ỦY BAN THƯỜNG VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 271/NQ-UBTVQH13 |
Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2011 |
VỀ MỘT SỐ CẢI TIẾN, ĐỔI MỚI ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội;
Thực hiện quyết định về việc cải tiến, đổi mới một số hoạt động của Quốc hội và ủy quyền ban hành Nghị quyết về vấn đề này của Quốc hội tại phiên họp ngày 20/10/2011;
Trên cơ sở Báo cáo số 36/BC-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/10/2011 về một số nội dung cải tiến, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Triển khai thực hiện một số cải tiến, đổi mới trong các hoạt động sau đây của Quốc hội từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:
1. Tổ chức kỳ họp Quốc hội;
2. Tổ chức phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội;
3. Hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;
4. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội;
5. Công tác thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội;
6. Công tác bảo đảm tài chính.
Điều 2. Một số cải tiến, đổi mới trong tổ chức kỳ họp Quốc hội
1. Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình kỳ họp tiếp theo để gửi các cơ quan, tổ chức hữu quan cho ý kiến hoàn thiện về các nội dung có liên quan. Chỉ đưa vào chương trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến hoặc quyết định những vấn đề đã được chuẩn bị chu đáo, đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục luật định.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo chuẩn bị sớm các nội dung thuộc chương trình kỳ họp gửi đại biểu Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu kỹ nội dung báo cáo, tờ trình, dự án trước khi dự họp. Ngoài dự án, báo cáo, tờ trình đầy đủ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra chuẩn bị báo cáo tóm tắt từ 5 đến 7 trang để trình bày; rút ngắn thời gian trình bày tại hội trường xuống còn khoảng 15 đến 20 phút, trừ báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Văn bản trình Quốc hội phải nêu được nội dung chính, nội dung trình xin ý kiến Quốc hội; đối với tờ trình về dự án luật cần nêu rõ mục tiêu, quan điểm xây dựng, các chính sách luật, những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau.
Báo cáo thẩm tra cần tập trung phân tích, phản biện và đưa ra kiến nghị về các chính sách được nêu trong dự án, báo cáo, tờ trình; nội dung nào đồng ý thì không nêu lại lập luận, lý lẽ; nội dung nào không đồng ý hoặc đề nghị bổ sung thì nêu lý lẽ cụ thể; đồng thời, nêu rõ những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau và đề xuất phương án xử lý trình Quốc hội xem xét, quyết định. Cơ quan thẩm tra và cơ quan trình cần phối hợp từ đầu quá trình chuẩn bị, cùng thảo luận để nâng cao chất lượng văn bản, xử lý chặt chẽ những vấn đề kỹ thuật, bố cục văn bản; tập trung trình Quốc hội thảo luận, quyết định những vấn đề, nội dung quan trọng và những nội dung lớn còn ý kiến khác nhau.
3. Tại phiên họp Tổ, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận; sắp xếp hợp lý thời gian giữa thảo luận Tổ và thảo luận Hội trường để có thời gian tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý. Thời gian phát biểu của đại biểu lần đầu không quá 10 phút, lần sau không quá 5 phút.
Tai phiên họp toàn thể, cơ quan trình báo cáo trước Quốc hội dự kiến tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ; Quốc hội thảo luận những vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau; bảo đảm ý kiến thảo luận tập trung, tránh trùng lặp và làm cơ sở để Quốc hội quyết định một số nội dung của dự án luật cho ý kiến lần đầu. Thời gian phát biểu của đại biểu lần đầu không quá 7 phút, lần sau không quá 3 phút.
4. Tại phiên chất vấn, Quốc hội dành toàn bộ thời gian cho việc trả lời câu hỏi chất vấn trực tiếp. Bố trí phiên chất vấn cuối kỳ họp để đại biểu Quốc hội có thời gian cân nhắc, chuẩn bị câu hỏi chất vấn. Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm lựa chọn một số nhóm vấn đề nổi lên và dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn tại Hội trường gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề, có đối thoại, tranh luận về từng vấn đề. Đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn theo nhóm vấn đề; câu hỏi chất vấn phải liên quan đến nhóm vấn đề đang chất vấn, ngắn gọn, rõ ý, không giải thích dài hoặc chỉ hỏi thông tin; thời gian hỏi tối đa là 2 phút/1 lần. Người trả lời chất vấn trả lời ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi, thời gian trả lời theo yêu cầu của chủ tọa. Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và khi cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
5. Khi xem xét, cho ý kiến về những nội dung trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến các nội dung cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết. Cơ quan chủ trì xây dựng nghị quyết là Thường trực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra hoặc giám sát nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách; Đoàn thư ký kỳ họp chủ trì xây dựng nghị quyết chung của kỳ họp, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết chủ động tổ chức ban soạn thảo hoặc tổ biên tập để chuẩn bị dự thảo nghị quyết.
6. Tổ chức giao ban báo chí, họp báo để kịp thời cung cấp thông tin hoặc nêu yêu cầu thông tin đối với một số nội dung cần thiết, bảo đảm chuyển tải đầy đủ, đúng định hướng các thông tin về kỳ họp đến cử tri và nhân dân cả nước; quy định cụ thể hoạt động tác nghiệp của phóng viên tại kỳ họp Quốc hội.
7. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để thảo luận, phối hợp chỉ đạo điều hành những nội dung quan trọng, đảm bảo thành công của mỗi kỳ họp Quốc hội.
Điều 3. Một số cải tiến, đổi mới trong tổ chức phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội
1. Thời gian bắt đầu phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 15 hằng tháng. Vào tháng 5 và tháng 10, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp sớm hơn để chuẩn bị phục vụ kỳ họp Quốc hội (được ấn định khai mạc vào 20-5 và 20-10 hằng năm).
2. Nghiêm túc thực hiện quy định về thời gian gửi tài liệu; các nội dung tài liệu gửi quá muộn hoặc không đầy đủ không được đưa vào chương trình kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án, báo cáo, đề án được chính thức thông báo đến các cơ quan, tổ chức hữu quan để nghiên cứu tiếp thu hoặc triển khai thực hiện; đối với các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì ban hành nghị quyết.
4. Áp dụng các thủ tục thảo luận khác nhau đối với việc thảo luận, cho ý kiến hoặc quyết định theo thẩm quyền. Đối với nội dung Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tập trung thảo luận về điều kiện trình, chính sách luật, việc bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục; không thảo luận các vấn đề kỹ thuật. Đối với nội dung Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền thì dành thời gian thích đáng để thảo luận, trao đổi trước khi quyết định. Thời gian phát biểu lần đầu của thành viên là 10 phút, lần sau là 5 phút.
5. Hằng năm, tổ chức ít nhất 2 lần chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội về những vấn đề được Quốc hội giao hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn. Các đại biểu Quốc hội quan tâm hoặc có chất vấn được mời dự các phiên họp này. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn.
6. Khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo.
Điều 4. Một số cải tiến, đổi mới trong hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
1. Cơ quan thẩm tra dành thời gian tham gia từ đầu với cơ quan soạn thảo để trao đổi, xử lý các vấn đề thuộc nội dung dự án, đề án, báo cáo. Cơ quan tham gia thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra phần nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Nội dung báo cáo thẩm tra phải có ý kiến chính thức bằng văn bản của Ủy ban pháp luật về việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, của cơ quan tham gia thẩm tra về các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách.
2. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thể đăng ký tham gia các hoạt động của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình quan tâm.
3. Tăng cường tổ chức hoạt động báo cáo giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; mở rộng đối tượng tham gia hoạt động báo cáo giải trình, mời đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và thông báo để các đại biểu Quốc hội quan tâm đăng ký tham dự; thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động báo cáo giải trình; có thể tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi. Nghiên cứu việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Điều 5. Một số cải tiến, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri
Thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể dự các cuộc tiếp xúc cử tri, bảo đảm để đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp tiếp xúc với cử tri. Tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội lựa chọn. Căn cứ vào thực tế ở từng địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương để đại biểu Quốc hội có hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, tạo không khí cởi mở, dân chủ, trao đổi thẳng thắn giữa cử tri và đại biểu.
Điều 6. Một số cải tiến, đổi mới trong việc cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội
Cung cấp đầy đủ các chương trình bồi dưỡng đại biểu dân cử, thông tin so sánh, thông tin về việc chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo trình Quốc hội cho đại biểu Quốc hội; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm thông qua truyền hình trực tuyến từ trụ sở Quốc hội đến các khu vực và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng Thư viện Quốc hội, cổng thông tin điện tử Quốc hội để chuyển tải kịp thời thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội; chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật nâng cao chất lượng Quốc hội điện tử.
Điều 7. Một số cải tiến, đổi mới công tác bảo đảm tài chính
Sửa đổi Nghị quyết số 773/2009/UBTVQH12 ngày 30/3/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, bảo đảm kinh phí cho một số hoạt động đặc thù của đại biểu Quốc hội; hoàn thiện cơ chế thuê chuyên gia, cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội; ban hành bảng lương mới cho đại biểu Quốc hội chuyên trách; chế độ phụ cấp mới và một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết này.
2. Giao Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội tổng hợp, tiếp thu ý kiến của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án, trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về cải tiến, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
3. Giao Văn phòng Quốc hội chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan:
a) Cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 6 Nghị quyết này; tổ chức truyền hình trực tuyến từ trụ sở Quốc hội đến các khu vực và đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xây dựng cổng thông tin điện tử Quốc hội và chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất - kỹ thuật nâng cao chất lượng Quốc hội điện tử;
b) Hoàn thành việc xây dựng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 773/2009/UBTVQH12 ngày 30/3/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội trước ngày 31 tháng 12 năm 2012;
c) Xây dựng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành bảng lương mới cho đại biểu Quốc hội chuyên trách; chế độ phụ cấp mới và một số chế độ chính sách đặc thù phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội trước ngày 31 tháng 12 năm 2012.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.