mà cả trong khu vực kinh tế tập thể, tư nhân. Khuyến khích các nhà kinh doanh tư nhân, cá thể mở tài khoản tại ngân hàng, kể cả ngân hàng ngoại thương.
7. Về đầu tư cơ bản
Vốn ngân sách Trung ương trước hết dành cho các công trình trọng điểm Nhà nước, các công trình hạ tầng và đầu tư hỗ trợ cho một số mục tiêu kinh tế - xã hội ở những địa phương mà ngân sách địa phương quá eo hẹp hoặc nơi gặp thiên tai nặng.
Đối với công trình hợp tác sản xuất với bên ngoài như sao su, cà phê, v.v... chủ đầu tư tự vay và tự trả. Đối với công trình nước ngoài viện trợ thì chủ đầu tư tự đầu tư bằng vốn viện trợ, vốn tự có.
Việc đầu tư cho các vùng nguyên liệu để cung ứng nguyên liệu cho các xí nghiệp chế biến phải do xí nghiệp dùng vốn tự có, vốn vay và hợp đồng liên doanh, liên kết, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vốn trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách.
Đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở và công trình công cộng, Nhà nước cấp một phần vốn ngân sách, số còn lại thì huy động quỹ phúc lợi và các nguồn vốn tự có khác, kể cả huy động nguồn vốn của tư nhân để cùng xây dựng. Có chính sách khuyến khích tạo điều kiện để nhân dân tự xây dựng nhà ở.
8. Đối với các hoạt động sự nghiệp
Để đáp ứng một phần các yêu cầu bức xúc đnag đặt ra trước mắt, trong năm 1989, nâng tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực văn hoá, xã hội, trong đó dành ưu tiên cho chương trình dân số, hạn chế tình trạng xuống cấp của các cơ sở y tế, giáo dục. Quốc hội cho phép động viên sự đóng góp của cơ sở kinh tế, xã hội và nhân dân để hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và y tế; cho phép thu một phần học phí và viện phí. Nguồn thu này dùng để bổ sung vào kinh phí cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và y tế. Bãi bỏ việc thu bảo trợ học đường.
Giao cho Hội đồng Bộ trưởng xây dựng những quy định về quản lý thu, chi, về mức thu và đối tượng thu vừa sức đóng góp của nhân dân và thể hiện chính sách xã hội, trình Hội đồng Nhà nước ban hành. Hội đồng bộ trưởng sớm sửa đổi chế độ học bổng cho học sinh đại học, trung học chuyên nghiệp và học nghề, khuyến khích người học giỏi. Nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá nghệ thuật, thông tin báo chí... bảo đảm dân chủ, công khai một cách đúng đắn và lành mạnh.
9. Về khoa học kỹ thuật
Để phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho 3 chương trình kinh tế, đồng thời tạo thêm tiềm lực phục vụ cho các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý khoa học - kỹ thuật theo hướng hạch toán và phải được thể chế hoá bằng pháp luật. Kế hoạch khoa học, kỹ thuật phải gắn với kế hoạch kinh tế - xã hội.
Đối với các cơ quan nghiên cứu triển khai khoa học kỹ thuật, cần áp dụng chế độ hợp đồng nghiên cứu, triển khai của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Thực hiện hình thức thi tuyển cơ quan chủ trì, thi tuyển chủ nhiệm chương trình và đề tài, xoá bỏ chế độ cấp phát tài chính theo biên chế và tổ chức, chuyển sang chế độ cấp phát tài chính theo biên chế và tổ chức, chuyển sang chế độ cấp phát theo nhiệm vụ, bằng đơn đặt hàng, ký kết hợp đồng. Thực hiện chính sách tín dụng lãi xuất thấp để triển khai các tiến bộ kỹ thuật. Mở rộng hình thức liên kết, liên doanh thông qua hợp đồng giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với các cơ quan nghiên cứu và triển khai khoa học - kỹ thuật và cả với cán bộ khoa học - kỹ thuật trong mọi thành phần kinh tế. Ban hành quy chế cho phép các tập thể và cá nhân mà khoa học lập các cơ sở dịch vụ nghiên cứu, thực nghiệm, triển khai khoa học - kỹ thuật.
10. Đối với miền núi và vùng dân tộc
Trong chỉ đạo điều hành và phân bố vốn ngân sách, Hội đồng bộ trưởng chú trọng ưu tiên đối với miền núi và vùng đồng bào dân tộc.
- Tập trung vốn, vật tư cho các mục tiêu: sản xuất, cải thiện đời sống, chữa bệnh, học tập, đi lại...
Chú trọng các công trình thuỷ lợi nhỏ và thuỷ điện nhỏ, phát triển giao thông, thông tin liên lạc, nhất là đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, không phá rừng làm rẫy. Chú trọng phát triển cây ngắn ngày, dài ngày, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi, nhất là đại gia súc, tạo ra sản phẩm để trao đổi hàng hoá với các vùng trong nước và xuất khẩu.
Để giữ cân bằng sinh thái, phải tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, tái sinh rừng, trồng rừng, khôi phục tán che phủ, đặc biệt chú trọng rừng đầu nguồn của các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, nhất là Hòa Bình, Thác Bà, Trị An... Nhà nước cân đối vốn và huy động sự đóng góp của các xí nghiệp có liên quan để bảo vệ rừng đầu nguồn. Khuyến khích nhân dân nhận rừng và đất trồng rừng để kinh doanh lâu dài, kể cả được hưởng quyền thừa kế theo chính sách Nhà nước đã ban hành.
Đẩy mạnh công tác định canh, định cư, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân các dân tộc miền núi, nhất là các căn cứ kháng chiến cũ. Đối với một số xã vùng cao, biên giới Nhà nước dành riêng quỹ vật tư, hàng hóa, các địa phương phải phân phối đến tận tay người dân. Hội đồng bộ trưởng có biện pháp chỉ đạo để thực hiện giá bán muối cho đồng bào rẻo cao,ở xa như giá bán ở vùng thấp. Tăng thêm đầu tư cho nước ăn của nhân dân vùng cao, xây dựng cơ sở nước sinh hoạt ở một số huyện lỵ; giúp các địa phương đầu tư cho giáo dục vùng cao, xây dựng bệnh viện, nhà văn hoá ở những huyện và tỉnh quá thiếu thốn, xây dựng dần hệ thống truyền thanh, truyền hình...
11. Về hợp tác lao động với nước ngoài
Để mở rộng việc hợp tác lao động với nước ngoài, Hội đồng bộ trưởng chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách một cách toàn diện đối với người đi hợp tác lao động, nhanh chóng cải tiến tổ chức quản lý công tác này từng bước theo hướng hạch toán kinh doanh, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách và mở rộng việc hợp tác lao động.
12. Về đổi mới quản lý và tổ chức, cán bộ
Nghiên cứu để phân biệt rõ chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế của Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các cấp với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở. Nhà nước các cấp không can thiệp vào hoạt động cụ thể của đơn vị cơ sở, mà hướng dẫn, tạo điều kiện cho cơ sở thật sự chủ động trong xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh theo phương hướng của kế hoạch Nhà nước và nhu cầu của thị trường.
Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế từ trung ương đến địa phương, nhằm hơp lý hóa tổ chức, giảm biên chế, cải tiến lề lối và phương thức điều hành. Phải thông qua việc thực hiện cơ chế quản lý mới mà sắp xếp tổ chức bộ máy và tuyển chọn, bố trí lại cán bộ cho phù hợp.
Hội đồng Bộ trưởng ban hành kịp thời những văn bản pháp quy thể hiện nhất quán và đồng bộ các chính sách và cơ chế quản lý mới, đặc biệt chính sách giá, thuế, xuất nhập khẩu, tiền lương,... thi hành những biện pháp tích cực và thiết thực để thúc đẩy sản xuất phát triển một cách có hiệu quả, ổn định phân phối lưu thông giải quyết tốt các vấn đề cấp bách về đời sống của người lao động, các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội, nhất là đối với ngành giáo dục, y tế. Tăng cường sự chỉ đạo thống nhất của Hội đồng bộ trưởng, đồng thời phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật, của các ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1989, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho các năm sau.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải đổi mới công tác cho đồng bộ với cơ chế quản lý và chính sách kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi, ổn định cho cơ sở, cho mọi người yên tâm trong sản xuất kinh doanh.
IV. Quốc hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, thực hành tiết kiệm, kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong kinh tế và xã hội, giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
V. Uỷ ban kinh tế kế hoạch và ngân sách của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực khác của Quốc hội có nhiệm vụ giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát chặt chẽ các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch Nhà nước đã được Quốc hội thông qua.
Các đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ động viên các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và thưc hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1988.
| Lê Quang Đạo (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.