HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 331/2020/NQ-HĐND | Đồng Tháp, ngày 10 tháng 7 năm 2020 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH CHÍNH SÁCH TIẾP CẬN, HỖ TRỢ TÍN DỤNG KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ MƯỜI LĂM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Xét Tờ trình số 41/TTr-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Báo cáo thẩm tra số 157/BC-HĐND ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng khuyền khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Nghị quyết này quy định chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
b) Những nội dung khác có liên quan đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn không nêu trong Nghị quyết này được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án đầu tư quy định tại khoản 3, 4, 5, Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ (kể cả doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế và cụm công nghiệp).
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này.
c) Nghị quyết này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước.
3. Chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng
3.1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách Tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành.
3.2. Mức hỗ trợ: bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.
Chỉ hỗ trợ chênh lệch lãi suất đối với phần lãi vay thanh toán đúng hạn. Trường hợp khoản vay bị chuyển sang nợ xấu, việc hỗ trợ lãi suất sẽ chấm dứt kể từ ngày ngân hàng chính thức xếp loại khoản vay đó là nợ xấu.
3.3. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại:
a) Tối đa 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng.
b) Tối đa 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư nhưng tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 750 triệu đồng.
c) Tối đa 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nhưng tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng.
d) Dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 08 năm nhưng tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng.
đ) Dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị theo quy định tại khoản 9, Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm, nhưng tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng.
e) Trường hợp dự án thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức hỗ trợ, thì doanh nghiệp thực hiện dự án được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ, Khoản 3 Điều này.
3.4. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: theo mức dư nợ thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm xem xét hỗ trợ nhưng tối đa không quá 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).
3.5. Phương thức hỗ trợ: hỗ trợ lần đầu sau khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động và hỗ trợ hàng năm trong những năm tiếp theo, cho đến khi hết thời gian được hỗ trợ.
3.6. Điều kiện hỗ trợ lãi suất: dự án được UBND Tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư (đối với dự án không thuộc trường hợp phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư) và có hợp đồng tín dụng ký kết, kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.
3.7. Vốn hỗ trợ chênh lệch lãi suất được giải ngân 01 lần/năm khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ của khoản vay có xác nhận của Ngân hàng nơi vay vốn. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ số tiền hỗ trợ chênh lệch lãi suất vào ngân sách Tỉnh.
3.8. Trường hợp doanh nghiệp vay vốn từ Quỹ Đầu tư Phát triển Tỉnh thì không hỗ trợ về lãi suất theo Nghị quyết này; lãi suất vay vốn thực hiện theo quy định của Quỹ Đầu tư Phát triển Tỉnh tại thời điểm vay.
3.9. Nguồn vốn hỗ trợ: bố trí tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm cho ngành nông nghiệp.
Điều 2. Giao UBND Tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và ban hành danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khóa IX, kỳ họp thứ mười lăm thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 7 năm 2020./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.