CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90-CP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 1997 |
Xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển các sự nghiệp đó nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục, y tế, văn hoá và sự phát triển về thể chất và tinh thần của nhân dân.
Xã hội hoá là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá. ở mỗi địa phương, đây là cộng đồng trách nhiệm của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân.
Xã hội hoá và đa dạng hoá các hình thức hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh việc củng cố các tổ chức của Nhà nước, cần phát triển rộng rãi các hình thức hoạt động do các tập thể hoặc các cá nhân tiến hành trong khuôn khổ chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đa dạng hoá chính là mở rộng các cơ hội cho các tầng lớp nhân dân tham gia chủ động và bình đẳng vào các hoạt động trên.
Xã hội hoá là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá phát triển nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là chính sách lâu dài, là phương châm thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, không phải là biện pháp tạm thời, chỉ có ý nghĩa tình thế trước mắt do Nhà nước thiếu kinh phí cho các hoạt động này. Khi nhân dân ta có mức thu nhập cao, ngân sách nhà nước dồi dào vẫn phải thực hiện xã hội hoá, bởi vì giáo dục, y tế, văn hoá là sự nghiệp lâu dài của nhân dân, sẽ phát triển không ngừng với nguồn lực to lớn của toàn dân.
Xã hội hoá không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách nhà nước; trái lại, Nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó.
Thực hiện xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện chính sách công bằng xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước. Công bằng xã hội không chỉ biểu hiện về mặt hưởng thụ, tức là người dân được xã hội và nhà nước chăm lo, mà còn biểu hiện cả về mặt người dân đóng góp, cống hiến cho xã hội theo khả năng thực tế của từng người, từng địa phương.
Thực hiện công bằng trong chính sách xã hội phải vận dụng các nguyên tắc điều chỉnh và ưu tiên; nhất thiết phải ưu tiên đối với người có công, phải trợ giúp người nghèo, vùng nghèo; người có công, có cống hiến nhiều hơn, được xã hội và Nhà nước chăm lo nhiều hơn.
Công bằng xã hội trong việc huy động các nguồn lực của nhân dân vào các hoạt động văn hoá, xã hội không phải là huy động bình quân, mà là vận dụng cách huy động và mức huy động tuỳ theo các lớp người có điều kiện thực tế khác nhau, có mức thu nhập khác nhau. Những người thuộc diện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước được miễn, giảm phần đóng góp.
Công bằng xã hội còn được thực hiện thông qua việc phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", người giàu giúp người nghèo, vùng giàu giúp vùng nghèo. Phát triển nhiều loại quỹ do nhân dân đóng góp tự nguyện làm việc nghĩa, như quỹ khuyến học, quỹ từ thiện... Nhà nước ban hành quy chế thành lập và quản lý các quỹ này theo hướng phát huy khả năng tự quản và giám sát của những người đóng góp, thực hiện chế độ công khai hoá thu, chi.
Thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá với quan niệm đúng đắn về công bằng xã hội chính là thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa theo đường lối của Đảng.
II. XÃ HỘI HOÁ LĨNH VỰC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1. Nội dung của cuộc vận động toàn dân tham gia sự nghiệp giáo dục bao gồm:
Tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội theo nhiều hình thức; vận động toàn dân, trước hết là những người trong độ tuổi lao động, thực hiện học tập suốt đời để làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm cho xã hội ta trở thành một xã hội học tập.
Vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp... đối với sự nghiệp giáo dục.
Nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia của toàn dân đối với giáo dục nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hệ thống giáo dục để phục vụ tốt việc học tập của nhân dân.
2. Một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hoá hoạt động giáo dục và đào tạo:
a) Bên cạnh việc củng cố các trường công lập giữ vai trò chủ đạo, lấy đó làm nòng cốt, cần mở ra nhiều hình thức giáo dục, phát triển các loại hình trường ngoài công lập, tạo cơ hội cho mọi người nâng cao trình độ, tiếp cận được những kiến thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật để vận dụng trong công việc và vào đời sống hàng ngày; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để phát triển giáo dục từ xa... Hoàn thiện các cơ chế quản lý đánh giá kết quả, chất lượng kọc tập.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại trường, lớp bán công, dân lập, tư thục tại thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng có kinh tế thuận lợi.
Tỷ lệ hướng dẫn (mang tính định hướng, không có tính bắt buộc) về mức độ phát triển bán công, dân lập và tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn là: đại bộ phận giáo dục mầm non; 10-15% đối với cấp tiểu học; 25% đối với cấp trung học cơ sở; 50% đối với cấp trung học phổ thông.
Chuyển giao các trường trung học chuyên nghiệp đào tạo ngành hẹp cho các Tổng công ty, công ty nhà nước trực tiếp quản lý, gắn đào tạo với đơn vị sử dụng. Đối với các Tổng công ty lớn, có nhu cầu phát triển nhanh về nhân lực, cho phép nâng cấp các trường trực thuộc lên cấp cao đẳng trên cơ sở Tổng công ty tự trang trải kinh phí.
Chuyển dần các trung tâm dạy nghề công lập sang hình thức bán công, phát triển các trung tâm dạy nghề dân lập và tư thục; gắn đào tạo nghề với thị trường, với doanh nghiệp.
Củng cố các trường đại học dân lập hiện có, cho phép lập thêm trường đại học dân lập ở một số địa phương có nhu cầu và khả năng quản lý.
b) Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục. Cùng với việc tăng thêm và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cần cải tiến chế độ học phí, huy động thêm sự đóng góp của cha mẹ học sinh và của các tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Việc huy động dân tham gia đóng góp cho giáo dục phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, căn cứ vào mức sống và khả năng của dân ở từng vùng, từng địa phương trên cơ sở bảo đảm công bằng xã hội, có chính sách học phí phù hợp, đồng thời có chính sách trợ cấp xã hội và cho vay vốn để đi học.
Điều chỉnh mức học phí ở các trường phổ thông tại các địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn và vùng có thu nhập bình quân cao (trên mức thu nhập bình quân cả nước); thu học phí thấp hơn đối với vùng có thu nhập bình quân thấp (dưới mức thu nhập bình quân cả nước); miễn học phí đối với vùng sâu, vùng xa. Nâng mức học phí ở các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Việc thu học phí ở các trường công cùng với kinh phí do ngân sách cấp phải đáp ứng được nhu cầu chi, bảo đảm mức lương thoả đáng cho giáo viên; chấm dứt việc thu tiền của học sinh một cách tuỳ tiện, kể cả việc thu tiền dạy thêm trái đạo đức và nguyên tắc sư phạm.
Thủ tướng Chính phủ quy định khung học phí, cơ chế thu và sử dụng học phí, giao quyền cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Hiệu trưởng trường đại học quyết định mức học phí cụ thể ở từng địa phương, từng trường đại học. Ngoài học phí, tất cả các trường học chỉ được thu 2 khoản: đóng góp xây dựng trường sở, lệ phí tuyển sinh và thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chung và quy định thẩm quyền quyết định mức thu 2 khoản này.
c) Phân bố hợp lý mạng lưới giáo dục theo vùng địa lý kinh tế, theo nhu cầu và khả năng phát triển của địa phương.
Định rõ trách nhiệm và thẩm quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân địa phương đối với giáo dục và đào tạo trên địa bàn, quyền tự chủ và trách nhiệm của các trường đào tạo do Trung ương quản lý.
d) Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, xử lý tốt mối quan hệ giữa quy mô, chất lượng và hiệu quả.
Ban hành hệ thống tiêu chuẩn về hoạt động giáo dục và đào tạo. Các phương án đổi mới về giáo dục và đào tạo phải được cân nhắc, xem xét về tác động xã hội và tài chính.
Nâng cao chất lượng sách giáo khoa, cải tiến nội dung và việc in sách giáo khoa để có thể dùng được nhiều năm.
Tăng nhanh chất lượng tuyển sinh và đào tạo của các trường sư phạm; chú trọng tăng cường giáo viên cho các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa.
đ) Bố trí và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị 2 Trung ương khoá VIII.
Ưu tiên sử dụng tập trung ngân sách cho các yêu cầu: đào tạo, bồi dưỡng và cải tiến chính sách tiền lương cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; các ngành đào tạo mũi nhọn và bồi dưỡng nhân tài; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Cải tiến cách thức phân bổ và cơ chế quản lý ngân sách giáo dục:
- Phân bổ ngân sách dành cho giáo dục và đào tạo địa phương căn cứ vào đặc điểm địa phương (yêu cầu phát triển giáo dục, hoàn cảnh địa lý, mật độ dân cư, khả năng kinh tế địa phương và khả năng đóng góp của nhân dân). Phần ngân sách dành cho đào tạo ở Trung ương được phân bổ theo ngành nghề đào tạo và quy mô học sinh, sinh viên.
- Giảm chi tiêu hành chính, hạn chế hội họp, dành tiền cho các khoản chi trực tiếp phục vụ giảng dạy - học tập.
- Tiếp tục cải tiến chế độ học bổng, trợ cấp xã hội và tín dụng đào tạo để bảo đảm cho người nghèo có điều kiện học. Nâng cao mức học bổng dành cho học sinh và sinh viên giỏi và học bổng cho các ngành học cần khuyến khích.
- Phát triển các quỹ khuyến học do nhân dân tự nguyện đóng góp và Nhà nước có thể tài trợ một phần để trợ giúp người nghèo đi học.
- Quy định nghĩa vụ đóng góp của các doanh nghiệp cho hoạt động giáo dục đào tạo, căn cứ vào doanh thu, số lượng và trình độ đào tạo của đội ngũ lao động trong doanh nghiệp. Những khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp cho hoạt động giáo dục đào tạo không tính vào doanh thu, lợi nhuận chịu thuế. Bộ tài chính chuẩn bị để Chính phủ ban hành một Nghị định về vấn đề này.
e) Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hợp tác giáo dục với nước ngoài để tăng thêm nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Cho phép một số trường đại học hoặc các tổ chức giáo dục nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài được mở trường tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
Cho phép các trường đại học trong nước mời giáo viên nước ngoài, giáo viên là người Việt Nam sống ở nước ngoài vào giảng dạy.
Sử dụng một phần ngân sách và viện trợ của nước ngoài để gửi cán bộ giảng dạy của ta đi bổ túc trình độ ở nước ngoài, gửi sinh viên được tuyển chọn đi nước ngoài học những ngành và cấp học cần thiết.
g) Tổ chức sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng để vận động nhân dân tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp giáo dục.
III. XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN
1- Việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân và của cả cộng đồng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà còn là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, của các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội. Vì vậy, thực hiện xã hội hoá công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là cần thiết và phù hợp với xu thế của thời đại.
Nội dung xã hội hoá công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ con người là động viên và tổ chức tốt sự tham gia tích cực, chủ động của mọi người với tư cách cộng đồng và tư cách cá nhân, trên cả hai mặt hoạt động và đóng góp; tăng cường sự phối hợp liên ngành và củng cố vai trò nòng cốt của ngành y tế.
Xã hội hoá bao gồm: Đa dạng hoá các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (Nhà nước, tập thể, dân lập, tư nhân...), trong đó y tế nhà nước có vai trò chủ đạo. Cho phép nhiều lực lượng có hiểu biết và kinh nghiệm nghề nghiệp tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dưới sự quản lý của Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ y tế ngày càng thuận tiện cho người dân và giảm bớt sức ép về ngân sách cho Nhà nước. Khuyến khích các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước thành lập các phòng khám, chữa bệnh nhân đạo. Mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà, các nhà thuốc tư nhân, các quầy thuốc, tủ thuốc tại trạm y tế xã phục vụ sức khoẻ cộng đồng.
Vận động nhân dân tự giác tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe: các phong trào vệ sinh, rèn luyện thân thể, phòng bệnh, phòng dịch, bảo vệ môi trường, phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh; tăng cường sử dụng y học cổ truyền dân tộc, nuôi, trồng các loại cây, con làm thuốc.
Nhân dân tham gia đóng góp và chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thông qua chế độ viện phí, tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
2. Một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hoá hoạt động y tế.
a) Đa dạng hoá các loại hình chăm sóc sức khoẻ: cho phép thành lập các bệnh viện bán công, bệnh viện tư, bệnh viện liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, các xí nghiệp dược phẩm tư nhân hoặc cổ phần. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các nhà thuốc tư nhân, các phòng khám bệnh và chẩn trị tư nhân, kể cả các cơ sở chữa trị theo y học cổ truyền.
b) Sửa đổi chế độ thu viện phí ở các cơ sở y tế công cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay trên nguyên tắc giá viện phí được tính gần đủ các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh, song thực hiện từng bước để nhân dân có thể chấp nhận.
Sửa đổi chế độ bảo hiểm y tế cho phù hợp với giá viện phí, xoá bỏ sự phân biệt về chế độ điều trị giữa người nộp viện phí và người đóng bảo hiểm y tế. Đa dạng hoá các mức đóng góp và quy định mức được chi từ quỹ bảo hiểm y tế tương ứng với mức và thời gian đóng góp. Thực hiện các cơ chế chi trả thích hợp, tránh tình trạnh lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút đông đảo nhân dân tham gia bảo hiểm y tế.
c) Tổ chức tốt việc khám và chữa bệnh cho người nghèo. Chính phủ tài trợ một phần, đồng thời khuyến khích Hội chữ thập đỏ, các Hội từ thiện, tổ chức quần chúng, tổ chức kinh tế của Nhà nước và tư nhân đóng góp để xây dựng các quỹ trợ giúp cho người nghèo được khám, chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế cho các gia đình có công với nước và cho người nghèo.
d) Các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện cuộc vận động "Nâng cao chất lượng công trình vệ sinh gia đình, phòng chống dịch chủ động", xây dựng vườn thuốc nam tại gia đình thành một phong trào rộng rãi ở cơ sở.
đ) Nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở, trước hết là đào tạo đủ y tá tại thôn bản, nữ hộ sinh và dược tá tại xã; có chính sách động viên bác sĩ, y sĩ, dược sĩ về công tác tại các cơ sở y tế xã.
IV. XÃ HỘI HOÁ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ.
1. Xã hội hoá hoạt động văn hoá hướng vào thu hút toàn xã hội, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hoá, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hoá.
2- Một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hoá hoạt động văn hoá.
a) Sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật được ngân sách nhà nước tài trợ theo hướng: ở trung ương tập trung xây dựng các đoàn nghệ thuật tiêu biểu (như Tuồng, Chèo, Cải lương, Xiếc, Kịch nói, Ca múa nhạc dân tộc, Giao hưởng, Balê, Múa rối...); ở địa phương chỉ duy trì những đơn vị tiêu biểu cho truyền thống nghệ thuật của địa phương. Cho phép một số đoàn nghệ thuật mang tính gia đình, tư nhân hoặc tập thể được hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, có sự quản lý của Nhà nước về nội dung và chất lượng nghệ thuật.
b) Ngoài chỉ tiêu do Nhà nước giao, cho phép các trường âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, thủ công, mỹ thuật được mở rộng đào tạo trên cơ sở đóng góp kinh phí của người học; các đoàn nghệ thuật của nhà nước được nhận chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước theo phương thức kèm cặp tại đơn vị. Khuyến khích mở các trường dân lập về nghệ thuật, mỹ nghệ.
c) Ngoài các đơn vị của nhà nước, các thành phần kinh tế khác được phép phát hành phim dưới sự quản lý của nhà nước. Cho phép các cơ quan văn hoá, các công ty phát hành phim và chiếu bóng liên doanh với các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và kỹ thuật của rạp chiếu bóng, rạp hát.
d) Mở rộng mạng lưới phát hành văn hoá phẩm do các thành phần kinh tế tham gia. Cho phép một số cơ sở in của nhà nước được cổ phần hoá, với tỷ lệ cổ phần bán ra được xác định tuỳ theo tính chất của từng cơ sở quan trọng. Để tiếp nhận công nghệ tiên tiến, hiện đại hoá ngành in, nâng cao chất lượng sản phẩm in, cho phép liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước một số khâu về in, như chế bản điện tử, in bao bì, nhãn hàng...
đ) Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các bảo tàng, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia và sưu tầm, chỉnh lý, phổ biến, bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể; các di tích khác giao cho dân bảo vệ và tu sửa theo sự hướng dẫn về nghiệp vụ của ngành Văn hoá - Thông tin. Cho phép xây dựng các phòng sưu tập của tập thể hoặc tư nhân.
e) Phát triển hệ thống Nhà văn hoá, Trung tâm thông tin từ trung ương đến tỉnh, thành phố và quận, huyện; củng cố các Đội thông tin lưu động, xây dựng các Trung tâm văn hoá mang tính tổng hợp - liên ngành: văn hoá - thông tin, giáo dục, y tế, thể thao... ở các khu dân cư.
g) Tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh vận động xây dựng nếp sống văn hoá, xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá gắn với bài trừ tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.