ỦY BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 821/NQ-UBTVQH13 | Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2014 |
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;
Căn cứ Nghị quyết số 74/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015;
Căn cứ Kế hoạch số 721/KH-UBTVQH13 ngày 22/8/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2015,
QUYẾT NGHỊ:
1. Thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” (có danh sách kèm theo).
2. Đoàn giám sát được mời đại diện một số cơ quan hữu quan tham gia hoạt động của Đoàn; mời một số chuyên gia giúp Đoàn trong công tác giám sát.
Nội dung, kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Văn phòng Quốc hội tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ “TÌNH HÌNH OAN, SAI TRONG VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI BỊ OAN TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT"
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội)
I. THÀNH PHẦN ĐOÀN GIÁM SÁT
1. Ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn;
2. Ông Nguyễn Văn Hiện, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn Thường trực;
3. Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn;
4. Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn;
5. Ông Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn;
6. Ông Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn;
7. Ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng đoàn;
8. Ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, thành viên;
9. Ông Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thành viên;
10. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, thành viên;
11. Ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, thành viên;
12. Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên, Tổ trưởng Tổ biên tập;
13. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên;
14. Bà Đào Thị Xuân Lan, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên;
15. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thành viên;
16. Ông Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, thành viên;
17. Ông Huỳnh Ngọc Ánh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
18. Ông Nguyễn Thành Bộ, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
19. Ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
20. Ông Nguyễn Văn Hiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
21. Ông Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
22. Ông Huỳnh Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
23. Ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
24. Ông Nguyễn Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
25. Ông Trần Đình Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
26. Ông Phạm Xuân Thường, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
27. Ông Ngô Minh Tiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
28. Ông Vũ Xuân Trường, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, thành viên;
29. Ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, thành viên;
30. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát, thành viên.
II. ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT
1. Đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương;
2. Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương;
3. Đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
4. Đại diện lãnh đạo Bộ Công an;
5. Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng;
6. Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao;
7. Đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
8. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp;
9. Đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước;
10. Một số chuyên gia liên quan đến lĩnh vực giám sát.
III. TỔ BIÊN TẬP
1. Đại diện Thường trực Ủy ban Tư pháp;
2. Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội;
3. Đại diện Vụ Tư pháp, Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Vụ Tổng hợp (Văn phòng Quốc hội);
4. Cán bộ, chuyên viên một số bộ, ngành hữu quan;
5. Một số chuyên gia liên quan đến lĩnh vực giám sát.
“TÌNH HÌNH OAN, SAI TRONG VIỆC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ VIỆC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI BỊ OAN TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Xem xét, đánh giá thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến tình trạng oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan (trong khoảng thời gian từ 01/10/2011 đến 30/9/2014); những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục; đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
2. Việc tổ chức hoạt động giám sát bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; bảo đảm đúng phạm vi, nội dung, thời gian giám sát theo kế hoạch. Đoàn giám sát làm việc trực tiếp với các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các cơ quan chịu sự giám sát.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ HÌNH THỨC GIÁM SÁT
1. Đối tượng giám sát
- Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp);
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan điều tra hình sự, Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
- Các Vùng cảnh sát biển 1, 2, 3 và 4.
2. Hình thức giám sát
- Xét báo cáo của Chính phủ và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp; báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo của Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố; báo cáo của Cơ quan điều tra hình sự, Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự quân khu và tương đương; báo cáo của các Vùng cảnh sát biển về tình hình oan, sai trong điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và công tác bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
- Tổ chức 05 Đoàn công tác thuộc Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đi giám sát thực tế tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 01 quân khu, bao gồm:
+ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Phước;
+ Tỉnh Tiền Giang và tỉnh Sóc Trăng;
+ Tỉnh Đắk Nông và tỉnh Phú Yên;
+ Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Trị và Quân khu 4;
+ Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nam Định và tỉnh Bắc Giang.
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát tại địa phương mình theo đề cương và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội (trừ 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đến làm việc).
- Tổ chức một số hội nghị chuyên đề lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn.
- Tổ chức giải trình đối với một số trường hợp oan, sai cụ thể trong trường hợp cần thiết.
III. NỘI DUNG GIÁM SÁT (Theo Đề cương báo cáo chi tiết)
1. Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, nguyên nhân và giải pháp khắc phục
- Thực trạng tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và nguyên nhân.
- Thực trạng áp dụng sai quy định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và nguyên nhân.
- Việc xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền vi phạm pháp luật, gây nên oan, sai.
- Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự.
- Đánh giá hiệu quả của những giải pháp đã áp dụng để khắc phục, hạn chế oan, sai trong thời gian qua.
- Giải pháp khắc phục oan, sai trong thời gian tới; đề xuất sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự; xây dựng Luật tạm giữ, tạm giam, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, cơ chế xác định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền để xảy ra oan, sai.
2. Việc bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục
- Thực trạng tình hình oan, sai và công tác giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự.
- Thực trạng quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
- Về việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả của những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự để xảy ra oan, sai.
- Khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
- Giải pháp khắc phục trong thời gian tới; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát
a) Chính phủ
- Cử đại diện lãnh đạo tham gia các buổi làm việc theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát và báo cáo, giải trình về các vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
- Phân công, chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan xây dựng báo cáo về tình hình oan, sai trong hoạt động điều tra hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thuộc đối tượng giám sát thực hiện các yêu cầu của Đoàn giám sát.
b) Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp
- Xây dựng báo cáo thuộc lĩnh vực phụ trách theo Đề cương báo cáo và gửi đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/11/2014:
+ Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo theo Phần I Mục A, Mục B và Mục D của Đề cương;
+ Tòa án nhân dân tối cao báo cáo theo Mục C và Mục D của Đề cương;
+ Bộ Công an báo cáo theo Phần I Mục A và Mục D của Đề cương;
+ Bộ Quốc phòng báo cáo theo Mục A và Mục D của Đề cương;
+ Bộ Tài chính báo cáo theo Phần II Mục A và Mục D của Đề cương;
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo theo Phần II Mục A và Mục D của Đề cương;
+ Bộ Tư pháp báo cáo theo Mục D của Đề cương.
- Cử đại diện lãnh đạo tham gia các buổi làm việc theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát và báo cáo, giải trình về các vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành mình.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan ở địa phương xây dựng báo cáo theo Đề cương và gửi đến Đoàn giám sát đúng thời hạn.
c) Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng báo cáo theo Đề cương và gửi đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/11/2014.
+ Viện kiểm sát nhân dân báo cáo theo Mục B và Mục D của Đề cương;
+ Tòa án nhân dân báo cáo theo Mục C và Mục D của Đề cương;
+ Công an báo cáo theo Phần I Mục A và Mục D của Đề cương;
+ Hải quan báo cáo theo Phần II Mục A và Mục D của Đề cương;
+ Kiểm lâm báo cáo theo Phần II Mục A và Mục D của Đề cương;
+ Bộ đội biên phòng theo Phần II Mục A và Mục D của Đề cương;
- Làm việc với Đoàn giám sát về các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát (11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Đoàn đến làm việc); làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và thực hiện các yêu cầu khác liên quan đến hoạt động giám sát (các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Đoàn không đến làm việc).
d) Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự, Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng báo cáo theo Đề cương và gửi đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/11/2014:
+ Viện kiểm sát quân sự báo cáo theo Mục B và Mục D của Đề cương;
+ Tòa án quân sự báo cáo theo Mục C và Mục D của Đề cương;
+ Cơ quan điều tra hình sự báo cáo theo Phần I Mục A và Mục D của Đề cương;
- Đối với các Cơ quan điều tra hình sự, Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự Quân khu 4: Làm việc với Đoàn giám sát và thực hiện các yêu cầu khác liên quan đến hoạt động giám sát.
đ) Các Vùng cảnh sát biển 1, 2, 3 và 4
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng báo cáo theo Phần II Mục A, Mục D của Đề cương và gửi đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/11/2014.
- Khi có yêu cầu, trực tiếp làm việc với Đoàn giám sát về nội dung liên quan đến hoạt động giám sát.
2. Thời gian thực hiện
a) Tháng 10/2014:
Ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát; xây dựng kế hoạch giám sát, đề cương nội dung báo cáo, các văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
b) Từ cuối tháng 10/2014 đến tháng 01/2015:
- Họp Đoàn giám sát để triển khai kế hoạch giám sát (cuối tháng 10/2014)
- Đôn đốc các cơ quan hữu quan chuẩn bị báo cáo và gửi về cho Đoàn giám sát theo đúng tiến độ, yêu cầu (tháng 10-11/2014).
- Tập hợp, tổng hợp báo cáo của các cơ quan hữu quan phục vụ cho hoạt động giám sát (tháng 11-12/2014).
- Đoàn giám sát tổ chức giám sát tại các địa phương:
+ Giám sát tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đắk Nông, Phú Yên (tháng 12/2014).
+ Giám sát tại các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng; các tỉnh Quảng Trị, Nam Định, Bắc Giang và Quân khu 4 (tháng 01/2015).
(Chương trình cụ thể sẽ thông báo sau)
- Các Đoàn đại biểu Quốc hội (trừ 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương Đoàn giám sát đến làm việc) chủ động tổ chức việc giám sát tại địa phương mình; gửi báo cáo kết quả giám sát về cho Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/02/2015.
c) Tháng 02/2015
- Xây dựng, hoàn thiện các báo cáo kết quả giám sát tại địa phương.
- Tổ chức giải trình đối với một số trường hợp oan, sai cụ thể trong trường hợp cần thiết.
- Họp Đoàn giám sát để nghe kết quả giám sát tại các địa phương và kết quả các phiên giải trình (nếu có); chuẩn bị nội dung để làm việc với các cơ quan hữu quan ở trung ương.
d) Tháng 3/2015:
- Tập hợp, tổng hợp báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội phục vụ cho hoạt động giám sát.
- Tổ chức một số hội nghị chuyên đề lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn.
- Đoàn giám sát tổ chức một số phiên làm việc với Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành hữu quan.
- Xây dựng và hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát.
đ) Tháng 4/2015:
- Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát.
e) Tháng 5/2015:
- Trình Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết của Quốc hội về biện pháp khắc phục oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự (nếu có).
3. Phân công nhiệm vụ
a) Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội
- Tổ chức thực hiện nội dung, kế hoạch giám sát (tổ chức các Đoàn công tác đi giám sát tại địa phương; tổ chức các buổi làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao...).
- Thành lập Tổ biên tập giúp Đoàn giám sát và Ủy ban Tư pháp (cơ quan chủ trì giúp Đoàn giám sát) thực hiện các nhiệm vụ: tập hợp, tổng hợp các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan; dự thảo báo cáo kết quả giám sát; chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về biện pháp khắc phục oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự (nếu có); thu thập các tài liệu có liên quan phục vụ nghiên cứu, giám sát.
- Xây dựng và hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát.
- Báo cáo kết quả giám sát tại phiên họp tháng 4/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
b) Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
- Chủ trì phối hợp giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát, nội dung, kế hoạch, đề cương giám sát và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát.
- Làm đầu mối tiếp nhận các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
- Chỉ đạo Tổ biên tập trong việc tập hợp, tổng hợp các báo cáo của các cơ quan hữu quan; dự thảo báo cáo kết quả giám sát; chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về biện pháp khắc phục oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự (nếu có); thu thập các tài liệu có liên quan phục vụ nghiên cứu, giám sát.
- Chủ trì giúp hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về biện pháp khắc phục oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự (nếu có).
c) Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội
- Tổ chức giám sát những vấn đề liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng, Ủy ban khi thấy cần thiết và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/02/2015 để tổng hợp chung.
- Cử thành viên tham gia Đoàn giám sát theo yêu cầu.
- Tham dự các buổi làm việc của Đoàn giám sát.
- Tham gia ý kiến vào báo cáo của Đoàn giám sát.
d) Văn phòng Quốc hội
- Trình và gửi các văn bản liên quan đến hoạt động giám sát theo thẩm quyền;
- Phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện theo yêu cầu của Đoàn giám sát;
- Chuẩn bị các điều kiện bảo đảm và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.
đ) Các Đoàn đại biểu Quốc hội
- Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố (trừ 11 tỉnh, thành phố Đoàn giám sát đến làm việc) tổ chức giám sát tại địa phương, gửi Báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/02/2015 để tổng hợp chung.
- Đoàn đại biểu Quốc hội 11 tỉnh, thành phố Đoàn giám sát đến làm việc cử thành viên tham gia và phối hợp với Đoàn giám sát trong việc giám sát tại địa phương.
e) Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Báo cáo kết quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tại địa phương đã thực hiện trong thời gian từ 01/10/2011 đến 30/9/2014 (nếu có) và gửi về Đoàn giám sát (qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) trước ngày 25/11/2014.
- Tham gia hoạt động giám sát của Đoàn giám sát hoặc của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương.
(Thời gian lấy số liệu từ 01/10/2011 đến 30/9/2014; báo cáo số liệu chung và số liệu cụ thể theo từng năm)
A. TÌNH HÌNH THỤ LÝ, ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ CỦA CÁC CƠ QUAN ĐIỀU TRA, CƠ QUAN ĐƯỢC GIAO NHIỆM VỤ TIẾN HÀNH MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA
1. Về tình hình thụ lý, điều tra vụ án hình sự của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1. Số tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố; số tố giác, tin báo đã giải quyết/năm; số tố giác, tin báo để quá hạn giải quyết và nguyên nhân.
2. Số vụ án đã khởi tố, điều tra; số trường hợp ra quyết định không khởi tố vụ án; số vụ Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra; số vụ Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố.
3. Số người bị bắt, tạm giữ hình sự; số người bắt, tạm giữ hình sự chuyển xử lý hành chính, tỷ lệ %; số người bắt, tạm giữ hình sự sau đó phải trả tự do vì không thực hiện hành vi phạm tội (danh sách cụ thể kèm theo); số trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, hủy bỏ quyết định tạm giữ, tỷ lệ %.
4. Số người bị khởi tố bị can; số trường hợp Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định khởi tố bị can; số bị can Viện kiểm sát yêu cầu khởi tố, tỷ lệ %; số trường hợp Viện kiểm sát thay đổi tội danh đối với bị can, tỷ lệ %.
5. Số người bị tạm giam; số trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh tạm giam; số người bị tạm giam sau đó chuyển xử lý hành chính do hành vi không cấu thành tội phạm; số người bị tạm giam sau đó trả tự do vì không thực hiện hành vi phạm tội (danh sách cụ thể kèm theo); số người bị tạm giam sau đó trả tự do vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm; số bị can trốn và số truy bắt được.
6. Số trường hợp chết trong Nhà tạm giữ, Trại tạm giam (có danh sách kèm theo); những trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết.
7. Số đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra và kết quả giải quyết, số trường hợp dùng nhục hình dẫn đến làm oan người vô tội hoặc dẫn đến chết người. Các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình trong điều tra vụ án hình sự đã áp dụng và kết quả.
8. Số vụ tạm đình chỉ điều tra (vụ/bị can; tỷ lệ %).
9. Số vụ/bị can đình chỉ điều tra, tỷ lệ % trong đó nêu rõ:
- Số vụ đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội, tỷ lệ % (danh sách cụ thể kèm theo);
- Số vụ đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm, tỷ lệ % (danh sách cụ thể kèm theo);
- Số vụ đình chỉ điều tra do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, tỷ lệ %;
- Số vụ đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự, tỷ lệ % (danh sách cụ thể kèm theo); nêu rõ các trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết.
10. Số vụ/bị can bị Viện kiểm sát hủy quyết định đình chỉ điều tra, tỷ lệ %.
11. Số vụ Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, tỷ lệ %.
12. Tình hình khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ. Số đơn khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
13. Thực trạng về trình độ, năng lực Điều tra viên. Số điều tra viên vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.
II. Tình hình thụ lý, điều tra vụ án hình sự của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Vùng cảnh sát biển
1. Số người Viện kiểm sát không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, nguyên nhân (trừ Hải quan, Kiểm lâm).
2. Số người bị tạm giữ, số tạm giữ quá hạn; số người chuyển xử lý hành chính; số phải trả tự do vì không phạm tội (trừ Hải quan, Kiểm lâm).
3. Số vụ/bị can đã khởi tố; số Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, nguyên nhân.
4. Những vi phạm pháp luật trong việc thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án.
5. Nguyên nhân dẫn đến các trường hợp oan, sai và giải pháp khắc phục.
B. VIỆC PHÁT HIỆN OAN, SAI TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỦA VIỆN KIỂM SÁT
1. Số trường hợp vi phạm pháp luật của Cơ quan điều tra trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (bỏ lọt, giải quyết không đúng, không đầy đủ, để quá hạn luật định), số yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát.
2. Số trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp; hủy bỏ quyết định tạm giữ và yêu cầu trả tự do cho người bị bắt.
3. Số vụ/bị can Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố; số vụ/bị can Viện kiểm sát trực tiếp khởi tố; số trường hợp Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố vụ án, hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra.
4. Số trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn lệnh tạm giam; hủy bỏ lệnh tạm giam trái pháp luật của Cơ quan điều tra.
5. Số trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra.
6. Số vụ/bị can Viện kiểm sát hủy quyết định tạm đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, tỷ lệ %.
7. Số vụ/bị can Viện kiểm sát hủy quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, tỷ lệ %.
8. Số vụ/bị can Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, tỷ lệ %.
9. Tình hình bức cung, dùng nhục hình và những vi phạm pháp luật phổ biến khác trong hoạt động điều tra; số kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra.
10. Số vụ/bị can Viện kiểm sát phải giải quyết; số vụ/bị can Viện kiểm sát đã giải quyết, tỷ lệ %, trong đó:
- Số vụ/bị can Viện kiểm sát truy tố, tỷ lệ %; số trường hợp truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt, tỷ lệ %.
- Số vụ/bị can đình chỉ, tỷ lệ % trong đó nêu rõ:
+ Số vụ đình chỉ do không có sự việc phạm tội, tỷ lệ % (danh sách cụ thể kèm theo);
+ Số vụ đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, tỷ lệ % (danh sách cụ thể kèm theo);
+ Số vụ đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật hình sự, tỷ lệ % (danh sách cụ thể kèm theo); nêu rõ các trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo và kết quả giải quyết.
- Số vụ án/bị can đình chỉ bị Tòa án yêu cầu khởi tố, bị Viện kiểm sát cấp trên hủy và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định truy tố.
11. Số vụ Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, tỷ lệ %. Số bị can, bị cáo Viện kiểm sát rút quyết định truy tố.
12. Số vụ án hình sự để kéo dài trên 05 năm đến nay chưa được giải quyết.
13. Số kháng nghị phúc thẩm; số kháng nghị Tòa án chấp nhận, tỷ lệ %. Số trường hợp Viện kiểm sát rút kháng nghị, tỷ lệ %.
14. Số vụ/bị cáo Viện kiểm sát kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và số vụ/bị cáo Tòa án chấp nhận kháng nghị, tỷ lệ %.
15. Những vi phạm pháp luật phổ biến của Tòa án trong hoạt động xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự; số kiến nghị.
16. Những vi phạm pháp luật phổ biến của Viện kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự.
17. Thống kê các vụ án làm oan người vô tội điển hình mà dư luận quan tâm (tóm tắt nội dung vụ án, quá trình giải quyết, lý do chính dẫn đến việc làm oan).
18. Thực trạng trình độ, năng lực đội ngũ Kiểm sát viên. Số Kiểm sát viên, Điều tra viên vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.
C. TÌNH HÌNH THỤ LÝ, XÉT XỬ CỦA TÒA ÁN
1. Số vụ/bị cáo đã thụ lý; số vụ/bị cáo đã được xét xử sơ thẩm, số án sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị, tỷ lệ %. Số án sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại (do sai tội danh; áp dụng hình phạt không đúng pháp luật; chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội), số bị cáo bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa tội danh.
2. Số vụ/bị cáo đã được giải quyết, xét xử theo thủ tục phúc thẩm, số bản án, quyết định phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm, tỷ lệ %. Số bản án, quyết định phúc thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại (do sai tội danh; áp dụng hình phạt không đúng pháp luật; chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội).
3. Số vụ/bị cáo Tòa tuyên phạm tội khác với tội danh bị truy tố.
4. Số vụ/bị cáo Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, tỷ lệ %; số vụ/bị cáo Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, nhưng sau đó bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm theo hướng có tội, tỷ lệ %; kết quả giải quyết.
5. Số vụ/bị cáo Tòa án tuyên bị cáo có tội, nhưng sau đó bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thấm, tái thẩm theo hướng không có tội, tỷ lệ %; kết quả giải quyết.
6. Số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo sau đó bị Tòa án cấp phúc thẩm chuyển hình phạt tù, tỷ lệ %. Số bị cáo Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy án, tỷ lệ %.
7. Các vi phạm pháp luật phổ biến trong hoạt động xét xử của Tòa án các cấp (Số trường hợp để quá hạn tạm giam không có lệnh; không tuyên bồi thường thiệt hại, không tuyên xử lý vật chứng, bản án tuyên không rõ ràng...).
8. Thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán các cấp. Số Thư ký Tòa án, Thẩm phán vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xét xử bị xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.
D. VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CHO NGƯỜI BỊ OAN TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Số đơn đề nghị bồi thường; số trường hợp đã giải quyết; số trường hợp đang giải quyết; tổng số tiền đã bồi thường.
2. Kết quả đạt được, tồn tại và hạn chế trong công tác giải quyết bồi thường cho người bị oan (lập hồ sơ, dự toán kinh phí, việc cấp và chi trả tiền bồi thường cho người bị oan).
3. Thực trạng quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
4. Về việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả của những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự để xảy ra oan, sai.
5. Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan và những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
6. Giải pháp khắc phục; đề xuất sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.