CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/NQ-CP | Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2014 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.
Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TW NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ)
Ngày 10 tháng 4 năm 2013, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế (sau đây gọi là Nghị quyết 22). Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa đường lối đối ngoại và chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra. Nghị quyết 22 khẳng định chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết đã chỉ rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng chủ yếu để triển khai công tác hội nhập quốc tế toàn diện trong thời gian tới.
Thực hiện sự phân công Bộ Chính trị, Chương trình hành động này được Ban Cán sự Đảng Chính phủ thông qua và Chính phủ ban hành với mục tiêu tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 22. Chương trình hành động này sẽ xác định các nội dung công việc cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện mà các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tập trung triển khai trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc sau đây:
1. Thông tin, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết
a) Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng nội dung của Nghị quyết 22, các yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, phương hướng, nhiệm vụ trọng yếu của hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực đến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức Đảng các cấp, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
b) Đẩy mạnh nâng cao nhận thức về các cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, trong đó có các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới, nhất là đối với các địa phương, các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề.
c) Tuyên truyền rộng rãi chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác, cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt và thông báo kịp thời dư luận cho các cơ quan liên quan trong nước. Tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thông tin về Việt Nam tới các nước trên thế giới. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020.
2. Xây dựng thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế
a) Xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng đổi mới thể chế, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
b) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy theo hướng tăng cường rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ các quy định pháp luật không phù hợp với các cam kết quốc tế, nội luật hóa các cam kết quốc tế, ban hành các quy định mới đáp ứng các yêu cầu hội nhập. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Xây dựng và triển khai kế hoạch đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế mới; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết quốc tế.
c) Kiện toàn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp, kiểm tra, giám sát các hoạt động hội nhập quốc tế hiệu quả, thống nhất, nhịp nhàng giữa các ngành, các lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương.
d) Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngoại giao Nhà nước với Đối ngoại Đảng và Đối ngoại nhân dân, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh bảo đảm các hoạt động hội nhập quốc tế được thực hiện đồng bộ, nhất quán.
đ) Tổ chức các hoạt động nghiên cứu sâu về lý luận và thực tiễn hội nhập quốc tế phục vụ triển khai hội nhập quốc tế trong từng ngành, từng lĩnh vực và cấp độ.
e) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành.
3. Hội nhập kinh tế quốc tế
a) Rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bảo đảm hài hòa, đồng bộ với Chương trình hành động về hội nhập quốc tế; bổ sung các nhiệm vụ mới để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của đất nước từ nay đến năm 2020.
b) Xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020.
c) Xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020, trong đó lồng ghép các định hướng chiến lược về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Xây dựng định hướng nâng cao hiệu quả tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các định chế kinh tế, thương mại, tài chính - tiền tệ như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)...; tham gia tích cực các cơ chế hợp tác khác như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)...
d) Nâng cao hiệu quả tham gia và tăng cường đóng góp thiết thực tại các cơ chế hợp tác đa phương ở châu Á Thái Bình Dương như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC); đề xuất và dẫn dắt các sáng kiến mới, ở tầm khu vực và toàn cầu, trong các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu...; ưu tiên đóng góp xây dựng và khai thác hiệu quả sự tham gia của nước ta trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác, nhất là tăng cường kết nối và phát triển nguồn nhân lực; nâng tầm các cơ chế liên kết kinh tế tiểu vùng và liên quan, trong đó coi trọng cơ chế hợp tác Mê Công, GMS, ACMECS, Mê Công với các đối tác, Sáng kiến Hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng...
đ) Cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài đồng thời bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia vào đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam; đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và hợp tác công - tư; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, quản lý chặt chẽ nợ công. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
e) Triển khai mạnh mẽ các biện pháp vận động chính trị, ngoại giao kết hợp giải trình kỹ thuật trong việc vận động các nước sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; đẩy mạnh vận động chính trị, ngoại giao phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.
4. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị
a) Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với phát triển và an ninh của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích trên các lĩnh vực.
b) Tích cực, chủ động tham gia và phát huy vai trò của nước ta tại các thể chế đa phương, nhất là trong việc đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng phát triển Cộng đồng sau năm 2015, nâng cao hiệu quả tham gia Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong các cơ chế khu vực do ASEAN giữ vai trò trung tâm như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS)...; nâng cao hiệu quả tham gia của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Chủ động đóng góp có trách nhiệm tại các diễn đàn quan trọng như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết, Hợp tác Nam-Nam, Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp (Francophonie), các cơ chế hợp tác tiểu vùng...
c) Chuẩn bị việc đăng cai các sự kiện ngoại giao đa phương lớn và ứng cử của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế quan trọng. Đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy các sáng kiến của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và thế giới.
d) Xây dựng và triển khai Kế hoạch gia nhập các tổ chức, diễn đàn quốc tế mà Việt Nam chưa là thành viên, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của đất nước. Tăng cường đào tạo cán bộ đa phương, chuẩn bị nhân sự người Việt Nam để đưa vào làm việc và ứng cử vào các vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế.
đ) Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương có liên quan và trong quan hệ song phương với các đối tác chủ chốt.
e) Tích cực hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của Đảng trong việc mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại đảng, nâng cao hiệu quả tham gia các diễn đàn các chính đảng, các cơ chế hợp tác của các tổ chức xã hội và các tổ chức phi chính phủ khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại nhân dân.
g) Tích cực hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc tăng cường các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nâng cao hiệu quả tham gia các cơ chế hợp tác nghị viện và liên nghị viện khu vực và quốc tế.
h) Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, phục vụ hội nhập trong lĩnh vực chính trị và hỗ trợ hội nhập trong các lĩnh vực khác.
5. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh
a) Xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng đến năm 2020, khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, vị thế quốc tế của đất nước nhằm góp phần xây dựng quân đội từng bước hiện đại và tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu chiến lược, tăng cường khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Đề xuất các biện pháp phát triển và đưa vào chiều sâu quan hệ quốc phòng song phương với các nước; tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại đa phương về quốc phòng, nhất là các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN giữ vai trò trung tâm, các cơ chế hợp tác khác trong cấu trúc an ninh khu vực.
b) Xây dựng và triển khai kế hoạch tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014; các hoạt động kiểm soát phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hoạt động diễn tập chung với lộ trình phù hợp với khả năng của quân đội ta.
c) Xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an ninh đến năm 2020; chủ động phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm lợi dụng hội nhập quốc tế xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của đất nước; nâng cao hiệu quả quan hệ, hợp tác với các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát các nước, hoàn thiện hành lang pháp lý, từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Tham gia tích cực các cơ chế hợp tác đa phương về đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, ngăn ngừa, giảm thiểu các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; phát huy vai trò, trách nhiệm của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương như Tổ chức Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANPOL), Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (INTERPOL), Diễn đàn hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia giữa các nước ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Những người đứng đầu cơ quan an ninh các nước ASEAN (MACOSA)...
6. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác
a) Rà soát các nội dung cam kết quốc tế của Việt Nam và tình hình triển khai thực hiện, phương hướng tham gia các cam kết quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và các lĩnh vực khác để đề xuất lộ trình triển khai thực hiện.
b) Lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế vào quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, đề án về phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, lao động, y tế, thể thao..., nhằm tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu kiến thức, tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
c) Xây dựng và triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường vai trò chủ động của Việt Nam tại các thể chế, diễn đàn đa phương về văn hóa (tham gia các công ước, các cơ quan của UNESCO, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM...). Nâng cao chất lượng, thành tích trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao ở khu vực và thế giới, khai thác tối đa hiệu quả hợp tác du lịch song phương và đa phương phục vụ phát triển bền vững. Tiếp tục triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020.
d) Xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
đ) Triển khai Đề án đóng góp xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
e) Triển khai hiệu quả Đề án hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ đến năm 2020.
g) Triển khai hiệu quả Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020, các hoạt động hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Á - Âu (ASEMME), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO)...
h) Xây dựng và triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
i) Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các cam kết trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế chuyên ngành mà Việt Nam là thành viên, nhất là các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Tăng cường tham gia các cơ chế hợp tác giải quyết vấn đề môi trường, đề xuất các sáng kiến của Việt Nam nhằm đóng góp tích cực cho nỗ lực chung ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, rừng, nguồn nước, động vật, thực vật, phòng chống thiên tai....
k) Mở rộng quan hệ hợp tác nghiệp vụ, trao đổi thông tin với các hãng thông tấn, phát thanh truyền hình nước ngoài. Tăng cường tham dự các Hiệp hội, diễn đàn đa phương về truyền thông. Củng cố và tăng cường mạng lưới Cơ quan thường trú ở nước ngoài.
l) Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa, thông tin, tuyên truyền; đấu tranh có hiệu quả nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế về xã hội, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống.
1. Trên cơ sở những nội dung nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động này và căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế trong tháng 6 năm 2014, trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tình hình thực hiện.
3. Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế tham mưu giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình thực hiện.
4. Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình hành động này, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Chương trình, các Bộ, ngành, địa phương chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế xem xét, quyết định./.
NHỮNG CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ)
TT | Nội dung công việc | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Sản phẩm | Thời gian thực hiện và hoàn thành | ||
1 | Thông tin, tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết | ||||||
1.1 | Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức quán triệt Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động tới các tổ chức Đảng các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan trung ương, địa phương và các doanh nghiệp | Bộ Ngoại giao | Các Bộ, ngành, địa phương | Các lớp tập huấn theo từng địa bàn | 2014 | ||
1.2 | Tuyên truyền về chủ trương hội nhập quốc tế đến các đối tác, cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài | Bộ Ngoại giao | Các Bộ, ngành liên quan | Các đề án tuyên truyền, các hoạt động đối ngoại | 2014 - 2016 | ||
1.3 | Thực hiện các chương trình phát thanh và truyền hình tuyên truyền về hội nhập quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thông tin về Việt Nam tới các nước trên thế giới thông qua các mối quan hệ hợp tác về phát thanh truyền hình, các hoạt động trao đổi phóng viên viết bài | Bộ Thông tin và Truyền thông | Các cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương | Các bản tin, bài báo, chương trình phát thanh và truyền hình | 2014 - 2016 | ||
1.4 | Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, sự tham gia của Việt Nam trong WTO và các thỏa thuận thương mại tự do | Bộ Công Thương | Các Bộ, ngành, địa phương | Các chương trình tuyên truyền, bài viết, ấn phẩm | 2014 - 2016 | ||
2 | Xây dựng thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế | ||||||
2.1 | Xây dựng Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 | Bộ Ngoại giao | Các Bộ, ngành, địa phương | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị | 2015 | ||
2.2 | Xây dựng các Đề án về hoàn thiện thể chế pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cụ thể: (i) Xây dựng Luật về tư pháp quốc tế; (ii) Rà soát bổ sung các quy định trong Bộ luật hình sự để thực hiện các công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; (iii) Đề xuất gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp | Bộ Tư pháp | Các Bộ, ngành, địa phương liên quan | Các Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội | 2014 - 2016 | ||
2.3 | Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế | Bộ Ngoại giao | Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan | Các Đề án trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội | 2014 - 2015 | ||
2.4 | Xây dựng Đề án về Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
2.5 | Xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương phục vụ hội nhập quốc tế | Bộ Ngoại giao | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
2.6 | Đưa nội dung “hội nhập quốc tế” vào chương trình giảng dạy tại các trường Đảng, trường hành chính, các trường đại học và cao đẳng, các trường và trung tâm đào tạo của các Bộ, ban, ngành | Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo | Các Bộ, ngành liên quan | Các chương trình giảng dạy | 2014 - 2015 | ||
2.7 | Xây dựng Đề án tăng cường kiến thức pháp luật quốc tế và các kỹ năng xử lý các vấn đề pháp luật quốc tế cho đội ngũ cán bộ pháp chế các Bộ, ngành và địa phương | Bộ Tư pháp | Các Bộ, ngành, địa phương liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 - 2016 | ||
2.8 | Xây dựng Đề án tăng cường đào tạo nguồn nhân lực hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cán bộ tham gia đàm phán kinh tế, thương mại quốc tế | Bộ Công Thương | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
3 | Hội nhập kinh tế quốc tế | ||||||
3.1 | Rà soát, cập nhật và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam là thành viên WTO | Bộ Công Thương | Các Bộ, ngành, địa phương liên quan | Báo cáo trình Chính phủ | 2013 - 2014 | ||
3.2 | Xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 | Bộ Công Thương | Các Bộ, ngành, địa phương | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
3.3 | Xây dựng Báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội nước ta sau 10 năm gia nhập WTO. Xây dựng Báo cáo “Việt Nam 2030” làm cơ sở hoạch định chính sách phát triển, hội nhập quốc tế cho Việt Nam đến năm 2030 | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Các Bộ, ngành liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ | 2014 - 2016 | ||
3.4 | Xây dựng Đề án xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
3.5 | Xây dựng Đề án tăng cường kết nối giao thông vận tải trong ASEAN | Bộ Giao thông vận tải | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
3.6 | Xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Bộ, ngành liên quan | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
3.7 | Xây dựng Đề án đẩy mạnh việc tham gia vào các thể chế tiền tệ - ngân hàng khu vực và quốc tế | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2015 | ||
4 | Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị | ||||||
4.1 | Xây dựng và triển khai các Đề án tham gia, đề xuất, thúc đẩy sáng kiến của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương | Bộ Ngoại giao | Các Bộ, ngành liên quan | Các Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 - 2016 | ||
4.2 | Xây dựng các Đề án gia nhập các tổ chức, diễn đàn mới; chuẩn bị nhân sự người Việt Nam để đưa vào làm việc và ứng cử vào các vị trí công việc quan trọng trong các tổ chức quốc tế | Bộ Ngoại giao, các Bộ quản lý chuyên ngành | Các Bộ, ngành liên quan | Các Đề án trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị | 2014 - 2016 | ||
5 | Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng | ||||||
5.1 | Xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020 | Bộ Quốc phòng | Các Bộ, ngành liên quan | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị | 2014 | ||
5.2 | Xây dựng chiến lược hội nhập về quốc phòng với ASEAN và các nước đối tác, đối thoại của ASEAN đến năm 2020 | Bộ Quốc phòng | Bộ Ngoại giao | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
5.3 | Xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an ninh đến năm 2020 | Bộ Công an | Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
6 | Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác | ||||||
6.1 | Xây dựng Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Các Bộ, ngành liên quan | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
6.2 | Xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Các Bộ, ngành liên quan | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
6.3 | Xây dựng Kế hoạch thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các tổ chức khác thuộc hệ thống Liên hợp quốc trong lĩnh vực lao động - xã hội giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến 2030 | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
6.4 | Xây dựng Đề án tăng cường tham gia các cơ chế hợp tác giải quyết vấn đề môi trường trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) | Bộ Tài nguyên và Môi trường | Các Bộ, ngành liên quan | Đề án trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
6.5 | Xây dựng Chiến lược hội nhập quốc tế về công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số | Ủy ban Dân tộc | Các Bộ, ngành liên quan | Dự thảo Chiến lược/Đề án báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
6.6 | Xây dựng và triển khai các dự án trọng điểm trong quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020 | Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam | Các đài phát thanh truyền hình địa phương | Các Đề án, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 - 2016 | ||
6.7 | Xây dựng Kế hoạch thực hiện cam kết của ta khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Kế hoạch phát huy vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn của ASEAN và khu vực về phòng chống tham nhũng | Thanh tra Chính phủ | Các Bộ, ngành liên quan | Các Đề án, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 - 2016 | ||
6.8 | Xây dựng Chiến lược hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế của ngành Bảo hiểm xã hội đến năm 2020 | Bảo hiểm xã hội Việt Nam | Các Bộ, ngành liên quan | Dự thảo Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ | 2014 | ||
|
|
|
|
|
|
|
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.