HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 357-CP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 1979 |
VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÂU BÒ
Trong nhiều năm qua, chăn nuôi trâu, bò không phát triển, đàn trâu tăng chậm, đàn bò giảm sút.
Để tăng nhanh đàn trâu, bò trong những năm tới, bảo đảm sức kéo và phân bón cho trồng trọt, cung cấp thịt, sữa cho nhu cầu đời sống, nguyên liệu cho công nghiệp và hàng hóa cho xuất khẩu, Hội đồng Chính phủ quyết định:
Phương hướng phát triển chăn nuôi bò chủ yếu là để lấy sữa và thịt, đồng thời cung cấp một phần sức kéo; chăn nuôi trâu chủ yếu là để giải quyết sức kéo, đồng thời cung cấp một phần thịt và sữa.
a) Đối với các nông trường:
Các nông trường chăn nuôi trâu, bò phải tận dụng khả năng đồng cỏ và cải tạo đồng cỏ để đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò thịt, sữa và sản xuất con giống với mức cao nhất, đồng thời phải tích cực giúp đỡ các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất và nhân dân trong vùng về con giống, cải tạo đồng cỏ, chế biến sản phẩm, v.v… nhằm phát triển chăn nuôi, tạo thành vùng chăn nuôi trâu, bò thịt, sữa tập trung, có nhiều sản phẩm hàng hóa. Các nông trường kinh doanh các loại cây con khác và các lâm trường cũng có trách nhiệm đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò để tạo ra nguồn phân bón và các sản phẩm chăn nuôi khác.
b) Đối với các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp:
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở miền núi và trung du có nhiều đồng cỏ, phải chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản để giải quyết sức kéo tại chỗ và cung cấp con giống, trâu, bò cày kéo cho vùng đồng bằng. Những nơi có đồng cỏ tập trung phải có kế hoạch tận dụng đồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò đàn.
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở đồng bằng phải có kế hoạch chăn nuôi trâu, bò cày kéo kết hợp sinh sản để tự giải quyết phần lớn sức kéo. Ở những nơi tiến hành cơ giới hóa nông nghiệp, tùy theo mức độ cơ giới hóa hàng năm, các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất vẫn phải giữ đàn trâu, bò của tập thể, tùy theo tình hình có thể chuyển cho gia đình xã viên nuôi để tiếp tục dùng vào vận chuyển, lấy phân bón, bê, nghé, thịt, sửa hoặc điều hòa cho những nơi còn thiếu sức kéo.
Ở vùng vành đai thực phẩm của các thành phố, khu công nghiệp và những nơi có điều kiện chăn nuôi trâu, bò thuận lợi, các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất được sử dụng đất 10 - 15% dành cho chăn nuôi để phát triển chăn nuôi trâu, bò lấy sữa, thịt và trâu, bò sinh sản.
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở miền Nam khi mới thành lập chỉ được mua của xã viên với giá thỏa thuận một số trâu, bò cày đủ cho nhu cầu cày kéo. Khi hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có đủ điều kiện mới mở rộng kinh doanh chăn nuôi trâu, bò đàn.
c) Đối với các gia đình:
Nhà nước khuyến khích các gia đình phát triển chăn nuôi trâu, bò riêng không hạn chế về số lượng, trên cơ sở bảo đảm góp đủ số ngày công cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất (nếu là xã viên hợp tác xã và tập đoàn sản xuất), không thuê mướn nhân công chăn dắt và không để trâu, bò phá hoại sản xuất. Riêng ở miền Nam, những gia đình nuôi nhiều trâu, bò lấy sữa, thịt, được thuê một số nhân công chăn dắt trâu, bò theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện và giúp đỡ gia đình xã viên chăn nuôi trâu, bò như cho trâu, bò nuôi riêng của xã viên được chăn dắt trên những bãi cỏ được quy định; phân phối cho xã viên một phần phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho trâu, bò, v.v…
d) Đối với các lâm trường, công trường, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, v.v…
Nhà nước khuyến khích các tổ chức nói trên phát triển chăn nuôi trâu, bò lấy sữa, thịt để cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân và bộ đội hoặc để tự giải quyết sức kéo và phân bón.
2. Chính sách, biện pháp về giống, sinh sản và lai tạo.
Để phát triển mạnh đàn trâu, bò, phải hết sức coi trọng tăng nhanh tốc độ sinh sản của trâu, bò.
Đi đôi với cân đối sức kéo cho đồng ruộng, mỗi địa phương, mỗi cơ sở sản xuất nông nghiệp phải cân đối đàn cái sinh sản với đực giống. Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất cần gây nuôi đủ trâu, bò đực giống trong từng thôn, xóm.
Xã viên nuôi trâu, bò đực giống, trâu, bò cái sinh sản của hợp tác xã và tập đoàn sản xuất được trả công điểm chăn dắt cao hơn công chăn dắt trâu, bò cày kéo không sinh sản và được hợp tác xã, tập đoàn sản xuất cấp cho một số thức ăn tinh (trích ở số thức ăn dành cho chăn nuôi) để bồi dưỡng cho trâu, bò đực giống khi phối giống và trâu, bò cái khi chửa đẻ.
Bê, nghé do trâu, bò của hợp tác xã giao cho xã viên nuôi đẻ ra, khi được 1 năm tuổi, nếu hợp tác xã cần lấy thì hợp tác xã phải trả cho người nuôi trâu, bò mẹ 80%, người nuôi trâu, bò đực giống của hợp tác xã 5% giá trị con bê, nghé đó theo giá thỏa thuận. Nếu hợp tác xã không cần lấy thì người nuôi trâu, bò mẹ được để lại nuôi riêng hoặc bán ở thị trường nhưng phải trả cho hợp tác xã 15% và người nuôi trâu, bò đực giống của hợp tác xã 5% giá trị con bê, nghé đó.
Những người nuôi trâu, bò đực giống riêng được quyền thu tiền của người nuôi trâu, bò cái khi phối giống theo sự thỏa thuận giữa hai bên.
Để nhanh chóng nâng cao chất lượng đàn trâu, bò, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh, thành phố có trách nhiệm xây dựng hệ thống các cơ sở giống trâu, bò, sản xuất nhiều con giống tốt cung cấp cho các hợp tác xã và nhanh chóng mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo.
Nhà nước khuyến khích các nông trường, hợp tác xã và nhân dân lai tạo trâu, bò, không thu tiền chi phí về phối giống bằng thụ tinh nhân tạo (kể cả tinh đông viên và tinh lỏng) và cứ mỗi lần sinh sản được một bê, nghé lai thì người nuôi được Nhà nước thưởng 15 đồng. Giá thu mua bê, nghé lai được quy định cao hơn giá bê, nghé nội 20%.
Những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và gia đình thiếu vốn mua trâu, bò giống được Nhà nước cho vay vốn dài hạn, kể cả vay vốn bằng tiền mặt khi cần thiết.
3. Chính sách, biện pháp về thức ăn cho trâu, bò.
Các nông trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và gia đình phải có kế hoạch sản xuất, dự trữ đủ thức ăn cho trâu, bò ăn quanh năm, nhất là trong mùa khô, rét.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện miền núi và trung du phải khoanh vùng, quy định rõ khu vực đồng cỏ, khu vực khai hoang để trồng trọt và khu vực trồng rừng, không để khai hoang trồng trọt manh mún trên đồng cỏ, vừa khó bảo vệ sản xuất vừa gây khó khăn cho việc chăn dắt trâu, bò.
Để khuyến khích việc cải tạo đồng cỏ, Nhà nước đầu tư vốn không phải hoàn lại cho các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất khai hoang để xây dựng đồng cỏ theo quyết định số 272-CP ngày 03-10-1977 của Hội đồng Chính phủ.
Diện tích đồng cỏ trồng và cải tạo được sử dụng phân hóa học theo định mức để chăm bón và được cung ứng một số vật liệu cần thiết để rào và bảo vệ đồng cỏ.
Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất ở đồng bằng phải tận dụng đất bờ kênh, bờ đê, bờ mương máng, mặt nước… để sản xuất rau, cỏ và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Nếu còn thiếu, hợp tác xã có thể dành một phần đất trong số đất 10-15% dành cho chăn nuôi để sản xuất thức ăn cho trâu, bò.
4. Chính sách, biện pháp về thú y.
Ngành nông nghiệp phải phấn đấu trong những năm tới tiêu diệt bệnh dịch tả trâu, bò, dịch lở mồm, long móng, khống chế dịch nhiệt thán, tụ huyết trùng, lao bò,… hạn chế tới mức thấp nhất sự thiệt hại do các bệnh ký sinh trùng và các bệnh thông thường khác gây ra.
Bộ Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tăng cường mạng lưới thú y để hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh phòng chống dịch bệnh và thường xuyên tổ chức những đợt tiêm phòng dịch cho trâu, bò. Nhà nước không thu tiền thuốc và các chi phí khác về phòng dịch, chống dịch, kiểm dịch các loại gia sức trong các cơ sở chăn nuôi quốc doanh, hợp tác xã và gia đình.
Các địa phương cần hướng dẫn và vận động các cơ sở chăn nuôi và gia đình làm chuồng nuôi trâu, bò, không được thả rông trâu, bò.
Những hợp tác xã, tập đoàn sản xuất xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò tập trung được Nhà nước cung ứng một số nguyên, vật liệu xây dựng mà địa phương không tự giải quyết được.
5. Chính sách lưu thông trâu, bò.
a) Thu mua:
- Các cơ sở chăn nuôi trâu, bò quốc doanh phải giao nộp sản phẩm chăn nuôi cho Nhà nước theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Phần sản phẩm vượt kế hoạch được để lại sử dụng hoặc bán cho Nhà nước, bán cho hợp tác xã và tập đoàn sản xuất theo giá thỏa thuận.
- Các lâm trường, công trường, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội, v.v…, chăn nuôi trâu, bò để tự giải quyết sức kéo và phân bón, có quyền sử dụng sản phẩm chăn nuôi vào việc cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân và bộ đội, không trừ vào tiêu chuẩn thực phẩm Nhà nước cung cấp, nếu bán cho Nhà nước thì được mua theo giá thỏa thuận.
- Những nông trường mà Nhà nước không giao nhiệm vụ chăn nuôi trâu, bò, nếu nuôi ngoài chỉ tiêu kế hoạch một số trâu, bò thì cũng được áp dụng như đối với các lâm trường, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội.
- Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất chăn nuôi trâu, bò có quyền sử dụng hoặc bán sản phẩm chăn nuôi ở thị trường. Nếu bán cho Nhà nước thì được mua theo giá thỏa thuận.
Các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất có thể bán trâu, bò thịt hoặc sữa trâu, bò cho Nhà nước thay cho thịt lợn ghi trong hợp đồng kinh tế hai chiều. Tỷ lệ quy đổi giữa thịt trâu, bò hơi và sữa trâu, bò với thịt lợn hơi do Bộ Nội thương và Bộ Nông nghiệp quy định.
- Gia đình chăn nuôi trâu, bò được tự do sử dụng, được trao đổi, mua bán sản phẩm chăn nuôi ở thị trường. Nếu bán cho Nhà nước thì Nhà nước mua theo giá thỏa thuận.
Giá thỏa thuận nói trong nghị quyết này là giá thuận mua vừa bán, không ép buộc dưới bất cứ hình thức nào.
b) Giá chỉ đạo:
Ủy ban Vật giá Nhà nước và Bộ Nông nghiệp nghiên cứu và sớm trình Hội đồng Chính phủ sửa đổi lại giá chỉ đạo thu mua trâu, bò cày kéo, trâu, bò thịt và sữa trâu, bò theo nguyên tắc giá đó phải bảo đảm cho người chăn nuôi bù đắp được chi phí sản xuất và có một phần lãi.
Chú ý giảm bớt cấp loại trâu, bò và hướng dẫn cách tính trọng lượng, áp dụng cho những nơi không có điều kiện cân trâu, bò để đảm bảo việc thu mua trâu, bò được thuận tiện và công bằng.
Giá trâu, bò giống do Bộ Nông nghiệp quy định.
c) Tổ chức lưu thông:
Các tổ chức sản xuất và nhân dân được tự do mua bán, lưu chuyển các loại trâu, bò, bê, nghé ở tất cả các địa phương trong cả nước. Xóa bỏ việc cấm vận trâu, bò mà một số địa phương trước đây đã quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện có trách nhiệm khôi phục hoặc mở chợ trâu, bò để tạo điều kiện cho nhân dân mua bán trâu, bò được dễ dàng. Cho phép thương nhân đăng ký buôn bán, lưu chuyển trâu, bò giữa các địa phương.
Khi lưu chuyển trâu, bò, mọi người phải thực hiện đúng những quy định về kiểm dịch động vật để đề phòng dịch bệnh lây lan.
Để bảo đảm sức kéo, bảo vệ trâu, bò sinh sản và đề phòng dịch bệnh gia súc, Nhà nước cho phép các tổ chức và nhân dân được mổ thịt ăn hoặc bán ở thị trường những trâu, bò trên 1 năm tuổi.
- Cấm mổ thịt những trâu sử dụng làm sức kéo và những trâu, bò cái nuôi để sinh sản.
- Cấm mổ thịt trâu, bò bị bệnh dịch và trâu, bò ở những nơi đang có dịch.
Đơn vị và cá nhân mổ thịt trâu, bò phải thực hiện đúng những quy định về thú ý và phải nộp thuế sát sinh.
Để tạo một thế chuyển biến mạnh mẽ về chăn nuôi trâu, bò, Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể tổ chức phổ biến sâu rộng nghị quyết này xuống cơ sở, đồng thời phát động quần chúng thi đua chăn nuôi trâu, bò, kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị và cá nhân chăn nuôi giỏi.
Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm giúp đỡ và chỉ đạo các địa phương xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển đàn trâu, bò phù hợp với điều kiện từng vùng, tăng cường tổ chức ngành chăn nuôi trâu, bò từ trung ương đến cơ sở và tích cực xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y… đảm bảo cho ngành chăn nuôi trâu, bò phát triển với tốc độ nhanh.
Bộ Nông nghiệp ra thông tư hướng dẫn thi hành nghị quyết này, sau khi đã bàn với các ngành có liên quan.
Những chủ trương, chính sách ban hành trước đây trái với những quy định trong nghị quyết này đều bãi bỏ.
|
TM.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.