HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 102/2019/NQ-HĐND | Gia Lai, ngày 10 tháng 07 năm 2019 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Xét Tờ trình số 1334/TTr-UBND ngày 14/6/2019 của UBND tỉnh Gia Lai về việc đề nghị ban hành nghị quyết quy định một chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1.1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
1.2. Đối tượng áp dụng
- Doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và có dự án đầu tư quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Nguyên tắc hỗ trợ
- Trường hợp cùng một nội dung hỗ trợ mà doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì không thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này đối với nội dung hỗ trợ đã được nhận.
- Dự án nhận hỗ trợ quy định tại Khoản 3.2 Điều này thì không được nhận hỗ trợ quy định tại Khoản 3.3 Điều này của Nghị quyết này và ngược lại.
- Ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, tham gia liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm cây ăn quả; dự án sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ hoặc thực hành nông nghiệp tốt (GAP); ứng dụng công nghệ cao.
3. Các chính sách hỗ trợ, bao gồm
3.1. Hỗ trợ lãi suất vay thương mại
a) Điều kiện hỗ trợ
- Doanh nghiệp có dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
- Dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
- Hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ đầy đủ, hợp lệ theo quy định.
b) Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ: Bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ, tối đa 1%, tổng mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng, theo từng quy mô tổng vốn đầu tư của dự án theo nguyên tắc lũy tiến như sau:
- Dự án có vốn đầu tư dưới 100 tỷ đồng: Mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng, trong thời gian tối đa 02 năm.
- Dự án có vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng: Mức hỗ trợ được tính không quá 50 triệu đồng cho mỗi 100 tỷ đồng vốn đầu tư tăng thêm, trong thời gian tối đa 03 năm.
- Dự án có vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng: Mức hỗ trợ được tính không quá 50 triệu đồng cho mỗi 200 tỷ đồng vốn đầu tư tăng thêm, trong thời gian tối đa 04 năm.
c) Hạn mức vay vốn được hỗ trợ: Tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
3.2. Hỗ trợ tập trung đất đai
a) Điều kiện hỗ trợ
- Doanh nghiệp đã hoàn thành việc tập trung đất đai với quy mô diện tích từ 20 ha trở lên theo các hình thức quy định tại Điều 7 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ đầy đủ, hợp lệ theo quy định.
b) Nội dung, mức hỗ trợ:
- Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ kinh phí cho công tác trích đo, trích đo địa chính để phục vụ cho việc lập thủ tục cho thuê đất; chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
- Mức hỗ trợ: tối đa 200.000 đồng/ha/dự án.
3.3. Hỗ trợ chi phí đánh giá và cấp Giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) tại các khu, vùng tập trung đất đai
a) Điều kiện hỗ trợ: Đối tượng hỗ trợ phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp có dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo hướng nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
- Dự án có quy mô diện tích tập trung từ 03 ha trở lên.
- Doanh nghiệp đã hoàn thành việc đánh giá và được cấp Giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) do các cơ quan, tổ chức đủ điều kiện theo quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ đầy đủ, hợp lệ theo quy định.
b) Mức hỗ trợ:
Hỗ trợ một lần, tối đa 50% chi phí thực tế, không quá 50 triệu đồng để thực hiện việc đánh giá và cấp Giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ hoặc quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
4. Nguồn vốn hỗ trợ: Ngân sách tỉnh; các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Gia Lai Khóa XI, Kỳ họp thứ Chín thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2019./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.