HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/NQ-HĐND | Bạc Liêu, ngày 06 tháng 12 năm 2013 |
VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 09/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Du lịch Việt Nam năm 2005 số 44/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Thể dục, thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/6/2007 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;
Căn cứ Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020;
Xét Tờ trình số 221/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân và ý kiến Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, như sau:
- Phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên tự nhiên và xã hội nhân văn, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất sẵn có phục vụ cho yêu cầu phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới.
- Phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng trong khu vực và trong cả nước; duy trì mối quan hệ tương tác, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực khác, tạo động lực thúc đẩy các ngành cùng phát triển đồng bộ, góp phần tạo sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế của tỉnh.
- Đẩy mạnh xã hội hóa về văn hóa, thể thao và du lịch nhằm thu hút thêm các nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
- Phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, bản sắc văn hóa truyền thống Bạc Liêu nói riêng; thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ tài nguyên và môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
- Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch gắn liền với phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình chung của tỉnh; phát huy tối đa nhân tố con người, nguồn lực chủ yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển.
II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
- Bảo tồn, kế thừa có chọn lọc và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng phát triển bền vững; xác định vai trò văn hóa, thể thao và du lịch làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
- Phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch phải gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường, chú trọng đến việc ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.
- Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, qua đó thu hút và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
- Gắn kết chặt chẽ những hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng dân tộc ít người.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Lĩnh vực văn hóa
- Hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Bạc Liêu phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa; quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa phát huy mạnh mẽ tính đa dạng, bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc, vừa kiên trì củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa, tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới, đi đôi với việc mở rộng và chủ động trong giao lưu hội nhập và phát triển.
- Giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của mọi người, phát huy cao độ tính sáng tạo của trí thức, văn nghệ sỹ; đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật; tạo cơ chế chính sách và cơ sở vật chất để có nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao.
- Tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của nhân dân; phấn đấu thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
2.2. Lĩnh vực thể thao
- Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, thể dục, thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu giải trí của xã hội và tạo thói quen hoạt động, vận động hợp lý suốt đời. Đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện, làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao và góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong tầng lớp thanh, thiếu niên. Tích cực phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng toàn dân.
- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao dần thành tích thi đấu thể thao thành tích cao tại các giải quốc gia và quốc tế.
2.3. Lĩnh vực du lịch
- Đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó, đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, lễ hội, du lịch tâm linh, tín ngưỡng; gắn du lịch với quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử “Đất và Người Bạc Liêu” trong quá trình hội nhập và phát triển nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
- Xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc văn hóa địa phương, hấp dẫn khách du lịch; kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng du lịch; liên kết với các địa phương hình thành mạng lưới du lịch trong nội vùng, mạng lưới du lịch quốc gia.
- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
3. Các chỉ tiêu cơ bản
3.1. Lĩnh vực văn hóa
* Giai đoạn 2013 - 2015
- 100% thiết chế văn hóa cấp tỉnh được xây dựng và hoàn thành: Nhà hát, Rạp chiếu phim, Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm Triển lãm Văn hóa, Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu; Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu; Công viên vui chơi giải trí.
- Cấp huyện xây dựng được 50% thiết chế văn hóa trọng điểm như: Thư viện, Nhà truyền thống, Nhà văn hóa và Công viên, Khu vui chơi giải trí.
- Cấp xã: Hơn 50% xã có thiết chế văn hóa, thể thao đủ điều kiện để làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư.
- Hoàn thành cơ chế, chính sách thu hút lực lượng văn nghệ sỹ nghiên cứu sáng tác phục vụ đời sống của nhân dân.
* Giai đoạn 2015 - 2020
- Đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế cấp tỉnh như: Nhà hát, Rạp chiếu phim, Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm Triển lãm Văn hóa, Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu; Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sỹ Cao Văn Lầu; Công viên vui chơi giải trí,…
- Cấp huyện xây dựng được 90% thiết chế văn hóa trọng điểm như: Thư viện, Nhà truyền thống, Nhà văn hóa và Công viên, Khu vui chơi giải trí.
- Cấp xã: Hơn 90% xã có thiết chế văn hóa, thể thao đủ điều kiện để làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư.
- 100% di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được phân cấp quản lý và khoanh vùng bảo vệ, trùng tu tôn tạo; bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa phi vật thể.
- Phấn đấu các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật có nhiều tác phẩm, tác giả đạt nhiều thành tích danh hiệu cao, đứng ở vị trí tốp đầu trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
* Giai đoạn 2020 - 2030
- 100% thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh được bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức hoạt động có hiệu quả, nâng cao về chất lượng.
- Cấp huyện xây dựng được 100% thiết chế văn hóa trọng điểm như: Thư viện, Nhà truyền thống, Nhà văn hóa và Công viên, Khu vui chơi giải trí.
- Cấp xã: 100% xã, khu phố có thiết chế văn hóa, thể thao đủ điều kiện để làm nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư.
- 100% di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được phân cấp quản lý và khoanh vùng bảo vệ, trùng tu tôn tạo; bảo tồn và phát huy tốt các giá trị văn hóa phi vật thể.
3.2. Lĩnh vực thể thao
* Giai đoạn 2013 - 2015
- Cấp tỉnh: Hoàn thành các thiết chế thể thao như Nhà thi đấu đa năng, Sân vận động, Hồ bơi, Nhà tập luyện võ thuật, Sân golf, Cầu lông, Bóng bàn,…
- Cấp huyện: 100% huyện, thành phố có Sân vận động, Sân tập thể thao; 40 - 50% huyện, thành phố có Nhà tập thể thao, Hồ bơi.
- Cấp xã: Có 80% xã, phường, thị trấn có Sân tập thể thao.
* Giai đoạn 2015 - 2020
- Cấp tỉnh: Hoàn thành việc nâng cao chất lượng trang thiết bị, công nghệ hiện đại tại các thiết chế thể thao như Nhà thi đấu đa năng, Sân vận động, Hồ bơi, Nhà tập luyện võ thuật phục vụ đáp ứng đầy đủ cho luyện tập và thi đấu.
- Cấp huyện: Hoàn thành các công trình thể thao trọng điểm như Nhà thi đấu thể thao, Sân vận động; có trên 90% huyện, thành phố có Nhà luyện tập thể thao, Hồ bơi.
- Cấp xã: Có trên 50% xã, phường, thị trấn có Sân vận động, Nhà tập luyện và Hồ bơi.
- Đến năm 2020, số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh chiếm 30%, số gia đình đạt chuẩn gia đình thể thao có từ 22% trở lên; trên 50% cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức được câu lạc bộ thể dục, thể thao, ít nhất 80% cán bộ công chức tập luyện thường xuyên một môn thể thao. Trên 70% công nhân ở các Khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.
- Đến năm 2020, thể thao thành tích cao đạt thứ hạng trong tốp 30 toàn quốc; tăng số lượng Huy chương Vàng tại các kỳ SEA Games lần thứ 29 năm 2017 và SEA Games lần thứ 30 năm 2019; có trên 30 vận động viên đạt chuẩn kiện tướng quốc gia; một số môn thể thao trọng điểm như Judo, Điền kinh ngang tầm Châu Á; có 04 đội tuyển, môn thể thao nằm trong tốp 10 toàn quốc; 01 đến 02 vận động viên tham dự Đại hội Thể thao Châu Á và Olympic.
* Giai đoạn 2020 - 2030
- Các công trình thể thao trọng điểm cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản được đầu tư xây dựng hoàn thành; trang bị cơ bản trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu.
- Số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 40%, số gia đình đạt chuẩn gia đình thể thao từ 30% trở lên; trên 80% cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức được câu lạc bộ thể dục, thể thao; trên 90% cán bộ, công chức tập luyện thường xuyên một môn thể thao. Trên 80% công nhân ở các Khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.
- Đến năm 2030, thể thao thành tích cao phấn đấu đạt thứ hạng trong tốp 25 toàn quốc; nâng cao số lượng Huy chương Vàng tại các kỳ SEA Games có trên 40 vận động viên đạt chuẩn kiện tướng quốc gia; trình độ một số môn thể thao trọng điểm như Judo, Điền kinh ngang tầm Châu Á; có 06 đội tuyển, môn thể thao nằm trong tốp 10 toàn quốc; 03 đến 05 vận động viên tham dự Đại hội Thể thao Châu Á và Olympic.
3.3. Lĩnh vực du lịch
* Giai đoạn 2013 - 2015
- Đến năm 2015, đón 01 triệu khách du lịch, trong đó, khách quốc tế khoảng 20.000 - 25.000 lượt; thu nhập từ du lịch đạt 1.000 tỷ đồng. GDP du lịch đạt 2,52%/ GDP toàn tỉnh.
- Quy mô hệ thống cơ sở lưu trú: Đến năm 2015 có khoảng 2.000 buồng.
- Nâng cao hình ảnh của Bạc Liêu và xác lập vị trí xứng đáng của du lịch Bạc Liêu với khu vực và cả nước.
- Cải thiện đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng các dịch vụ và sản phẩm du lịch. Tạo được các sản phẩm thương hiệu du lịch đặc trưng của Bạc Liêu có tính hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
* Giai đoạn 2015 - 2020
- Đến năm 2020, đón hơn 02 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế có từ 30.000 - 35.000 lượt; thu nhập từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,89% GDP tỉnh.
- Quy mô hệ thống cơ sở lưu trú: có 4.000 buồng; có từ 40% khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên, trong đó có ít nhất 8% khách sạn đạt chuẩn 3 - 5 sao.
* Giai đoạn 2020 - 2030
- Đến năm 2030, đón hơn 04 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách nước ngoài đạt gần 200.000 lượt; thu nhập từ du lịch đạt 12.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,69% GDP tỉnh.
- Quy mô hệ thống cơ sở lưu trú: có gần 20.000 buồng, 50% khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên, trong đó ít nhất 12% khách sạn đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao.
4. Nhu cầu về vốn và cơ cấu nguồn vốn đầu tư
4.1. Nhu cầu vốn đầu tư: 6.393 tỷ đồng, gồm:
- Lĩnh vực văn hóa là 1.547 tỷ đồng.
- Lĩnh vực thể thao là 1.328 tỷ đồng.
- Lĩnh vực du lịch là 3.518 tỷ đồng.
4.2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư
- Vốn ngân sách nhà nước: 1.917,9 tỷ đồng (chiếm 30%), gồm:
+ Ngân sách Trung ương: 1.278,6 tỷ đồng (chiếm 20%).
+ Ngân sách địa phương: 639,3 tỷ đồng (chiếm 10%).
- Vốn xã hội hóa: 4.475,1 tỷ đồng (chiếm 70%), gồm:
+ Huy động từ các doanh nghiệp: 3.835,8 tỷ đồng (chiếm 60%).
+ Đóng góp từ nhân dân: 639,3 tỷ đồng (chiếm 10%).
4.3. Phân kỳ vốn đầu tư
- Nguồn vốn giai đoạn 2013 - 2015
+ Lĩnh vực văn hóa: 453 tỷ đồng.
+ Lĩnh vực thể thao: 274 tỷ đồng.
+ Lĩnh vực du lịch: 730 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: 1.457 tỷ đồng.
- Nguồn vốn giai đoạn 2015 - 2020
+ Lĩnh vực văn hóa: 509 tỷ đồng.
+ Lĩnh vực thể thao: 480 tỷ đồng.
+ Lĩnh vực du lịch: 1.258 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: 2.247 tỷ đồng.
- Nguồn vốn giai đoạn 2020 - 2030
+ Lĩnh vực văn hóa: 584 tỷ đồng.
+ Lĩnh vực thể thao: 575 tỷ đồng.
+ Lĩnh vực du lịch: 1.530 tỷ đồng.
Tổng mức đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: 2.689 tỷ đồng.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, nhất là Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách.
3. Đẩy mạnh các biện pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tạo nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển.
4. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
5. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
6. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, kết hợp giữa các vùng, liên ngành.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VIII, kỳ họp thứ Tám thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.