HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 188/2015/NQ-HĐND | Đồng Nai, ngày 11 tháng 12 năm 2015 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 16
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004; Luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004; Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020; Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết số 54/2012/NQ-HĐND ngày 06/12/2012 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số 9742/TTr-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh về việc thông qua kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua nội dung kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 (đính kèm Đề án Bảo vệ và Phát triển rừng), những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu: Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có theo mục tiêu quy hoạch và quy chế quản lý của từng loại rừng; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; duy trì độ che phủ rừng 29,76 % góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, điều hòa nguồn nước, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng; góp phần ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
2. Nội dung Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng năm 2016 - 2020
a) Quản lý bảo vệ rừng
- Bảo vệ chặt chẽ, phòng chống cháy an toàn 166.555 ha diện tích rừng hiện có, gồm: Rừng tự nhiên 120.894 ha, rừng trồng 45.661 ha.
- Khoán bảo vệ rừng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 14.551 ha/năm, gồm rừng tự nhiên đặc dụng 5.868 ha/năm; rừng trồng phòng hộ cho các hộ gia đình, cộng đồng là 8.683 ha/năm; chi trả dịch vụ môi trường rừng 153.00 ha/năm.
- Tiếp tục thực hiện việc giao khoán 1.498 ha đất rừng trồng sản xuất; rà soát, điều chỉnh bổ sung hợp đồng giao khoán thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ rừng, cụ thể:
+ Xây dựng: 03 trụ sở, 15 trạm kiểm lâm, 03 phân trường, 06 trạm bảo vệ rừng.
+ Sửa chữa, nâng cấp: 05 phân trường, 06 trạm bảo vệ rừng.
+ Làm mới đường lâm nghiệp 215 km; duy tu, sửa chữa 27,8 km đường tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
b) Phòng cháy, chữa cháy rừng
- Nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác phòng cháy chữa cháy rừng; không để xảy ra cháy lớn rừng;
- Làm đường băng cản lửa 16.828 ha; xây dựng 9 chòi canh lửa; xây mới 04 công trình chứa nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng; trang bị 09 xe ô tô phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
c) Phát triển rừng
- Trồng rừng mới 1.366 ha, gồm: Rừng đặc dụng 1.045 ha, rừng phòng hộ 321 ha; trồng lại rừng sau khai thác: 6.294 ha; chăm sóc rừng trồng: 20.415 ha, gồm: chăm sóc rừng đặc dụng 1.550 ha, rừng phòng hộ 3.255 ha và rừng sản xuất 15.610 ha; trồng cây phân tán: 2,4 triệu cây.
- Cải tạo, chuyển hóa nâng cao chất lượng rừng 4.862 ha, gồm: Rừng đặc dụng 245 ha, rừng phòng hộ 1.618 ha, rừng sản xuất 2.999 ha;
- Nuôi dưỡng rừng: 1.505 ha, gồm: Rừng trồng ngập mặn phòng hộ 1.000 ha, rừng tự nhiên phòng hộ 505 ha.
- Khoanh nuôi phục hồi rừng: 1.014 ha, gồm: Rừng đặc dụng 872 ha, rừng phòng hộ 142 ha.
d) Khai thác lâm sản: Khai thác 6.168 ha rừng trồng; khai thác cây phụ trợ rừng trồng phòng hộ 2.498 ha; khai thác lâm sản ngoài gỗ từ rừng tự nhiên và 11.200 ha rừng trồng có cây đặc sản.
đ) Các chương trình, dự án, đề án: Dự án khẩn cấp bảo tồn với tỉnh Đồng Nai; dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ núi Chứa chan; đề án bảo vệ rừng bền vững gắn liền với ổn định dân cư làm nghề rừng; đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp; phương án kiểm kê rừng; dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng; dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm tỉnh; dự án xây dựng mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn liên kết theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp; dự án thí điểm mô hình trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Nhu cầu vốn đầu tư bảo vệ phát triển rừng 2016 - 2020
Tổng nguồn vốn đầu tư: 754.542 triệu đồng, trong đó:
a) Phân theo tiến độ:
- Năm 2016: 180.891 triệu đồng (chiếm 23,8% tổng vốn đầu tư).
- Năm 2017: 167.785 triệu đồng (chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư).
- Năm 2018: 142.609 triệu đồng (chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư).
- Năm 2019: 139.880 triệu đồng (chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư).
- Năm 2020: 123.377 triệu đồng (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư).
b) Phân theo nguồn vốn:
- Vốn ngân sách trung ương: 173.091 triệu đồng (chiếm 22,9%).
- Vốn ngân sách địa phương: 255.970 triệu đồng (chiếm 33,9%).
+ Vốn đầu tư phát triển: 89.263 triệu đồng.
+ Vốn sự nghiệp lâm nghiệp: 164.468 triệu đồng.
- Các nguồn vốn khác: 325.481 triệu đồng (chiếm 43,2% vốn đầu tư).
4. Tổng các nguồn thu: 74.634 triệu đồng, bao gồm: Thu từ tiền bán lâm sản khai thác 8.700 triệu đồng; thu từ dịch vụ môi trường rừng 46.183 triệu đồng; thu từ tiền trồng rừng thay thế 19.751 triệu đồng.
Điều 2. Giải pháp thực hiện kế hoạch
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết số 54/2012/NQ-HĐND trên tinh thần quyết liệt và toàn diện hơn gắn với mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất, rừng phòng hộ ít xung yếu; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu trồng rừng đến chế biến và tiêu thụ lâm sản; góp phần ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, cụ thể:
1. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển rừng
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước và của tỉnh về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình, nhận thức của các đối tượng được tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi người trong xã hội, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, tôn trọng và thực hiện tốt chủ trương chính sách pháp luật Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng.
2. Giải pháp về bảo vệ và phát triển rừng
a) Giải pháp về quản lý rừng và đất lâm nghiệp
- Rà soát lại quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 để tổ chức quản lý theo đúng quy chế quản lý của từng loại rừng; gắn rà soát quy hoạch với tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị, hiệu quả nhiều mặt của rừng.
- Thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tiếp tục tập trung thực hiện chương trình lập lại trật tự quản lý đất đai trong các đơn vị chủ rừng, đặc biệt là ở một số đơn vị quản lý đất đai còn yếu kém; hoàn thành dứt điểm việc cắm mốc ranh giới quản lý, ranh giới 3 loại rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, củng cố công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp, đảm bảo chặt chẽ và thống nhất, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả ngày càng cao; kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định pháp luật.
- Tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ chuyển sang giao khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ đối với vùng quy hoạch rừng sản xuất; rà soát xử lý hợp đồng giao khoán theo nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ tại Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và các đơn vị chủ rừng có giao khoán khác.
- Khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống dữ liệu quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã được xây dựng, phục vụ yêu cầu quản lý đất đai, theo dõi diễn biến rừng và các mục đích hữu ích khác.
b) Giải pháp về bảo vệ rừng
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tăng cường bảo vệ rừng; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là cấp xã; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự; quy chế phối hợp giữa đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã sở tại và các cơ quan chức năng của địa phương; quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
- Tăng cường các biện pháp hữu hiệu nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, khai thác chế biến lâm sản; bảo vệ động vật hoang dã, giảm số vụ vi phạm, giữ vững ổn định tình hình lâm phận, không để xảy ra các điểm nóng phức tạp.
- Thực hiện tốt việc xây dựng phương án và tổ chức các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, lấy phòng cháy là trọng tâm theo phương châm 04 tại chỗ.
- Nâng cao vai trò trách nhiệm, năng lực chuyên môn, điều kiện phương tiện cho lực lượng bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, xây dựng lực lượng cộng đồng trong và ven rừng tích cực tham gia công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
c) Giải pháp về phát triển rừng
- Đối với rừng tự nhiên: Tập trung bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, khai thác hợp lý lâm sản ngoài gỗ, tạo điều kiện cho các cộng đồng dân cư địa phương tham gia bảo vệ rừng. Nâng cao chất lượng, trữ lượng rừng tự nhiên thông qua các biện pháp nuôi dưỡng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và cải tạo rừng nghèo kiệt; khai thác hợp lý các nguồn lâm sản ngoài gỗ từ rừng tự nhiên.
- Đối với rừng trồng: Rà soát, đánh giá diện tích đất trống, đất rừng trồng sản xuất hiện có để có biện pháp thích hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của rừng; tổ chức thực hiện chủ trương kinh doanh gỗ lớn bằng biện pháp tỉa thưa hợp lý kết hợp kéo dài chu kỳ khai thác rừng trồng nguyên liệu; ưu tiên lựa chọn các loài cây đa mục đích mang lại hiệu quả nhiều mặt kết hợp với các loài cây lâm nghiệp bản địa truyền thống phù hợp với mục tiêu quy hoạch và quy chế quản lý các loại rừng. Từng bước thực hiện việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp, gắn trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng theo chuỗi giá trị; Thực hiện tốt công tác trồng cây phân tán.
- Tăng cường công tác quản lý chuỗi hành trình giống cây lâm nghiệp; rà soát phân loại đánh giá các cơ sở cung ứng giống cây lâm nghiệp nhằm sử dụng giống tốt, bảo đảm có chất lượng; cây giống trồng rừng phải đảm bảo chất lượng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hồ sơ quản lý theo đúng quy định về quản lý giống cây trồng.
d) Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm
- Thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức các đơn vị quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở địa phương theo Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ các chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tích cực đổi mới tư duy nhận thức trong lực lượng về quản lý bảo vệ rừng theo phương châm bảo vệ rừng phải gắn liền với quản lý rừng và phát triển rừng; xây dựng lực lượng kiểm lâm mạnh từ cơ sở, ưu tiên tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn xã để bảo vệ rừng tại cơ sở và các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng, phá rừng.
- Củng cố tổ chức, tăng cường kỷ luật và đạo đức công vụ, công chức kiểm lâm phải có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo, có chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, chức danh, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động công vụ; xây dựng kiểm lâm thật sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ rừng.
- Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị dụng cụ chuyên dùng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng; trang bị đủ vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ; đầu tư xây dựng các trạm, chốt bảo vệ rừng, cải thiện điều kiện và phương tiện hoạt động cho lực lượng trong đó chú trọng kiểm lâm địa bàn và cán bộ lâm nghiệp các xã có rừng.
đ) Giải pháp nâng cao năng lực và đổi mới hoạt động các chủ rừng
- Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức và hoạt động các đơn vị chủ rừng để có biện pháp củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao và yêu cầu tái cơ cấu lâm nghiệp đặt ra.
- Tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức của cán bộ, công nhân viên các đơn vị chủ rừng về quản lý bảo vệ và phát triển rừng trong tình hình mới; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là về quản lý đất đai tài nguyên rừng, lâm nghiệp xã hội, kỹ năng dân vận và bản lĩnh nghề nghiệp bảo vệ rừng.
- Duy trì biên chế và chế độ chính sách hiện hành đối với lao động tại các ban quản lý rừng, đồng thời tích cực cải thiện điều kiện, phương tiện làm việc, bổ sung chi phí có tính chất đặc thù cho lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng.
- Tích cực khai thác các tiềm năng và nguồn lực của các đơn vị chủ rừng để trồng rừng kinh tế, sản xuất nông lâm kết hợp, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng và môi trường rừng, các loại lâm sản ngoài gỗ để tạo nguồn thu cho hoạt động của đơn vị và tham gia đóng góp vào ngân sách.
3. Giải pháp về cơ chế chính sách, tài chính và tín dụng
a) Thực hiện chính sách phát triển rừng sản xuất, chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, khoán bảo vệ rừng phòng hộ, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước và của tỉnh liên quan đến thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển lâm nghiệp của tỉnh.
b) Việc bố trí vốn phải phù hợp với tiến độ thực hiện khối lượng công việc trong giai đoạn 2016 - 2020. Chú trọng phát triển lâm nghiệp tại những khu vực có người dân sinh sống và tham gia các hoạt động nghề rừng. Khuyến khích các hoạt động kinh doanh dịch vụ sử dụng môi trường rừng, đầu tư liên kết hợp tác trồng rừng, thu mua chế biến lâm sản.
c) Ngoài nguồn ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Nhà nước, tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng, vốn của các tổ chức cá nhân hộ gia đình để đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.
4. Giải pháp về khoa học công nghệ
a) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo vệ rừng, sử dụng ảnh viễn thám, hệ thống thông tin độ địa lý trong theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, phân vùng trọng điểm cháy rừng, dự báo, cảnh báo cháy rừng, cây phân tán, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh, đổi mới công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản.
b) Đánh giá, lựa chọn các loài cây trồng lâm nghiệp có năng suất, sản lượng cao, phù hợp với điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, loại bỏ những giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng thấp, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuyển chọn cây mẹ từ một số loài cây gỗ rừng tự nhiên làm nguồn giống trồng rừng.
c) Tiếp tục áp dụng các giải pháp lâm sinh có chất lượng kỹ thuật cao trong trồng rừng thâm canh cung cấp nguyên liệu gỗ lớn; chuyển hóa rừng trồng cây mọc nhanh cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; khoanh nuôi, nuôi dưỡng rừng, kết hợp công tác khuyến lâm xây dựng các mô hình trồng rừng bền vững giải quyết hài hòa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường.
d) Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu về trồng rừng sản xuất bền vững, bảo tồn loài cây gỗ lớn bản địa; đánh giá kết quả thực hiện dự án khôi phục rừng gỗ lớn bản địa vùng chiến Khu D. Tiếp tục xây dựng hàng rào điện ngăn ngừa xung đột giữa voi và người tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
5. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng chủ động phối hợp với các trường, các trung tâm đào tạo uy tín để tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn ngắn ngày kết hợp với đào tạo có thời hạn nhằm nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp xã và cán bộ viên chức các chủ rừng.
b) Định kỳ rà soát, đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực của ngành lâm nghiệp và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhằm duy trì sự ổn định và đảm bảo tính kế thừa. Ưu tiên tuyển chọn lao động là con em cán bộ công nhân viên trong ngành, con em đồng bào thiểu số và các gia đình sinh sống tại địa phương.
c) Trang bị kiến thức, kỹ năng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ nguồn nhân lực ngành lâm nghiệp, chú trọng đến các đơn vị chủ rừng, cụ thể như trưởng, phó phòng nghiệp vụ, phân trường trưởng, trạm trưởng trạm kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn; kết hợp với chương trình đào tạo nghề nông nghiệp nông thôn để tạo điều kiện cho những người dân làm nghề rừng tham dự các lớp đào tạo để bồi dưỡng kiến thức nâng cao tay nghề.
1. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này; định kỳ có đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết và báo cáo HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Khóa VIII, kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2015./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.