HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2011/NQ-HĐND | Đồng Xoài, ngày 26 tháng 7 năm 2011 |
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Thực hiện Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015;
Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 06/TTr-UBND ngày 01/7/2011 về việc đề nghị thông qua Đề án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 10/BC-VHXH ngày 11/7/2011 của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
Điều 1. Thông qua Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015 (Đề án kèm theo), với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu của Đề án:
- Phấn đấu trong giai đoạn giảm 67% số hộ nghèo theo chuẩn quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân mỗi năm giảm 1,3% tỷ lệ hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 9,29% vào đầu năm 2011 xuống còn 2,79% vào cuối năm 2015.
- Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn được ưu tiên tập trung đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới;
- Đảm bảo hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bình Phước;
- Đảm bảo người nghèo, người cận nghèo được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục kịp thời, đầy đủ và đúng theo quy định. Tăng cường, cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khỏe, giáo dục cho người nghèo;
- Đảm bảo 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp;
- Tạo điều kiện cho người nghèo được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số;
- Tăng cường triển khai, nhân rộng mô hình điểm giảm nghèo có hiệu quả; tập huấn khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo, hỗ trợ các điều kiện sản xuất, cây, con giống;
- Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.
2. Các chính sách, dự án:
- Chính sách: Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; Hỗ trợ về giáo dục - đào tạo; Hỗ trợ về y tế; Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; Hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt; Hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; Bảo trợ xã hội; Hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý;
- Dự án: Hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo; Nhân rộng mô hình giảm nghèo; Nâng cao năng lực giảm nghèo; Truyền thông giảm nghèo; Giám sát, đánh giá thực hiện chính sách và chương trình MTQG giảm nghèo.
3. Các giải pháp thực hiện:
- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thúc đẩy và khuyến khích ý chí quyết tâm vươn lên của người nghèo;
- Xã hội hoá công tác giảm nghèo;
- Tập trung nguồn lực thực hiện, đa dạng hóa các phương thức huy động các nguồn lực từ nhân dân, tổ chức, nhà nước và quốc tế. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho các mục tiêu trọng điểm, trong đó ưu tiên những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao và các thôn, bản đặc biệt khó khăn;
- Cơ chế thực hiện: Cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở, mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Chương trình;
- Nguồn nhân lực thực hiện Chương trình: Bố trí và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp;
- Điều hành quản lý Chương trình: Các cấp từ tỉnh đến xã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp phù hợp, phát huy trách nhiệm để điều phối, thực hiện Chương trình.
4. Kinh phí:
Tổng kinh phí: 536.032 triệu đồng.
(Bằng chữ: Năm trăm ba mươi sáu tỷ, không trăm ba mươi hai triệu đồng)
Trong đó: - Ngân sách Trung ương: 362.025 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 33.271 triệu đồng;
- Vay từ Ngân hàng CSXH: 140.736 triệu đồng.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước Khoá VIII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2011 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Kèm theo Nghị quyết số 06/2011/NQ-HĐND ngày 26/7/2011của Hội đồng nhân dân tỉnh)
1. Sự cần thiết xây dựng đề án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015:
Trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như lạm phát, suy giảm kinh tế toàn cầu, thời tiết thay đổi khắc nghiệt, dịch bệnh gia tăng, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đã nỗ lực, phấn đấu và kiên trì thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chính sách, dự án phù hợp với tình hình thực tiễn, kết hợp với phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 đã về trước kế hoạch 01 năm. Năm 2010, Chương trình cũng đã kịp thời điều chỉnh chuẩn nghèo và Đề án cao hơn với mức chung của Trung ương cho thấy sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong khắc phục tình hình kinh tế xã hội suy thoái, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm người nghèo, người dân có thu nhập thấp.
Kết quả Chương trình MTQG giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với việc đảm bảo an sinh xã hội. Tốc độ giảm nghèo thời gian qua được đánh giá là nhanh, vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững nên số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Nguyên nhân chính là do chuẩn nghèo càng về những năm cuối giai đoạn 2006 - 2010 càng lạc hậu so với sự biến động của giá cả. Do đó, để triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trong thời gian tới phù hợp, vào tháng 9/2010 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiến hành tổng điều tra xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn áp dụng giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, việc tổng điều tra theo mức chuẩn như sau:
- Chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015:
+ Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.
+ Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống là hộ nghèo.
- Chuẩn cận nghèo giai đoạn 2011 - 2015:
+ Khu vực nông thôn: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đến 520.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.
+ Khu vực thành thị: những hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đến 650.000 đồng/người/tháng là hộ cận nghèo.
(Mức chuẩn này được Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành ngày 30/01/2011 tại Quyết định số 09/2011/QĐ - TTg).
Kết quả tổng điều tra toàn tỉnh có 20.498 hộ nghèo chiếm 9,29 % trên tổng số hộ dân và 12.417 hộ cận nghèo chiếm 5,63% trên tổng số hộ dân. Nguyên nhân nghèo tập trung chủ yếu các nguyên nhân như: thiếu vốn sản xuất (chiếm 60,63% trên tổng số hộ nghèo), thiếu đất canh tác (56,95%), thiếu lao động (8,32%)… Nguyện vọng của hộ nghèo chủ yếu là được vay vốn ưu đãi (chiếm 64,34% trên tổng số hộ nghèo), hỗ trợ đất sản xuất (55,68%), giới thiệu việc làm (7,62%)…
Người nghèo có xu hướng tập trung rõ rệt vào nhóm đối tượng như đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc bản địa S’tiêng, người mới di cư đến địa bàn, đối tượng bảo trợ xã hội (người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ…). Đồng thời, những địa bàn như vùng nông thôn, vùng khó khăn, biên giới và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn hẳn những vùng khác.
Chương trình MTQG giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn tới sẽ có cơ hội thuận lợi giúp đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, bởi những lý do sau:
- Sự quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, cũng như thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong tình hình kinh tế - xã hội mới sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững và được sự đồng tình hưởng ứng của người dân.
- Qua thực tiễn triển khai thực hiện từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Chương trình MTQG giảm nghèo đã thu được nhiều kết quả và bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, thực hiện và huy động nguồn lực; các chính sách, dự án của chương trình đã từng bước hoàn thiện, phát huy được hiệu quả tối đa.
- Nhân dân trong tỉnh nói chung và người nghèo nói riêng ngày càng nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, học hỏi cách làm ăn, thực hành tiết kiệm, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
- Hệ thống cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp được củng cố và phát triển đi sâu về chất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó Chương trình cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm và đầu tư kinh phí nhiều hơn thì mới có khả năng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu.
- Việc nâng chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 đã làm tăng số hộ nghèo (cũng như tỷ lệ hộ nghèo) lên gấp 1,5 lần so với hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh năm 2010 (13.724 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,22%) và gấp hơn 2 lần so với số hộ nghèo theo chuẩn cũ của Trung ương (9.486 hộ nghèo chiếm 4,30%). Do vậy, để đảm bảo thực hiện chương trình hiệu quả nguồn lực đầu tư phải tăng cường rất nhiều.
- Tỷ lệ hộ nghèo tập trung ở nhóm dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn: Hiện nay, dân số nói chung của tỉnh có 20% là các hộ dân tộc thiểu số, tuy nhiên số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm đến 41,56% trong tổng số hộ nghèo, trong đó đại đa số là dân tộc bản địa S’tiêng. Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tốc độ giảm nghèo vẫn chậm hơn nhiều so với nhóm dân tộc kinh. Nguyên nhân chính là do người dân tộc thiểu số thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa với cơ sở hạ tầng và các điều kiện kinh tế xã hội còn khá nghèo nàn và lạc hậu.
- Tác động của khủng hoảng tài chính, biến động giá cả và tình hình suy kiệt của các nguồn năng lượng: Những vấn đề trên trước hết tác động đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến nguồn lực thực hiện. Những khó khăn về kinh tế sẽ kéo theo biến động tiêu cực xã hội như mất việc làm, giảm thu nhập, nguy cơ tái nghèo tăng và giảm chất lượng các dịch vụ xã hội…
- Tác động của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh: Một bộ phận lớn hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu vì phần lớn sinh kế của họ gắn chặt với sản xuất nông nghiệp và khiến họ rơi vào tình trạng nghèo hơn, ngoài ra còn ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
- Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.600 hộ nghèo thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội như người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ,… Nhóm hộ nghèo này khó có thể thoát nghèo vì không còn sức lao động, hoàn toàn dựa vào sự bảo trợ của nhà nước, cộng đồng.
- Tình hình di dân tự do đến tỉnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp và nhóm các hộ này chủ yếu là những hộ khó khăn về kinh tế, đến để tìm kiếm đất lập nghiệp.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác giảm nghèo trong tình hình mới của tỉnh Bình Phước với những dự báo về cơ hội và khó khăn thách thức như trên, Đề án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 đề ra với những nội dung cụ thể như sau:
- Tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất tăng thu nhập, vượt qua nghèo đói, vươn lên khá giả, trước hết tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận trực tiếp các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo nói riêng và nhân dân nói chung.
- Tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hạn chế gia tăng khoảng cách và chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng miền và các nhóm dân cư.
- Phấn đấu trong 05 năm (từ năm 2011 - 2015), toàn tỉnh giảm 67% số hộ nghèo theo chuẩn quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ - TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân mỗi năm giảm 1,3% tỷ lệ hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 9,29% vào đầu năm 2011 xuống còn 2,79% vào cuối năm 2015 (Phụ lục số 1- Bảng phân bổ kế hoạch giảm nghèo).
- Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các xã, thôn - ấp đặc biệt khó khăn được ưu tiên tập trung đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới.
- Đảm bảo hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bình Phước.
- Đảm bảo người nghèo, người cận nghèo được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục kịp thời, đầy đủ và đúng theo quy định. Tăng cường, cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khỏe, giáo dục cho người nghèo.
- Đảm bảo 100% người nghèo trong độ tuổi lao động có yêu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp.
- Tạo điều kiện cho người nghèo được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tăng cường triển khai, nhân rộng mô hình điểm giảm nghèo có hiệu quả; tập huấn khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo, hỗ trợ các điều kiện sản xuất, cây, con giống.
- Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN:
1. Đối tượng: Là người nghèo, hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên đối tượng hộ nghèo có công với cách mạng, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội, phụ nữ và trẻ em nghèo.
2. Phạm vi: Áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
IV. NỘI DUNG CÁC CHÍNH SÁCH, DỰ ÁN CỦA CHƯƠNG TRÌNH VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN:
1. Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo:
Trong 05 năm kế hoạch giải quyết cho 41.850 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước, với doanh số cho vay khoảng 823.647 triệu đồng.
Tăng cường hiệu quả chính sách tín dụng thông qua các công tác như: thực hiện tốt việc bình xét đối tượng được vay vốn đảm bảo công bằng, chính xác và đúng đối tượng; đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ để người nghèo dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn; nâng cao vai trò của cấp chính quyền cơ sở (cấp xã) trong phối hợp với tổ chức tín dụng quản lý, thu hồi vốn vay…
Gắn vay vốn với hướng dẫn hộ nghèo làm ăn theo hướng điều chỉnh cơ cấu vay vốn ngành nghề có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương và theo khả năng quy mô, trình độ sản xuất từng hộ.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vay vốn ưu đãi như quỹ tín dụng của các hội đoàn thể, chính sách tín dụng phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ - TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và Quyết định số 126/2008/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 32/2007/QĐ-TTg .
2. Chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo:
Thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Dự kiến trong 05 năm hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho khoảng 125.325 lượt học sinh, sinh viên nghèo với tổng kinh phí là 70.179 triệu đồng.
Tăng cường phát triển Quỹ khuyến học và các Quỹ xã hội khác nhằm khuyến khích, hỗ trợ học bổng, dụng cụ học tập, sách, vở, phương tiện đi lại…cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, các cấp cùng với các hội đoàn thể vận động, tạo điều kiện cho con em hộ nghèo đến trường.
Mua và cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo từ dưới 02 năm thông qua quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Dự kiến trong 05 năm mua và cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho 428.443 lượt người nghèo và người thoát nghèo từ dưới 02 năm, với tổng kinh phí khoảng 189.972 triệu đồng.
Tiếp tục phân cấp cho UBND các huyện, thị xã hỗ trợ 50% kinh phí (bằng nguồn ngân sách) cho người cận nghèo khi tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Dự kiến 05 năm hỗ trợ cho khoảng 15.268 lượt người cận nghèo mua bảo hiểm y tế tự nguyện, với kinh phí khoảng 3.399 triệu đồng.
Tạo điều kiện cho hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, tăng cường đội ngũ y, bác sỹ, các trang thiết bị y tế về cơ sở. Lồng ghép các chương trình y tế quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và nhân dân. Các hội đoàn thể tăng cường vận động các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài tỉnh tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.
Tăng cường tuyên truyền, vận động hộ gia đình thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để thực hiện tốt chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước. Đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người nghèo.
Phát triển và sử dụng hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ một phần viện phí cho đối tượng khó khăn cơ nhỡ đột xuất.
4. Chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm:
Tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho lao động nghèo có nhu cầu học nghề để tìm việc làm và tự tạo việc làm tại chỗ thông qua Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (theo Quyết định số 1956/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính Phủ). Người nghèo đi học nghề được miễn phí tiền học phí, hỗ trợ tiền ăn, đi lại và giới thiệu tìm việc làm theo quy định hiện hành. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề.
Ưu tiên cho người nghèo sau khi học nghề được vay vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình MTQG về việc làm và tạo việc làm. Mở rộng diện áp dụng chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo.
Các địa phương, hội đoàn thể vận động chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định.
5. Chính sách hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt:
a) Hỗ trợ về nhà ở: Hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo theo Chương trình 167 giai đoạn 2009 - 2011 là 3.406 căn. Sau đó, những năm tiếp theo tỉnh sẽ tổ chức điều tra, rà soát về tình hình và nhu cầu nhà ở của hộ nghèo, trên cơ sở đó sẽ xây dựng Chương trình hỗ trợ về nhà ở cho người nghèo cụ thể.
Các hội đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, vận động để huy động nguồn lực thực hiện chương trình.
b) Hỗ trợ điện sinh hoạt: Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo với mức là 30.000 đồng/hộ/tháng theo Quyết định số 268/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong 05 năm hỗ trợ cho 76.790 lượt hộ nghèo với kinh phí khoảng 27.644 triệu đồng.
Tăng cường tuyên truyền người dân, đặc biệt là người nghèo sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm để được mua với mức giá ưu đãi.
c) Nước sinh hoạt: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 1592/QĐ - TTg đến hết năm 2011. Dự kiến năm 2011 hỗ trợ thực hiện 1.679 hộ, với kinh phí 2.015 triệu đồng.
Đồng thời cũng hỗ trợ nước sinh hoạt cho các hộ được thụ hưởng chính sách di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 33/2007/QĐ - TTg đến hết năm 2012. Tổng số đối tượng được thụ hưởng là 1.250 hộ, với kinh phí 5.500 triệu đồng.
6. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số:
Hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 569 hộ, với tổng kinh phí 6.828 triệu đồng.
Hỗ trợ đất sản xuất theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, đinh cư cho 1.250 hộ nghèo là đồng bào DTTS, với kinh phí thực hiện 25.000 triệu đồng.
- Trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo như người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ… theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP và Nghị định 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
- Trợ cấp đột xuất cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, bệnh hiểm nghèo. Đồng thời, hàng năm rà soát cứu đói giáp hạt cho các hộ dân kịp thời không để xảy ra tình trạng đói trong nhân dân.
- Nhân các dịp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc phối hợp UBMT tổ quốc Việt Nam và hội đoàn thể các cấp tổ chức vận động thăm tặng quà tết cho hộ nghèo đặc biệt là các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội.
8. Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý:
Tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo có nhu cầu về các lĩnh vực như đất đai, nhà ở, thừa kế, hộ khẩu, hộ tịch, hôn nhân gia đình và các chế độ chính sách khác của Nhà nước tại Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh. Trong 05 năm kế hoạch thực hiện tư vấn cho 250 vụ, với kinh phí khoảng 62,5 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền pháp luật lưu động tại các xã vùng sâu, xùng xa trên địa bàn tỉnh. Dự kiến mỗi năm tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho 10 xã, kinh phí thực hiện mỗi năm 150 triệu đồng.
Cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên trợ giúp pháp lý thực hiện việc đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng là người nghèo tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong 05 năm tham gia tố tụng khoảng 50 vụ việc, với kinh phí thực hiện 750 triệu đồng
In ấn và phát hành tờ rơi, tờ gấp với nội dung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật. Trong 05 năm phát hành khoảng 15.000 tờ rơi, với kinh phí thực hiện 150 triệu đồng.
9. Dự án hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo:
Hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia. Trong 05 năm tổ chức khoảng 45 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho khoảng 2.345 lượt hộ nghèo tham gia với kinh phí khoảng 670 triệu đồng. Đồng thời, xây dựng và triển khai khoảng 12 mô hình trình diễn cho 408 lượt hộ nghèo tham gia, tổng kinh phí khoảng 840 triệu đồng.
Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm sau thu hoạch cho hộ nghèo, dự kiến trong 05 năm hỗ trợ cho 2.760 hộ nghèo, với kinh phí khoảng 9.840 triệu đồng.
Hỗ trợ kết nối người nghèo với thị trường thông qua phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đối với hộ nghèo. Triển khai nhanh và hiệu quả dự án trồng cao su tạo quỹ vì người nghèo.
10. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo:
- Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, ưu tiên hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các ngành nghề truyền thống.
- Tổ chức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, các hộ nông dân mà đặc biệt là các hộ nghèo tham gia nghiên cứu, học tập các mô hình hiệu quả phù hợp với tình hình địa phương. Đồng thời tạo mối liên kết giữa các hộ nghèo với các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho người nghèo và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Trong 05 năm xây dựng và nhân rộng 25 mô hình tiêu biểu, luân chuyển cho ít nhất 1.200 hộ nghèo tham gia, với tổng kinh phí khoảng 12.500 triệu đồng.
Riêng 08 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất sau cuộc tổng điều tra (có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên) gồm: xã An Khương, huyện Hớn Quản; xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh; xã Long Tân, Phú Văn, Phước Minh, Đăk Ơ của huyện Bù Gia Mập; xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú; xã Đường 10, huyện Bù Đăng sẽ được ưu tiên đầu tư mô hình trước (2011 - 2012). Các năm tiếp theo, căn cứ kết quả rà soát hộ nghèo hàng năm của các huyện, thị xã sẽ ưu tiên đầu tư mô hình cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo nhất.
11. Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo:
- Thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, kỹ năng xây dựng kế hoạch giảm nghèo cấp xã; xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án và chính sách giảm nghèo...
+ Cấp tỉnh: Mỗi năm tập huấn nghiệp vụ cho khoảng 750 lượt cán bộ. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện trong 05 năm là 1.481 triệu đồng (riêng năm 2011 Trung ương đã bố trí kinh phí thực hiện là 181 triệu đồng).
+ Cấp huyện: Bắt đầu từ năm 2012 trở đi, mỗi năm bố trí 300 triệu đồng cho 10 huyện, thị xã để thực hiện tập huấn nghiệp vụ giảm nghèo (mỗi huyện, thị xã 30 triệu đồng/năm).
- Tổ chức đối thoại chính sách, xác định nhu cầu và năng lực tham gia của người nghèo, người dân. Từ năm 2012 - 2015 tổ chức khoảng 40 buổi hội thảo cho 40 xã, dự kiến kinh phí khoảng 800 triệu đồng.
- Tổ chức các cuộc khảo sát học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ 03 cấp tỉnh, huyện, xã.
12. Hoạt động truyền thông giảm nghèo:
- Thực hiện các chương trình phát thanh - truyền hình, các ấn phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm giảm nghèo của các cấp, của người dân; Đồng thời phổ biến những kinh nghiệm, mô hình giảm nghèo có hiệu quả trên địa bàn.
- Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, in ấn, phát hành tài liệu về chính sách chương trình giảm nghèo, tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền, lồng ghép tập huấn…
- Xây dựng và phát triển mạng lưới cán bộ tuyên truyền, báo cáo viên giảm nghèo từ cấp tỉnh, huyện và xã.
- Kinh phí thực hiện:
+ Bố trí cho cấp tỉnh thực hiện trong 05 năm khoảng 1.497 triệu đồng (năm 2011 Trung ương đã bố trí kinh phí 197 triệu đồng).
+ Bắt đầu từ năm 2012 trở đi bố trí cho cấp huyện 200 triệu đồng mỗi năm (mỗi huyện, thị xã 20 triệu đồng/năm).
13. Hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện chính sách và Chương trình MTQG giảm nghèo:
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá phù hợp ở các cấp.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng phần mềm tin học ở cấp tỉnh và huyện, bằng sổ cái theo mẫu quy định thống nhất ở cấp xã.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tới đối tượng thụ hưởng, việc triển khai thực hiện và công tác quản lý Nhà nước về Chương trình MTQG giảm nghèo các cấp.
- Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện định kỳ theo quy định.
- Kinh phí thực hiện:
+ Dự kiến trong 05 năm bố trí 1.793 triệu đồng (Riêng năm 2011 trung ương đã bố trí kinh phí là 293 triệu đồng) cho cấp tỉnh thực hiện;
+ Bắt đầu từ năm 2012 trở đi bố trí cho cấp huyện 200 triệu đồng mỗi năm ( mỗi huyện, thị xã 20 triệu đồng/năm) để thực hiện.
Bên cạnh các chính sách, dự án giảm nghèo như trên, ngoài ra còn tăng cường thực hiện các chương trình lồng ghép khác nhằm đầy nhanh tốc độ giảm nghèo. Bao gồm các chương trình như sau:
- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các xã và thôn, ấp đặc biệt khó khăn của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
- Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
- Hỗ trợ cơ sở hạ tầng theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg .
(Đính kèm Phụ lục số 2).
Tổng nguồn vốn thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 khoảng: 536.032 triệu đồng (Bằng chữ: Năm trăm ba mươi sáu tỉ, không trăm ba mươi hai triệu đồng).
Trong đó: - Ngân sách Trung ương: 362.025 triệu đồng.
- Ngân sách địa phương: 33.271 triệu đồng.
- Vốn vay từ Ngân hàng CSXH: 140.736 triệu đồng.
1. Tăng cường hoạt động tuyên truyền: Với nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với tâm lý, tập quán nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, Nâng cao nhận thức, thúc đẩy và khuyến khích ý chí quyết tâm vươn lên của người nghèo.
2. Xã hội hoá công tác giảm nghèo: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nhân dân. Từ đó xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; nhiệm vụ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; đồng thời phát huy tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng. Việc gì hộ nghèo làm được thì nhà nước tạo điều kiện cho họ tự làm, việc gì không làm được thì nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn đảm bảo tính bền vững lâu dài.
3. Tập trung nguồn lực thực hiện: Đa dạng hóa các phương thức huy động các nguồn lực từ nhân dân, tổ chức, nhà nước và quốc tế; trước hết và chủ yếu là chủ động phát huy nguồn lực tại chỗ. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho các mục tiêu trọng điểm, trong đó ưu tiên những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao và các thôn, bản đặc biệt khó khăn.
4. Cơ chế thực hiện:
- Cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở:
Đối với các dự án đầu tư: Thực hiện phương thức trao quyền, xác lập cơ chế hỗ trợ đầu tư trọn gói về tài chính theo kế hoạch; trên cơ sở tổng nguồn lực được giao, địa phương sẽ chủ động bố trí ngân sách, chỉ đạo xây dựng dự án cụ thể giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo những mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đề ra.
Tiếp tục phân cấp quản lý cho địa phương, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý hộ nghèo và triển khai thực hiện Chương trình.
- Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; sắp xếp thứ tự ưu tiên; triển khai thực hiện ở thôn, xã; quản lý nguồn lực; giám sát và đánh giá.
5. Nguồn nhân lực thực hiện Chương trình:
a) Cấp xã: Tiếp tục bố trí mỗi xã 01 cán bộ làm công tác giảm nghèo, được hưởng chế độ phụ cấp và các chế độ khác như sau:
- Hàng tháng được hưởng phụ cấp mức 979.400 đồng (tương đương 1,18 x 830.000 đồng) cho đến khi lương tối thiểu điều chỉnh nhưng vẫn thấp hơn 979.400đồng. Nếu lương tối thiểu điều chỉnh tăng bằng hoặc cao hơn 979.400 đồng thì hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng lương tối thiểu (hệ số 1.0 lương tối thiểu).
- Ngoài phụ cấp ra, còn được hỗ trợ tiền xăng công tác hàng tháng theo thực tế công việc, chi từ nguồn cân đối ngân sách cấp xã.
- Cán bộ làm công tác giảm nghèo thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 62/2009/NĐ - CP.
b) Cấp huyện: Bố trí mỗi huyện từ 1- 2 định xuất biên chế cán bộ thực hiện Chương trình.
c) Cấp tỉnh: Bố trí cán bộ chuyên trách từ 5 - 8 người.
6. Điều hành quản lý Chương trình:
- Các cấp từ tỉnh đến xã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo. Bố trí đồng chí Phó chủ tịch UBND phụ trách khối văn xã làm Trưởng ban, đồng chí thủ trưởng ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là Phó ban, thành viên là các ban, ngành đoàn thể liên quan; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động của ban chỉ đạo các cấp phù hợp, phát huy trách nhiệm điều phối, thực hiện Chương trình.
- Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội các cấp là cơ quan thường trực, giúp Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình trên địa bàn.
- Bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo các cấp từ tỉnh đến xã nhằm thực hiện và tăng cường công tác quản lý Đề án. Bắt đầu từ năm 2012 trở đi bố trí kinh phí cho Ban chỉ đạo cụ thể như sau: cấp tỉnh bố trí 100 triệu đồng/năm; bố trí mỗi huyện, thị xã 40 triệu đồng/năm; bố trí mỗi xã, phường, thị trấn 15 triệu đồng/năm.
VII. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
- Là thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo tỉnh có nhiệm vụ tổng hợp, đề xuất giúp Ban chỉ đạo và UBND tỉnh quản lý, điều hành Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.
- Chủ trì và trực tiếp thực hiện các dự án: Dạy nghề cho người nghèo; nâng cao năng lực giảm nghèo; nhân rộng mô hình giảm nghèo; Hoạt động truyền thông và hoạt động giám sát đánh giá giảm nghèo. Dự toán và cấp kinh phí theo quy định phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình. Kiến nghị điều chỉnh bổ sung những chính sách, dự án, giải pháp mới...
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm cân đối và phân bổ nguồn lực cho Đề án; xây dựng kế hoạch từng năm và giai đoạn về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và thực hiện Đề án.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; bố trí kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo; đồng thời, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.
4. Sở Giáo dục - Đào tạo: Chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục cho người nghèo, phối hợp với Hội Khuyến học xây dựng cơ chế khuyến học, khuyến tài cho học sinh, sinh viên nghèo và các chính sách, dự án khác có liên quan.
5. Sở Y tế: Chủ trì thực hiện chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo, quản lý Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; mua, cấp và hướng dẫn việc sử dụng thẻ BHYT cho người nghèo. Chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động các hộ nghèo kế hoạch hóa gia đình và các chính sách, dự án khác có liên quan.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì thực hiện Dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề và các chính sách, dự án khác có liên quan.
7. Sở Xây dựng: Chủ trì hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167).
8. Sở Tư pháp: Chủ trì triển khai thực hiện chương trình trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
9. Ban Dân tộc: Chủ trì thực hiện các chính sách: Đầu tư hỗ trợ kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và miền núi về hạ tầng và nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ vùng này; trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo đặc biệt khó khăn; Các chính sách theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 (Chương trình 134 giai đoạn II) và Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số.
10. Cục Thống kê: Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ điều tra và xử lý báo cáo các dữ liệu thực trạng nghèo của tỉnh.
11. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Phước: Chủ trì Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, bao gồm: Kế hoạch nguồn vốn, kế hoạch cho vay, quản lý, thu hồi nợ và đề xuất xử lý nợ quá hạn, nợ rủi ro.
12. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Phước: Thông tin đến toàn thể nhân dân trong tỉnh biết để hưởng ứng thực hiện.
13. Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội đoàn thể:
- Đề nghị UBMTTQVN tỉnh chủ trì công tác vận động “Ngày vì người nghèo”, chủ trì vận động hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, phong trào toàn dân hưởng ứng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
- Các đoàn thể có nội dung tham gia Chương trình MTQG giảm nghèo trong Chương trình công tác chung của đoàn thể mình, trực tiếp vận động những thành viên thuộc diện nghèo tự vươn lên cải thiện cuộc sống.
14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
- Căn cứ Đề án này tiến hành xây dựng Kế hoạch Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 của địa phương; đồng thời hàng năm xây dựng thông qua cấp ủy để thống nhất và chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn quản lý.
- Hàng năm, tổ chức rà soát nắm chắc số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân tích chính xác nguyên nhân và nguyện vọng hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án của chương trình MTQG giảm nghèo.
- Tổ chức huy động, vận động các nguồn lực và thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.