BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 08-NQ/TW |
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2011 |
VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG, TẠO BƯỚC PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ VỀ THỂ DỤC, THỂ THAO ĐẾN NĂM 2020
Trong những năm gần đây, sự nghiệp thể dục, thể thao nước ta đã có nhiều tiến bộ. Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Thể thao thành tích cao có bước phát triển, thành tích một số môn đạt được trình độ châu Á và thế giới. Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho thể dục, thể thao từng bước được nâng cấp và xây dựng mới. Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao, nhất là ở khu vực Đông Nam Á.
Đạt được những thành tích trên là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự tham gia tích cực và có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đông đảo nhân dân; sự nỗ lực phấn đấu của huấn luyện viên, vận động viên và cán bộ thể dục thể thao.
Tuy nhiên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác thể dục, thể thao ở một số địa phương và ngành chưa đầy đủ, nhiều nơi còn coi nhẹ công tác thể dục, thể thao; phong trào thể dục, thể thao chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp. Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên chưa thường xuyên và kém hiệu quả. Thành tích thể thao chưa bền vững, đặc biệt là các môn thể thao Olympic; tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá và thể thao thành tích cao còn nhiều. Hệ thống tổ chức ngành thể dục, thể thao chưa ổn định, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý nhà nước về thể dục thể thao chậm đổi mới. Đầu tư của Nhà nước cho thể dục, thể thao còn thấp, huy động các nguồn lực từ cộng đồng còn hạn chế.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp thể dục, thể thao trong những năm tới, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; đồng thời, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân. Các cấp ủy đảng có trách nhiệm thường xuyên lãnh đạo công tác thể dục, thể thao, bảo đảm cho sự nghiệp thể dục, thể thao ngày càng phát triển.
2. Đầu tư cho thể dục thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao và đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển thể dục, thể thao, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao.
3. Gìn giữ, tôn vinh những giá trị thể dục, thể thao dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, phát triển nền thể dục, thể thao nước ta mang tính dân tộc, khoa học, nhân dân và văn minh.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao; tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ làm nền tảng phát triển mạnh mẽ và vững chắc sự nghiệp thể dục thể thao; đến năm 2020, phấn đấu 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; các trường học, xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp có đủ cơ sở vật chất thể dục, thể thao phục vụ việc tập luyện của nhân dân; trình độ một số môn thể thao trọng điểm được nâng cao ngang tầm Châu Á và thế giới; bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của Châu Á và thế giới.
1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học
Thể dục thể thao trường học là bộ phận quan trọng của phong trào thể dục, thể thao, một mặt của giáo dục toàn diện nhân cách học sinh, sinh viên, cần được quan tâm đầu tư đúng mức.
Xây dựng và thực hiện “Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học”. Thực hiện tốt giáo dục thể chất theo chương trình nội khóa; phát triển mạnh các hoạt động thể thao của học sinh, sinh viên, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên và góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao.
Đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục thể chất, gắn giáo dục thể chất với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên. Đãi ngộ hợp lý và phát huy năng lực đội ngũ giáo viên thể dục hiện có, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên thể dục cho trường học; củng cố các cơ sở nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi và thể dục, thể thao trường học.
2. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao quần chúng
Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện thể dục thể thao ở cơ sở. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào thể dục, thể thao với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”, với Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu đô thị văn minh; quan tâm phát triển phong trào thể dục, thể thao người cao tuổi, người khuyết tật và người lao động tại các khu công nghiệp.
Bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các hoạt động thể dục, thể thao. Có các giải pháp để phát huy tính tích cực, tính văn hóa, văn minh trong thể dục, thể thao.
Chú trọng phát triển thể dục thể thao trong lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong việc phát triển thể dục, thể thao của nhân dân trên từng địa bàn, nhất là ở vùng biên giới, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có quy hoạch dành đất cho thể dục, thể thao ở các trường học, xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp, chú trọng tới xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao phục vụ việc tập luyện của nhân dân; quan tâm tới xây dựng các khu vui chơi giải trí trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao.
3. Nâng cao hiệu quả đào tạo tài năng thể thao
Dành nguồn lực thích đáng để hình thành hệ thống đào tạo tài năng thể thao với đội ngũ kế cận dồi dào và có chất lượng, làm tiền đề cho bước phát triển đột phá về thành tích trong một số môn thể thao.
Đầu tư, nâng cấp các trung tâm huấn luyện thể thao của quốc gia, các ngành, các địa phương, đáp ứng yêu cầu huấn luyện thể thao hiện đại. Củng cố và phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố với quy mô phù hợp, có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển mạng lưới hoạt động thể thao thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên các trường học và phát hiện, bồi dưỡng các năng khiếu và tài năng thể thao. Khuyến khích phát triển câu lạc bộ về các môn thể thao hoạt động theo phương thức tự quản, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia.
Đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng môn và từng địa phương. Ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo vận động viên các môn thể thao trọng điểm; tích cực chuẩn bị lực lượng vận động viên và các điều kiện cơ sở vật, chất kỹ thuật cần thiết, để sẵn sàng đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Châu Á. Bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc và phát huy vai trò nêu gương của họ đối với lớp vận động viên kế cận và với thanh, thiếu niên nói chung. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá và các môn thể thao thành tích cao.
4. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học thể dục, thể thao. Tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, giáo viên thể dục, thể thao, huấn luyện viên, cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao. Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, cán bộ quản lý...
Triển khai nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức, quản lý, cơ chế hoạt động thể dục, thể thao trong điều kiện mới. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, y học thể thao phục vụ tuyển chọn, đào tạo vận động viên và tập luyện thể dục, thể thao vì sức khỏe của nhân dân. Quan tâm công tác thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ thể dục, thể thao.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về thể dục, thể thao ở các ngành, các cấp phù hợp với yêu cầu thực tế. Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao ở các cấp, đặc biệt là năng lực triển khai thực hiện các chính sách, kế hoạch thể dục, thể thao. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phân cấp quản lý thể dục thể thao. Tăng cường công tác tuyên truyền trong lĩnh vực thể dục, thể thao theo hướng tuyên truyền đúng mức, không thái quá, không chạy theo thành tích. Xử lý nghiêm minh các trường hợp tiêu cực trong thể thao.
Phát huy vai trò của Ủy ban Olympic quốc gia, các liên đoàn, hiệp hội thể thao trong việc điều hành các hoạt động thể thao. Nghiên cứu việc hình thành hệ thống tổ chức xã hội mang tính liên hiệp về thể dục, thể thao từ cơ sở đến toàn quốc, để tập hợp và điều phối chung đối với các tổ chức xã hội về thể dục, thể thao, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có sự quản lý và hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. Khuyến khích các tổ chức xã hội, các cơ sở thể thao ngoài công lập tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao. Quan tâm phát triển công nghiệp dụng cụ, trang thiết bị thể thao và các hoạt động kinh tế phù hợp để tạo các nguồn thu trong thể thao.
Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; chú trọng tới hợp tác đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao một cách bài bản ở nước ngoài.
6. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về công tác thể dục, thể thao, trên cơ sở đó có chủ trương phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo công tác thể dục, thể thao ở từng địa phương, cơ sở. Quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền đúng mức, giáo dục, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác thể dục, thể thao.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đặc biệt chăm lo xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ có phẩm chất và năng lực để lãnh đạo, quản lý công tác thể dục, thể thao; thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển thể dục, thể thao; quy hoạch đất và huy động nguồn lực để xây dựng các cơ sở tập luyện thể dục, thể thao ở xã, phường, thị trấn gắn với trường học; hỗ trợ phát triển thể dục thể thao ở các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn.
Các cấp ủy đảng tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; lãnh đạo xây dựng và triển khai chương trình hành động, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết.
Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật phù hợp với việc đổi mới cơ chế, chính sách hoạt động của ngành thể dục, thể thao trong tình hình mới.
Ban cán sự Đảng Chính phủ đề ra chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thể dục, thể thao.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng chương trình hành động, phát động các phong trào toàn dân tham gia tập luyện thể dục thể thao.
Nơi nhận: |
T/M
BỘ CHÍNH TRỊ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.