HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/NQ-HĐND17 | Bắc Ninh, ngày 24 tháng 04 năm 2015 |
NGHỊ QUYẾT
V/V THÀNH LẬP QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TỈNH BẮC NINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Sau khi xem xét Tờ trình 68/TTr-UBND ngày 21/4/2015 của UBND tỉnh về việc thành lập Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Ninh; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bắc Ninh với các nội dung cơ bản sau:
1. Tên gọi tổ chức: Quỹ đầu tư phát triển Bắc Ninh
- Quỹ đầu tư phát triển Bắc Ninh là tổ chức tài chính nhà nước của tỉnh; thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển. Quỹ đầu tư phát triển có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các Ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Tên giao dịch viết bằng tiếng nước ngoài: BacNinh Development Investment Fund.
- Tên giao dịch viết tắt: BNDIF.
- Cơ quan quản lý trực tiếp: UBND tỉnh Bắc Ninh.
2. Phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển:
- Đầu tư, bao gồm đầu tư trực tiếp vào các dự án; cho vay đầu tư; góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội;
- Ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn cho ngân sách địa phương theo ủy quyền của UBND tỉnh; nhận ủy thác quản lý và tổ chức hoạt động của các quỹ do UBND tỉnh ủy thác;
- Các hoạt động khác theo điều lệ về tổ chức và hoạt động do Quỹ đầu tư phát triển trình UBND tỉnh ban hành.
3. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển:
- Quỹ đầu tư phát triển là tổ chức tài chính nhà nước của tỉnh, hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn;
- Quỹ đầu tư phát triển chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của mình.
4. Vốn hoạt động của Quỹ:
- Vốn điều lệ của Quỹ là 500 tỷ đồng (theo quy định tại Khoản 2 - Điều 30 - Nghị định 138/2007/NĐ-CP thì số vốn tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập quỹ là 100 tỷ đồng, để đảm bảo quy mô hoạt động, dự thảo đề xuất mức vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, bằng mức vốn Quỹ phát triển đất khi quyết định thành lập). Trong đó 100 tỷ đồng được cấp lần đầu cho Quỹ ngay sau khi được thành lập, 300 tỷ được UBND tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào các năm tiếp theo và 100 tỷ được bổ sung từ quỹ đầu tư phát triển;
- Quỹ đầu tư phát triển được huy động các nguồn vốn trung và dài hạn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm: Vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; phát hành trái phiếu Quỹ đầu tư phát triển địa phương; huy động vốn trung và dài hạn khác theo quy định của pháp luật. Tổng mức vốn huy động tối đa bằng 6 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm.
5. Tổ chức bộ máy quản lý điều hành Quỹ đầu tư phát triển:
Tổ chức bộ máy của Quỹ đầu tư phát triển bao gồm: Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành.
5.1. Hội đồng quản lý có 05 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; không quá 02 Phó Chủ tịch; các thành viên. Thành viên của Hội đồng quản lý do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm.
5.2. Ban Kiểm soát có 03 thành viên, gồm: Trưởng ban do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ; các thành viên khác do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban kiểm soát.
5.3. Cơ quan điều hành:
Cơ quan điều hành của Quỹ đầu tư phát triển gồm Ban Giám đốc (Giám đốc, Phó Giám đốc) và các Phòng, Ban nghiệp vụ:
- Giám đốc Quỹ là ủy viên của Hội đồng quản lý do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, là người đại diện pháp nhân của Quỹ, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Hội đồng quản lý và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động nghiệp vụ của Quỹ đầu tư phát triển địa phương;
- Phó Giám đốc và Kế toán trưởng do Giám đốc Quỹ đề nghị Hội đồng quản lý xem xét, trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm;
- Việc tổ chức các Phòng, Ban nghiệp vụ của Quỹ đầu tư phát triển do Hội đồng quản lý quyết định căn cứ thực tế hoạt động của Quỹ, phù hợp với hướng dẫn tại Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh.
6. Cơ chế tiền lương, tiền thưởng và xếp hạng doanh nghiệp:
Cơ chế tiền lương, tiền thưởng và xếp hạng doanh nghiệp của Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo quy định áp dụng cho công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước sở hữu 100% vốn. Việc xếp hạng Quỹ đầu tư phát triển địa phương theo tiêu chuẩn xếp hạng đối với nhóm công ty tài chính.
Trường hợp hoạt động đầu tư và cho vay đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh làm ảnh hưởng đến nguồn thu của Quỹ, ngân sách tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ, cấp bù để bảo đảm hoạt động của Quỹ.
7. Quản lý nhà nước đối với Quỹ Đầu tư phát triển:
UBND tỉnh quản lý, kiểm tra, giám sát toàn diện tình hình hoạt động và tài chính của Quỹ (Khoản 1 - Điều 1 - Nghị định 37/2013/NĐ-CP).
Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết đảm bảo các quy định của pháp luật. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp thường kỳ cuối năm của HĐND tỉnh.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết được HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 14 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.