TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2006/NQ-TLDLDVN | Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn đã góp phần quan trọng vào việc truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Công đoàn đến với công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ); từng bước nâng cao nhận thức về Đảng, về giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam và định hướng tư tưởng cho CNVCLĐ, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển, khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục mới tập trung trong các doanh nghiệp nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn còn yếu. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của Công đoàn chưa đến được với CNVCLĐ. Đời sống văn hoá tinh thần của CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu thốn, ở vùng sâu, vùng xa nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật của CNVCLĐ còn hạn chế. Một bộ phận sống thiếu lý tưởng và niềm tin, tha hoá về đạo đức, lối sống.
Nguyên nhân của tình hình trên là do điều kiện sống và môi trường làm việc của công nhân lao động (CNLĐ) còn gặp nhiều khó khăn, ăn ở chật chội, thu nhập thấp, tình trạng vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động ở nhiều doanh nghiệp khá phổ biến nên đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp lao động và đình công của người lao động. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hoá tinh thần của CNLĐ hầu như không có.
Quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sự phân hoá giàu nghèo, nạn tham nhũng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền ... đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và niềm tin của CNVCLĐ.
Đại đa số các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức cơ sở Đảng nên thiếu sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng đối với lĩnh vực tư tưởng - văn hoá trong doanh nghiệp và công tác vận động quần chúng.
Đội ngũ cán bộ Công đoàn nói chung, cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở nói riêng, đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế về nghiệp vụ Công đoàn, kiến thức pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền, giáo dục. Đại bộ phận cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động kiêm nhiệm, hưởng lương của người sử dụng lao động. Thực trạng đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn.
Việc chỉ đạo của Công đoàn cấp trên chưa thường xuyên, chậm đổi mới, thiếu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên hiệu quả tuyên truyền còn thấp.
Để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế với những thời cơ, thách thức đan xen, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho CNVCLĐ là nhiệm vụ quan trọng và bức thiết của tổ chức Công đoàn hiện nay.
I. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ:
1. Phương hướng
1.1. Làm cho CNVCLĐ hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của Công đoàn, nhận thức rõ những khó khăn và thách thức của nền kinh tế thị trường, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong xu thế hội nhập, củng cố niềm tin của CNVCLĐ vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Công đoàn. Từ đó làm cho CNVCLĐ tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn và tích cực tham gia các hoạt động của Công đoàn.
1.2. Đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền giáo dục, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở cơ sở, sát người lao động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Công đoàn để tập hợp đoàn kết CNVCLĐ phát triển đoàn viên, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Nhiệm vụ
2.1. Tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn đến CNVCLĐ,đặc biệt đối tượng là CNVCLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; làm cho họ hiểu rõ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; hiểu biết về pháp luật, để hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân và biết tự đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình theo qui định của pháp luật.
2.2. Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất của Đảng, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng. Qua đó củng cố niềm tin của CNVCLĐ đối với Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; dù lao động ở thành phần kinh tế nào cũng với tư cách người làm chủ đất nước.
2.3. Công đoàn các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai học tập chính trị cho CNVCLĐ, đặc biệt là công nhân mới, công nhân trẻ ở mọi thành phần kinh tế. Trong đó chú trọng tuyên truyền về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, bồi dưỡng những phẩm chất cao đẹp của giai cấp công nhân trong thời kỳ mới, sống có tình nghĩa, giàu lòng nhân ái, có ý thức giai cấp, tính cộng đồng cao.
2.4. Đẩy mạnh phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, sáng tạo trong lao động, có lương tâm nghề nghiệp, yêu ngành, yêu nghề gắn bó với cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là một nhiệm vụ thiết thực đối với người lao động, để có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt cuộc vận động "Trung thành, Sáng tạo, Tận tuỵ, Gương mẫu".
2.5. Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở nhất là văn hoá doanh nghiệp, tích cực tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội; chăm lo tổ chức và xây dựng đời sống tinh thần cho CNVCLĐ,đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung đông CNLĐ.
2.6. Tích cực tuyên truyền các nhân tố mới, điển hình mới trong sản xuất kinh doanh, trong học tập, rèn luyện và hoạt động xã hội, góp phần thúc đẩy mặt tích cực trong CNVCLĐ và toàn xã hội.
2.7. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ làm công tác tuyên giáo Công đoàn. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng CNVCLĐ và dư luận xã hội.
II. GIẢI PHÁP:
1. Củng cố phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt nâng cao chất lượng các Báo, Tạp chí, Chương trình phát thanh, truyền hình Lao động và Công đoàn, Bản tin của Công đoàn ở các cấp.
2. Xây dựng hệ thống thông tin nội bộ, đồng thời tiếp cận công nghệ thông tin hiện đại phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn.
3. Biên soạn tài liệu theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với điều kiện làm việc và trình độ của các đối tượng CNLĐ.
4. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao cho CNVCLĐ. Nhân rộng các mô hình Cụm văn hoá thể thao hoạt động có hiệu quả.
Công đoàn làm việc với Nhà nước, đầu tư thêm kinh phí để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Cung văn hoá, Nhà văn hoá Lao động; chủ động khai thác sử dụng có hiệu quả, thu hút đông đảo CNVCLĐ đến vui chơi, giải trí … để Nhà văn hoá thực sự là nơi người lao động được thể hiện, được giao lưu và thụ hưởng các giá trị văn hoá; rèn luyện, bồi dưỡng những hạt nhân văn hoá trong phong trào CNVCLĐ ở cơ sở.
5. Đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật cho cán bộ Công đoàn, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn và mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh và trình độ chuyên môn, kỹ năng hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
6. Tăng cường mối quan hệ phối hợp trong và ngoài hệ thống Công đoàn để thực hiện các nội dung công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp đã được ký kết với các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục của tổ chức Công đoàn. Tham gia với các cơ quan Nhà nước và người sử dụng lao động giành nguồn kinh phí hợp lý cho việc học tập, đào tạo nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho CNVCLĐ. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dạy nghề, các Trung tâm dịch vụ và giới thiệu việc làm, Trung tâm tư vấn pháp luật của tổ chức Công đoàn.
7. Định kỳ tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động và đề ra chương trình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong những năm tiếp theo.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Đối với Tổng Liên đoàn
1.1. Các Ban theo chức năng nhiệm vụ của mình đề ra các biện pháp để gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với hoạt động chuyên đề và tham mưu, đề xuất với Đoàn Chủ tịch làm việc với Chính phủ đề ra chính sách, pháp luật phù hợp, nhằm bảo vệ quyền lợi vật chất, tinh thần cho người lao động.
1.2. Ban Tuyên giáo có trách nhiệm tham mưu cho Đoàn Chủ tịch và tổ chức triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục, văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, báo chí xuất bản. Đồng thời, thường xuyên nắm diễn biến tình hình tư tưởng của CNVCLĐ để báo cáo Đoàn Chủ tịch.
1.3. Giao cho Trường đại học Công đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo, Viện Công và Công đoàn biên sọan tài liệu tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên giáo Công đoàn. Đồng thời xây dựng đề án, chuẩn bị mọi điều kiện về giáo trình và giáo viên để mở khoa Văn hoá quần chúng vào những năm tới, khắc phục tình trạng bố trí cán bộ không đủ năng lực làm công tác tuyên giáo.
1.4. Viện Công nhân và Công đoàn nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn, rút ra những mô hình hoạt động có hiệu quả để nhân rộng ra toàn hệ thống.
1.5. Tiếp tục thực hiện đề án xây dựng Bảo tàng Công nhân - Công đoàn. Làm việc với các Bộ, Ngành liên quan để xây dựng chương trình đời sống văn hoá trong các khu công nghiệp và nâng cấp, củng cố hệ thống Cung văn hoá, Nhà văn hoá Lao động.
1.6. Chỉ đạo hệ thống báo chí, truyền thông đại chúng của Công đoàn đổi mới nội dung để vừa đáp ứng nhiệm vụ chính trị, vừa nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục cho CNVCLĐ.
2. Đối với LĐLĐ tỉnh, Thành phố, Công đoàn ngành TW
2.1. Căn cứ vào Nghị quyết, chủ trương và định hướng của Tổng Liên đoàn và tình hình cụ thể của địa phương mình, ngành mình để vận dụng một cách sáng tạo đề ra kế họach cụ thể, sát thực, hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả.
2.2. Mở các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ công tác tuyên truyền để cán bộ Công đoàn có thể độc lập tác nghiệp được. Chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền phù hợp với CNLĐ trên địa bàn.
2.3 Nắm vững tư tưởng và diễn biến tình hình của CNVCLĐ, định kỳ hàng tháng báo cáo Tổng Liên đoàn và cấp uỷ Đảng. Cùng các ngành chức năng giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động và đình công xảy ra trên địa bàn.
2.4. Xây dựng và củng cố Nhà văn hoá, phòng truyền thống để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục của Công đoàn. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong ngành và địa phương theo nhu cầu và khả năng.
2.5. Đổi mới và nâng cao chất lượng chuyên mục, chuyên trang Lao động và Công đoàn trên hệ thống truyền thông đại chúng của địa phương, ngành. Củng cố và xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục đối với CNVCLĐ.
3. Đối với Công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở
3.1. Bám sát thực tiễn, gần gũi người lao động, nắm chắc tình hình tư tưởng, nhu cầu nguyện vọng của CNVCLĐ để giải thích, giải đáp hoặc kiến nghị kịp thời với cấp trên nghiên cứu giải quyết. Tích cực tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thực hiện đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là pháp luật lao động và các quy định của doanh nghiệp cho CNLĐ hiểu để từ đó CNLĐ gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời thuyết phục người sử dụng lao động tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động.
3.2. Cùng với người sử dụng lao động thương lượng, kịp thời giải quyết những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động theo pháp luật qui định, xây dựng quan hệ lao động hài hoà trong doanh nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất các cuộc tranh chấp lao động và đình công. Tuyên truyền vận động CNLĐ không mắc mưu để kẻ xấu lợi dụng, kích động đình công, đập phá tài sản doanh nghiệp, làm mất trật tự trị an trong doanh nghiệp và địa bàn.
3.3. Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền miệng, thực sự tâm huyết, có năng lực, sẵn sàng tiếp cận CNLĐ mọi nơi, mọi lúc để tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chế độ chính sách, pháp luật cho CNLĐ.
3.4. Sử dụng tờ gấp, áp phích, bảng tin, hệ thống truyền thanh nội bộ … để tuyên truyền cho CNLĐ tại các vị trí thuận tiện như: Cổng nhà máy, nhà ăn, nơi cư trú của CNLĐ. Những doanh nghiệp chưa có hệ thống truyền thanh nội bộ, thì vận động người sử dụng lao động đầu tư xây dựng để phục vụ cho CNLĐ và doanh nghiệp.
3.5. Chăm lo tổ chức các hoạt động giao lưu Văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao cho CNLĐ. Thuyết phục người sử dụng lao động xây dựng nhà ở, các thiết chế văn hoá tạo điều kiện cho CNLĐ được hưởng thụ các giá trị văn hoá và môi trường làm việc trong lành.
Nghị quyết này được tổ chức, quán triệt đến tận CĐCS. Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện của Nghị quyết, các cấp Công đoàn xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình ở cơ sở và CNVCLĐ để Nghị quyết thật sự đi vào thực tiễn của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn.
| TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
|
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.