HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2006/NQ-HĐND | Phan Thiết, ngày 12 tháng 12 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH LẠI 03 LOẠI RỪNG VÀ KẾ HOẠCH BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG CỦA TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch lại 03 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất);
Căn cứ Nghị quyết số 21/2005/NQ-HĐND ngày 24/6/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh về điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng và phương án sắp xếp đổi mới và phát triển Lâm trường quốc doanh của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2005 - 2010;
Sau khi xem xét Tờ trình số 5125/TTr-UBND ngày 24/11/2006 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 03 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ và quy hoạch - kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Tờ trình của UBND tỉnh về rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 03 loại rừng và kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010 như sau:
1. Nay điều chỉnh lại quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2006 - 2010 được quy định tại khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 21/2005/NQ-HĐND ngày 24/6/2005 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, cụ thể như sau:
1.1. Điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh có đến tháng 12/2010 được quy định tại điểm 1.1, khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết nói trên như sau:
Đơn vị tính: ha
Nội dung | Quy hoạch đến 2010 theo NQ-21 của HĐND tỉnh | Điều chỉnh | Đến tháng 12/2010 | |
Tăng | Giảm | |||
1. Đất có rừng | 326.001 | 499 | 2.009 | 324.491 |
1.1. Rừng tự nhiên | 279.033 | 499 |
| 279.532 |
1.2. Rừng trồng | 46.968 |
| 2.009 | 44.959 |
2. Đất không có rừng | 27.881 | 1.914 |
| 29.795 |
3. Đất khác | 21.606 |
| 5.88 | 15.726 |
Tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh | 375.488 | 2.413 | 7.889 | 370.012 |
1.2. Điều chỉnh diện tích đất lâm nghiệp phân theo 03 loại rừng có đến tháng 12/2010 được quy định tại điểm 1.2, khoản 1, điều 1 của nghị quyết nói trên như sau:
Đơn vị tính: ha
Nội dung | Quy hoạch đến 2010 theo NQ-21 của HĐND tỉnh | Điều chỉnh | Đến tháng 12/2010 | ||
Tăng | Giảm | Diện tích | Tỉ lệ (%) | ||
1. Rừng phòng hộ | 244.291 |
| 93.175 | 151.116 | 40,84% |
2. Rừng sản xuất | 94.297 | 92.144 |
| 186.411 | 50,38% |
3. Rừng đặc dụng | 36.9 |
| 4.415 | 32.485 | 08,78% |
Tổng diện tích đất |
|
|
|
|
|
lâm nghiệp toàn tỉnh | 375.488 | 92.144 | 97.59 | 370.012 |
|
1.3. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu trong tổ chức triển khai thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 03 loại rừng giai đoạn 2006 - 2010 như sau:
- Tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch lại 03 loại rừng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cho phù hợp quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2005 đến năm 2010 đã được HĐND tỉnh thông qua và quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt. Thực hiện cắm mốc xác định ranh giới 03 loại rừng tại thực địa và ranh giới lâm phần của các Ban quản lý rừng và các đơn vị chủ rừng khác. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch;
- Triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đơn vị vũ trang, phấn đấu hoàn thành trong quý 3/2007;
- Triển khai việc thu hồi, bàn giao đất sản xuất nông nghiệp đã ổn định trước đây và theo kết quả rà soát 03 loại rừng lần này về cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý để cấp đất cho dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất phát triển kinh tế - xã hội tại từng địa phương. Tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng. Phát huy hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, sử dụng tài nguyên rừng trong việc kết hợp phát triển du lịch tại địa phương;
- Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp, ngăn chặn được tình trạng phá rừng trái phép, thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng hiệu quả, tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng tại các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010:
2.1. Mục tiêu:
a) Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, làm tăng độ che phủ của rừng bằng trồng mới, khoanh nuôi phục hồi rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt để đến năm 2010 tăng độ che phủ của rừng tỉnh Bình Thuận từ 43% lên 52% (kể cả diện tích trồng cây công nghiệp, cây lâu năm khác của các tổ chức kinh tế khác), góp phần tăng cường khả năng phòng hộ, tạo nguồn sinh thủy, giảm nhẹ thiên tai, tạo môi trường sinh thái, bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học của rừng;
b) Sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp, chú trọng đầu tư tập trung cho rừng phòng hộ, đặc dụng; tăng chất lượng rừng trồng, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. Đẩy mạnh đầu tư phát triển rừng sản xuất, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư nhằm tăng nhanh diện tích rừng sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy… góp phần gia tăng giá trị sản phẩm quốc nội.
2.2. Về các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
a) Thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, cải tạo rừng và giao khoán bảo vệ rừng từ chương trình trồng mới 05 triệu ha rừng giai đoạn 2006 - 2010; thông qua các chính sách và cơ chế quản lý lâm nghiệp phù hợp, tuyên truyền, huy động các nhà đầu tư, các tổ chức và nhân dân tích cực tham gia trồng rừng sản xuất, trồng rừng tạo cảnh quan kết hợp phòng hộ môi trường, trồng cây công nghiệp và phủ xanh đất trống bạc màu, chưa sử dụng. Tranh thủ các nguồn vốn viện, trợ để đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chống sa mạc hóa, đổi mới cơ chế chính sách, lập kế hoạch và giám sát hoạt động lâm nghiệp, chế biến lâm sản;
b) Sắp xếp, đổi mới kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Lâm nghiệp trong trồng rừng và chế biến lâm sản, phát triển hình thức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp của hộ gia đình, hợp tác xã, trang trại… Không thực hiện khai thác chính rừng tự nhiên, trừ diện tích rừng tự nhiên, được phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất xây dựng công trình. Đẩy mạnh công tác phòng cháy và chữa cháy rừng;
c) Ứng dụng tốt khoa học, công nghệ để phục vụ hiệu quả công tác quản lý rừng, hệ giống cây lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu trồng rừng ở địa phương, trồng rừng cao sản và chế biến sản phẩm lâm nghiệp. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ lâm nghiệp, chú ý làm tốt công tác khuyến lâm cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện hoạt động sản xuất lâm nghiệp đa dạng.
Điều 2. Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận khóa VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2006 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.