HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2016/NQ-HĐND | Quảng Ninh, ngày 17 tháng 11 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THƯƠNG MẠI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/ NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 7182/TTr-UBND ngày 07/11/2016 về việc đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 89/BC-HĐND ngày 15/11/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chính sau:
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển ngành thương mại trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, hỗ trợ đắc lực cho sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là cho các ngành du lịch và dịch vụ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao văn minh thương mại và chất lượng cuộc sống của người dân;
- Khai thác tối đa các lợi thế của tỉnh, trong đó có thương mại biên giới và các công trình hạ tầng trọng điểm; tạo sự chuyển biến cơ bản về phương thức kinh doanh, hoàn thiện hệ thống phân phối và hạ tầng thương mại; thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, kinh doanh, trong đó đặc biệt quan tâm đến kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm đảm bảo phân bố hạ tầng thương mại một cách hợp lý, đồng đều trên địa bàn các địa phương.
2. Mục tiêu phát triển
a) Mục tiêu chung
- Phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng trọng điểm, mũi nhọn, mang tính đột phá; duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, nâng cao đóng góp của ngành thương mại vào tăng trưởng GRDP của tỉnh; thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa và thúc đẩy xuất khẩu;
- Phát triển hạ tầng thương mại với cơ cấu cân đối, hợp lý, đảm bảo các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, theo hướng ngày càng hiện đại với mục tiêu hiệu quả, bảo vệ môi trường và văn minh thương mại.
b) Mục tiêu cụ thể
- Giá trị tăng thêm ngành thương mại đạt tăng bình quân 12,5-13,5%/năm giai đoạn 2016-2020; 14,5-15,5%/năm giai đoạn 2021-2025 và 10-11%/năm giai đoạn 2026-2030. Kinh tế thương mại chiếm tỷ trọng 10-11% trong GRDP toàn tỉnh vào năm 2020; 11-12% vào năm 2025 và 12-13% vào năm 2030;
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 17-18%/năm; giai đoạn 2021-2025 tăng 18-19%/năm và trên 21%/năm cho giai đoạn 2026-2030;
- Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng 3-5%/năm giai đoạn 2016-2020; tăng 9,5-10,5%/năm giai đoạn 2021-2025 và 11-12%/năm giai đoạn 2026-2030. Kim ngạch nhập khẩu đạt tốc độ tăng 13-14%/năm giai đoạn 2016-2020; tăng 10-11%/năm giai đoạn 2021-2025 và dưới 10%/năm giai đoạn 2026-2030.
3. Định hướng phát triển thương mại
a) Định hướng phát triển thương mại nội địa
- Phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh với quy mô khác nhau, tăng về số lượng, mới về phương thức hoạt động và mô hình tổ chức, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật thị trường; phát triển các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại, chú trọng các mô hình kinh doanh thương mại hiện đại tại khu vực thành thị và mô hình hợp tác xã thương mại dịch vụ ở khu vực nông thôn;
- Phát triển hạ tầng thương mại trên nguyên tắc có trọng tâm, mũi nhọn, tạo tính đột phá, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật liên quan phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường theo từng vùng, miền, địa phương và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế; xây dựng các trung tâm mua sắm chất lượng cao, các tuyến phố thương mại tại các khu du lịch trọng điểm để đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế;
- Phát triển mạng lưới thương mại nông thôn, trong đó quan tâm thị trường nông sản, thủy sản tập trung; xây dựng mô hình liên kết chuỗi khép kín, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng - xuất khẩu, kết nối giữa nông thôn, thành thị và các khu du lịch nhằm mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thương hiệu và các sản phẩm OCOP của tỉnh.
b) Định hướng phát triển hoạt động xuất nhập khẩu
- Xuất khẩu: Phát huy tối đa lợi thế từ các thị trường truyền thống, phát triển các thị trường mới với nhiều phân khúc thị trường, chú trọng các thị trường có triển vọng; phát huy thế mạnh và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; duy trì và tăng kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm có lợi thế của tỉnh, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới; khai thác tối đa lợi thế xuất khẩu tại chỗ cho nhu cầu của các đối tác và khách du lịch nước ngoài;
- Nhập khẩu: Ưu tiên nhập khẩu thiết bị công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện môi trường mà trong nước chưa sản xuất được; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu;
- Định hướng phát triển xuất nhập khẩu qua biên giới: Phát huy vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực; phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng dịch vụ xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu.
c) Định hướng phát triển các dịch vụ phụ trợ của ngành thương mại
Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, giao nhận, kho bãi, trong đó có dịch vụ vận chuyển, phân phối, xếp dỡ, lưu kho bãi, bảo quản, đóng gói, dán nhãn, phân loại, tăng cường công tác kiểm định chất lượng hàng hóa; đẩy mạnh dịch vụ thông quan, tư vấn, bảo hiểm, ngân hàng, sửa chữa - bảo dưỡng thiết bị, phương tiện vận tải,...
d) Định hướng hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin
Tổ chức có hiệu quả, thiết thực các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, sản phẩm OCOP của tỉnh; xây dựng các trung tâm triển lãm, hội chợ tại các địa bàn như: Hạ Long, Móng Cái, khu kinh tế Vân Đồn... Tại các địa phương hình thành các điểm, khu vực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
đ) Định hướng phát triển thương mại điện tử
- Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các cam kết quốc tế về thương mại điện tử; đẩy mạnh thương mại điện tử trong các lĩnh vực: Thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, đầu tư, đăng ký kinh doanh và các dịch vụ công khác;
- Phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử, lựa chọn doanh nghiệp và địa bàn thí điểm ứng dụng thương mại điện tử; chú trọng xây dựng thương hiệu trực tuyến cho các hàng hóa, dịch vụ chủ lực đặc trưng và sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa OCOP của tỉnh.
4. Phương án quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng thương mại
a) Hệ thống chợ
- Ưu tiên đầu tư chợ đầu mối thủy sản, chợ đầu mối nông sản, chợ đầu mối tập kết hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp; tập trung đầu tư chợ đầu mối thủy sản tại Vân Đồn và chợ đầu mối nông sản tại Đông Triều, nâng cấp chợ Minh Thành trở thành chợ đầu mối tập kết hàng hóa phục vụ cho địa bàn thành phố Hạ Long và các khu vực lân cận; xây dựng các chợ chuyên doanh hải sản phục vụ cho khách du lịch tại địa bàn thành phố Hạ Long, thành phố Móng Cái, huyện Cô Tô;
- Nâng cấp, mở rộng, xây mới chợ theo yêu cầu phát triển, lựa chọn chuyển đổi mô hình quản lý một số chợ hạng 1, hạng 2 nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động khai thác chợ; di dời hoặc xóa bỏ một số chợ không phù hợp theo lộ trình.
b) Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại
- Siêu thị: Khuyến khích phát triển siêu thị, đa dạng hóa loại hình kinh doanh siêu thị, như: Siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, siêu thị bán buôn, siêu thị bán lẻ; tổ chức, định hướng phát triển siêu thị để hình thành mạng lưới siêu thị phân bố tương đối đều trên địa bàn các trung tâm đô thị lớn, phù hợp với đặc điểm kinh tế tại mỗi địa phương; khuyến khích phát triển các hình thức kinh doanh siêu thị mới như siêu thị chuyên doanh hải sản kết hợp nhà hàng tại các địa bàn trọng điểm, như: Hạ Long, Móng Cái, khu kinh tế Vân Đồn…;
- Trung tâm thương mại: Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại các đô thị, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh; gắn kết hoạt động của các trung tâm thương mại với dịch vụ khách sạn, hội nghị hội thảo, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí; xây dựng các trung tâm mua sắm chất lượng cao, các tuyến phố thương mại tại các khu du lịch trọng điểm để đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế.
c) Hệ thống kho, bãi hàng hóa, trung tâm logistics, cửa hàng miễn thuế
- Kho, bãi hàng hóa: Phát triển hệ thống kho, bãi hàng hóa tại khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng, bến và khu công nghiệp; phát triển hệ thống kho lạnh để dự trữ nguyên liệu đầu vào đến các nhà máy sản xuất và đưa sản phẩm đảm bảo chất lượng ra thị trường;
- Trung tâm logistics, cảng cạn ICD: Khai thác có hiệu quả các trung tâm logistics tại Cái Lân (Hạ Long) và tại Móng Cái; duy trì và mở rộng hoạt động của cảng cạn ICD Km3+4 Móng Cái; hình thành trung tâm logistics mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, cảng hàng không phục vụ cho trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và cho nhu cầu sản xuất công nghiệp.
- Phát triển cửa hàng miễn thuế gắn với cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển.
d) Trung tâm hội chợ triển lãm
Phát huy hiệu quả Cung quy hoạch và hội chợ triển lãm của tỉnh tại thành phố Hạ Long; xây dựng trung tâm hội chợ, triển lãm ở thành phố Móng Cái và Khu kinh tế Vân Đồn; xây dựng các điểm, khu vực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
đ) Hệ thống kho, cửa hàng xăng dầu.
- Kho xăng dầu: Sử dụng hiệu quả 4 kho xăng dầu hiện có (K130, KCN Cái Lân - Pvoil, Cảng dầu B12 - Petrolimex, Kho trung chuyển - Công ty Xăng dầu B12) và kho xăng dầu Mông Dương đang được đầu tư xây dựng; xây dựng kho đầu mối tại thị xã Quảng Yên và huyện Hải Hà; kho trung chuyển tại các địa phương: Đông Triều, Tiên Yên, Cẩm Phả, Móng Cái; phát triển các kho xăng dầu mới gắn với các cảng, khu công nghiệp, khu sản xuất than; đầu tư trạm phối trộn xăng sinh học tại tổng kho K130 nhằm đảm bảo khả năng dự trữ, cung ứng mặt hàng xăng dầu đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh;
- Cửa hàng xăng dầu: Nâng cấp, mở rộng, xây dựng các cửa hàng quy mô lớn, đặc biệt là ở các địa bàn có nhu cầu cao; xây dựng các cửa hàng xăng dầu mới gắn với các tuyến giao thông, vùng sản xuất tập trung, vùng sâu, vùng xa; hạn chế phát triển thêm cửa hàng xăng dầu trong khu vực đô thị; phát triển các cửa hàng kinh doanh xăng sinh học phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương; từng bước hình thành và phát triển một số cửa hàng bán xăng dầu tự động (trước tiên là ở tuyến quốc lộ, cao tốc và các đô thị).
e) Hệ thống cơ sở kinh doanh khí
- Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG): Phát triển các cửa hàng tập trung, có quy mô lớn, có thể kết hợp với cửa hàng xăng dầu để tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; giảm tối thiểu 20% cửa hàng quy mô nhỏ ở khu vực đô thị; ưu tiên xây dựng các kho chứa, trạm nạp, trạm cấp LPG trong các khu, cụm công nghiệp, xa khu dân cư.
- Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG): Chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và tổ chức quản lý, đáp ứng các điều kiện kinh tế - kỹ thuật và nhu cầu phát sinh trong sản xuất kinh doanh.
g) Hệ thống cơ sở kinh doanh rượu, thuốc lá
- Phát triển mạng lưới kinh doanh sản phẩm rượu và thuốc lá trên nguyên tắc không khuyến khích kinh doanh và tiêu dùng, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và ổn định;
- Mạng lưới kinh doanh sản phẩm rượu, thuốc lá phải tuân thủ với quy hoạch mạng lưới kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu, thuốc lá trên phạm vi toàn quốc. Số lượng, phân bố các cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu, thuốc lá phải phù hợp với đặc điểm, đặc thù và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của từng địa phương, đảm bảo hiệu quả đầu tư phát triển và quản lý nhà nước. Sau năm 2025, giảm dần các cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu, thuốc lá không còn phù hợp, đảm bảo các yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe của nhân dân.
h) Hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn
- Xây dựng và hình thành hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn với số lượng, loại hình, cơ cấu, quy mô phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, với trình độ phát triển thị trường khu vực nông thôn, kết hợp chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh gắn với hiệu quả, tránh lãng phí trong quá trình đầu tư (không nhất thiết mỗi xã có một chợ);
- Phát triển chủ yếu các công trình thương mại quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh tổng hợp, trong đó chợ truyền thống, các cửa hàng tiện ích, đại lý thương mại là các loại hình phổ biến, phát triển các điểm bán hàng đặc sản, nông sản, thương hiệu, OCOP.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
a) Giải pháp thu hút nguồn lực
- Tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư cùng với chính sách ưu đãi, thông thoáng để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển sản phẩm xuất khẩu;
- Tranh thủ các nguồn vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ đào tạo kiến thức quản trị cho lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho cán bộ và nhân viên trực tiếp kinh doanh, quan tâm đào tạo về văn minh thương mại, trong đó phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước;
- Quy hoạch, dự trữ quỹ đất phù hợp cho phát triển cơ sở hạ tầng thương mại; ưu tiên bố trí quỹ đất có lợi thế thương mại để thu hút các dự án ưu tiên đầu tư, các dự án hạ tầng thương mại ở đô thị và nông thôn; áp dụng các chính sách giảm, miễn tiền sử dụng đất ở mức cao nhất theo quy định pháp luật cho các địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn theo từng điều kiện cụ thể.
b) Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển thương mại
- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách để phát triển thương mại, đặc biệt là các chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển hạ tầng thương mại; có chính sách cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi trong khoảng thời gian nhất định đối với nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thương mại;
- Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng thương mại được chủ động quy định giá cho thuê diện tích kinh doanh, các loại phí dịch vụ dựa trên khung giá quy định của pháp luật.
c) Giải pháp về tổ chức quản lý
- Đổi mới hệ thống tổ chức, mô hình quản lý doanh nghiệp thương mại; hoàn thiện cơ chế chính sách để nâng hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn tỉnh; tổ chức tốt mạng lưới thông tin và công tác dự báo thị trường để giúp hoạt động thương mại có hiệu quả bền vững; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại;
- Tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết; quy định cụ thể quy trình, thủ tục cấp phép các dự án đầu tư hạ tầng thương mại, đảm bảo tuân thủ quy hoạch phát triển ngành thương mại của tỉnh và tính hiệu quả trong đầu tư của xã hội.
d) Giải pháp về hợp tác vùng, quốc gia và quốc tế
Xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi gắn kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực; từng bước tham gia vào chuỗi liên kết quốc tế.
đ) Giải pháp phát triển thị trường nông thôn
Kết hợp chặt chẽ các nội dung, nguồn vốn theo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh với các nguồn vốn xã hội hóa khác để hoàn thiện hạ tầng thương mại nông thôn, trong đó tập trung hoàn thành tiêu chí hạ tầng thương mại nông thôn, xây dựng các kho bảo quản để phục vụ chế biến nông sản và phân phối tiêu thụ sản phẩm.
e) Giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường
- Khuyến khích hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm thương hiệu, sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, đẩy mạnh, mở rộng áp dụng công nghệ thanh toán qua thẻ, thanh toán trực tuyến;
- Tăng cường công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư kinh doanh thương mại theo các quy định hiện hành, kiên quyết không xem xét các dự án phát triển thương mại có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, đảm bảo văn minh thương mại và phát triển bền vững.
6. Nhu cầu vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư
- Nhu cầu về vốn đầu tư: Giai đoạn 2016-2020 là 50.000 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 là 43.500 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 25.000 tỷ đồng.
- Nguồn vốn đầu tư: Từ nguồn xã hội hóa sẽ đóng vai trò chủ đạo, dự kiến chiếm từ 97 - 98%; phần còn lại từ vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư hạ tầng thương mại tại khu vực nông thôn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng điện nước đến chân hàng rào của các dự án trọng điểm.
- Danh mục công trình, dự án hạ tầng thương mại ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016-2025: Có phụ lục kèm theo.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh và phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Quy hoạch.
- Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
2. Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 11 năm 2016./.
| CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2025
(Kèm theo Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND ngày 17/10/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh)
TT | TÊN DỰ ÁN | ĐỊA PHƯƠNG | VỐN ĐẦU TƯ DỰ KIẾN |
I | Giai đoạn 2016-2020 |
| 26.800 |
1 | Trung tâm thương mại/siêu thị tại phường Bãi Cháy | Hạ Long | 1.000 |
2 | Phố thương mại, mua sắm (bao gồm cả Outlet) tại phường Hòn Gai, phường Bạch Đằng, phường Bãi Cháy | Hạ Long | 3.000 |
3 | Trung tâm thương mại | Móng Cái | 1.200 |
4 | Trung tâm thương mại | Cẩm Phả | 1.200 |
5 | Trung tâm thương mại tại phường Yên Thanh | Uông Bí | 1.200 |
6 | Trung tâm thương mại tại phường Quảng Yên | Quảng Yên | 1.200 |
7 | Trung tâm thương mại tại phường Hưng Đạo và tuyến đường tránh phường Đông Triều | Đông Triều | 1.200 |
8 | Khu thương mại - dịch vụ tại điểm dừng chân xã Bình Dương | Đông Triều | 500 |
9 | Khu thương mại - dịch vụ gắn với khu nghỉ dưỡng, phường Quang Hanh | Cẩm Phả | 1.500 |
10 | Trung tâm thương mại - dịch vụ gắn với đặc khu kinh tế Vân Đồn | Vân Đồn | 2.000 |
11 | Khu thương mại dịch vụ, cửa hàng xăng dầu gắn với điểm dừng chân 2 bên đường cao tốc | Quảng Yên | 1.000 |
12 | Khu thương mại dịch vụ, cửa hàng xăng dầu gắn với điểm dừng chân 2 bên đường cao tốc | Hoành Bồ | 1.000 |
13 | Hệ thống kho bãi, trung tâm logictics, khu thương mại, dịch vụ tại khu vực cầu Bắc Luân 2, phường Hải Hòa | Móng Cái | 10.000 |
14 | Chợ trung tâm Cẩm Phả, phường Cẩm Trung | Cẩm Phả | 250 |
15 | Chợ trung tâm Móng Cái (Chợ trung tâm, chợ 2 chợ 3) | Móng Cái | 300 |
16 | Chợ chuyên doanh thủy sản, tại phường Hà Phong | Hạ Long | 250 |
17 | Hệ thống kho bãi, trung tâm logictics tại khu vực cửa khẩu Hoành Mô, Đồng Văn | Bình Liêu | 500 |
II | Giai đoạn 2021-2025 |
|
|
1 | Trung tâm thương mại tại Khu đô thị phức hợp Hạ Long xanh | Hạ Long - Quảng Yên |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.