HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2015/NQ-HĐND | Phú Thọ, ngày 14 tháng 12 năm 2015 |
VỀ THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 tháng 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 98/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025; Quyết định số 99/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Quyết định số 1021/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4896/TTr-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và thảo luận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, với các nội dung chủ yếu như sau:
- Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
- Tổ chức các hạng mục công trình xây dựng mới để tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các Vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương; đưa Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thành một điểm du lịch hấp dẫn, thành phần quan trọng nhất của thành phố Việt Trì - Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
- Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, khu dân cư và khu vực cảnh quan xung quanh; tổ chức hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và tôn tạo di tích.
- Định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Xác định lộ trình và các nhóm giải pháp chính để triển khai các dự án.
- Làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai lập và quản lý quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng.
- Là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt, quan trọng của đất nước.
- Là Khu du lịch quốc gia với các sản phẩm chủ yếu là du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tín ngưỡng tâm linh và du lịch sinh thái.
3. Ranh giới, phạm vi quy hoạch
Quy hoạch Khu Di tích lịch sử Đền Hùng có diện tích 845 ha theo Quyết định số 1021/QĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, ranh giới được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh) và xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao);
- Phía Nam giáp xã Thanh Đình và xã Thụy Vân (thành phố Việt Trì);
- Phía Đông giáp phường Vân Phú, xã Hy Cương (thành phố Việt Trì) và xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh);
- Phía Tây giáp xã Tiên Kiên, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) và xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì).
4.1. Khu vực I: Khu vực di tích
Có diện tích khoảng 32 ha, bao gồm toàn bộ khu vực núi Nghĩa Lĩnh có các đền, chùa, lăng, nhà bia, cột đá thề, cổng, đường bậc đã được tu bổ tôn tạo khang trang, hệ thống cây xanh cảnh quan, rừng quốc gia.
4.2. Khu vực II: Vùng cảnh quan thiên nhiên bảo vệ di tích, tổ chức lễ hội và dịch vụ du lịch
Có diện tích khoảng 813 ha, bao gồm các khu vực: Núi Vặn, Đền thờ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, núi Trọc; Khu trung tâm lễ hội; khu cảnh quan hồ Mẫu; rừng quốc gia Đền Hùng và cảnh quan sinh thái phía Bắc Đền Hùng; khu tháp Hùng Vương; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân; khu dân cư hiện trạng cải tạo lại, cụ thể được bố trí như sau:
4.2.1. Khu núi Vặn, núi Trọc (diện tích khoảng 60,5 ha)
Thuộc khu vực “Tam sơn cấm địa”. Trên núi Vặn có Đền thờ Mẫu Âu Cơ đã được đầu tư xây dựng. Hàng năm, tiếp tục tu bổ, tôn tạo khang trang phục vụ đồng bào về thăm viếng.
4.2.2. Khu trung tâm lễ hội (diện tích khoảng 178 ha)
Bao gồm các công trình đã được xây dựng: Cổng vào Khu trung tâm lễ hội, trục đường hành lễ nối từ cổng vào sân lễ hội, nhà làm việc (cũ) của khu di tích, Bảo tàng Hùng Vương hiện tại (nhà triển lãm chuyên đề); nhà làm việc của khu di tích, nhà đón tiếp khách trong và ngoài nước, các công trình dịch vụ và hạ tầng kiến trúc cảnh quan phục vụ lễ hội. Đồng thời, tiến hành tu bổ, tôn tạo các công trình, gồm:
- Khu Giếng Rồng, tại bãi xe trung tâm lễ hội.
- Cải tạo Bảo tàng Hùng Vương và đổi tên thành “Nhà triển lãm Thời đại Hùng Vương”.
- Xây dựng tượng Hùng Vương tại khu vực đồi Phân Bùng và có phương án di chuyển Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Hùng Vương ra khỏi khu vực này.
- Đối với các khu vực còn lại chưa được đầu tư hoàn thiện, như: Khu gò Đốt, núi Nỏn, núi Yên Ngựa, núi Hình Nhân,... sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phê duyệt.
4.2.3. Khu cảnh quan hồ Mẫu (diện tích khoảng 45 ha)
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện giai đoạn I, tổ chức đầu tư các hạng mục trong giai đoạn II theo đúng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phê duyệt.
4.2.4. Rừng quốc gia và Khu cảnh quan sinh thái phía Bắc (diện tích khoảng 256 ha)
Khu vực này được chia thành nhiều khu chức năng, tạo cảnh quan thiên nhiên sinh thái phục vụ du khách trải nghiệm khám phá và tìm hiểu, nghiên cứu rừng quốc gia Đền Hùng; tiếp tục trồng bổ sung rừng bằng cây bản địa; đầu tư một số các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
4.2.5. Khu tháp Hùng Vương (diện tích khoảng 101,5 ha)
Tháp được đầu tư trên đồi Mom Gà; đồng thời đầu tư mở một trục đường lớn về phía Tây Nam ra đường Trường Chinh. Trục đường này được kết nối với trục đường lễ hội theo quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030. Cổng vào bố trí bãi đỗ xe lớn, còn lại ở các khu đồi, núi xung quanh được bố trí các công trình hạ tầng kiến trúc, cảnh quan sinh thái phù hợp với từng địa hình nhằm phục vụ khách thăm quan du lịch.
4.2.6. Khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân (diện tích khoảng 74,5 ha)
- Khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ nằm trên đồi Cá Chuối đã được đầu tư xây dựng; tiếp tục đầu tư bổ sung hệ thống đường dạo, cây xanh cảnh quan để tôn tạo Đài tưởng niệm, góp phần giáo dục thế hệ sau ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ Quốc.
- Khu Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân được xây dựng trên đồi Sim và khu cảnh quan thiên nhiên hồ nước xung quanh cùng với nhà dịch vụ quản lý đã hoàn thiện tiếp tục được giữ gìn và phát huy hiệu quả sử dụng.
- Không đầu tư xây dựng Khu Hội chợ Hùng Vương. Tiến hành chuyển đổi thiết kế làm khu vực trồng cây bản địa, cây cảnh, tạo cảnh quan phục vụ khách tham quan.
4.2.7. Khu dân cư hiện trạng cải tạo lại (diện tích khoảng 97,2 ha)
Hiện có hơn 1000 hộ dân, với khoảng trên 4.000 nhân khẩu đang sinh sống trong phạm vi chỉ giới 845 ha:
- Đối với các hộ dân nằm trong diện tích khu vực “Tam sơn cấm địa” (khoảng 156 hộ) và các hộ dân nằm trong phạm vi diện tích các dự án đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khi triển khai thực hiện sẽ phải di chuyển và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Đối với các khu dân cư hiện có số dân đông đang sinh sống tập trung theo từng khu vực trong ranh giới quy hoạch vùng II sẽ được giữ lại, đồng thời cấp xen ghép cho các hộ tái định cư phải di dời trong khi triển khai các dự án để bảo đảm ổn định cuộc sống .
5. Các chỉ tiêu và tổ chức mạng lưới hạ tầng kỹ thuật
5.1. Giao thông đối ngoại
- Mở đường và cổng vào từ phía Bắc nối với nút giao IC8 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua khu rừng phía Bắc về bãi xe trung tâm lễ hội.
- Đầu tư mở rộng đường từ nút giao IC8 theo Quốc lộ 2 đến khu công nghiệp Đồng Lạng rẽ vào nối với bãi xe số 5 hiện có để phục vụ khách vào từ phía đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
- Mở đường mới từ khu trung tâm lễ hội qua khu du lịch phía Nam của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến tháp Hùng Vương và kết nối giao với đường Nguyễn Tất Thành kéo dài tại đường Trường Chinh hiện có.
5.2. Giao thông đối nội
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông trong nội bộ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng bảo đảm phục vụ khách tham quan và người dân về dự lễ hội.
5.3. Chuẩn bị kỹ thuật
Tận dụng tối đa địa hình thiên nhiên, tránh đào đắp lớn. Các vùng trũng có thể làm hồ nước tạo cảnh quan đẹp và giữ nước phục vụ tưới cây, rửa đường, phòng cháy, chữa cháy.
5.4. Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, cấp điện, cấp nước phù hợp với hiện trạng và quy hoạch
6.1. Nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Đền Hùng
- Các công trình trên núi Nghĩa Lĩnh đã được đầu tư tôn tạo, như: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Chùa Thiên Quang, Bảo Tháp, gác chuông, Đền Giếng, Cổng Đền và hệ thống đường bậc lên xuống giữa các đền đã được triển khai cải tạo cơ bản hoàn thiện bảo đảm đúng theo quy hoạch được giữ nguyên.
- Các công trình mới xây dựng, như: Đền Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân đã được đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả di tích.
- Hệ thống đường bậc từ Đền Thượng qua cầu Tình Duyên đến Đền Giếng sẽ tiếp tục thay thế khi có nguồn vốn.
- Xử lý chống sạt lở các vị trí xung yếu, thường xuyên sạt lở tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh bảo đảm an toàn cho các công trình và rừng tự nhiên.
- Xây dựng thêm và cải tạo các nhà vệ sinh hiện có; trồng hoa cây cảnh; tiểu cảnh trên các tuyến đường nối giữa các di tích.
6.2. Nhóm dự án trung tâm lễ hội
- Bảo quản, khai thác các công trình đã xây dựng.
- Tiếp tục cải tạo Bảo tàng Hùng Vương hiện có và đổi tên thành Nhà triển lãm Thời đại Hùng Vương.
- Hoàn thiện các công trình: Cảnh quan đồi Công Quán, tu bổ, phục hồi khu Giếng Rồng, cảnh quan núi Hình Nhân và đồi Lật Mật,...
- Tu bổ, tôn tạo, hoàn thiện một số khu vực công trình hạ tầng kiến trúc cảnh quan thuộc khu trung tâm đang thực hiện.
6.3. Nhóm dự án tháp Hùng Vương
- Lựa chọn phương án xây dựng Tháp để triển khai các bước đầu tư xây dựng.
- Đầu tư xây dựng hạ tầng mở một trục đường chính về phía Tây Nam, cổng vào bố trí bãi đỗ xe, còn lại ở các khu đồi xung quanh được bố trí các công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái phục vụ khách du lịch.
6.4. Nhóm dự án bảo vệ, tu bổ, xây dựng rừng quốc gia Đền Hùng
- Bảo tồn rừng trên núi Nghĩa Lĩnh, các diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng hiện có; cải tạo và phục hồi rừng bằng các loại cây bản địa.
- Chăm sóc và bảo vệ các vườn cây lưu niệm, vườn ươm.
- Trồng bổ sung cây xanh ven đường và các vườn hoa cây cảnh.
- Khu rừng phía Bắc xây dựng khu sinh thái phục vụ du khách trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên được thực hiện cải tạo và phục hồi rừng bằng tập đoàn các loài cây bản địa.
6.5. Nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật
Tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo hoàn thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã và đang thực hiện dở dang theo quy hoạch được duyệt, bao gồm: Các công trình công cộng, chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp điện, cấp thoát nước vệ sinh môi trường và thông tin liên lạc cho Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
6.6. Dự án xây dựng tượng đài Hùng Vương
Xây dựng tượng đài Hùng Vương cùng với các công trình kiến trúc cảnh quan ở đồi Phân Bùng, quy mô khu vực xây dựng có diện tích 7,6 ha, bao gồm: Tượng đài, phù điêu và hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó cộng đồng cho các thế hệ người Việt Nam.
6.7. Nhóm dự án hỗ trợ phát triển kinh tế các xã vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu tái định cư để di chuyển các hộ dân trong khu vực núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc, núi Vặn "Khu tam sơn cấm địa", các hộ dân phải di chuyển để thực hiện các dự án trong khu vực quy hoạch.
- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Tu bổ các đình, đền, chùa, các di chỉ khảo cổ, hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu giúp các xã từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng lưu niệm, chế biến lương thực thực phẩm, trồng cây ăn quả, rau sạch, tham gia du lịch cộng đồng, du lịch dịch vụ và các hoạt động văn hóa phục vụ lễ hội.
7. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
7.1. Nhóm giải pháp về vốn đầu tư
Thực hiện các giải pháp huy động vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; vốn đầu tư từ các doanh nghiệp; vốn huy động xã hội hóa từ các nguồn công đức, vốn vay;...
7.2. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phê duyệt quy hoạch chi tiết, các nhóm dự án thành phần của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đối với các công trình, dự án thuộc khu vực II, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phê duyệt, trên cơ sở các công trình, dự án phù hợp với quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo quy định.
7.3. Nhóm giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước đối với đầu tư xây dựng, tổ chức lễ hội và các hoạt động tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng
- Ban hành quy chế quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng trong phạm vi quy hoạch Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đặc biệt đối với các khu dân cư vẫn nằm trong quy hoạch.
- Thực hiện theo Đề án Giỗ tổ Hùng Vương hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Văn bản số 465/TTg-KGVX ngày 01 tháng 4 năm 2009. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chuẩn hóa các nghi lễ theo truyền thống.
- Tạo điều kiện phát huy vai trò của cộng đồng, nhất là người dân các xã vùng ven của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tích cực tham gia bảo vệ, giữ gìn di tích.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng gắn với xây dựng thành phố Việt Trì - Thành phố Lễ hội. Tăng cường công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực di tích.
8. Tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư
8.1. Tổng mức đầu tư khoảng 4.504 tỷ đồng.
8.2. Phân kỳ đầu tư:
- Giai đoạn 2016 - 2020: 1.781 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 1.000 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và xã hội hóa: 781 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021 - 2025: 2.723 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 1.500 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và xã hội hóa: 1.223 tỷ đồng.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ban, ngành liên quan thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định.
- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVII, kỳ họp thứ Mười một thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2015 và có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.