HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2005/NQ-HĐND | Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2005 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUẢN LÝ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ VĂN HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ TƯ
(TỪ NGÀY 02 ĐẾN NGÀY 06/8/2005)
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp;
- Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội và Nghị định 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ Qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
- Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và một số biện pháp đẩy mạnh bài trừ các tệ nạn xã hội;
- Căn cứ Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 25/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán Ban, nhà hàng karaoke, vũ trường;
- Sau khi xem xét báo cáo số 46/BC-UB ngày 8/7/2005 của UBND Thành phố về công tác quản lý hoạt động dịch vụ văn hoá trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
Căn cứ ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, ý kiến cử tri, báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND, thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1: Chủ trương về quản lý các hoạt động dịch vụ văn hoá trên địa bàn Thủ đô
1. Công tác quản lý các dịch vụ văn hoá trên địa bàn Thành phố gắn liền với nhiệm vụ thực hiện chương trình mục tiêu “Xây dựng văn hoá người Hà Nội”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến; đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng phát triển văn hoá Thủ đô.
2. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ văn hoá, trước hết là một số hoạt động dịch vụ văn hoá đang phát sinh tiêu cực, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, tiến tới loại bỏ các tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
3. Kết hợp giữa “Xây” và “Chống”, khuyến khích xã hội hoá, thu hút các nguồn lực để nâng cấp, phát triển các thiết chế văn hoá. Xây dựng môi trường văn hoá, đời sống văn hoá trong mỗi gia đình, khu dân cư, trường học, cơ quan đơn vị... nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân Thủ đô.
Điều 2: Các giải pháp thực hiện
1. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức trong quần chúng nhân dân về chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước về quản lý dịch vụ văn hoá. Phát huy vai trò của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác này.
Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục thanh thiếu niên; gắn kết việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở. Đặc biệt đề cao vai trò giáo dục và trách nhiệm của gia đình đối với con em và các thành viên trong gia đình.
2. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/2005/CT-TTg ngày 25/5/2005 của Chính phủ và Chỉ thị 16/2005/CT-UB ngày 07/6/2005 của UBND Thành phố về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá trên địa bàn Hà Nội.
Thực hiện phân cấp cho quận, huyện, phường, xã và thị trấn trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra xử lý vi phạm quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm cá nhân và người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ được phân cấp.
Chính quyền các cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, cán bộ công chức thoái hoá biến chất, nhận hối lộ, bao che, tiếp tay cho những sai phạm; truy tố, xét xử theo pháp luật những người phạm tội. Cho thôi đảm nhận chức vụ, công việc đối với những người thiếu tinh thần trách nhiệm, kém năng lực chuyên môn, quản lý trong lĩnh vực công tác này.
Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Hà Nội với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành nhằm đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn triệt phá các tệ nạn xã hội trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường và các tụ điểm khác trên địa bàn và khu vực giáp ranh.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm, tệ nạn xã hội.
3. Xây dựng quy hoạch mạng lưới dịch vụ văn hoá phù hợp với quy hoạch phát triển văn hoá Thủ đô, trên cơ sở thống nhất giữa Trung ương và Hà Nội, giữa các sở, ngành Thành phố với quận, huyện, phường, xã... Đầu tư xây dựng một số trung tâm giải trí lớn, hiện đại, phát triển các điểm vui chơi giải trí lành mạnh tại các khu dân cư, khu đô thị mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
4. Tăng cường công tác quản lý lao động, giải quyết việc làm, đặc biệt là cho thanh niên.
Ban hành chính sách ưu đãi về vốn, quỹ đất, thuế... nhằm thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí hiện đại, xứng đáng với tầm vóc Thủ đô, ưu tiên cho việc phát triển văn hoá dân tộc trong các loại hình văn hoá.
Tăng đầu tư ngân sách thích đáng cho lĩnh vục văn hoá. Ưu tiên cải tạo, nâng cấp, xây dựng các Nhà văn hoá, Trung tâm vui chơi giải trí, rạp hát, rạp chiếu bóng... và các thiết chế văn hoá ở cơ sở.
Xây dựng cơ chế, tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và biên chế cho lực lượng kiểm tra liên ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo cho công tác quản lý và kiểm tra, xử lý có hiệu quả.
Xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành của Thành phố trong công tác quản lý nhà nước về dịch vụ văn hoá.
UBND Thành phố chỉ đạo, rà soát hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý hoạt động dịch vụ văn hoá, báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn thích hợp. Trước mắt, UBND Thành phố nghiên cứu, vận dụng Pháp lệnh Thủ đô, Nghị định 92/2005/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan, đề xuất các cơ chế, chế tài về quản lý các dịch vụ văn hoá trên địa bàn phù hợp với thẩm quyền và điều kiện của Thủ đô, trình HĐND Thành phố xem xét quyết định.
Điều 3: Tổ chức thực hiện
Giao UBND Thành phố ban hành các qui định, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý dịch vụ văn hoá trên địa bàn Thành phố.
Đề nghị UBMT Tổ quốc và các đoàn thể Thành phố, tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân thực hiện.
Giao Thường trực HĐND Thành phố và các Ban của HĐND Thành phố giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIII kỳ họp thứ 4 thông qua.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.