CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 24 tháng 08 năm 2011 |
VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy trên toàn quốc và thực hiện tốt, đồng bộ một số giải pháp khác của Nghị quyết đã kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trong 03 năm liên tiếp từ năm 2008 đến năm 2010. Cụ thể so với năm 2007, năm 2010 giảm 791 vụ tai nạn giao thông (giảm 5,4%), giảm 1.744 người chết (giảm 13,2%), giảm 407 người bị thương (giảm 6%).
Tuy nhiên, kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn xảy ra.
Những tồn tại trên là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém. Các hành vi vi phạm: Đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái xe ôtô sử dụng rượu, bia; người điều khiển xe môtô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; người tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe môtô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, mở đường ngang trái phép… còn xảy ra thường xuyên, phổ biến. Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và là nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP, Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ trọng tâm sau đây:
I. BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
a) Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ gây tai nạn do lái xe uống rượu, bia; hậu quả tai nạn giao thông nguyên nhân từ rượu, bia; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với người lái xe uống rượu, bia.
Đưa nội dung tuyên truyền vào hoạt động của tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở. Đồng loạt mở chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ trong Tháng An toàn giao thông hàng năm và duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền này. Tích cực hưởng ứng hoạt động “phòng, chống người lái xe uống rượu, bia” trong chương trình “Thập kỷ hành động vì An toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020” của Liên hợp quốc.
b) Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, nhân viên gương mẫu không uống rượu, bia trước khi lái xe; đồng thời, ban hành quy định của cơ quan, đơn vị về không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; xử lý kỷ luật nghiêm người vi phạm, không phân biệt là cán bộ hay nhân viên.
c) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia trên các phương tiện quảng cáo, yêu cầu khi quảng cáo rượu, bia phải gắn kèm nội dung cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và nguy cơ xảy ra tai nạn nếu điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ban hành trong quý IV năm 2011.
d) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và quy định kỹ thuật về đo lường liên quan đến thiết bị đo, kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở. Hoàn thành trong quý IV năm 2011.
đ) Bộ Công an huy động lực lượng, tăng cường trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, tổ chức các đợt hoạt động cao điểm kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia (tập trung tại khu vực có nhiều người lái xe uống rượu, bia).
e) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành quy định về việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Ban hành trong quý IV năm 2011.
g) Bộ Công Thương ban hành quy định yêu cầu: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia phải đưa các khuyến cáo trên bao bì của sản phẩm về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bến xe, trạm dừng nghỉ không bán rượu, bia cho người lái xe. Ban hành trong quý IV năm 2011.
a) Các cơ quan truyền thông, tổ chức, đoàn thể: Đẩy mạnh tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy (đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa); tuyên truyền, giáo dục, vận động người lớn tự giác đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông, sử dụng mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng, cài quai đúng quy cách; giáo dục thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi không điều khiển xe môtô, xe gắn máy.
b) Bộ Công an huy động các lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an xã tăng cường phối hợp kiểm tra phát hiện và xử phạt nghiêm đối với người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe môtô, xe gắn máy.
c) Bộ Công Thương có biện pháp cấp bách ngăn chặn việc sản xuất, lưu thông, buôn bán loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm không bảo đảm quy chuẩn, chất lượng; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
3. Đẩy mạnh công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học; triển khai chương trình giảng dạy về an toàn giao thông vào các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên có kiến thức và phương pháp giáo dục hiệu quả về an toàn giao thông.
- Có phương án đưa giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào chương trình chính khóa trong các cấp học; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông trong từng cấp học từ năm học 2012.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các trường học phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, không điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; hiệu trưởng các trường phải kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe điều khiển xe môtô, xe gắn máy.
4. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu tai nạn giao thông
a) Bộ Y tế:
- Khẩn trương hoàn thiện quy định về trạm cấp cứu tai nạn giao thông dọc trên các tuyến quốc lộ; phát triển hệ thống cấp cứu 115 đạt tiêu chuẩn, củng cố trung tâm cấp cứu 115 hiện có ở các tỉnh, thành phố; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về cấp cứu, nâng cao năng lực đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông cho cán bộ y tế; đào tạo kỹ năng cấp cứu ban đầu về chấn thương do tai nạn giao thông cho Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và tình nguyện viên.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Đề án tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2012.
b) Bộ Giao thông vận tải sớm thành lập và đưa vào hoạt động hệ thống các Trung tâm cứu hộ, cứu nạn giao thông đường bộ.
5. Đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa giao thông
a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các cơ quan chức năng liên quan xây dựng và công bố tiêu chí về “văn hóa giao thông”, hoàn thành trong quý IV năm 2011.
b) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo đưa văn hóa giao thông vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện.
d) Các báo, các đài phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương phải có chuyên mục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông.
6. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô
a) Bộ Giao thông vận tải: Tăng cường các biện pháp quản lý ngay tại bến xe, cương quyết không cho xuất bến đối với xe ôtô không bảo đảm các quy định liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện (đặc biệt là đối với xe ôtô mà người lái xe sử dụng rượu, bia); chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải tăng cường giám sát các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho xe ôtô theo đúng quy định.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên đường bộ. Hoàn thành trong quý IV năm 2013.
c) Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp lái xe ôtô chở khách, xe ôtô tải vi phạm quy định về tốc độ; chở quá tải, quá số người quy định; đi không đúng làn đường; vi phạm quy định về thời gian lái xe; đón, trả khách không đúng nơi quy định; lái xe ôtô sử dụng rượu, bia.
7. Tăng cường công tác tổ chức giao thông, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông
a) Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc: Rà soát, điều chỉnh hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ (đặc biệt là các biển báo liên quan đến tốc độ chạy xe trên đường); triển khai lắp đặt dải phân cách để tách dòng xe môtô 2 bánh, xe thô sơ với dòng xe ôtô trên các tuyến đường có đủ điều kiện và có mật độ phương tiện giao thông lớn; khi lập dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường bộ, tuyến tránh đô thị phải thiết kế phân làn đường dành riêng cho xe môtô, xe gắn máy.
b) Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng (cơ quan quản lý đường bộ, lực lượng Thanh tra giao thông, lực lượng Cảnh sát) tăng cường công tác phối hợp trong việc tổ chức giao thông và điều khiển giao thông; cương quyết không để cho các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường cao tốc theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế dưới 70 km/h) đi trên đường cao tốc.
c) Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ thường xuyên rà soát để phát hiện và xử lý kịp thời các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên đường bộ, cương quyết không để phát sinh thêm điểm đấu nối trái phép vào đường bộ.
d) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông của Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án vận chuyển hành khách công cộng khối lượng lớn; xây dựng cầu vượt, hầm cho người đi bộ ở hai thành phố; thực hiện các biện pháp để hạn chế xe môtô, xe gắn máy và xe ôtô lưu thông trên một số tuyến phố vào một số giờ nhất định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực trong thành phố.
đ) Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2012.
8. Tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
a) Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng cảnh sát tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; sớm triển khai thực hiện các dự án thuộc Đề án “Tăng cường và hiện đại hóa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông” theo Quyết định số 617/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm để áp dụng từ năm 2012. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động các nguồn vốn cho các dự án đầu tư bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hệ thống giám sát trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2012.
b) Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trình Chính phủ trong quý IV năm 2012.
c) Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng lộ trình quy định xử phạt qua tài khoản ngân hàng, thời gian chủ sở hữu xe ôtô phải mở tài khoản ở ngân hàng và đề xuất việc rút gọn các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ban hành trong quý I năm 2012.
d) Bộ Giao thông vận tải: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải” theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
đ) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất việc bổ sung các địa phương được áp dụng thí điểm mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số vi phạm theo quy định tại Mục 7 Chương II Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trình Chính phủ trong quý II năm 2012.
9. Tăng cường quản lý về đào tạo, sát hạch lái xe
a) Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe; tiếp tục hoàn thiện giáo trình đào tạo, quy trình sát hạch lái xe; tăng cường công tác giám sát các kỳ sát hạch lái xe.
b) Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc đổi mới giấy phép lái xe; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc để phục vụ công tác quản lý, tra cứu, theo dõi vi phạm của người lái xe và trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng.
c) Bộ Y tế chủ trì rà soát các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe; tăng cường công tác giám sát các cơ sở y tế trong việc khám sức khỏe cho người lái xe.
II. BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
a) Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang trái phép, chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép. Trong thời gian chờ xóa bỏ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải tổ chức bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.
a) Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Đường sắt Việt Nam và các cơ quan có liên quan rà soát các vị trí đường ngang không người gác (đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo) để cắm biển báo phù hợp. Nếu xét thấy mất an toàn đối với loại phương tiện cơ giới nào thì phải cắm biển báo cấm đối với loại phương tiện cơ giới đó. Hoàn thành trong quý I năm 2012.
b) Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường sắt: Tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm an toàn giao thông đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang, cầu chung đường bộ, đường sắt; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang, cầu chung; hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường sắt cho người được các địa phương bố trí cảnh giới tại các đường ngang.
III. BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
1. Tăng cường công tác quản lý hoạt động chở khách du lịch
a) Bộ Giao thông vận tải:
- Chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, ban hành quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa. Ban hành trong quý I năm 2012.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa của tổ chức, cá nhân liên quan; đình chỉ hoạt động của các cảng, bến và phương tiện thủy nội địa chưa đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn, thoát hiểm.
- Rà soát và quy định về vận tải hành khách bằng tàu khách cao tốc trên các tuyến đường thủy nội địa, tuyến ven biển, tuyến từ bờ ra đảo và tuyến nối giữa các đảo. Ban hành trong quý I năm 2012.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với: Tàu, thuyền kinh doanh vận tải khách du lịch không bảo đảm an toàn; các cảng, bến thủy nội địa cho tàu thuyền chở khách du lịch ra, vào đón trả khách trái quy định.
2. Tăng cường quản lý hoạt động chở khách ngang sông; vận động người đi đò mặc áo phao
a) Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng: Tăng cường công tác quản lý hoạt động chở khách ngang sông; cương quyết đình chỉ hoạt động của các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách ngang sông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện thủy không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có bằng, chứng chỉ không phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh vận động người đi đò tự giác mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đò ngang trên địa bàn quản lý do bến đò hoặc phương tiện không đủ các điều kiện an toàn, chở quá số người quy định, đò ngang không có đủ phao cứu sinh.
c) Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về việc mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cứu sinh đối với người đi đò. Ban hành trong quý I năm 2012.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học (có học sinh đi học bằng đò): Xây dựng kế hoạch vận động phụ huynh học sinh, các tổ chức, cá nhân để tự trang bị đủ cặp phao, áo phao, dụng cụ cứu sinh cho học sinh đi học bằng đò; có quy định đối với học sinh thường xuyên đi học bằng đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh khi đi đò; xử lý nghiêm đối với học sinh không tự giác thực hiện. Triển khai từ năm học 2012.
đ) Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Tăng cường biên chế, cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo, chế độ chính sách cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy ở Bộ Công an và 18 tỉnh, thành phố Nam Bộ” theo Quyết định số 1799/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục xây dựng đề án để tăng cường cho các địa phương còn lại và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2012.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thủy nội địa tăng cường thực hiện công tác điều tiết khống chế đảm bảo giao thông trên đường thủy nội địa tại nơi có mật độ giao thông cao, luồng lạch khan cạn, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; kết hợp tổ chức điều tiết khống chế đảm bảo giao thông với chống va trôi tại các vị trí cầu trọng điểm vào mùa mưa bão.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy và tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo quy định.
IV. BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
Bộ Giao thông vận tải:
1. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nhận thức về an ninh, an toàn hàng không dân dụng trong cộng đồng xã hội.
2. Xây dựng Chương trình An toàn Quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng, Chương trình An toàn đường cất hạ cánh. Ban hành trong quý IV năm 2012.
3. Hoàn thiện các phương thức bay đảm bảo công tác điều hành, khai thác mạng đường bay hiệu quả và tránh việc ùn tắc trên không; nâng cao năng lực giải phóng hành khách và hàng hóa tại các cảng hàng không, sân bay.
V. BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN HÀNG HẢI
Bộ Giao thông vận tải:
1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu thuyền, cảng biển; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
2. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đội ngũ thuyền viên, hoa tiêu hàng hải; chất lượng đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, an ninh đối với tàu biển.
3. Chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng hải phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương có liên quan giải tỏa các điểm khai thác cát trái phép, đăng đáy khai thác thủy sản, phương tiện nuôi trồng thủy sản và các phương tiện thủy nội địa, tàu cá hoạt động lấn chiếm luồng hàng hải.
4. Tập trung đầu tư nạo vét luồng hàng hải tại một số khu vực cảng biển trọng điểm quốc gia và khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền.
VI. TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
1. Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phân công cụ thể và quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng; từng ngành, từng địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng những chỉ tiêu cụ thể trong từng thời kỳ, phù hợp với phạm vi trách nhiệm và địa bàn quản lý; quy định việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật ở các cấp; đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tiêu cực ở các lĩnh vực như: đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đăng ký, đăng kiểm phương tiện; thanh tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm.
2. Bộ Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn Ban An toàn giao thông theo Quyết định số 35/2010/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiện toàn Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và phân công một Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban.
3. Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chuyên trách công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở các cơ quan Trung ương và địa phương.
1. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại việc thực hiện các kế hoạch, đề án bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã và đang thực hiện trong thời gian qua, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của Bộ, ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện Nghị quyết này, ban hành trong quý IV năm 2011.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc triển khai các giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Nghị quyết này.
3. Đề nghị các cấp ủy đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông.
4. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng nội dung, kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông” báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2011 để tổ chức thực hiện trong năm 2012.
5. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các Nghị quyết của Chính phủ, tổ chức giao ban định kỳ với các Bộ, ngành, địa phương theo khu vực để kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết ở từng ngành, từng địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những kết quả đạt được./
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.