CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 8 năm 2022 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;
Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2022;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 582/TTr-BGDĐT ngày 31 tháng 5 năm 2022.
QUYẾT NGHỊ:
Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học ngoài công lập, Chính phủ quyết nghị thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như sau:
1. Mục tiêu
Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giúp ổn định đội ngũ, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, bảo đảm an toàn cho trẻ em và học sinh, giúp phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học yên tâm tham gia lao động, góp phần để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống và an sinh xã hội.
2. Nguyên tắc
a) Bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
b) Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập dễ dàng tiếp cận chính sách.
c) Không hỗ trợ đối tượng đã được hưởng chính sách đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 68/NQ-CP); không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia; nếu đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách thì chỉ giải quyết hỗ trợ theo chính sách cao nhất.
d) Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.
đ) Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
e) Việc hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện như sau:
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc:
- 80% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên.
- 60% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên).
- 40% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương còn lại.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
1. Đối tượng: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; cơ sở giáo dục tiểu học tư thục; trường mẫu giáo, mầm non SOS, trường tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục ngoài công lập).
2. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách khi bảo đảm các điều kiện sau:
- Là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021;
- Nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên tính từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021;
- Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP do không tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại) ít nhất hết năm học 2021 - 2022.
3. Mức hỗ trợ
- Hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP;
- Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.
4. Thời gian thực hiện: đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định để triển khai thực hiện các nội dung quy định tại Mục II Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh.
2. Bộ Tài chính
a) Bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết này.
b) Căn cứ quy định tại Nghị quyết, quy định pháp luật có liên quan và số thực chi của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước) để xem xét, hỗ trợ kịp thời từ ngân sách trung ương cho từng địa phương, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
c) Trường hợp ngân sách địa phương không đủ nguồn lực để thực hiện, căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tối đa bằng 70% mức dự kiến đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ để kịp thời thực hiện chính sách. Sau khi địa phương có báo cáo kết quả chi ngân sách (thực chi ngân sách nhà nước có xác nhận của Kho bạc Nhà nước, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu báo cáo), Bộ Tài chính bổ sung hoặc thu hồi dự toán ngân sách trung ương trên cơ sở thực tế hỗ trợ đối tượng theo quy định; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các cấp xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ quy định tại Mục II Nghị quyết này; tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả, công khai, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
b) Sử dụng nguồn kinh phí của địa phương để hỗ trợ mức 1.500.000 đồng/người đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP và thực hiện chính sách quy định tại Mục II Nghị quyết này; báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ hỗ trợ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp và trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ.
c) Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bổ sung đối tượng, quy định mức hỗ trợ cao hơn nội dung chính sách quy định tại Mục II Nghị quyết này từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác.
4. Đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia phổ biến, phối hợp triển khai và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết này.
|
TM.
CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.