CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45-CP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 1993 |
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 45-CP NGÀY 22-6-1993 VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH
Tại phiên họp ngày 21-4-1993 Chính phủ đã quyết nghị về những chủ trương biện pháp đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, theo phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đề ra.
I. DU LỊCH LÀ MỘT NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA DẤT NƯỚC
Du lịch là một ngành kinh tế mang tích chất tổng hợp, có tác dụng góp phần tích cực thực hiện chính sách mở cửa, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo công ăn việc làm, mở rộng giao lưu văn hoá và xã hội giữa các vùng trong nước và giữa nước ta với nước ngoài, tạo điều kiện tăng cường tình hữu nghị, hoà bình và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Nước ta có tiềm năng lớn về nhiều mặt để phát triển du lịch, có diều kiện thiên nhiên phong phú, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có truyền thống văn hoá lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, giầu bản sắc nhân văn, nguồn lao động dồi dào thông minh, cần cù và giầu lòng nhân ái.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch đã có những đổi mới, từng bước phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện bước đầu thu hút khách nước ngoài và kiều bào về thăm Tổ quốc, giới thiệu đất nước, con người và tinh hoa của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế; đáp ứng một phần nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân trong nước, bước đầu đã thu được kết quả nhất định về kinh tế.
Song do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, tính chất và tác dụng nhiều mặt về kinh tế, chính trị, xã hội của hoạt động du lịch, nên công tác quản lý Nhà nước còn bị buông lỏng. Điều đáng lưu ý là chúng ta chưa có chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong cả nước và từng vùng, từng địa phương, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong sự nghiệp phát triển du lịch; chưa có quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ngành; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, cơ sở vật chất, trang thiết bị trong ngành du lịch còn thiếu thốn, lạc hậu, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử có giá trị chưa được tu bổ, tôn tạo, khai thác, nội dung du lịch còn nghèo nàn, chất lượng phục vụ kém, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy hiệu quả kinh tế xã hội của hoạt động du lịch những năm qua còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước trong tình hình mới. Từng lúc, từng nơi đã có những tác động xấu về trật tự và an ninh xã hội.
II. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Trong sự nghiệp đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch theo định hướng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội do Đảng và Nhà nước đề ra cần nhất quán những quan điểm sau:
- Là một ngành kinh tế mang tính chất tổng hợp, việc phát triển ngành du lịch phải lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm mục tiêu chính. Đồng thời, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, bản sắc dân tộc và nhân phẩm của con người Việt Nam.
- Tính đa ngành của hoạt động du lịch dòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các cấp dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Nhà nước.
- Thực hiện cơ cấu kinh tế có nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch nhưng Nhà nước làm là chính nhằm khai thác triệt để mọi khả năng về tiền vốn, kỹ thuật, trí thức và lao động ở trong và ngoài nước để phát triển du lịch.
- Đẩy mạnh phát triển du lịch quốc tế, coi đó là một hướng chiến lược, đồng thời chú trọng phát triển du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về tham quan, du lịch trong và ngoài nước, góp phần nâng cao dân trí, phục hồi sức khoẻ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta.
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn, thu hút khách du lịch quốc tế để làm cho ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh, sớm đuổi kịp ngành du lịch của các nước phát triển ở trong vùng và trên thế giới, đưa du lịch nước ta trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong nước, tạo công ăn, việc làm cho xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về tham quan du lịch.
MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỪ NAY ĐẾN NĂM 2000:
Tập trung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong cả nước, hình thành các trung tâm du lịch với những sản phẩm đặc sắc hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để xây dựng mới và cải tạo nâng cấp những cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có nhằm phấn đấu đến năm 1995, có thể đón tiếp và phục vụ được trên 1 triệu lượt khách quốc tế và đến năm 2000, đón được khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế; tăng doanh thu ngoại tệ tối thiểu gấp 10 lần so với năm 1992.
III. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch trên phạm vi cả nước và từng vùng lãnh thổ:
- Bổ xung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách về du lịch để đảm bảo quản lý Nhà nước chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
- Nhanh chóng kiện toàn Tổng cục Du lịch: xúc tiến thành lập các cơ sở du lịch ở các tỉnh, thành phố là trung tâm du lịch; quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và tiêu chuẩn cán bộ của ngành du lịch.
- Sắp xếp lại hệ thống kinh doanh du lịch theo hướng chuyên môn hoá nghề nghiệp du lịch và khách sạn để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.
- Thực hiện đấu thầu hoặc cổ phần hoá một số khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ... nhằm khuyến khích và huy động vốn của các thành phần kinh tế trong nước tham gia hoạt động du lịch.
Tổng cục Du lịch cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tiến hành ngay việc lập quy hoạch phát triển du lịch trong cả nước và từng vùng, trước tiên là vùng thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tầu, vùng Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng và vùng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; lập kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các cơ sở hạ tầng và khách sạn trong cả nước và từng địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trước mắt và lâu dài.
3. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học phát triển du lịch:
Tổng cục Du lịch duy trì cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp xây dựng đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học cho ngành du lịch theo hướng sau đây:
- Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ và chức danh tiêu chuẩn công chức, viên chức để tiến hành soát xét, xác định số cán bộ, nhân viên cần đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ quản lý và kinh doanh về nghiệp vụ, kỹ thuật, ngoại ngữ bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm sớm ứng dụng được kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ và quản ký hiện đại vào ngành du lịch.
- Nhanh chóng củng cố, xắp xếp kiện toàn lại các trường du lịch, đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi lý thuyết và thực hành, nghiên cứu hoàn chỉnh nội dung chương trình, từng bước xây dựng mô hình đào tạo "trường - khách sạn" để gắn quá trình đào tạo với thực hành, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của đất nước trước mắt và lâu dài.
- Tranh thủ sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước để xây dựng các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành và chọn cử cán bộ, nhân viên, học sinh đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong cả nước và từng vùng du lịch, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và một số Bộ, ngành lên quan lập đề án huy động nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất cho ngành du lịch theo hướng sau đây:
- Tổng cục Du lịch cùng các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố sớm lập đề án trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng, khách sạn lớn ở một số vùng trọng điểm du lịch.
- Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư phối hợp cùng Tổng cục Du lịch lập đề án gọi vốn đầu tư nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, sân bay, bến cảng...) và những khách sạn lớn, trang bị hiện đại ở những trung tâm du lịch.
- Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng kiểm tra đánh giá lại toàn bộ tài sản cố định hiện có của ngành du lịch (bao gồm cả các cơ sở thuộc các ngành, các đoàn thể và địa phương) để có điều kiện tính đúng, tính đủ trong hạch toán, tính đúng khấu hao theo thực tế và có kế hoạch sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu kinh doanh.
- Tổng cục Du lịch phối hợp cùng với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố rà soát các nhà khách, nhà nghỉ, công sở của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể có thể sử dụng ngay hoặc có thể sửa chữa nâng cấp thành khách sạn đón khách du lịch - chuyển các cơ sở này sang kinh doanh theo pháp luật hiện hành của Nhà nước.
- Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng đề án từng bước việc mở rộng nâng cấp một số sân bay, nâng cấp đường quốc lộ 1A và một số trục đường quan trọng trên các tuyến du lịch trọng điểm, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam, mở rộng nâng cấp một số cảng biển, cảng sông và mở một số tuyến tàu biển chở khách du lịch; từng bước hình thành cửa khẩu quốc tế hiện đại của đất nước để đón khách du lịch quốc tế.
- Tổng cục Bưu điện xây dựng đề án hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc trong nước và hệ thống viễn thông quốc tế phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhu cầu phát triển du lịch.
- Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính cùng Tổng cục Du lịch và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp xây dựng trình Chính phủ đề án tôn tạo, bảo dưỡng các di tích lịch sử, công trình văn hoá, danh lam thắng cảnh, tạo ra các điểm hấp dẫn khách du lịch.
- Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Thể dục thể thao cùng Tổng cục Du lịch xây dựng đề án đưa các loại hình văn hoá, nghệ thuật dân tộc, thể thao truyền thống phục vụ vui chơi giải trí trong du lịch để loại bỏ các tiêu cực tác động vào đời sống kinh tế xã hội.
5. Cải tiến các thủ tục xuất, nhập cảnh, quá cảnh:
Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan phối hợp cùng Tổng cục Du lịch sửa đổi bổ sung các thủ tục xuất, nhập cảnh, quá cảnh của khách du lịch cho phù hợp với tình hình thực tế của ta và thông lệ quốc tế, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch vào nước ta, đồng thời bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bộ Văn hoá - Thông tin, Tổng cục Hải quan cùng Tổng cục Du lịch trình Chính phủ những qui định về quản lý kinh doanh trong nội địa và xuất nhập văn hoá phẩm, đồ giả cổ... tạo điều kiện cho khách du lịch mua, bán và mang ra, mang vào những vật phẩm này một cách thuận tiện, đúng pháp luật.
6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, tuyên truyền quảng cáo du lịch:
- Xúc tiến việc ký các hiệp định hợp tác du lịch với các nước, nhất là các nước trong khu vực Châu á - Thái Bình Dương, có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các nước có chung biên giới với nước ta để xây dựng và phát triển tuyến du lịch liên hoàn giữa nước ta với những nước đó.
- Tổ chức việc mở đại diện du lịch của nước ta ở nước ngoài, trước hết chú trọng những nước hiện đang là đầu mối giao lưu quốc tế; đồng thời chủ động xây cất nhà cho các hãng du lịch nước ngoài thuê để mở Văn phòng đại diện ở Việt Nam nhằm mở rộng tuyên truyền quốc tế, thu hút khách du lịch và vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ nhiều nguồn và bằng nhiều hình thức.
Bộ Thương mại, Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Tổng cục Du lịch và các ngành có liên quan đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng các cho du lịch Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều hình thức khác.
IV. TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch xây dựng các đề án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này, định kỳ hàng quí và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả công việc đã làm.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân địa phương thực hiện có kết quả Nghị quyết này.
|
Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.