UỶ BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 1020/2011/UBTVQH12 | Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011 |
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
- Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2001/QH10;
- Căn cứ Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 12/2003/QH11;
- Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 63/2010/QH12,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử
Cách tính tuổi để thực hiện quyền bầu cử, ứng cử theo quy định tại Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001 và năm 2010 (sau đây gọi chung là Luật bầu cử đại biểu Quốc hội) và Điều 2 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2010 (sau đây gọi chung là Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân)được thực hiện như sau:
1. Tuổi để thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi là ngày bầu cử) đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội ấn định (ngày 22/5/2011). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.
Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng, năm sinh dương lịch của năm sau.
2. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.
Điều 2. Lập danh sách cử tri và niêm yết danh sách cử tri
Việc lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri theo quy định tại các điều 22, 24 và 27 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, các điều 23, 24 và 28 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dânđược thực hiện như sau:
1. Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc các trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri quy định tại khoản 8 của điều này thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký thường trú và thực hiện quyền bầu cử tại nơi đó;
2. Trong thời gian lập danh sách cử tri, những người có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan có thẩm quyền ở nơi cư trú cũ thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới để tham gia bầu cử, cụ thể như sau: thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp tỉnh được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú đến đơn vị hành chính cấp tỉnh khác thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội.
3. Sinh viên, học sinh, học viên có sổ tạm trú ở các trường chuyên nghiệp, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp và quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi học tập, công tác hoặc nơi đóng quân để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
4. Cử tri là người lao động tại các khu công nghiệp tập trung, các doanh nghiệp có đăng ký tạm trú, lưu trú thì được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
5. Kể từ ngày niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bỏ phiếu, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân đang đi công tác và những người di cư tự do, đi lao động, làm việc, đi thăm người thân, đi du lịch ở nơi nào thì xuất trình với Uỷ ban nhân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi mới đến Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác" do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp để được ghi tên bổ sung vào danh sách cử tri, tham gia bỏ phiếu ở nơi đó và được tính vào tổng số cử tri ở nơi mới đến. Nếu họ chưa có Thẻ cử tri, Giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác" thì Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi mới đến yêu cầu những người này liên hệ với Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc chỉ huy đơn vị nơi lập danh sách cử tri trước ngày niêm yết danh sách cử tri để nhận Thẻ cử tri hoặc Giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác" để được bầu cử ở nơi mới đến. Nếu thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện thì được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp tỉnh thì được bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Quốc hội; thay đổi nơi cư trú đến đơn vị hành chính cấp tỉnh khác thì được bầu đại biểu Quốc hội.
6. Công dân Việt Nam công tác, lao động, học tập, du lịch, thăm người thân hoặc định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu hai mươi bốn giờ, thì đến Uỷ ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để ghi tên vào danh sách cử tri và nhận Thẻ cử tri để được bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (nếu xuất trình tại nơi đăng ký thường trú); được bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu xuất trình tại nơi đăng ký tạm trú).
7. Đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập danh sách cử tri và cấp giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác".
8. Những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 25 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 3. Về việc ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
Công dân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 2, Điều 3 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hộivà Điều 2, Điều 3 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dânchỉ được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân không quá hai cấp; nếu đã ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp.
Những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 31 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 4. Về việc kê khai tài sản, thu nhập khi ứng cử
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại mục 4 chương II của Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 13 tháng 11 năm 2007 của Thanh tra Chính phủ.
Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử là tài liệu trong Hồ sơ ứng cử.
Điều 5. Căn cứ tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi đơn vị hành chính được tính trên cơ sở dân số theo quy định tại Điều 9 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Số liệu dân số do Cục Thống kê cung cấp tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2010.
2. Đối với các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 9 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dâncó từ ba mươi đơn vị hành chính trực thuộc trở lên được bầu trên bốn mươi đại biểu; số lượng cụ thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Điều 6. Đơn vị bầu cử
Đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) được xác định là huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), liên huyện hoặc liên xã; đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện được xác định là xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), liên xã hoặc liên thôn; đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã được xác định là thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khối phố (gọi chung là thôn, tổ dân phố), hoặc liên thôn, liên tổ dân phố.
Trường hợp thành lập hai đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở một đơn vị hành chính huyện, xã hoặc ở một thôn, tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân cấp bầu cử có trách nhiệm xác định ranh giới rõ ràng, hợp lý giữa các đơn vị bầu cử để tổ chức thực hiện bầu cử thuận lợi.
Điều 7. Số người ứng cử ở đơn vị bầu cử
1. Số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử được thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 63/2010/QH12.
Trường hợp Hội đồng bầu cử quyết định xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội làm cho số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử không nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, thì Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi thống nhất với Uỷ ban bầu cử, chọn người có tín nhiệm cao nhất và đạt trên năm mươi phần trăm số phiếu tín nhiệm trong số người còn lại ở danh sách đã hiệp thương lần thứ ba để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định; nếu trong danh sách hiệp thương lần thứ ba không có người đạt yêu cầu trên thì Uỷ ban bầu cử báo cáo Hội đồng bầu cử xem xét quyết định việc chuyển người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử có số dư nhiều nhất trong cùng tỉnh, thành phố đến đơn vị bầu cử không có số người ứng cử nhiều hơn số đại biểu Quốc hội được bầu. Trong trường hợp không chọn được người có tín nhiệm cao nhất trong danh sách đã Hiệp thương lần thứ ba và không thể chuyển người ứng cử từ đơn vị bầu cử khác đến thì Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định.
2. Số người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử được thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trường hợp Uỷ ban bầu cử quyết định xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân làm cho số người trong danh sách ứng cử ở đơn vị bầu cử không nhiều hơn hai người so với số đại biểu được bầu ở đơn vị đó, thì Uỷ ban bầu cử sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chọn người có tín nhiệm cao nhất và đạt trên năm mươi phần trăm số phiếu tín nhiệm trong số người còn lại ở danh sách đã hiệp thương lần thứ ba để đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu trong danh sách hiệp thương lần thứ ba không có người đạt yêu cầu trên thì Uỷ ban nhân dân cấp bầu cử quyết định việc giảm số đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử khuyết người ứng cử, trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; đối với đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ phê chuẩn.
Điều 8. Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội
Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 29 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau:
1. Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết, thì Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.
2. Trường hợp người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này mà người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý như sau:
a) Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu;
b) Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sau khi trao đổi ý kiến với Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Hội đồng bầu cử xem xét, quyết định việc xoá tên người ứng cử đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật đã được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu.
Điều 9. Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Việc xoá tên người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại Điều 31 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dânđược thực hiện như sau:
Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết, thì Uỷ ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Điều 10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân
1. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 49 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được thực hiện như sau:
a) Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Hội đồng bầu cử. Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Hội đồng bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theoquy định của pháp luật.
Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử thì có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Hội đồng bầu cử. Quyết định của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng.
b) Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Hội đồng bầu cử ngưng việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo mới về người ứng cử và khiếu nại, kiến nghị về sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử.
Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được tiếp nhận trước thời điểm này vẫn tiếp tục được xem xét, giải quyết. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
c) Không xem xét, giải quyết đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.
d) Hội đồng bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn không đồng ý đến Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá mới để giải quyết theo thẩm quyền.
2. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại Điều 43 của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dânđược thực hiện như sau:
a) Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử; khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử. Ban bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền.
Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử thì có quyền khiếu nại với Uỷ ban bầu cử. Quyết định của Uỷ ban bầu cử là quyết định cuối cùng.
b) Trong thời hạn mười ngày trước ngày bầu cử, Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử ngưng việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo mới về người ứng cử và khiếu nại, kiến nghị về sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử.
Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được tiếp nhận trước thời điểm này vẫn tiếp tục được xem xét, giải quyết. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì Uỷ ban bầu cử quyết định xoá tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.
c) Không xem xét, giải quyết đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đơn tố cáo mạo tên người tố cáo hoặc không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký, đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới.
d) Uỷ ban bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được giải quyết nhưng đương sự vẫn không đồng ý đến Thường trực Hội đồng nhân dân khoá mới để giải quyết theo thẩm quyền.
Điều 11. Vận động bầu cử của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân
Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương nào thì thực hiện quyền vận động bầu cử ở địa phương đó.
Điều 12. Mục đích, yêu cầu vận động bầu cử
1. Việc tổ chức vận động bầu cử có mục đích sau đây:
a) Tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu;
b) Tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri;
b) Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
c) Không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
d) Không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử;
đ) Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình;
e) Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri;
g) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.
Điều 13. Hình thức, nội dung vận động bầu cử
1. Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức; trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng; gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử công tác.
2. Nội dung vận động bầu cử của người ứng cử bao gồm:
a) Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
b) Người ứng cử trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
c) Người ứng cử và cử tri trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm;
d) Người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử tri.
Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong vận động bầu cử
1. Uỷ ban bầu cử chỉ đạo công tác vận động bầu cử và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vận động bầu cử ở địa phương.
2. Các cơ quan báo chí ở trung ương có trách nhiệm đưa tin về tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước, đưa tin về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình tổ chức bầu cử.
3. Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong việc tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
4. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tạo điều kiện cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc với cử tri ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; bảo đảm cho việc tổ chức vận động bầu cử được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
5. Các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương có trách nhiệm đưa tin về Hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và tình hình vận động bầu cử ở địa phương.
Điều 15. Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giới thiệu những nội dung cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để người ứng cử đại biểu Quốc hội xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình.
Người được trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương nào cần kết hợp nghiên cứu tình hình địa phương đó và tình hình chung của cả nước để xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình;
2. Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; thành phần gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, thành phần gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương.
Uỷ ban nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.
3. Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm các nội dung sau đây:
a) Tuyên bố lý do;
b) Đại diện Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử;
c) Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân;
d) Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
đ) Người chủ trì Hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc Hội nghị.
4. Sau Hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử, Ban thường trực Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ; Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên trực tiếp.
Điều 16. Vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng
1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử để trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có) để trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử;
2. Trên cơ sở chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông cùng cấp tổ chức việc đăng tải nội dung phỏng vấn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật, công bằng giữa những người ứng cử, tuân thủ các quy định về vận động bầu cử.
Điều 17. Kinh phí vận động bầu cử
Kinh phí vận động bầu cử do ngân sách nhà nước cấp từ kinh phí hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức và kinh phí phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Điều 18. Thời gian tiến hành vận động bầu cử
Việc tổ chức để những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện quyền vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách những người ứng cử và kết thúc hai mươi bốn giờ trước giờ bỏ phiếu.
Người đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được phát thẻ cử tri
Thẻ cử tri của công dân do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú ký tên và đóng dấu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký tên và đóng dấu.
Thẻ cử tri của công dân ở đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị ký tên và đóng dấu.
Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu "Đã bỏ phiếu" vào thẻ cử tri.
Điều 20. Về biểu mẫu và dấu bầu cử
Hội đồng bầu cử quy định mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, mẫu phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, mẫu Giấy chứng nhận "Đi bỏ phiếu nơi khác" và các biểu mẫu khác phục vụ bầu cử.
Hội đồng bầu cử quy định mẫu dấu của các tổ chức phụ trách bầu cử và giao cho Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc khắc dấu bầu cử trong địa phương mình.
Điều 21. Địa điểm bỏ phiếu
Địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) phải được trang trí trang nghiêm, tiết kiệm, thuận tiện cho cử tri đến bầu cử, có đầy đủ bàn, ghế, bút, mực và các vật dụng khác phục vụ cho việc bầu cử.
Điều 22. Xác định phiếu hợp lệ và phiếu không hợp lệ
1. Những phiếu sau đây là phiếu hợp lệ:
a) Phiếu bầu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát, có dấu của Tổ bầu cử;
b) Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu;
c) Phiếu bầu gạch tên ứng cử viên không được tín nhiệm bằng cách gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang, nhưng phải gạch hết họ và tên.
2. Những phiếu sau đây là phiếu không hợp lệ:
a) Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát;
b) Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
c) Phiếu để số người được bầu quá số đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu;
d) Phiếu gạch, xoá hết họ, tên những người ứng cử;
đ) Phiếu ghi tên người ngoài danh sách những người ứng cử; phiếu có viết thêm; phiếu gạch vào khoảng cách giữa họ và tên hai ứng cử viên; phiếu khoanh tròn họ và tên ứng cử viên.
Điều 23. Báo cáo tình hình trong ngày bầu cử
1. Trong ngày bầu cử, Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo với Hội đồng bầu cử, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ; Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và cấp trên trực tiếp về các nội dung sau:
a) Các điều kiện phục vụ cho ngày bầu cử;
b) Những thuận lợi, khó khăn về giao thông, thời tiết ảnh hưởng đến việc bầu cử;
c) Số cử tri đi bầu và tiến độ cử tri đi bầu;
d) Dư luận trong nhân dân về cuộc bầu cử và những người ứng cử;
đ) Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn.
2. Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo trực tiếp bằng điện thoại, thư điện tử hoặc fax đến Hội đồng bầu cử theo tiến độ hai giờ một lần. Kết thúc ngày bầu cử, Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh báo cáo đầy đủ với Hội đồng bầu cử các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này bằng fax; ở những nơi có sự cố đột xuất xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử thì phải báo cáo ngay với Hội đồng bầu cử để xin ý kiến chỉ đạo.
3. Uỷ ban bầu cử có bộ phận thường trực để tiếp nhận thông tin từ các Ban bầu cử, Tổ bầu cử gửi đến.
Điều 24. Biên bản xác định kết quả bầu cử
1. Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Uỷ ban bầu cử, Ban bầu cử lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở địa phương theo mẫu do Hội đồng bầu cử ban hành.
2. Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi Biên bản xác định kết quả bầu cử đến Hội đồng bầu cử, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp. Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã gửi Biên bản xác định kết quả bầu cử đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Ban bầu cử gửi Biên bản xác định kết quả bầu cử đến Uỷ ban bầu cử.
3. Hội đồng bầu cử, Uỷ ban bầu cử có bộ phận tiếp nhận Biên bản xác định kết quả bầu cử.
Hội đồng bầu cử tiếp nhận Biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội tại những điểm sau:
a) Văn phòng Quốc hội, số 37 đường Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội;
b) Vụ Công tác miền Trung và Tây nguyên, số 4 đường Trần Quý Cáp, thành phố Đà Nẵng;
c) Nhà khách Văn phòng Quốc hội - 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 25. Công bố kết quả bầu cử
1. Sau khi nhận và kiểm tra Biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử, Uỷ ban bầu cử và giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có), Hội đồng bầu cử lập Biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước, Uỷ ban bầu cử lập Biên bản tổng kết cuộc bầu cử ở địa phương mình.
2. Căn cứ vào Biên bản tổng kết cuộc bầu cử, Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, Uỷ ban bầu cử công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử ở địa phương mình.
Điều 26. Tổng kết cuộc bầu cử
Hội đồng bầu cử có trách nhiệm tổng kết cuộc bầu cử trong phạm vi cả nước; Uỷ ban bầu cử có trách nhiệm tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương.
Nội dung tổng kết cuộc bầu cử bao gồm:
1. Đánh giá quá trình chuẩn bị cuộc bầu cử:
a) Các bước chuẩn bị bầu cử theo quy định của pháp luật, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
b) Việc tổ chức tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú, nơi bầu cử, vận động bầu cử của những người ứng cử;
c) Việc hướng dẫn, chỉ đạo công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử ở địa phương;
d) Việc tổ chức các Hội nghị hiệp thương;
đ) Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về bầu cử và các văn bản hướng dẫn bầu cử của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
e) Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương trong thời gian chuẩn bị bầu cử và trong ngày bầu cử;
g) Việc xem xét, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến cuộc bầu cử;
h) Sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức phụ trách bầu cử và các cơ quan, tổ chức hữu quan;
i) Việc sử dụng kinh phí bầu cử.
2. Những kinh nghiệm từ việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016:
a) Việc chuẩn bị các điều kiện cho cuộc bầu cử;
b) Việc chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu;
c) Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến cuộc bầu cử;
d) Đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử ở địa phương.
3. Kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức cuộc bầu cử.
Uỷ ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gửi Báo cáo tổng kết bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Uỷ ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã gửi Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp.
Điều 27. Không tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ở các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
Các huyện, quận, phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân theo Điều 1 của Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16/01/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không tiến hành bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 của cấp đó, không thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.
Điều 28. Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thuộc các huyện đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
Việc thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thuộc các huyện đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân được thực hiện theo các quy định của Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 12/2003/QH11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 63/2010/QH12.
Danh sách Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn phải được báo cáo lên Ủy ban nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện.
Điều 29. Thành lập Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
Ủy ban nhân dân phường sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tổ bầu cử có từ mười một đến hai mươi mốt người gồm Tổ trưởng, Tổ phó, Thư ký và các ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tập thể cử tri ở địa phương.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ bầu cử thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 1và khoản 6 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân số 63/2010/QH12.
Điều 30. Gửi biên bản Hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thuộc các huyện, quận đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
Sau khi kết thúc các Hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn, biên bản hiệp thương phải được gửi ngay đến Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.
Điều 31. Tổ chức hội nghị cử tri ở phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
Hội nghị cử tri ở phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân để lấy ý kiến nhận xét những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức theo đơn vị tổ dân phố nơi cư trú thường xuyên của người ứng cử do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Điều 32. Gửi biên bản xác định kết quả bầu cử, biên bản tổng kết và báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thuộc các huyện, quận đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân
Ủy ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thuộc các huyện đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân gửi biên bản xác định kết quả bầu cử, biên bản tổng kết và báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, thị trấn và Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, quận.
Điều 33. Hiệu lực thi hành
Các tổ chức phụ trách bầu cử và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.
Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 1078/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29/01/2007.
| TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.