HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 83/2020/NQ-HĐND |
Quảng Trị, ngày 09 tháng 12 năm 2020 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 21/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;
Xét Tờ trình số 5441/TTr-UBND ngày 27/11/2020 kèm Báo cáo số 258/BC- UBND ngày 25/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2021; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, tái thiết lại sản xuất, ổn định cuộc sống sinh hoạt và sinh kế cho người dân bị thiệt hại. Huy động có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, các sản phẩm đặc sắc của tỉnh gắn với xây dụng nông thôn mới. Ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác thông tin truyền thông, tăng cường đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Các chỉ tiêu kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (theo GRDP) đạt 6,5-7%, phấn đấu đạt 7%; trong đó: nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,5-3%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-11%; dịch vụ tăng 6-6,5%;
- GRDP bình quân đầu người đạt trên 57,5 triệu đồng;
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 22.000 tỷ đồng;
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn 3.450 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 2.970 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 480 tỷ đồng;
- Sản lượng lương thực có hạt 26 vạn tấn;
- Diện tích trồng mới và tái canh cây công nghiệp dài ngày 230 ha (trong đó: trồng mới cà phê: 150 ha, cao su: 50 ha, hồ tiêu: 30 ha);
- Trồng mới rừng tập trung: 7.000 ha;
- Tổng sản lượng thuỷ sản 37.000 tấn;
- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là 62,4% (có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới);
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ: 36.876 tỷ đồng;
- Số doanh nghiệp thành lập mới trên 450 doanh nghiệp.
b) Các chỉ tiêu xã hội:
- Giữ vững chuẩn phổ cập THCS tại 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 77%;
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 65-70%; trong đó: tỷ lệ đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ đạt 32%;
- Tạo việc làm mới cho 11.000 lao động;
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%;
- Mức giảm tỷ suất sinh trên 0,3‰;
- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,0-1,5%;
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo thể cân nặng/tuổi dưới 13,5%.
c) Các chỉ tiêu môi trường:
- Tỷ lệ độ che phủ rừng 50%;
- Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 89,62%;
- Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch đạt 95 %;
- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị đạt 95-100%.
d) Các chỉ tiêu về an ninh, quốc phòng
- Công tác tuyển quân đạt 100% kế hoạch.
II. Nhiệm vụ, giải pháp năm 2021
1. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 2021 theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Kết luận Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết này.
2. Tập trung thực hiện nhiệm vụ tái thiết kinh tế nông nghiệp bị thiệt hại sau bão, lũ; khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng du lịch, trường học, trạm xá và cơ sở hạ tầng nông thôn bị thiệt hại sau bão lũ; hỗ trợ nông dân về giống cây trồng, vật nuôi để kịp thời triển khai vụ Đông - Xuân năm 2020- 2021. Xây dựng đề án tái thiết sản xuất, tái định cư cho nhân dân vùng có nguy cơ sạt lỡ bờ sông, sạt lỡ đất, núi và xây dựng nhà ở tránh lũ vùng trũng. Tích cực tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nuôi dưỡng và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Phấn đấu tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2021 đạt 3.450 tỷ đồng.
3. Tổ chức lập và ban hành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 gắn với các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất; ban hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh 5 năm giai đoạn 2021-2025; tổ chức đánh giá các chính sách địa phương đến năm 2020 hết hiệu lực, kéo dài đến năm 2021 để kịp ban hành chính sách địa phương cho giai đoạn 2021-2025.
4. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Công nghiệp - xây dựng ưu tiên phát triển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, các ngành có tiềm năng, lợi thế như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến gỗ và nông, lâm, thủy hải sản; công nghiệp silicat, các ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động, xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung các dự án hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, động lực đã được xác định có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình giao thông quan trọng kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay với cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và hệ thống giao thông quốc gia. Đôn đốc và hỗ trợ nhà đầu tư tiến độ đầu tư các dự án chào mừng kỹ niệm 30 năm lập lại tỉnh. Tiếp tục triển khai các dự án theo hình thức hợp tác công tư; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương để vận động và triển khai thực hiện các dự án ODA. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ các đô thị trên địa bàn tỉnh.
5. Tiếp tực triển khai các chương trình, đề án về phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, biên giới; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển. Đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa, phát triển thương mại điện tử; thực hiện liên kết, hợp tác tìm kiếm thị trường nội địa để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ logistic, các tổng kho trên tuyến hành kinh tế Đông Tây phục vụ lưu thông hàng hóa hai chiều giữa các nước ASEAN.
6. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Khắc phục nhanh các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ. Hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng sản xuất bù đắp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai.
7. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Chú trọng nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ.
8. Phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tổ chức tốt các giải thể thao trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác dạy và học, phấn đấu kế hoạch 2021 tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 77%. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập; tăng cường công tác y tế dự phòng. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, từng bước thực hiện “bảo hiểm y tế toàn dân”. Kiểm soát tăng dân số và giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chế độ, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng. Tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiếp tục quan tâm chăm lo và triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án của Chính phủ và chính sách của địa phương đối với vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
9. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Bố trí nguồn lực và kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, ưu tiên đầu tư cho hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, liên tục phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cung cấp nước an toàn, liên tục.
10. Kiên quyết đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nghiêm túc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
11. Tiếp tục thực hiện các giải pháp củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chỉ đạo xây dựng lực lượng bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên theo quy định. Đảm bảo an ninh, trật tự Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII của Đảng, Bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh phòng chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội; thực hiện đồng bộ và hữu hiệu các giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy; giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ.
12. Tiếp tục quán triệt chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước; chủ động đẩy mạnh triển khai, thực hiện công tác đối ngoại. Tăng cường công tác phối hợp và thông tin giữa địa phương và Bộ Ngoại giao. Tích cực vận động các dự án và viện trợ phi dự án mới với tổng giá trị cam kết dự ước là 10 triệu USD.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Khóa VII, Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 12 năm 2020./.
|
CHỦ
TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.