QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 34/2009/NQ-QH12 | Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2009 |
NGHỊ QUYẾT
ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;
Sau khi xem xét Báo cáo kết quả giám sát số 225/BC-UBTVQH12 ngày 18 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 45/BC-CP ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và ý kiến của đại biểu Quốc hội, Báo cáo tiếp thu, giải trình số 251/BC-UBTVQH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất trí đánh giá công tác quản lý và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và vẫn còn là vấn đề được toàn xã hội đặc biệt quan tâm.
Điều 2. Nhằm đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật An toàn thực phẩm; sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
2. Xây dựng chiến lược quốc gia bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 và xác định việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là Chương trình mục tiêu quốc gia. Có lộ trình và giải pháp cần thiết, mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm như cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chợ đầu mối thực phẩm; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; quản lý chặt chẽ thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm chức năng và thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu tiểu ngạch.
3. Kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cấp huyện. Áp dụng phù hợp hình thức cộng tác viên trong công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở cấp xã. Củng cố và tăng cường mọi mặt để nâng cao khả năng, hiệu quả hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc về an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế đi đôi với đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để giúp Bộ Y tế thực hiện có hiệu quả chức năng đầu mối, chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước.
4. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ và phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong các công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu và cung ứng thực phẩm; đối với các loại thực phẩm mà sự phân biệt giữa các công đoạn của chuỗi thực phẩm không thật rõ ràng thì cần có quy định cụ thể trách nhiệm giữa các Bộ quản lý đối với từng loại thực phẩm. Phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương; kết hợp nguồn lực Trung ương, nguồn lực địa phương và nguồn lực xã hội để bảo đảm tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
5. Kiện toàn hệ thống thanh tra bảo đảm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm tăng dần hằng năm cùng với tăng thu của ngân sách nhà nước; trong đó chú trọng tăng kinh phí cho công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã. Từ năm 2010 tăng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
7. Tăng đầu tư cho các hoạt động: xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và địa phương; đào tạo cán bộ, đặc biệt là lực lượng cán bộ chuyên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng mới và nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm hiện có đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; hoạt động kiểm nghiệm phục vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ kiểm soát, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn.
8. Thực hiện chính sách phát triển vùng sản xuất nông lâm thủy sản tập trung, quy mô lớn, khuyến khích hình thức trang trại, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, gắn với phát triển thị trường hàng hoá nông sản an toàn; áp dụng chính sách ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn.
9. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm một cách thường xuyên với các hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa phương; nâng cao ý thức của người tiêu dùng thực phẩm, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khoẻ cộng đồng. Gia tăng đăng tải các thông tin về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, quảng cáo thực phẩm; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân đưa thông tin, quảng cáo không đúng sự thật.
10. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc tham gia bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; huy động mọi nguồn lực xã hội để đa dạng hóa các loại hình đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo nhân lực quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
11. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; ký kết hiệp định song phương, đa phương công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm an toàn.
Điều 3. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2009.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.