HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2013/NQ-HĐND | Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2013 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 8
(Từ ngày 02/12/2013 đến ngày 06/12/2013)
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thể dục thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét Tờ trình số 83/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về “Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua “Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:
1.1. Phát triển thể dục thể thao (TDTT) là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, trong công tác đối ngoại, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm tăng cường thể lực, nâng cao vóc dáng, giáo dục nhân cách, phát triển con người toàn diện, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần và lối sống của người dân Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
1.2. Xây dựng nền TDTT toàn diện, đồng bộ, hiện đại, mang tính dân tộc và hội nhập quốc tế. Tranh thủ thời cơ tổ chức ASIAD Hà Nội 2019 để khai thác, phát triển và nâng tầm TDTT thành phố Hà Nội.
1.3. Kết hợp hài hòa giữa thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao, trong đó thể thao cho mọi người là nền tảng, thể thao thành tích cao là đột phá và là động lực.
1.4. Gắn phát triển TDTT với các hoạt động văn hóa, du lịch và xây dựng đời sống văn hóa.
1.5. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT; kết hợp kinh doanh, dịch vụ TDTT với hoạt động văn hóa, du lịch và cung ứng dịch vụ xã hội.
2.1. Mục tiêu
a) Xây dựng nền TDTT tiên tiến, đa dạng, đa tầng và đồng bộ, xứng tầm với vị thế Thủ đô;
b) Phấn đấu TDTT Hà Nội giữ vững vị trí đứng đầu cả nước và góp phần để thể thao Việt Nam đứng trong tốp đầu khu vực Đông Nam Á. Kết hợp hài hòa giữa TDTT truyền thống và hội nhập quốc tế. Rà soát, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới một số khu liên hợp thể thao, trung tâm thể thao và cơ sở TDTT trọng điểm, đạt tiêu chuẩn tổ chức các giải thi đấu quốc tế;
c) Xây dựng Hà Nội là trung tâm đào tạo vận động viên (VĐV) và trọng tài cho quốc gia. Tập trung phát triển một số môn thể thao thành tích cao tiêu biểu của Hà Nội và cả nước, đạt đến trình độ tiên tiến trong khu vực và tạo động lực cho phát triển TDTT quần chúng.
2.2. Các chỉ tiêu phát triển
a) Thể dục, thể thao cho mọi người
- Thể dục thể thao quần chúng:
+ Tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên: Phấn đấu đạt 32-33% dân số vào năm 2015; đạt 41-42% dân số vào năm 2020; đạt 45-46% dân số vào năm 2030.
+ Tỷ lệ gia đình thể thao: Phấn đấu đạt 24-25% tổng số hộ vào năm 2015; đạt 30-35% tổng số hộ vào năm 2020; đạt 38-40% tổng số hộ vào năm 2030.
+ Số Câu lạc bộ TDTT: Đạt trên 3.100 CLB vào năm 2015, đạt trên 3.500 CLB vào năm 2020, đạt trên 4.000 CLB vào năm 2030.
- Giáo dục thể chất và TDTT trong nhà trường:
+ Tỷ lệ học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100% từ năm 2015 trở đi đối với tất cả các cấp học, bậc học. Từ sau năm 2015, tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển của Thủ đô và cả nước.
+ Tỷ lệ học sinh tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa thường xuyên: Tiểu học đạt 50% vào năm 2015, đạt 65% vào năm 2020; Trung học cơ sở đạt 55% vào năm 2015, đạt 75% vào năm 2020; Trung học phổ thông đạt 78% vào năm 2015, đạt 82% vào năm 2020.
+ Tỷ lệ học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực học sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tiểu học và Trung học cơ sở đạt 88% vào năm 2015, đạt 92% vào năm 2020; Trung học phổ thông đạt 78% vào năm 2015, đạt 92% vào năm 2020.
+ Tỷ lệ trường thực hiện đầy đủ các hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường: Mẫu giáo đạt 50% vào năm 2015, đạt 65% vào năm 2020 và đạt trên 95% vào năm 2030; Tiểu học đạt 45% vào năm 2015, đạt 65% vào năm 2020 và đạt trên 95% vào năm 2030; Trung học cơ sở đạt 50% vào năm 2015, đạt 70% vào năm 2020 và đạt trên 95% vào năm 2030; Trung học phổ thông đạt 65% vào năm 2015, đạt 75% vào năm 2020 và đạt trên 95% vào năm 2030; Trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng và đại học đạt 70% vào năm 2015, đạt 80% vào năm 2020 và đạt trên 90% vào năm 2030.
+ Tỷ lệ giáo viên, giảng viên TDTT trên số học sinh, sinh viên: Tiểu học đạt 01/400 vào năm 2015, đạt 01/380 vào năm 2020 và đạt 01/320 vào năm 2030; Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đạt 01/380 vào năm 2015, đạt 01/330 vào năm 2020 và đạt 01/300 vào năm 2030.
- Thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang:
+ Tỷ lệ cán bộ chiến sỹ tập luyện TDTT thường xuyên đạt 95% trở lên từ năm 2015 trở đi đối với lực lượng quân đội nhân dân; đạt 90% vào năm 2015 và đạt từ 100% từ năm 2020 trở đi đối với lực lượng công an nhân dân.
+ Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực đạt 85% vào năm 2015, đạt 90% vào năm 2020 và đạt trên 90% vào năm 2030;
b) Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp
- Số lượng vận động viên năng khiếu, nghiệp dư và bán tập trung: Năm 2015 đạt trên 3.500 VĐV, trong đó có 850 VĐV cấp cao; năm 2020 khoảng 4.500 VĐV, trong đó có 1.100 VĐV cấp cao; năm 2030 đạt trên 5.000 VĐV, trong đó có 1.500 VĐV cấp cao.
- Số lượng huấn luyện viên các cấp: Năm 2015 đạt trên 600 người; năm 2020 đạt trên 800 người; năm 2030 đạt khoảng 1.200 người.
- Số lượng trọng tài các cấp: Năm 2015 đạt khoảng 850 người; năm 2020 đạt trên 1.000 người; năm 2030 đạt trên 1.200 người;
c) Nhân lực thể dục thể thao cơ sở
- Mỗi xã, phường, thị trấn có 01 cán bộ làm công tác TDTT. Số hướng dẫn viên, cộng tác viên, tình nguyện viên TDTT quần chúng đạt 15 người/10.000 dân vào năm 2020 và đạt 35-40 người/10.000 dân vào năm 2030.
- Cán bộ làm công tác TDTT chuyên trách hoặc bán chuyên trách ở cơ sở hàng năm được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ;
d) Thành tích thi đấu quốc tế và quốc gia
- Thế vận hội thể thao (Olympic): Lần thứ XXXI, năm 2016 tại Rio de Janeiro - Brazil có 10-12 VĐV tham dự và phấn đấu có huy chương; lần thứ XXXII tại Tôkyô - Nhật Bản và các Olympic tiếp theo đến năm 2030 có 13-15 VĐV tham dự và phấn đấu có trên 2 huy chương, trong đó có huy chương vàng.
- Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD): Lần thứ XVII (Incheon Hàn Quốc năm 2014) đóng góp 30% VĐV cho đoàn Việt Nam và phấn đấu có 1-2 huy chương vàng; Lần thứ XVIII (ASIAD Hà Nội 2019) đóng góp 35-36% VĐV cho đoàn Việt Nam và phấn đấu có tối thiểu 5 HCV.
- Đại hội Thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games): Là lực lượng nòng cốt của đoàn thể thao Việt Nam và đóng góp trên 30% tổng số huy chương vàng để đoàn Việt Nam giữ vững vị trí trong top 3 khu vực Đông Nam Á.
- Đại hội TDTT toàn quốc: Phấn đấu giữ vị trí thứ nhất toàn đoàn;
e) Diện tích đất dành cho TDTT
tổng nhu cầu đất quy hoạch cho TDTT năm 2020 là 1.834 ha, năm 2030 là 3.900-4.000 ha. Đến năm 2020, đất dành cho hoạt động TDTT đạt 2,3-2,5 m2/người và năm 2030 đạt khoảng 4 m2/người. Mỗi quận, thị xã có tối thiểu 3-4 ha và mỗi huyện có tối thiểu 6-7 ha đất dành cho thiết chế TDTT tập trung thuộc quận, huyện, thị xã quản lý. Mỗi phường có tối thiểu 0,3-1,0 ha, mỗi xã có tối thiểu 1,5-2,0 ha đất TDTT.
3. Quy hoạch phát triển các lĩnh vực thể dục thể thao
3.1. Thể dục thể thao cho mọi người
- Đa dạng hóa các môn TDTT phù hợp với từng nhóm đối tượng (gồm cả người khuyết tật), phù hợp với đặc điểm, cơ cấu thành phần xã hội và truyền thống của địa phương. Ưu tiên đẩy mạnh các môn TDTT cơ bản, đồng thời khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian.
- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào TDTT quần chúng. Xây dựng các đơn vị điển hình tiên tiến về TDTT. Khuyến khích phát triển cả về số lượng và chất lượng các câu lạc bộ và gia đình thể thao, các câu lạc bộ tự nguyện phi lợi nhuận, kinh doanh dịch vụ TDTT, câu lạc bộ cho người khuyết tật. Tăng cường tổ chức các giải thi đấu thể thao từ thành phố đến cơ sở. Tổ chức tốt các kỳ đại hội hoặc liên hoan TDTT. Duy trì vị trí đứng đầu toàn đoàn tại các Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học.
- Tạo không gian thuận lợi để toàn xã hội tham gia tập luyện và phát triển TDTT, hướng tới xã hội tập luyện TDTT. Xây dựng Trung tâm TDTT quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn theo mô hình khuôn viên mở. Bố trí đất thuộc các công trình công cộng và lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ thể thao cơ bản đáp ứng hoạt động TDTT quần chúng tại cộng đồng.
3.2. Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp
a) Thể thao thành tích cao
- Phát triển môn thể thao trọng điểm I, II và những môn thể thao bổ sung cho nhóm trọng điểm II, môn thể thao mới du nhập phù hợp với điều kiện kinh tế, sở thích, phong tục, tập quán của người dân Thủ đô.
- Phát triển đồng bộ, hài hòa đội ngũ VĐV thể thao thành tích cao. Kết hợp đào tạo năng khiếu và rà soát lực lượng VĐV ở các tuyến để kịp thời tuyển chọn, bổ sung cho lực lượng VĐV đảm bảo đủ số lượng và chất lượng.
- Xây dựng quy trình phát triển năng khiếu, tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao mới, tài năng trẻ, xây dựng kế hoạch phát triển từng môn thể thao thành tích cao và các chương trình thi đấu cho VĐV tài năng.
b) Thể thao chuyên nghiệp
Xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao chuyên nghiệp. Thực hiện lộ trình chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao thành tích cao gắn với hoạt động kinh doanh, giải trí.
3.3. Quy hoạch phát triển và phân bố mạng lưới cơ sở TDTT
Xây dựng và triển khai các quy hoạch phát triển và phân bố mạng lưới cơ sở TDTT chi tiết, trong đó đảm bảo các yêu cầu chủ yếu sau:
- Đến năm 2020, tất cả quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố có đủ 3 công trình thể thao cơ bản cấp huyện đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam (gồm sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi). Các công trình phục vụ ASIAD Hà Nội 2019 được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, đạt yêu cầu thi đấu quốc tế vào năm 2018. Đến năm 2030, tất cả quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành phố có đủ 5 công trình TDTT (gồm sân vận động, nhà tập luyện và thi đấu, bể bơi, sân tập thể thao từng môn và khu vui chơi giải trí cho trẻ em).
- Đến năm 2020: Về cơ bản các xã, phường, thị trấn (trừ các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có đủ cơ sở TDTT cho mọi người, gồm: Sân vận động, nhà luyện tập, sân tập, bể bơi và khu vui chơi cho trẻ em đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng mỗi thôn 01 nhà văn hóa kết hợp với khu luyện tập thể thao theo quy hoạch nông thôn mới và quy định hiện hành. Từ năm 2021, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình.
- Đảm bảo mỗi trường mầm non có phòng tập hoặc sân tập với diện tích khoảng 150-200 m2; các trường phổ thông có sân tập, nhà giáo dục thể chất.
- Ưu tiên dành diện tích đất di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, diện tích đất xen kẹt cho hoạt động TDTT. Đảm bảo diện tích đất TDTT trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Dành tỷ lệ thích đáng diện tích đất trong các công viên, vườn hoa, cây xanh cho các hoạt động TDTT công cộng. Sử dụng diện tích sàn xây dựng trong các công trình dịch vụ, nhà ở để bổ sung diện tích cho luyện tập TDTT. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sử dụng đất cho hoạt động và kinh doanh, dịch vụ TDTT.
3.4. Phát triển nguồn nhân lực thể dục thể thao
Phát triển đủ về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ VĐV, huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ khoa học, bác sỹ, chuyên gia, kỹ thuật viên TDTT.
Đảm bảo có đủ giáo viên thể dục trong trường học. Tăng cường đào tạo hướng dẫn viên, cộng tác viên và tình nguyện viên TDTT. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý TDTT.
3.5. Phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ TDTT
Phát triển nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ TDTT có chọn lọc, đúng trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên tiếp nhận chuyển giao và mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học, y sinh học vào trong thể thao.
3.6. Phát triển hợp tác quốc tế
Tăng cường mở rộng, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế để phát triển TDTT Thủ đô, tập trung vào đào tạo, huấn luyện VĐV. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ huấn luyện viên và trọng tài. Vận động, thu hút các nguồn tài trợ, các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kết hợp hợp tác quốc tế với xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa các môn thể thao.
3.7. Danh mục các đề án, dự án trọng điểm: Theo Phụ lục đính kèm.
4. Một số giải pháp thực hiện quy hoạch
4.1. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về phát triển TDTT trong tình hình mới ở các cấp, các ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện quy hoạch đất TDTT, trong tổ chức giải thi đấu và Đại hội TDTT. Phát triển TDTT cấp cơ sở. Quyết liệt trong chỉ đạo, đảm bảo yêu cầu lồng ghép công trình TDTT ngay từ khâu thiết kế, quy hoạch các dự án đô thị.
4.2. Phát triển nguồn nhân lực
Tập trung và ưu tiên đảm bảo các nguồn vốn cho đào tạo, phát triển đội ngũ VĐV và huấn luyện viên. Xây dựng cơ chế đặc thù thu hút tài năng thể thao trẻ và đãi ngộ xứng đáng các VĐV, huấn luyện viên đạt được thành tích xuất sắc. Có chính sách khuyến khích các cá nhân và gia đình tự đầu tư kinh phí, huấn luyện và tham gia các giải thi đấu quốc tế đạt thành tích xuất sắc.
4.3. Huy động vốn
Dự báo nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố cho thực hiện Quy hoạch thời kỳ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là 18.200-19.500 tỷ đồng. Triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động các nguồn vốn. Có cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng phân đoạn đầu tư, các hình thức đầu tư (BT, BOT, PPP…). Tích cực xúc tiến đầu tư, thu hút vốn trực tiếp nước ngoài. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA và trợ giúp quốc tế. Hỗ trợ ngân sách, huy động xã hội hóa để phát triển TDTT cho người khuyết tật.
4.4. Đẩy mạnh xã hội hóa
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích huy động, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia quản lý, giám sát, tổ chức hoạt động, kinh doanh dịch vụ TDTT. Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, thi đấu TDTT. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân khởi xướng, góp vốn, thành lập và duy trì hoạt động, kinh doanh dịch vụ TDTT. Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, thi đấu TDTT. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân khởi xướng, góp vốn, thành lập và duy trì hoạt động các quỹ tài trợ, quỹ bảo vệ tài năng thể thao, quỹ hỗ trợ vận động viên… Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển một số môn thể thao theo mô hình chuyên nghiệp, ngoài công lập.
4.5. Ứng dụng khoa học - công nghệ
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và y sinh học để phát triển TDTT. Tăng cường kết hợp công tác huấn luyện, đào tạo VĐV với nghiên cứu khoa học và y sinh học thể thao. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, huấn luyện, thi đấu và quản lý dữ liệu nguồn nhân lực TDTT.
4.6. Phát huy vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao
Phát huy vai trò, chức năng của Ủy ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, Hiệp hội TDTT của Trung ương, Liên đoàn các Hiệp hội thể thao Hà Nội… trong sự nghiệp phát triển TDTT Hà Nội, nhất là trong quản lý và tổ chức các hoạt động TDTT. Triển khai thành lập, xây dựng quy chế hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội và Câu lạc bộ của từng môn thể thao theo quy định.
4.7. Tăng cường hợp tác quốc tế
Tích cực, chủ động hội nhập thể thao quốc tế theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm tranh thủ sự giúp đỡ toàn diện của quốc tế, tạo cơ hội để có đại diện thể thao Hà Nội tham gia các tổ chức, liên đoàn (hiệp hội) các môn thể thao và trọng tài quốc gia, quốc tế. Tổ chức tốt các cuộc thi đấu thể thao quốc tế tại Hà Nội, đón tiếp các đoàn thể thao quốc tế vào Hà Nội tập huấn và thi đấu.
Mở rộng mối quan hệ, giao lưu, hợp tác với các tỉnh bạn.
4.8. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
Các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung theo Quy hoạch.
1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố tại kỳ họp được Chủ tọa kỳ họp kết luận để bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch trước khi phê duyệt với những nội dung chủ yếu sau:
- Điều chỉnh các chỉ tiêu định hướng đến năm 2030, đảm bảo tỷ lệ tăng hợp lý giữa các giai đoạn 2015-2020-2030.
+ Tỷ lệ học sinh tham gia tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa thường xuyên ở các cấp học.
+ Tỷ lệ học sinh đạt tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại thể lực theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Bổ sung các chỉ tiêu đảm bảo thống nhất với Quy hoạch TDTT Việt Nam:
+ Tỷ lệ giáo viên, giảng viên thể dục, thể thao trên số học sinh, sinh viên ở bậc trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề.
+ Diện tích sân tập dành cho giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường ở các cấp học, bậc học.
+ Đào tạo vận động viên thể thao.
+ Trình độ nhân lực TDTT.
- Bổ sung dự toán kinh phí đầu tư, lộ trình thực hiện vào danh mục các dự án trọng điểm cần ưu tiên đầu tư.
- Đề xuất các giải pháp để thực hiện quy hoạch đất TDTT, đồng thời rà soát lại quy hoạch các công trình TDTT tại các quận, huyện, thị xã nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
2. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tổ chức triển khai thực hiện quy định của pháp luật.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2013./.
| CHỦ TỊCH |
CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố)
TT | TÊN ĐỀ ÁN, DỰ ÁN |
A | Các đề án |
1 | Đề án phát triển TDTT quần chúng đến năm 2010 |
2 | Đề án đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao cho ASIAD Hà Nội 2019 và Olympic XXXII-Tôkyô 2020 với lộ trình Olympic XXXI- Riô De Janero 2016 và các kỳ SEA Games 2015, SEA Games 2017, SEA Games 2019… |
3 | Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển thể thao: Cán bộ quản lý, huấn luyện viên, nhà khoa học, trọng tài, bác sỹ thể thao, kỹ thuật viên, nhân viên y tế giai đoạn 2014-2020 |
4 | Đề án thúc đẩy xã hội hóa TDTT |
5 | Đề án phát triển các câu lạc bộ TDTT cấp cơ sở |
6 | Đề án tăng cường đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT |
7 | Đề án phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học |
B | Các dự án |
I | Do các Bộ, Ngành của Trung ương đầu tư trên địa bàn Thành phố |
1 | Hoàn thiện Khu liên hợp thể dục thể thao Quốc gia tại Mỹ Đình |
2 | Hoàn thiện Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội tại Nhổn |
3 | Hoàn thiện Trung tâm Doping |
4 | Hoàn thiện Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam tại Mỹ Đình |
5 | Hoàn thiện Bệnh viện TDTT |
6 | Khu liên hợp thể thao quốc gia Cổ Loa |
| - Tổ hợp 13 sân quần vợt |
| - Sân Hockey trên cỏ |
| - Sân đấu bóng chày |
| - Sân đấu bóng bầu dục |
| - Sân tập luyện đua xe đạp lòng chảo |
| - Sân vận động tổng hợp 60.000 chỗ |
| - Khu thể thao dưới nước |
| - Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ |
7 | Trung tâm thể thao Quân đội tại Từ Liêm |
8 | Trung tâm thể thao Công an tại Thanh Liệt, Thanh Trì |
9 | Trung tâm thể thao sinh viên tại Khu đại học Sóc Sơn |
10 | Trung tâm thể thao sinh viên tại Khu đại học Hòa Lạc |
11 | Trung tâm thể thao sinh viên tại Khu đại học Sơn Tây |
12 | Trung tâm thể thao sinh viên tại Khu đại học Xuân Mai |
12 | Trung tâm thể thao sinh viên tại Cụm trường đại học Gia Lâm |
13 | Trung tâm thể thao sinh viên tại Cụm trường đại học Chúc Sơn |
14 | Trung tâm thể thao sinh viên tại Cụm trường đại học Phú Xuyên |
II | Các công trình cấp Thành phố trực tiếp quản lý |
2.1 | Các công trình dự án |
| - Dự án nâng cấp, đồng bộ hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu của các công trình thể thao trọng điểm phục vụ ASIAD Hà Nội 2019 |
| - Dự án đầu tư trang thiết bị và ứng dụng khoa học - công nghệ, y sinh học TDTT trong việc tuyển chọn và giám định khoa học đối với VĐV trong quá trình huấn luyện giai đoạn 2014-2020 |
2.2 | Cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ thi đấu ASIAD Hà Nội 2019 |
| - Hoàn thiện Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội tại Mỹ Đình |
| - Sân vân động Hàng Đẫy |
| - Sân vận động Hà Đông |
| - Nhà thi đấu Quần Ngựa |
| - Cung điền kinh Mỹ Đình |
| - Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức |
| - Trường bắn súng và bắn cung Mỹ Đình |
| - Trung tâm đua thuyền Lạc Long Quân |
III | Các công trình do Quận, Huyện, Thị xã đầu tư |
1 | Cải tạo, nâng cấp các Nhà thi đấu Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Cầu Giấy, Từ Liêm, Hai Bà Trưng phục vụ tổ chức ASIAD Hà Nội 2019 |
2 | Các công trình thuộc Trung tâm TDTT quận Long Biên |
3 | Các công trình thuộc Trung tâm TDTT quận Hoàng Mai |
4 | Các công trình thuộc Trung tâm TDTT huyện Từ Liêm |
5 | Trung tâm thể thao vùng phía Bắc (Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh) |
| - Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đông Anh (tại xã Uy Nỗ) |
6 | Trung tâm thể thao vùng phía Tây (Sơn Tây, Hà Đông) |
| - Cải tạo, nâng cấp sân vận động Sơn Tây |
| - Cải tạo, nâng cấp Nhà thi đấu Sơn Tây |
| - Xây dựng mới SVĐ thuộc Trung tâm TDTT quận Hà Đông |
7 | Trung tâm thể thao vùng phía Nam (Phú Xuyên) |
| - Cải tạo, nâng cấp sân vận động |
IV | Các Dự án kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư |
1 | Làng ASIAD Hà Nội 2019 |
2 | Sân Golf khu du lịch quốc tế Tản Viên |
3 | Sân Golf quốc tế Sóc Sơn |
4 | Sân Golf và dịch vụ Long Biên |
5 | Sân Golf khu du lịch đô thị sinh thái Hồ Quan Sơn - Mỹ Đức |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.