HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/NQ-HĐND | Quảng Ninh, ngày 19 tháng 7 năm 2013 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ CÁN BỘ CƠ SỞ TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005,
Sau khi xem xét báo cáo kết quả giám sát số 51/BC-HĐND ngày 12/7/2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và cán bộ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành Báo cáo số 51/BC-HĐND ngày 12/7/2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về “Kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và cán bộ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, với những đánh giá về ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và các kiến nghị, giải pháp khắc phục, đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
a. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy và biên chế cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan từ tỉnh đến huyện được kiện toàn, củng cố theo các quy định pháp luật, góp phần ổn định hoạt động và tăng cường chủ động trong tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách theo ngành, lĩnh vực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng ổn định, đúng hướng và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về nhiều mặt (trình độ, nhận thức, năng lực thực tiễn, tác phong, phương pháp lề lối làm việc...). Cải cách tổ chức bộ máy hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ “Ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020” ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện...
b. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy và biên chế trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn có những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục. Tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, chưa phù hợp thực tiễn, chưa phát huy được những thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương. Việc xây dựng kế hoạch biên chế trình có thẩm quyền quyết định còn mang tính tương đối, chưa thực sự chính xác (do chưa xây dựng được vị trí việc làm); công tác tuyển dụng cần tiếp tục đổi mới ở các khâu để thu hút những người có trình độ chuyên môn cao, năng lực tốt; số lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, khu phố lớn, hiệu quả hoạt động còn hạn chế, thiếu kiểm tra, kiểm soát; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của công chức, viên chức cũng như việc thực thi pháp luật trong quản lý nhà nước về nội vụ nói chung chưa thường xuyên, kịp thời; công tác cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có những chuyển biến tích cực song tổ chức bộ máy, trình độ một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và cải cách hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ còn có biểu hiện phiền hà, phân cấp quản lý tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa đồng bộ với trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; việc giải quyết chế độ tinh giản biên chế chưa triệt để, số lượng người được giải quyết còn ít...
Điều 2. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo kết quả giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy và biên chế trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu và tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện các kiến nghị đã được đề cập trong báo cáo kết qủa giám sát, đồng thời các cấp, các ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ cần thống nhất thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ công chức, viên chức và lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành các nội dung, nhiệm vụ của Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các nội dung và tinh thần đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trước hết là nhận thức của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là nhiệm vụ then chốt, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp kiện toàn lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thuộc cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và của UBND các địa phương nếu có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Nghiên cứu, đề xuất với Trung ương cho phép Quảng Ninh được thành lập lại Sở Thủy sản, Sở Du lịch để có cơ quan chuyên môn trực tiếp tham mưu cho tỉnh khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, kinh tế du lịch của tỉnh.
3. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng cao. Rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, biên chế. Nghiên cứu, sáp nhập hoặc giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc có sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sự nghiệp, chức năng quản lý nhà nước với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công.
4. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn liền với yêu cầu về tinh giản biên chế. Quản lý chặt chẽ việc giao và sử dụng biên chế theo Đề án vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phân định rõ công chức nhà nước và viên chức sự nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thi hành pháp luật trong quản lý, sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị.
5. Đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tổng thể chương trình cải cách hành chính của tỉnh. Tăng cường phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho cấp dưới và cá nhân. Đổi mới công tác tuyển dụng, lựa chọn và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có kiến thức, năng lực, trách nhiệm, ý thức, thái độ phục vụ tốt đáp ứng được yêu cầu thực thi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
- Thường trực, các Ban và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/7/2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.