HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2020/NQ-HĐND | Hậu Giang, ngày 04 tháng 12 năm 2020 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM (2021 - 2025)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Xét Tờ trình số 1957/TTr-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang thống nhất đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016 - 2020) với những nội dung chủ yếu sau:
Qua 05 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020, trong bối cảnh kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường; đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng cao, nhưng nguồn lực còn rất hạn hẹp. Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội đã chuyển biến tích cực, phát triển đúng hướng trên các lĩnh vực, có 17/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Còn 02 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người.
- Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, quy mô kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông - lâm - ngư nghiệp. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá và từng bước khẳng định vai trò tạo động lực phát triển cho kinh tế tỉnh nhà. Dịch vụ phát triển ổn định, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá; xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, lĩnh vực đô thị có nhiều chuyển biến tốt.
- Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển, tạo ra diện mạo mới để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội.
- Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư tăng dần.
- Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội có bước phát triển; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu chuyển biến tích cực. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, giảm nghèo tích cực, an sinh phúc lợi xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
- Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến tích cực, chất lượng thực thi công vụ, công chức được cải thiện,... Việc xây dựng chính quyền thân thiện gần dân, phục vụ Nhân dân được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả hoạt động nâng lên, hoạt động đối ngoại được tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế yếu kém là:
- Mặc dù có những tiến bộ rõ rệt về kinh tế - xã hội, nhưng kết quả đạt được trong 05 năm qua chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh; chất lượng tăng trưởng kinh tế thấp và chưa ổn định, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên cơ sở tăng vốn đầu tư toàn xã hội và nguồn lao động giá rẻ, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; năng suất lao động thấp. Hậu Giang vẫn là một địa phương có mức phát triển trung bình.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm, hạ tầng đô thị một số tiêu chí còn thấp so với qui định, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn yếu, chưa có quỹ đất sạch, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện, chưa tạo được lợi thế trong thu hút đầu tư; hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu.
- Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so yêu cầu phát triển, chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
- Thu nhập và đời sống Nhân dân tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp, rất khó khăn, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo chưa bền vững.
- Tình hình tội phạm tuy có giảm về số vụ nhưng tăng về tính chất bạo lực, ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân còn yếu.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025) với những nội dung như sau:
1. Mục tiêu
Nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững; xây dựng chính quyền điện tử; đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống Nhân dân; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.
2. Nhiệm vụ
a) Xây dựng thành công chính quyền điện tử, thân thiện, phục vụ người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, công khai, công bằng.
b) Tạo bước đột phá về công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo. Phát triển nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn, phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ; phát triển các đô thị xanh.
c) Tập trung đầu tư về kết cấu hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong tỉnh và giữa tỉnh với hệ thống giao thông của khu vực.
d) Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc vùng đồng bằng sông nước. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; bảo đảm an sinh xã hội.
đ) Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước; củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; chủ động và tích cực vào liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm (2021 – 2025)
a) Lĩnh vực kinh tế
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân từ 6,5 - 7%/năm, trong đó khu vực I tăng 2,25%/năm, khu vực II tăng 11,24%/năm, khu vực III tăng 5,74%/năm, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,7%/năm.
(2) GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 trên 77 triệu đồng, tương đương 3.221 USD, dự kiến bằng 64,4% thu nhập bình quân đầu người cả nước.
(3) Cơ cấu kinh tế đến năm 2025 chuyển dịch theo hướng giảm tương đối tỷ trọng khu vực I, tăng khu vực II. Khu vực I còn 21,91%, giảm 4,64%; khu vực II: 29,84%; khu vực III: 39,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,77%.
(4) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành trên địa bàn trong 5 năm theo giá thực tế từ 99.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng bình quân 1,22%/năm. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm 39% GRDP.
(5) Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm 44.000 - 45.000 tỷ đồng, tăng bình quân 6,08%/năm. Trong đó thu nội địa 5 năm 17.806 tỷ đồng.
(6) Kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ 5 năm đạt 4.331 triệu USD, tăng bình quân 6,94%/năm. Kim ngạch nhập khẩu 5 năm 1.521 triệu USD, tăng bình quân -3,32%/năm.
(7) Số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế trong 5 năm tăng 1.000 doanh nghiệp.
b) Lĩnh vực văn hóa - xã hội
(8) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 7,79%o.
(9) Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 32%.
(10) Giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 01%.
(11) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 70%. Số lao động được tạo việc làm trong 5 năm là 75.000 lao động.
(12) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 85% tổng số trường, số sinh viên trên 10.000 người dân là 225 sinh viên.
(13) Tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng dưới 11%, số bác sĩ trên 10.000 người dân là 10 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 người dân là 36 giường; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95%.
(14) Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt trên 80% tổng số xã, trong đó số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 20%, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 10%. Phấn đấu công nhận một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
c) Tài nguyên, môi trường
(15) Tỷ lệ dân số ở thành thị sử dụng nước sạch 100%, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch 85%.
(16) Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở đô thị, nông thôn đạt 96%.
d) Lĩnh vực quốc phòng và an ninh
(17) Xây dựng lực lượng quân sự, công an, chính quy và từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đúng quy mô tổ chức. Hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch công tác huấn luyện, diễn tập, giáo dục quốc phòng - an ninh, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm; diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện và cấp xã ít nhất một lần trong nhiệm kỳ.
(18) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm; kéo giảm tai nạn giao thông.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang Khóa IX Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 12 năm 2020./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.