HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 231/2019/NQ-HĐND | Đồng Tháp, ngày 02 tháng 4 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ CHÍN (KỲ HỌP BẤT THƯỜNG)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp;
Xét Tờ trình số 09/TTr-UBND ngày 04 tháng 03 năm 2019 của UBND tỉnh về việc thông qua Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Báo cáo thẩm tra số: 73/BC- HĐND ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Ban Kinh tế- Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như sau:
1. Đối tượng áp dụng
- Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
- Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trong làng nghề, khu dân cư, đô thị và các cơ sở sản xuất khác cần di dời vào cụm công nghiệp.
- Các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
2. Điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ
a) Điều kiện hỗ trợ
Cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt hoặc được bổ sung vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp theo từng giai đoạn; có Quyết định thành lập cụm công nghiệp; có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý cụm công nghiệp; có hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Nguyên tắc hỗ trợ
- Mỗi cụm công nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần theo chương trình này.
- Nếu cùng nội dung hỗ trợ từ nhiều chương trình khác nhau thì được lựa chọn hưởng một mức hỗ trợ cao nhất.
- Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp chỉ được hỗ trợ thêm cụm công nghiệp thứ 2 khi cụm công nghiệp được hỗ trợ thứ nhất có tỷ lệ lấp đầy 80% trở lên.
- Đối với các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp được nguồn vốn tỉnh hỗ trợ từ Chương trình này thì chủ đầu tư phải cam kết không được tính các khoản hỗ trợ vào giá cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác.
- Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được hỗ trợ từ ngân sách phải sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh toán, quyết toán số vốn được hỗ trợ theo quy định hiện hành.
3. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết: Mức hỗ trợ 50% kinh phí theo dự toán được phê duyệt, tối đa 500 triệu đồng/cụm công nghiệp.
b) Hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp:
- Nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối đến hàng rào cụm công nghiệp phù hợp với nhu cầu giao thông của cụm công nghiệp.
- UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, viễn thông,… đến hàng rào cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư.
c) Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp:
- Chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp được nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, bao gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mặt và thoát nước thải, trạm xử lý nước thải, cầu bến lên hàng (nếu có), hệ thống đèn chiếu sáng.
- Mức hỗ trợ: 30% tổng chi phí xây dựng các hạng mục của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nhưng không quá 35 tỷ đồng/cụm công nghiệp.
- Phương thức hỗ trợ: chủ đầu tư được tạm ứng không quá 50% chi phí hỗ trợ khi khối lượng xây lắp công trình đạt từ 70% trở lên; phần còn lại sẽ được hỗ trợ dứt điểm khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.
d) Hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng:
- Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp được nguồn vốn tỉnh hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức hỗ trợ:
- Cụm công nghiệp tại các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười và thị xã Hồng Ngự: hỗ trợ 35%, nhưng không quá 40 tỷ đồng/cụm công nghiệp;
- Cụm công nghiệp tại các huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành: hỗ trợ 30%, nhưng không quá 35 tỷ đồng/cụm công nghiệp;
- Cụm công nghiệp tại thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh: hỗ trợ 25%, nhưng không quá 30 tỷ đồng/cụm công nghiệp.
đ) Hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong làng nghề vào cụm công nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất):
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có Quyết định phê duyệt thuộc diện di dời, khi thực hiện dự án di dời vào cụm công nghiệp, được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, xây dựng cơ sở là 30.000 đồng/m2. Mức hỗ trợ tính theo diện tích thực tế nhưng tối đa không quá 10.000m2 đối với các Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức hỗ trợ tính theo diện tích thực tế nhưng tối đa không quá 2.000m2 đối với hộ kinh doanh.
Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ổn định đi vào hoạt động.
4. Nguồn vốn hỗ trợ
Nguồn vốn hỗ trợ: vốn ngân sách tập trung, vốn sự nghiệp kinh tế cấp tỉnh, nguồn vốn tăng thu (nếu có).
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dan Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khoá IX, kỳ họp thứ chín (kỳ họp bất thường) thông qua ngày 02 tháng 4 năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 4 năm 2019./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.