QUỐC
HỘI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 17/2011/QH13 |
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2011 |
VỀ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM (2011 - 2015) CẤP QUỐC GIA
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật đất đai số 13/2003/QH11;
Sau khi xem xét Tờ trình số 157/TTr-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011, Báo cáo bổ sung số 199/BC-CP ngày 12 tháng 10 năm 2011 và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia do Chính phủ trình, Báo cáo thẩm tra số 96/BC-UBKT13 ngày 13 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2010 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM (2006-2010)
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau 10 năm thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực: Tăng cường một bước hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu; việc bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến; đáp ứng cơ bản nhu cầu đất để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển đô thị; đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước thông qua đấu giá, thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; diện tích đất chưa sử dụng từng bước được khai thác đưa vào sử dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; tính kết nối liên vùng, liên tỉnh và quản lý quy hoạch còn yếu; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm; tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi; chính sách, pháp luật, việc phân cấp trong quản lý quy hoạch còn bất cập; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu.
II. VỀ QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM (2011 - 2015) CẤP QUỐC GIA
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia gồm mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ yếu sau:
1. Mục tiêu
Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
2. Một số chỉ tiêu
Chỉ tiêu |
Diện tích theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 |
Diện tích theo Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) |
|
Đơn vị tính: 1000 ha |
|
1. Đất nông nghiệp |
26.732 |
26.550 |
- Đất trồng lúa |
3.812 |
3.951 |
Trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ trở lên) |
3.222 |
3.258 |
- Đất rừng phòng hộ |
5.842 |
5.826 |
- Đất rừng đặc dụng |
2.271 |
2.220 |
- Đất rừng sản xuất |
8.132 |
7.917 |
- Đất làm muối |
15 |
15 |
- Đất nuôi trồng thủy sản |
790 |
750 |
2. Đất phi nông nghiệp |
4.880 |
4.448 |
- Đất quốc phòng |
388 |
372 |
- Đất an ninh |
82 |
78 |
- Đất khu công nghiệp |
200 |
130 |
- Đất phát triển hạ tầng |
1.578 |
1.430 |
Trong đó: |
|
|
+ Đất cơ sở văn hóa |
20 |
17 |
+ Đất cơ sở y tế |
10 |
8 |
+ Đất cơ sở giáo dục - đào tạo |
82 |
65 |
+ Đất cơ sở thể dục - thể thao |
45 |
27 |
- Đất di tích, danh thắng |
28 |
24 |
- Đất bãi thải, xử lý chất thải (trong đó có đất để xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại) |
21 |
16 |
- Đất ở tại đô thị |
202 |
179 |
3. Đất chưa sử dụng |
|
|
- Đất chưa sử dụng còn lại |
1.483 |
2.097 |
- Diện tích đưa vào sử dụng |
1.681 |
1.067 |
3. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện
(1) Quy hoạch, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội quyết định; việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ tổng thể của cả nước đến các vùng, các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
(2) Xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Điều tiết phân bổ nguồn lực, trước hết là nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ lúa hàng hóa tại các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất.
(3) Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất cho mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp phải theo kế hoạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các vùng trung du, miền núi, ven biển, hạn chế tối đa việc sử dụng đất trồng lúa tại khu vực đồng bằng.
(4) Rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế; đất do các đơn vị quốc phòng, công an làm kinh tế tại các địa phương trước năm 2015.
(5) Đổi mới cơ chế quản lý sử dụng đất gắn với tổ chức sản xuất, bảo vệ, phát triển rừng ở các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các đơn vị này.
(6) Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin về đất đai; xác định hệ thống chỉ tiêu sử dụng đất cụ thể trong quy hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của từng cấp trong quản lý, sử dụng đất; đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đất đai; nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
(7) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đảm bảo cho việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch, thực hiện nghiêm các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Quốc hội quyết định. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nếu phát sinh các trường hợp cần điều chỉnh các chỉ tiêu quy định tại Mục II của Nghị quyết này thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
(8) Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm đổi mới và nâng cao hiệu lực pháp lý của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm mọi hoạt động sử dụng đất phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch.
1. Chính phủ phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương; hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình lập hoặc rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo cho việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Định kỳ hằng năm Chính phủ có báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Quốc hội.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này ở địa phương.
4. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tham gia giám sát và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2011.
|
CHỦ
TỊCH QUỐC HỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.