HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/HĐTP | Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 1990 |
HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LỆNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ (trích)
I. VỀ VIỆC BỊ ĐƠN TỪ CHỐI KHAI BÁO, CỐ TÌNH VẮNG MẶT KHÔNG CÓ LÝ DO CHÍNH ĐÁNG
Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 của Pháp lệnh thì “các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, thi hành quyết định, thực hiện yêu cầu của Tòa án, phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị Tòa án phạt tiền từ 20.000đ đến 50.000đ”
Pháp lệnh này không quy định việc áp giải đương sự cho nên Tòa án không có quyền yêu cầu áp giải bị đơn cố tình vắng mặt.
Đối với các trường hợp Tòa án đã triệu tập nhiều lần mà bị đơn không chịu đến trụ sở Tòa án để Tòa án lấy lời khai, hòa giải, thì Tòa án có thể phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập họ đến trụ sở Ủy ban nhân dân để lấy lời khai, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân lấy lời khai hoặc trực tiếp đến nhà họ để lấy lời khai. Nếu đã làm như vậy mà vẫn không lấy được lời khai của bị đơn, thì Tòa án thu thập chứng cứ cần thiết từ các nguồn khác và phản ảnh rõ trong hồ sơ việc không lấy được lời khai của bị đơn. Sau đó Tòa án tự mình hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết giấy triệu tập phiên tòa tại trụ sở Ủy ban nhân dân và tại nơi ở của bị đơn. Nếu bị đơn triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn không đến phiên tòa, thì Tòa án xét xử vụ án vắng mặt của họ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 của Pháp lệnh.
1. Theo Điều 5 của Pháp lệnh thì hòa giải là thủ tục bắt buộc, chỉ không hòa giải được hoặc hòa giải không thành thì mới đưa ra vụ án xét xử, trừ những trường hợp không phải hòa giải theo quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh.
2. Khi các đương sự thỏa thuận với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án, thì Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành, trong đó phải nêu rõ nội dung việc tranh chấp và những điều các đương sự đã thỏa thuận. Bản sao biên bản này gửi ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp, cho tổ chức xã hội đã khởi kiện vì lợi ích chung. Nếu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà có đương sự thay đổi ý kiến hoặc Viện Kiểm sát, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung phản đối sự thỏa thuận đó, thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử; nếu trong thời hạn đó (hay nói một cách khác là hết hạn 15 ngày đó) không có sự thay đổi ý kiến hoặc phản đối, thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay, nên các đương sự không có quyền kháng cáo quyết định này theo thủ tục phúc thẩm, mà chỉ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Theo quy định tại Điều 40 Luật hôn nhân và gia đình thì hòa giải cũng là một thủ tục bắt buộc khi cả hai vợ chồng có đơn xin thuận tình ly hôn; do đó, nếu Tòa án đã hòa giải để hai bên đương sự về đoàn tụ với nhau nhưng họ vẫn kiên quyết xin ly hôn, thì Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, sau đó lập biên bản về sự thỏa thuận của các đương sự về thuận tình ly hôn, phân chia tài sản và nuôi con …. Việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc quyết định đưa ra xét xử trong các trường hợp này cũng được thực hiện theo hướng dẫn trên.
3. Trong trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải mà các đương sự không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án.
4. Ngoài việc đưa ra xét xử những việc không phải hòa giải (Điều 43), những việc hòa giải không thành, Tòa án đưa ra xét xử những việc như sau: bị đơn đã được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng (khoản 4 Điều 44) hoặc những trường hợp không có điều kiện tiến hành hòa giải như: có một bên đương sự ở nước ngoài, đang bị giam giữ hoặc những trở ngại khách quan như bị tai nạn, ốm đau … nên không thể có mặt được khi hòa giải.
5. Trước khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cũng tiến hành hòa giải và các đương sự hòa giải được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán lập biên bản hòa giải thành. Việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cũng được thực hiện theo hướng dẫn 2, 3, 4 của phần này.
Trong trường hợp tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định công nhận sự thỏa thuận đó.
III. VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CÔNG DÂN MẤT TÍCH HOẶC ĐÃ CHẾT
1. Tòa án có thẩm quyền giải quyết loại việc này là Tòa án cấp huyện nơi thường trú của người khởi kiện hoặc nơi thường trú cuối cùng mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định là mất tích hoặc đã chết.
2. Tòa án có thể xác định một người là mất tích, nếu đã quá hai năm hoặc có thể xác định một người đã chết nếu đã quá năm năm mà ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng (và ở nơi tạm trú thường xuyên cuối cùng nếu có) của người đó, không có tin tức gì về người đó.
Trong trường hợp không thể xác định được ngày nhận tin tức cuối cùng về người vắng mặt thì tính thời gian bắt đầu vắng mặt là ngày đầu của tháng tiếp sau tháng nhận được tin tức cuối cùng về người vắng mặt, còn trong trường hợp không thể xác định được tháng đó thì tính thời gian bắt đầu vắng mặt là ngày 1 tháng 1 năm tiếp sau đó.
3. Đối với những người có thể chết trong một tai nạn nhất định như bị lũ lụt cuốn trôi, bị đắm tàu, đi trên máy bay bị mất liên lạc v.v…. Nếu sau thời hạn sáu tháng từ ngày xảy ra tai nạn mà không có tin tức gì chứng tỏ là người đó còn sống, thì Tòa án xác định là người đó đã chết vào ngày xảy ra tai nạn đó.
4. Khi nhận được đơn khởi kiện của đương sự Tòa án yêu cầu đương sự đến cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh và Trung ương nhắn tin tìm người vắng mặt và lấy xác nhận của cơ quan đó về việc đã nhắn tin tìm người vắng mặt nộp cho Tòa án thụ lý vụ án. Tòa án cũng có quyền yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng cho việc thông báo tìm người vắng mặt trên báo chí, đài phát thanh, đài vô tuyến truyền hình của tỉnh và của Trung ương, để Tòa án thụ lý vụ án và thông báo tìm người vắng mặt. Người khởi kiện phải chịu án phí và phí tổn về việc thông báo tìm người vắng mặt. Trong thông báo phải nêu rõ họ, tên, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc cuối cùng của người vắng mặt, thời gian bắt đầu vắng mặt, v.v… để bất cứ ai biết về người đó cũng có thể cung cấp tin cho Tòa án. Thông báo cùng được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân nơi người vắng mặt cư trú, làm việc cuối cùng. Trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhắn tin hoặc thông báo mà người vắng mặt không trình diện và không có tin tức gì về người đó thì Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trừ trường hợp có căn cứ để tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu có tin tức về người vắng mặt, thì Tòa án yêu cầu người khởi kiện rút đơn khởi kiện và ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, nếu đương sự không rút đơn khởi kiện thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử để bác bỏ yêu cầu của họ.
5. Đối với loại việc này Tòa án không phải hòa giải mà phải xét xử tại phiên tòa công khai, Tòa án phải yêu cầu Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa. Tòa án triệu tập những người có lợi ích liên quan đến người không có tin tức để nghe ý kiến của họ. Hội đồng xét xử ra bản án xác định là người đó mất tích và trích lục bản án sơ thẩm cũng phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân, cơ quan, tổ chức nơi người bị tuyên bố là mất tích cư trú, làm việc cuối cùng. Sau thời hạn một năm kể từ ngày bản án của Tòa án xác định một người là mất tích có hiệu lực pháp luật, nếu vẫn không có tin tức chứng tỏ người đó còn sống thì người có lợi ích liên quan đến người đó có quyền yêu cầu Tòa án xác định người đó đã chết.
6. Trình tự tố tụng đối với việc xác định người đã chết cũng giống như xác định người đã mất tích. Tuy nhiên, để xác định người đã chết không nhất thiết phải qua thủ tục xác định người đó là mất tích.
Ngày chết của người mà Tòa án xác định người đã chết là ngày bản án của Tòa án về việc đó có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người đó có thể chết trong một tai nạn, thì Tòa án có thể xác định ngày chết của người đó là ngày xảy ra tai nạn.
7. Tài sản của người mà Tòa án xác định là mất tích tùy trường hợp được giao cho người thân thích của họ hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Người được giao quản lý tài sản có trách nhiệm bảo quản và không được chuyển dịch quyền sở hữu, thế chấp, cầm cố … tài sản đó. Tài sản đó có thể được trích ra để nuôi dưỡng người mà người mất tích có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người mất tích. Tài sản của người mà Tòa án xác định là đã chết được giải quyết theo pháp luật về thừa kế.
8. Nếu có người xin ly hôn vì lý do người kia mất tích thì Tòa án giải quyết cả việc mất tích và ly hôn trong cùng một vụ án. Trong trường hợp Tòa án xác định người kia bị mất tích thì Tòa án cho nguyên đơn được ly hôn với người mất tích.
9. Trong trường hợp mà Tòa án xác định là mất tích hoặc đã chết xuất hiện thì vụ án có thể được giải quyết lại theo thủ tục tái thẩm. Nếu vụ án được giải quyết lại theo thủ tục tái thẩm thì tài sản của người bị Tòa án xác định là đã chết hoặc bị mất tích đang do người khác quản lý hoặc đã được chuyển giao theo pháp luật thừa kế được trả lại theo yêu cầu của họ.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người mà tòa án xác định là đã chết hoặc mất tích đã kết hôn với người khác thì không được khởi kiện, khởi tố để yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn đó.
Đương sự có quyền khiếu nại cơ quan hộ tịch về quyền từ chối đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn (kể cả việc kết hôn giữa người Việt Nam với người nước ngoài) đăng ký việc nuôi con nuôi, nhận con ngoài giá thú, xác nhận cha, mẹ cho con, thay đổi quốc tịch … có quyền khiếu nại cơ quan hộ tịch về việc không chấp nhận yêu cầu sửa đổi những điều ghi trong giấy tờ về hộ tịch như thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc bổ sung sửa chữa các sai sót như ghi nhầm tên của cha mẹ trong giấy khai sinh …..
Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết loại việc này là Tòa án cấp huyện nơi có trụ sở của cơ quan hộ tịch bị khiếu nại. Đối với loại việc này, Tòa án phải yêu cầu Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa. Để giải quyết vụ việc này Tòa án cần nắm vững các quy định của điều lệ đăng ký hộ tịch (ban hành kèm theo Nghị định số 4-CP ngày 16-1-1961 của Hội đồng Chính phủ), Thông tư số 05-NV ngày 21-1-1961 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành điều lệ đăng ký hộ tịch, Nghị định số 219-HĐBT ngày 20-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng.
V. VỀ QUY ĐỊNH CÁC ĐIỂM B, C KHOẢN 1 ĐIỀU 17 CỦA PHÁP LỆNH
Theo các điểm b, c khoản 1 Điều 17 của Pháp lệnh thì Thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi: nếu “đã có lần điều tra, hòa giải, xét xử vụ án, trừ các thành viên của Ủy ban Thẩm phán, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”, hoặc nếu, “đã là Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người phiên dịch trong vụ án”.
Khi áp dụng quy định trên đây cần chú ý như sau:
- Thẩm phán đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
- Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm; không được tham gia xét xử lại vụ án đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm ở một cấp xét xử khác (thí dụ: đã tham gia xét xử ở Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì không được tham gia xét xử ở Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; đã tham gia xét xử ở Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì không được tham gia xét xử ở Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, đã tham gia xét xử ở tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, thì không được tham gia xét xử ở Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh). Riêng các thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì có thể xét xử nhiều lần cùng một vụ án ở Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và ở Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Pháp lệnh không quy định các thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh được tham gia xét xử nhiều lần cùng vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Do đó trong trường hợp Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh hủy bản án sơ thẩm của Tòa án cấp huyện và giao vụ án cho Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử lại, mà việc xét xử này lại sai lầm nghiêm trọng thì bản án có sai lầm này (nếu không được sửa chữa theo thủ tục phúc thẩm) sẽ không được sửa chữa theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vì Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh không có thẩm quyền xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án đó một lần nữa, còn Tòa án nhân dân tối cao thì cũng có thẩm quyền giám đốc thẩm tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện (vì theo quy định của khoản 2 Điều 47 và Điều 81 của Pháp lệnh thì Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao chỉ có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh). Để tránh tình trạng này, khi hủy bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án cấp tỉnh cần giữ vụ án lại để xét xử theo thủ tục sơ thẩm.
Thẩm phán đã tiến hành điều tra hòa giải về vụ án ở cấp Tòa án này thì không được tham gia xét xử vụ án đó ở cấp Tòa án khác. Tuy nhiên, Thẩm phán đã tiến hành điều tra hòa giải ở một cấp Tòa án vẫn có quyền tham gia xét xử vụ án đó ở cùng cấp Tòa án.
- Thư ký Tòa án tham gia tố tụng ở cấp xét xử này thì không được tham gia tố tụng với tư cách Thẩm phán ở cấp xét xử khác. Thư ký Tòa án sau khi được bầu làm Thẩm phán vẫn có thể tham gia xét xử vụ án ở cùng cấp xét xử mặc dù trước đó đã tham gia tố tụng với tư cách Thư ký Tòa án trong giai đoạn điều tra, hòa giải.
- Người đã tham gia tố tụng với tư cách là một Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch trong vụ án, thì trong mọi trường hợp không được tham gia giải quyết vụ án đó với tư cách Thẩm phán ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, bất cứ Tòa án nào.
1. Những người sau đây không được làm người đại diện cho đương sự tại Điều 21 của Pháp lệnh:
a. Không có quốc tịch ở Việt Nam, không cư trú ở Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định trước đối với đương sự là người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài;
b. Chưa đủ 18 tuổi;
c. Bị bệnh tâm thần.
Đương sự là người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần mà không thể tham gia tố tụng được thì phải có người đại diện tham gia tố tụng (khoản 3 Điều 21). Người có nhược điểm về thể chất trong các trường hợp này là người bị mù cả hai mắt, người bị điếc cả hai tai … người có nhược điểm về tâm thần là người bị bệnh tâm thần tới mức không thể tham gia tố tụng được.
2. Tòa án không chấp nhận những người thuộc một trong những trường hợp sau đây tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện do đương sự ủy quyền, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự
a. Không có quốc tịch Việt Nam, không cư trú ở Việt Nam, trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác đối với đương sự là người có quốc tịch nước ngoài, người không có quốc tịch hoặc là người Việt Nam ở nước ngoài.
b. Chưa đủ 18 tuổi;
c. Bị bệnh tâm thần;
d. Đã bị khởi tốt về hình sự hoặc bị kết án nhưng chưa được xóa án;
đ. Là cán bộ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát;
e. Là người giám định, người phiên dịch, người làm chứng trong vụ án;
f. Là người thân thích với Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên đang tham gia giải quyết vụ án;
g. Chuyên viên tư vấn pháp luật của các Văn phòng dịch vụ pháp lý (theo hướng dẫn tại Thông tư số 1119 QLTPK ngày 24-12-1987 và Công văn số 870/CV/DVPL ngày 26-10-1988 của Bộ Tư pháp).
Cơ quan, tổ chức không được tham gia tố tụng với một tư cách là người đại diện do đương sự ủy quyền.
Một người chỉ có thể tham gia tố tụng với một tư cách hoặc là người đại diện do đương sự ủy quyền hoặc là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, chứ không được tham gia tố tụng cùng một lúc với hai tư cách vừa là người đại diện do đương sự ủy quyền vừa là người bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
3. Đương sự là công dân, người đại diện của đương sự theo quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh có thể làm giấy ủy quyền cho Luật sư hoặc người thay mặt mình trong tố tụng. Đối với việc ly hôn, việc hủy kết hôn trái pháp luật, thì đương sự phải tự mình tham gia tố tụng, không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.
Đương sự có thể ủy quyền cho Luật sư hoặc người khác một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình trong tố tụng. Người đại diện cho đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi được ủy quyền. Mặc dù đương sự đã ủy quyền cho người đại diện nhưng đương sự vẫn có quyền tự mình tham gia tố tụng. Tòa án cũng có quyền triệu tập đương sự đích thân tham gia tố tụng khi xét thấy cần thiết.
Theo quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh thì đương sự có thể nhờ Luật sư, Bào chữa viên nhân dân hoặc người khác (kể cả người thân thích của đương sự) được Tòa án chấp nhận để bảo vệ quyền lợi của mình. Đương sự chọn người bảo vệ quyền lợi cho mình và đề nghị Tòa án chấp nhận, trong trường hợp này nếu Tòa án thấy người do đương sự đề nghị Tòa án chấp thuận làm người bảo vệ quyền lợi của đương sự mà thuộc một trong các trường hợp đã nêu ở điểm 2 phần VI này thì Tòa án không chấp nhận họ làm người bảo vệ quyền lợi cho đương sự.
1. Hiện nay, trong khi chưa có những quyết định mới về chế độ án phí, Tòa án vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về cách tính án phí tại Thông tư số 85/TATC ngày 6-8-1982 và về mức thu án phí đã được sửa đổi tại Thông tư số 02/NCPL ngày 28-4-1989.
2. Các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật, cho nên sau khi nhận đơn khởi kiện của đương sự, Tòa án phải giải thích cho họ biết về chế độ án phí, về việc phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án mới thụ lý để giải quyết, giải thích ngay cho tất cả các đương sự biết tất cả việc nếu họ có kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm trong 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm và hậu quả của việc không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn đó.
3. Người kháng cáo nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn kháng cáo (trừ trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm), mặc dù đã được Tòa án giải thích, nhắc nhở thì coi như không kháng cáo và Tòa án cấp sơ thẩm không phải gửi hồ sơ lên cấp phúc thẩm, nhưng trong hồ sơ phải phản ánh rõ việc giải thích, nhắc nhở đó.
4. Mọi trường hợp kháng cáo không đúng hạn, kháng cáo đúng hạn nhưng không nộp tiền tạm ứng án phí, kháng cáo đúng hạn nhưng nộp tiền tạm ứng án phí sau khi hết hạn kháng cáo, đều coi là kháng cáo quá hạn. Trong trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm không phải gửi đơn lên Tòa án cấp phúc thẩm hồ sơ vụ án, mà chỉ gửi đơn kháng cáo có kèm theo bản sao bản án sơ thẩm và tài liệu xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm và tài liệu xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm về lý do kháng cáo không đúng hạn, không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm quá hạn và thời hạn vượt quá 15 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu này, Tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét việc kháng cáo quá hạn đó. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn thì Tòa án sơ thẩm phải gửi ngay hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết theo thủ tục cấp phúc thẩm. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn, thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, các đương sự có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét lại bản án đó theo thủ tục giám đốc thẩm.
Điều 32 của Pháp lệnh không quy định là người lao động khiếu nại về bị buộc thôi việc được miễn án phí; do đó, họ cũng phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 37 của Pháp lệnh. Mức án phí đối với loại vụ án này là mức án phí đối với loại vụ án dân sự không có giá ngạch.
VIII. VỀ VIỆC TẠM ĐÌNH CHỈ VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
Khi áp dụng điểm c khoản 1 Điều 45 cần chú ý như sau:
1. Nếu bị đơn cố ý giấu địa chỉ, cố ý lẩn tránh không đến Tòa án, nhưng trước đó Tòa án đã lấy lời khai của họ, đã thu thập được chứng cứ đầy đủ, thì Tòa án có quyền xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Pháp lệnh.
2. “Không tìm được địa chỉ của bị đơn” được hiểu là sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, thì bị đơn không có mặt tại địa chỉ do nguyên đơn cung cấp và không ai biết địa chỉ của bị đơn. Trong trường hợp này Tòa án yêu cầu nguyên đơn tìm địa chỉ của bị đơn. Tòa án cũng có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để xác định địa chỉ của bị đơn. Nếu không tìm thấy địa chỉ của bị đơn thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Khi lý do của việc quyết định tạm đình chỉ không còn nữa thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án hoặc nếu có căn cứ theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
3. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán có quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, còn tại phiên tòa Hội đồng xét xử ra quyết định đó.
4. Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Pháp lệnh thì quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm xét kháng cáo, kháng nghị tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa cấp sơ thẩm theo thủ tục quy định tại Điều 66 và Điều 70 của Pháp lệnh. Còn quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp phúc thẩm cũng như các quyết định khác của Tòa án cấp phúc thẩm đều là chung thẩm, có hiệu lực thi hành, nếu có kháng nghị thì giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm nếu có khiếu nại thì giải quyết theo thủ tục giải quyết đơn khiếu nại.
Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án không phải là việc chấm dứt vụ án và sau khi có quyết định tạm đình chỉ nếu thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn nữa thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án, cho nên sau khi nhận được đơn kháng cáo, kháng nghị khiếu nại đối với quyết định tạm đình chỉ, Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ cần kiểm tra lại việc tạm đình chỉ của mình nếu thấy việc tạm đình chỉ là đúng thì chuyển hồ sơ vụ án lên Tòa án cấp trên để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, còn nếu thấy việc tạm đình chỉ là không đúng hoặc lý do của việc tạm đình chỉ không còn nữa, thì cần tiến hành ngay việc tiếp tục giải quyết vụ án và báo cho người đã kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại nhằm khỏi giải quyết việc xem xét kháng cáo, kháng nghị, khiếu nại ở Tòa án trên theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm một cách không cần thiết, mà không phải gửi hồ sơ lên Tòa án cấp trên giải quyết theo trình tự phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.
IX. VỀ ĐÌNH CHỈ VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN
1. Sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, cho đến trước khi mở phiên tòa, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Viện Kiểm sát rút quyết định khởi tố, thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Pháp lệnh. Nếu tại phiên tòa sơ thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Kiểm sát viên rút quyết định khởi tố vụ án, thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Pháp lệnh.
Việc đình chỉ giải quyết vụ án khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Viện Kiểm sát rút quyết định khởi tố ở cấp phúc thẩm cũng áp dụng theo cách hướng dẫn trên đây.
2. Nếu đã quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 4 của Điều 46 của Pháp lệnh thì đương sự không có quyền khởi kiện lại nữa. Nếu Tòa án đã đình chỉ việc giải quyết vụ án với lý do là đương sự đã tự hòa giải (nghĩa là đã tự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án), người khởi kiện rút đơn khởi kiện, Viện Kiểm sát rút quyết định khởi tố vụ án trong trường hợp không có nguyên đơn (thí dụ: hủy việc kết hôn trái pháp luật) hoặc nguyên đơn không yêu cầu tiếp tục giải quyết vụ án (khoản 2 Điều 46), nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng (khoản 3 Điều 46), thì sau đó đương sự có thể khởi kiện lại, nhưng họ phải nộp tiền tạm ứng phí như mới khởi kiện lần đầu.
X. VỀ VIỆC RÚT ĐƠN KHÁNG CÁO, RÚT KHÁNG NGHỊ
Khi áp dụng Điều 60 cần chú ý như sau:
1. Thẩm phán Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định chấp nhận việc rút kháng cáo, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phúc thẩm.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định việc rút kháng cáo, rút kháng nghị tại phiên tòa phúc thẩm.
Trong trường hợp thấy việc xét xử sơ thẩm có sai lầm thì ngay sau khi quyết định chấp nhận việc rút kháng cáo, rút kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm đó để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tòa án cấp phúc thẩm xét kháng cáo, kháng nghị bằng Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán. Nếu xét thấy việc kháng cáo, kháng nghị quá hạn là có lý do chính đáng thì hội đồng xét xử ra quyết định chấp nhận việc kháng cáo, kháng nghị quá hạn đó. Sau khi có quyết định này, nếu đương sự rút kháng cáo hoặc Viện Kiểm sát rút kháng nghị, thì Tòa án vẫn chấp nhận việc rút đó.
Đương sự chấp nhận việc rút kháng cáo (kể cả kháng cáo quá hạn đã được chấp nhận) vẫn phải nộp tiền án phí phúc thẩm.
XI. VỀ VIỆC TRÍCH LỤC BẢN ÁN HOẶC QUYẾT ĐỊNH, BẢN SAO BẢN ÁN HOẶC QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Ngay sau phiên tòa, Tòa án cấp cho đương sự, tổ chức xã hội đã khởi kiện vì lợi ích chung trích lục bản án hoặc quyết định về vụ án. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp cho họ bản sao bản án hoặc quyết định về vụ án theo yêu cầu của họ. Mục đích của việc cấp trích lục bản án hoặc quyết định là để cho đương sự, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung có thể sử dụng khi kháng cáo theo quy định tại Điều 58 của Pháp lệnh. Trong thực tế có một số đương sự lợi dụng việc Tòa án cấp cho họ bản trích lục bản án hoặc quyết định để làm những việc trái pháp luật (thí dụ: trong trường hợp Tòa án xử lý cho ly hôn sau khi đã được cấp trích lục bản án, một bên đương sự đã sử dụng bản trích lục đó để đi đăng ký kết hôn ngay với người khác, mặc dù bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật), vì vậy, khi cấp trích lục bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải ghi rõ trong bản án trích lục đó là bản án hoặc quyết định “chưa có hiệu lực thi hành”.
Trong trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án cấp cho họ bản sao bản án, quyết định về vụ án thì người được cấp phải chịu lệ phí về việc cấp giấy tờ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.