HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 113/NQ-HĐND | Quảng Ninh, ngày 13 tháng 7 năm 2018 |
VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 8 HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA XIII
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Trên cơ sở nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc kịp thời phản ánh những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm và lựa chọn nội dung chất vấn. đồng thời, ghi nhận tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách các lĩnh vực liên quan và các đồng chí ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc trả lời, báo cáo giải trình các ý kiến chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với một số giải pháp mà các ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và Thủ trưởng một số ngành, đơn vị, địa phương đã trả lời và cam kết trước Hội đồng nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị tập trung thực hiện những cam kết, tiến hành các giải pháp đồng bộ để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp này, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp tiếp theo, cụ thể như sau:
1. Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường
a) Về bảo vệ môi trường:
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cần có các giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2018 “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”; chú trọng phát huy tính chủ động, tự giác, tích cực của cộng đồng dân cư, người dân trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các vấn đề liên quan đến môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những bất cập, tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và đời sống nhân dân, gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Giám sát, đôn đốc tập đoàn than - Khoáng sản Việt nam đảm bảo đến ngày 31/12/2018 chấm dứt hoạt động của nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng theo đúng Nghị quyết số 201/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh và cam kết trước nhân dân; đẩy nhanh tiến độ dự án trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai tại phường Hà Khánh; có kế hoạch, phương án điều tiết sản xuất cho phù hợp, đảm bảo hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến sản xuất của tập đoàn và đời sống của người lao động trong thời gian ngừng hoạt động để di dời nhà máy.
Xây dựng lộ trình cụ thể để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư đô thị. Chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả tìm địa điểm để di dời Xưởng đại tu ô tô, máy mỏ thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Trung đại tu ô tô và thiết bị mỏ trên địa bàn phường Cẩm Thạch, thành phố Cẩm Phả. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long khẩn trương xây dựng phương án di dời nhà máy chế biến thủy sản thuộc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh và khu dịch vụ nghề cá ra vị trí mới theo thông báo kết luận số 205-KL/TU ngày 02/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đầu tư đồng bộ và thực hiện hiệu quả chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường, nhất là tại các nhà máy sản xuất than, xi măng, nhiệt điện, các khu đô thị, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và nhạy cảm về môi trường, không để xảy ra các sự cố nghiêm trọng về môi trường. tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thông qua hệ thống quan trắc tự động và giám sát của người dân, có chế tài, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và đình chỉ sản xuất đối với đơn vị khi để vượt ngưỡng cho phép và không chấp hành nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường. tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc xây dựng thiết kế và thực hiện quy trình đổ thải, cải tạo, phục hồi, hoàn nguyên môi trường tại các bãi thải mỏ theo đúng quy định, chú trọng các khâu phòng chống sạt lở, cắt tầng giảm khói bụi... Sở tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long và các cơ quan có liên quan yêu cầu đơn vị đã khai thác sét ở mỏ sét giáp ranh giữa khu 4 phường Hà Khẩu - khu 5 phường Giếng Đáy thực hiện nghiêm túc công tác hoàn nguyên theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường: Hà Khẩu, Giếng Đáy khẩn trương có giải pháp trước mắt giúp cảnh báo an toàn cho người dân khu vực và đảm bảo môi trường khu dân cư.
Triển khai nghiêm túc quy hoạch xử lý rác thải. Chỉ đạo các cơ quan chức năng đôn đốc, yêu cầu nhà đầu tư trong năm 2018 hoàn thành nhà máy xử rác thải Vũ Oai để xử lý rác thải ở Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Hoành Bồ. Chỉ đạo Sở y tế, Sở tài nguyên - Môi trường tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở y tế thường xuyên kiểm tra, cải tạo nâng cấp các trang thiết bị xử lý chất thải, nước thải y tế đảm bảo các tiêu chuẩn cho phép theo quy định trước khi xả thải ra môi trường.
b) Về công tác quản lý đất đai:
Các cơ quan chức năng, các địa phương nghiêm túc thực hiện nghị quyết số 63/ nQ-hđnd ngày 07/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Quảng ninh, nghị quyết số 80/nQ-hđnd ngày 27/10/2017 về một số biện pháp tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Quảng ninh và các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất.
Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, sử dụng đất sai mục đích, không hiệu quả; những dự án thi công khi chưa đảm bảo đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định; xử lý nghiêm những trường hợp buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai; tuyệt đối không hợp thức hóa các sai phạm của các dự án dưới mọi hình thức.
Quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, trao đổi, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nhất là ở các địa bàn như Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí... dừng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng đầu cơ đất ở Vân Đồn theo chỉ đạo của tỉnh. đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn rà soát, thống kê nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người dân trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân.
c) Về quản lý tài nguyên khoáng sản:
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện nghiêm túc nghị quyết số 12-NQ/TU, Kết luận số 40-KL/TU, Kết luận số 288-KL/TU của Tỉnh ủy và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để xảy ra các tồn tại vi phạm trong quản lý than, cát, đá, sỏi, sét...
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than, cát, đá, sỏi trái phép hoặc lợi dụng dự án đầu tư để khai thác tài nguyên khoáng sản; quy hoạch, cấp phép, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, lâu dài các nguồn tài nguyên khoáng sản đảm bảo phục vụ hài hòa giữa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường.
Kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác đối với các trường hợp tái phạm, không nghiêm túc khắc phục các tồn tại theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; rà soát các dự án khai thác đá, sét nằm sát đường giao thông, khu dân cư, ven Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các dự án dưới danh nghĩa phát triển kinh tế để tận thu tài nguyên sét, cát, đá, sỏi...
2. Về giải quyết nhu cầu lao động cho các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện các chính sách cho người lao động đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tập trung hoàn thiện đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2018, trước mắt tập trung cho Khu công nghiệp Hải Hà. Trong đó, cần quan tâm dành quỹ đất và có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu đảm bảo đồng bộ để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế; tạo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh để thu hút và giúp người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và các địa phương cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ đảm bảo giảm thiểu tối đa tai nạn lao động (từ việc cấp giấy phép xây dựng đến các quy trình an toàn lao động, công tác bảo đảm an toàn lao động tại các công trường, công trình xây dựng...); tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn - vệ sinh cho người lao động, chú trọng các khu vực có nguy cơ mất an toàn lao động như các công ty, đơn vị, mỏ khai thác than, khoáng sản, các công trường xây dựng... Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các cơ sở có nguy cơ mất an toàn lao động, đồng thời chuyển cơ quan điều tra xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường giám sát đảm bảo thực thi nghiêm quy định Luật bảo hiểm, Luật hình sự và các quy định liên quan đến thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, chây ì, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện... (thậm chí cả khởi tố hình sự), đảm bảo công bằng trong kinh doanh, bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp.
- Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội và các cơ quan có liên quan tiếp tục các giải pháp đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế đảm bảo liên thông giữa các ngành, địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh, để kiểm soát chặt chẽ hơn và hạn chế bội chi quỹ bảo hiểm y tế.
3. Về phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, ma túy, cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh: (1) Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, chú trọng tuyên truyền đến các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh để có kiến thức trong phòng, chống các tệ nạn xã hội; (2) Kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn bán, sử dụng ma túy trên địa bàn (3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sử dụng ma túy, chất kích thích trong các nhà nghỉ, vũ trường, quán bar, cơ sở kinh doanh có điều kiện; (4) Thực hiện có hiệu quả đề án đổi mới toàn diện công tác cai nghiện ma túy; nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy tại cộng đồng và điều trị thay thế bằng methadone gắn với công quản lý, theo dõi, đánh giá hiệu quả để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục tuyên truyền cho người dân nắm được các chính sách về hỗ trợ cho người tự nguyện chữa trị, cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng ninh theo nghị quyết số 206/2015/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh để vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện, hòa nhập với cộng đồng.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan tại điều 2 có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của Hội đồng nhân dân tỉnh tại nghị quyết này và báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2018 theo quy định.
2. Trong thời gian giữa hai kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, lựa chọn những nội dung được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm để chất vấn, yêu cầu giải trình tại phiên họp thường kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
3. Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh, Trung tâm thông tin thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan kịp thời đăng tải toàn bộ nội dung giải trình, trả lời chất vấn của đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành trên báo in, báo hình, báo điện tử, Cổng thông tin điện tử tỉnh để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện.
4. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này và các nội dung không chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời bằng văn bản (có phụ lục kèm theo).
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 13/7/2018 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
CÁC NỘI DUNG CHẤT VẤN TRẢ LỜI BẰNG VĂN BẢN
(Kèm theo Nghị quyết số 113/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh
I. Chất vấn đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (01 nội dung)
Theo thống kê cho thấy: hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 70 chung cư, nhà cao tầng, trong đó có trên 50 nhà từ 10 tầng trở lên. Trong số đó, có nhiều cơ sở không đảm bảo về công tác phòng cháy chữa cháy, như: Không bảo đảm lối thoát nạn an toàn, về giải pháp ngăn cháy, ngăn khói; không có hệ thống báo cháy tự động; hệ thống chữa cháy không bảo đảm hoặc không trang bị hệ thống chữa cháy... đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho cử tri được biết về những giải pháp của tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại các khu chung cư, và giải pháp đảm bảo an toàn cháy nổ đối với nhà chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn? (Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long).
II. Chất vấn Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (08 nội dung)
(1) Hiện nay hầu hết các cơ Sở Y tế đang có quy mô khám chữa bệnh thực tế tăng (cá biệt có những bệnh viện có số giường bệnh thực kê thường xuyên lớn hơn 50% so với số giường kế hoạch như bệnh viện đa khoa Bãi Cháy, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh...) dẫn đến hệ thống xử lý nước thải của các cơ Sở Y tế đã quá tải so với công suất xử lý.
Đề nghị đồng chí giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết trách nhiệm của ngành và các giải pháp xử lý dứt điểm việc quá tải của các hệ thống xử lý nước thải y tế hiện nay (Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long).
(2) Tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của cử tri ngày 13/6/2017, đồng chí giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có cam kết chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu vượt đường sắt từ ga Hạ Long đến cảng Cái Lân.
Xin đồng chí cho biết tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trong khu vực hiện nay thế nào, có vướng mắc gì không (Đại biểu Nguyễn Thị Dung, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long).
(3) Qua báo cáo khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác quản lý đất đai của một số công ty thành viên của Tổng Công ty Đông Bắc có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, vẫn còn có hiện tượng chồng lấn ranh giới quản lý giữa Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc trên địa bàn thành phố Cẩm Phả. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết giải pháp để xử lý việc chồng lấn quy hoạch khai thác khoáng sản giữa các đơn vị Tổng Công ty Đông Bắc và ngành than trên địa bàn tỉnh (Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu thành phố Cẩm Phả).
(4) Hiện nay một số bãi rác chôn lấp thủ công trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện việc đóng cửa theo chỉ đạo chung của tỉnh (bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại Quang Hanh; bãi rác Đèo Sen). Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết các thông số quan trắc môi trường tại các bãi rác sau khi đóng cửa mỏ có đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn cho người dân xung quanh hay không; biện pháp và tiến độ xử lý triệt để các vấn đề còn lại liên quan đến môi trường của bãi rác sau khi đóng cửa (như vấn đề rò rỉ nước) (Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu thành phố Cẩm Phả).
(5) Trong thời gian vừa qua, cử tri trên địa bàn thành phố Cẩm Phả (phường Cẩm Phú và Cẩm Sơn) có nhiều ý kiến liên quan đến chất lượng môi trường sống, trong đó kiến nghị di dời khu than Cọc 6 ra xa khu dân cư do tình trạng ô nhiễm không khí, bụi, tiếng ồn diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc bố trí kho than cọc 6 như hiện tại khiến nhiều hộ dân cạnh tuyến suối Hóa Chất lợi dụng mưa bão để sục hút, đào đãi than trôi gây nguy hại đến môi trường cũng như hệ thống kè hai bên suối đã được nhà nước, ngành than đầu tư và không an toàn cho bản thân người tham gia sục hút, đào đãi than trôi). Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết thực trạng và giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại khu vực này trong thời gian tới (Đại biểu Nguyễn Thu Trang, Tổ đại biểu thành phố Cẩm Phả).
(6) Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết việc kiểm tra, giám sát quá trình đổ thải của các doanh nghiệp ngành than trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào? Đánh giá việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các đơn vị ngành than và biện pháp trong thời gian tới? (Đại biểu Nguyễn Thu Trang, Tổ đại biểu thành phố Cẩm Phả).
(7) Dự án xây dựng Khu đô thị tại phường Cao Thắng, Hà Lầm, Hà Khánh, thành phố Hạ Long do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư mới triển khai từ năm 2017 nhưng nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng quy hoạch giai đoạn 2 của Công ty 507 từ năm 2007 nên đời sống nhân dân khó khăn trong thực hiện quyền sử dụng đất. Nay dự án mới triển khai đền bù với mức giá thấp và tái định cư theo giá thị trường tại thời điểm hiện nay thì người dân chịu thiệt thòi.
Xin đồng chí cho biết về chính sách áp dụng và giải pháp đảm bảo ổn định đời sống nhằm giảm bớt thiệt thòi cho nhân dân trong khu vực khi giải phóng mặt bằng dự án (Đại biểu Lê Hữu Phúc, Tổ đại biểu huyện Bình Liêu).
(8) Theo báo cáo khảo sát của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tại một số đơn vị trên địa bàn hiện có tình trạng dự án thi công khi chưa đảm bảo thủ tục về đất đai nhưng đã tác động vào đất như tôn tạo mặt bằng, thi công vượt ngoài ranh giới quy hoạch... Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, ngành có phát hiện tình trạng này xảy ra ở các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh hay không? Và hướng xử lý đối với các trường hợp này (Đại biểu Bùi Thị Hương, Tổ đại biểu thị xã Đông Triều).
III. Chất vấn Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng (01 nội dung)
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều dự án với quy mô lớn, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên nhiều cử tri còn có ý kiến về vấn đề đảm bảo an toàn cho các hộ dân giáp với ranh giới dự án, nhất là các dự án thi công trên đồi, nguy cơ sạt lở đất đá, bãi thải xuống hộ dân khi mưa bão (điển hình như: Khu biệt thự đồi thủy sản, biệt thự và khách sạn Phượng Hoàng, Khu biệt thự và khách sạn Monaco…). Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để tăng cường giám sát nội dung này, đảm bảo an toàn cho người dân (Đại biểu Lê Văn Long, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long).
IV. Chất vấn Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (10 nội dung)
(1) Về việc thực hiện giai đoạn 2 Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, các địa phương đã tiếp tục rà soát và báo cáo bổ sung thêm, trong đó Quảng Yên có 597 hộ đề nghị hỗ trợ tiếp trong giai đoạn 2 và 261 hộ đã xây và sửa hoàn thành trong thời gian giao thời giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí. Đề nghị Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết kết quả xét duyệt cho các hộ bổ sung và việc bố trí kịp thời nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hộ phát sinh nhằm đảm bảo kết quả và tiến độ thực hiện đề án (Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu thị xã Quảng Yên).
(2) Thời gian gần đây, tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em có chiều hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Sở Lao động - thương binh và Xã hội, năm 2017 đã phát hiện 20 vụ/20 trẻ; chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, đã phát hiện 10 vụ/10 trẻ. trong đó số vụ liên quan đến hàng xóm, người quen; người thân trong gia đình chiếm 90%. Vậy xin hỏi đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giải pháp nào là căn cơ, quyết liệt để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này? (Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu thị xã Quảng Yên).
(3) Tính từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 56 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước; ngoài ra, chỉ trong 06 tháng đầu năm 2018 còn có 07 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn thương tích khác. Vậy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có giải pháp gì để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em trước nguy cơ tai nạn thương tích (Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Tổ đại biểu thị xã Quảng Yên).
(4) Thời gian qua, tỉnh Quảng ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, qua khảo sát của ban Văn hóa - Xã hội cho thấy, nhiều hộ nghèo và cấp ủy, chính quyền địa phương còn rất lúng túng trong việc lựa chọn mô hình, giải pháp thoát nghèo, dẫn tới hiệu quả hỗ trợ thấp. Sở có giải pháp gì để tham mưu cho tỉnh khắc phục tình trạng nêu trên (Đại biểu Trần Thùy Liên, Tổ đại biểu thị xã Quảng Yên).
(5) Hiện nay, tình trạng người dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thực trạng, những biện pháp ngăn chặn, xử lý đã thực hiện trong thời gian qua và giải pháp thời gian tới (Đại biểu Sẻn Thị Hỷ, Tổ đại biểu thành phố Móng Cái).
(6) Thực hiện Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2, theo báo cáo của Sở Xây dựng đến ngày 31/5/2018 toàn tỉnh còn 105 hộ đã được phê duyệt trong đề án nhưng chưa hoàn thành, điển hình như: Cẩm Phả 54 hộ; đông triều 37 hộ;… Ngoài ra, sau khi rà soát đã phát sinh mới 182 hộ đề nghị được hỗ trợ. Đề nghị đồng chí cho biết kết quả thực hiện đề án đến thời điểm hiện nay, đặc biệt là đối với 105 hộ chưa hoàn thành và 182 hộ mới phát sinh? Việc thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho người có công có hoàn thành trước ngày 27/7/2018 theo đúng chỉ đạo của tỉnh không? (Đại biểu Phạm Văn Hoài, Tổ đại biểu thành phố Móng Cái).
(7) Qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến kiến nghị việc xét, công nhận đối tượng hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hiện nay còn nhiều bất cập: Cùng tham gia hoạt động kháng chiến như nhau; hồ sơ bệnh án như nhau nhưng người đề nghị sớm thì được công nhận, một số người hoàn thiện hồ sơ muộn hơn thì không được công nhận…; một số quy định liên quan đến hồ sơ, giấy tờ gốc gây khó khăn cho đối tượng. Đề nghị đồng chí giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho cử tri biết rõ thực trạng và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? (Đại biểu Phạm Văn Hoài, Tổ đại biểu thành phố Móng Cái).
(8) Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay có khoảng trên 7.300 lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Công ty Trách nhiệm hữu hạn Texhong Ngân Long đã đầu tư nhà ở tập trung dành cho khoảng 1.250 lao động; còn khoảng trên 6.000 lao động các khu công nghiệp đang phải thuê trọ ở những khu rất tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu, nhưng giá thuê lại khá cao khiến người lao động không yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp. Dự báo, thời gian tới nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động còn tăng cao hơn rất nhiều. Đề nghị đồng chí cho biết có giải pháp gì để tham mưu cho tỉnh giải quyết tình trạng trên? (Đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu huyện Hải Hà).
(9) Hiện nay việc thu hút lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rất khó khăn, nhất là tại khu công nghiệp cảng biển Hải Hà. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết tỉnh cần có giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên? (Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu thành phố Uông Bí).
(10) Từ ngày 01/01/2018, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội được mở rộng hơn trước, cụ thể: người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, qua khảo sát của ban Văn hóa - Xã hội cho thấy: hiện nay phần lớn những người hợp đồng lao động thuộc đối tượng này chưa được tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định. đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tỉnh cần có giải pháp gì? (Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu thành phố Uông Bí).
V. Chất vấn Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh (06 nội dung)
(1) Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thực trạng hành vi, hoạt động thẩm lậu, mua bán, đưa các chất kích thích, ma túy vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện sử dụng (vũ trường, quán bar - karaoke, nhà nghỉ...)? Đồng chí có những khuyến cáo, giải pháp gì để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng nêu trên? (Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long).
(2) Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay theo kết quả rà soát, thống kê, quản lý của ngành. đồng chí đánh giá thế nào về hiệu quả công tác cai nghiện ma túy bằng phương pháp điều trị methadon? Đồng chí có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả phương pháp cai nghiện này? (Đại biểu Lục Thành Chung, Tổ đại biểu thành phố Hạ Long).
(3) Thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng việc Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để kích động, lôi kéo người dân thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự trên một số tỉnh, thành phố trong nước. Với vai trò là Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, đứng đầu cơ quan nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đề nghị đồng chí giám đốc Công an tỉnh cho biết Công an tỉnh đã và sẽ thực hiện các giải pháp gì trong tham mưu, xử lý vấn đề này? Những khuyến cáo của đồng chí tới cử tri, nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động, các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh? (Đại biểu Nguyễn Thị Huệ, Tổ đại biểu thành phố Uông Bí).
(4) Theo báo cáo số 96/BC-UBND ngày 08/6/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về tình hình, kết quả công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018”, tình hình tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, hệ quả để lại cho xã hội và gia đình nạn nhân ngày càng lớn. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 số lượng người chết tăng so với cùng kỳ năm 2017. Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết kết quả từ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông? Trách nhiệm và giải pháp của ngành? (Đại biểu Bùi Thị Hoàng Diệp, Tổ đại biểu thị xã Quảng Yên).
(5) Hiện nay, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý, nhất là lợi dụng mạng internet để đánh bạc, cá độ bóng đá, lừa đảo, tống tiền, buôn bán hàng cấm, sử dụng các thiết bị công nghệ cao làm các thẻ atM giả để rút tiền trái phép, trộm cắp tài sản... Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thực trạng và giải pháp đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới? (Đại biểu Phạm Thị Thu Hà, Tổ đại biểu thị xã Đông Triều).
(6) Vừa qua thủ tục cấp thẻ căn cước công dân đã được triển khai thí điểm tại trung tâm hành chính công thành phố Hạ Long được nhân dân đồng tình hưởng ứng và đánh giá rất cao. Cử tri và nhân dân trong toàn tỉnh mong muốn Công an tỉnh nhân rộng tiếp tục đưa thủ tục này vào giải quyết tại trung tâm hành chính công các cấp để đảm bảo sự thuận lợi cho người dân. Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thời gian tới Công an tỉnh có kế hoạch mở rộng việc cấp thẻ căn cước công dân ở những địa bàn nào? Lộ trình thực hiện và giải pháp? (Đại biểu Nguyễn Thị Hạnh, Tổ đại biểu huyện Hoành Bồ).
VI. Chất vấn Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (03 nội dung)
(1) Việc nâng cấp ngầm tràn suối Khe Giữa, thôn đoàn Kết, xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả đã được cử tri kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay chưa được giải quyết. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho cử tri biết phương án để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện đi lại qua khu vực này? (Đại biểu Ngọc Thái Hoàng, Tổ đại biểu thành phố Cẩm Phả).
(2) Để tránh trạm thu phí trên đường quốc lộ 18a đoạn Hạ Long - Mông Dương, các phương tiện như: Xe công ten nơ, xe quá tải trọng chạy qua tỉnh lộ 326, 329 dẫn đến một số đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên? (Đại biểu Ngọc Thái Hoàng, Tổ đại biểu thành phố Cẩm Phả).
(3) Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua diễn biến phức tạp, số vụ, số người bị thương và số người chết còn ở mức cao. Với vai trò là Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, đề nghị đồng chí cho biết những giải pháp đột phá, hiệu quả trong thời gian tới nhằm giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh? (Đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu huyện Hải Hà).
VII. Chất vấn Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ (02 nội dung)
(1) Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 08/12/2018 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2018 có nội dung “Rà soát lại các phường, xã, thôn bản không đảm bảo tiêu chí theo quy định để sáp nhập cho phù hợp với thực tiễn”. Đây là vấn đề rất lớn liên quan đến việc hoàn thành các mục tiêu đưa xã, thôn, bản ra khỏi đặc biệt khó khăn, vấn đề đầu tư các công trình của xã của thôn, bản hay việc bố trí sắp xếp cán bộ... Tuy nhiên đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn chưa có hướng dẫn và kế hoạch cụ thể. đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết giải pháp và kế hoạch lộ trình thực hiện vấn đề này như thế nào? (Đại biểu Lài Thị Hiền, Tổ đại biểu Bình Liêu).
(2) Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết về kết quả thực hiện thẩm định, tham mưu phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hiện nay và giải pháp trong thời gian tới? (Đại biểu Nguyễn Cao Kỳ, Tổ đại biểu huyện Cô Tô).
VIII. Chất vấn Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (01 nội dung)
Hiện nay nghề nuôi ngao giá (ngao Hai Cùi) ở Quảng Ninh rất phát triển, đặc biệt tại Vân Đồn. Nhu cầu về con giống ngao rất lớn, vượt quá khả năng cung cấp giống của các trại giống trong tỉnh và ngoài tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu về giống ngao giá, các trại giống (chủ yếu ở tỉnh Khánh Hòa) đã bằng mọi cách sản xuất ra con giống, nên con giống kém chất lượng, kích cỡ quá nhỏ cung cấp cho người dân nuôi trồng. Chính vì vậy từ đầu năm 2018 người dân nuôi ngao giá thiệt hại rất nặng nề về ương giống ngao lên tới hàng trăm tỷ.
Trước thực trạng trên, đề nghị đồng chí giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
- Sở đã nắm bắt được thực trạng trên không?
- Các giải pháp quản lý nâng cao chất lượng con giống nhuyễn thể? (Đại biểu Trần Văn Thiên, Tổ đại biểu Vân Đồn).
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.