HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2016/NQ-HĐND | Bình Định, ngày 22 tháng 7 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2035
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035;
Sau khi xem xét Tờ trình số 99/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua các nội dung chủ yếu đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035; Báo cáo thẩm tra số 17/BCTT- KTNS ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua đồ án quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Phạm vi và thời hạn lập quy hoạch:
a) Phạm vi lập quy hoạch: Phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6050 km2. Gồm 11 đơn vị hành chính: 01 thành phố, 01 thị xã và 9 huyện.
- Phía Bắc giáp: Tỉnh Quảng Ngãi;
- Phía Nam giáp: Tỉnh Phú Yên;
- Phía Đông giáp: Biển Đông;
- Phía Tây giáp: Tỉnh Gia Lai.
b) Thời hạn lập quy hoạch: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025; giai đoạn dài hạn đến năm 2035.
2. Mục tiêu quy hoạch:
a) Mục tiêu tổng quát:
Phát huy lợi thế vị trí chiến lược và tiềm năng kinh tế biển, xây dựng hệ thống đô thị - nông thôn tỉnh Bình Định phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Nâng cao vị thế của tỉnh, tạo sức lan tỏa đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Xây dựng mô hình không gian tỉnh Bình Định phát triển linh hoạt và hiệu quả. Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng bền vững, giữ gìn sinh thái môi trường và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật diện rộng, các công trình đầu mối kỹ thuật kết nối đồng bộ với hệ thống đô thị, các khu động lực kinh tế và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia.
- Xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, theo định hướng dịch vụ - cảng biển - công nghiệp - du lịch, trọng tâm là dịch vụ - cảng biển tạo sức lan tỏa đến hệ thống đô thị toàn tỉnh Bình Định và vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Phát triển khu kinh tế Nhơn Hội làm động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội.
- Khai thác hiệu quả tiềm năng về nhân văn, sinh thái, cảnh quan để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
- Là cơ sở pháp lý triển khai quy hoạch xây dựng đô thị và các khu chức năng đặc thù; lập chương trình kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Bình Định.
3. Tính chất quy hoạch:
- Là vùng kinh tế tổng hợp thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có các ngành kinh tế chủ đạo là các ngành kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao.
- Là trung tâm công nghiệp, năng lượng sạch; văn hóa, du lịch biển, du lịch văn hóa và sinh thái cảnh quan, thương mại - dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
- Là đầu mối giao lưu kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Cửa ngõ của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông;
- Là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
4. Định hướng phân vùng phát triển:
a) Tiểu vùng số 1: Vùng kinh tế phát triển tổng hợp bao gồm: thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Vân Canh, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (thành phố Quy Nhơn là đô thị trung tâm tiểu vùng).
Định hướng phát triển: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; phát triển công nghiệp, năng lượng sạch, cảng biển, logistic dựa trên các lợi thế về đầu mối giao thông Vùng - Quốc gia; phát triển du lịch biển gắn với văn hóa lịch sử; phát triển chuyên sâu lĩnh vực đào tạo giáo dục, y tế.
b) Tiểu vùng số 2: Vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, chế biến công nghệ cao, bao gồm: Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Ân (Hoài Nhơn là đô thị trung tâm tiểu vùng).
Định hướng phát triển: Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phát triển nông nghiệp, du lịch sinh thái.
5. Dự báo dân số và đô thị hóa:
- Giai đoạn đến năm 2025: Dân số khoảng 1.688.473 người. Trong đó:
+ Dân số đô thị khoảng: 727.300 người
+ Dân số nông thôn khoảng: 961.200 người.
- Tỷ lệ đô thị hóa khoảng: 43,1%.
- Giai đoạn đến năm 2035: dân số khoảng 1.865.117 người. Trong đó:
+ Dân số đô thị khoảng: 875.800 người
+ Dân số nông thôn khoảng: 989.300 người.
- Tỷ lệ đô thị hóa khoảng: 47%.
6. Định hướng hệ thống đô thị:
- Giai đoạn đến năm 2025: Tỉnh Bình Định có 17 đô thị gồm:
+ 01 đô thị loại I: Thành phố Quy Nhơn;
+ 01 đô thị loại III: Thành phố An Nhơn;
+ 02 đô thị loại IV: Thị xã Hoài Nhơn, thị xã Tây Sơn;
+ 09 đô thị loại V hiện hữu là các thị trấn: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây.
+ 04 đô thị loại V hình thành mới là các xã: Mỹ Chánh, Cát Tiến, Phước Hòa, An Hòa.
- Giai đoạn đến năm 2035: Tỉnh Bình Định có 22 đô thị gồm:
+ 01 đô thị loại I: Thành phố Quy Nhơn;
+ 02 đô thị loại III: Thành phố An Nhơn và thành phố Hoài Nhơn;
+ 02 đô thị loại IV: Thị xã Tây Sơn và thị xã Cát Tiến;
+ 09 đô thị loại V hiện hữu là các thị trấn: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây.
+ 08 đô thị loại V hình thành mới là các xã: Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Cát Khánh, Phước Hòa, Phước Lộc, An Hòa, Ân Tường Tây, Canh Vinh.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 22 tháng 7 năm 2016; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.