BỘ
CHÍNH TRỊ |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 32-NQ/TW |
Hà Nội, ngày 5 tháng 8 năm 2003 |
1. Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, lá chắn cho Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính biển ra của các tỉnh phía Bắc, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, luôn phát huy truyền thống cách mạng và năng động, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, đến nay Hải Phòng đã trở thành một thành phố công nghiệp, đô thị loại I của đất nước; một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển - đảo; có vị trí trọng yếu cả về kinh tế và quốc phòng - an ninh.
Xây dựng và phát triển Hải Phòng về nhiều mặt còn có ý nghĩa quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước.
2. Những năm qua, nhất là hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đã và đang kế thừa truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giành được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là: đã phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế và nội lực, đưa kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, tạo tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra cho năm 2005; cơ cấu kinh tế đang có bước chuyển biến tích cực, đúng hướng, trong đó một số ngành như công nghiệp đóng tàu, sản xuất thép, dịch vụ vận tải hàng hóa thông qua cảng... có bước phát triển khá nhanh; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng đô thị và thu hút đầu tư nước ngoài có tiến bộ; thu ngân sách tăng nhanh; việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân được triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả.
Công tác quản lý và phát triển đô thị có những chuyển biến rõ nét. Sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội... được quan tâm và có những tiến bộ mới. Mặt bằng dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thành phố được nâng lên một bước; bộ mặt nhiều vùng nông thôn ngoại thành và huyện đảo có nhiều khởi sắc.
Chính trị, xã hội ổn định; an ninh trên đất liền, trên biển đảo và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và việc xây dựng khu vực phòng thủ được củng cố một bước vững chắc; các vụ việc nổi cộm, nhất là khiếu kiện đông người được xử lý tốt hơn, không để diễn biến xấu.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng được củng cố và nâng cao; công tác kiểm tra, tổ chức và công tác cán bộ có tiến bộ, đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành về chất lượng chính trị và năng lực; phương thức lãnh đạo, điều hành, mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền và đoàn thể nhân dân gắn bó chặt chẽ hơn; nội bộ cấp uỷ đoàn kết, thống nhất; niềm tin và uy tín của Đảng bộ đối với nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao.
Kết quả trên đây đã giúp thành phố bước đầu phát huy vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc, đồng thời tạo điều kiện để thành phố vươn lên thực hiện tốt các nhiệm vụ còn lại của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.
3. Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố còn một số hạn chế, yếu kém: tuy kinh tế tăng trưởng gấp l,5 lần so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, vị trí, vai trò là cực tăng trưởng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm; sự lan toả và sức thu hút đối với sự phát triển trong vùng còn hạn chế. Chất lượng, hiệu quả của sự phát triển chưa cao, thiếu tính bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa vững chắc; các lợi thế và nguồn lực chưa được phát huy tốt, thu hút đầu tư nước ngoài chưa mạnh; thu ngân sách chưa vững chắc (thu nội địa mới đáp ứng 80% chi ngân sách của thành phố; du lịch phát triển chậm; kim ngạch xuất khẩu, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế.
Quản lý và phát triển đô thị còn nhiều bất cập, chất lượng công tác quy hoạch thấp, quản lý đất đai còn thiếu sót; cơ sở hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển chung. Một số tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn và còn diễn biến phức tạp; tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Hồng; đời sống nhân dân ở một số vùng còn khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định; lĩnh vực khoa học, công nghệ chưa được quan tâm đúng mức, ngang tầm với vị trí của thành phố.
Công tác cán bộ, củng cố và kiện toàn tổ chức, bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tình trạng hẫng hụt cán bộ vẫn còn diễn ra ở một số cấp, ngành và nhất là cấp cơ sở; cải cách hành chính chưa mạnh; công tác chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao...
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, yếu kém trên đây là do:
- Về chủ quan:
+ Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và một bộ phận cán bộ lãnh đạo và quản lý chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của thành phố, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn bất cập, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn hình thức.
+ Chưa có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá và những biện pháp đồng bộ để phát huy tốt nhất nội lực, các tiềm năng, lợi thế của thành phố, chưa tranh thủ đúng mức sự chỉ đạo, hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, các địa phương và chưa khai thác tốt nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chưa làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn có biểu hiện thụ động, ỷ lại.
- Về khách quan: điểm xuất phát thấp; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là ở những vùng ven biển, hải đảo còn khó khăn. Nguồn đầu tư của Trung ương cho Hải Phòng còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí của thành phố. Một số cơ chế, chính sách vĩ mô của Nhà nước chưa phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố, một số bộ, ngành Trung ương chưa chủ động phối hợp chặt chẽ, kịp thời với thành phố trong việc triển khai các quyết định của Chính phủ nhất là trong việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn.
II- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2020
1. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Hải Phòng có những thuận lợi cơ bản, song cũng đứng trước những khó khăn, thách thức gay gắt, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân thành phố phải nỗ lực phấn đấu vượt bậc.
Với vị trí, vai trò của mình, từ nay đến năm 2020, thành phố phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đô thị trung tâm cấp quốc gia; đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu (nếu điều kiện kỹ thuật cho phép); một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thuỷ sản, giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị không ngừng lớn mạnh, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.
Phấn đấu Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020.
2. Để thực hiện phương hướng, mục tiêu trên, Đảng bộ thành phố Hải Phòng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
2.1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và lợi thế cho đầu tư, phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững để Hải Phòng cùng với Hà Nội, Quảng Ninh tạo thành tam giác kinh tế năng động, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước và ngược lại. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá và đô thị hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp nặng có lợi thế và tiềm năng như đóng mới, sửa chữa tàu biển, kể cả chế tạo động cơ và các trang bị cho tàu thuỷ; công nghiệp sản xuất các sản phẩm cơ khí nặng, các sản phẩm siêu trường, siêu trọng, cán thép, xi măng và hoá chất. Chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm và các ngành công nghiệp công nghệ cao; hình thành và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp, khu công nghiệp; tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu trong vùng để phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng, chế biến nông sản, thuỷ sản xuất khẩu. Nâng cao năng lực cạnh các cảng biển hiện có, xúc tiến nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu để đáp ứng kịp yêu cầu vận tải biển đang tăng nhanh. Phát triển mạnh du lịch, kinh tế biển và thuỷ sản. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ cao cấp và dịch vụ có hàm lượng chất xám. Tập trung cao hơn mọi nguồn lực của cả địa phương và Trung ương, tạo môi trường thuận lợi nhất, với các cơ chế, chính sách hấp dẫn, đủ mạnh để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo bước đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
2.2. Phải đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể không gian đô thị và các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, khẩn trương xây dựng các quy hoạch chi tiết, thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài để làm tốt công tác này. Thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý quy hoạch và quản lý đô thị. Đẩy mạnh việc nâng cấp và chỉnh trang đô thị đi đôi với khẩn trương xây dựng hình thành các khu đô thị mới, trước hết là khu đô thị mới Bắc sông Cấm theo tiêu chí văn minh, hiện đại để xây dựng Hải Phòng xứng đáng là đô thị loại I, đô thị trung tâm cấp quốc gia.
2.3. Đẩy nhanh hơn tiến trình sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh các thành phần kinh tế khác. Chủ động phối hợp, liên kết chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh và các địa phương khác trong vùng để cùng phát huy tiềm năng, lợi thế, vì sự phát triển chung.
2.4. Gắn phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc (việc làm, xoá đói giảm nghèo, ma tuý, mại dâm, tội phạm xã hội). Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục quan tâm chăm lo việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở 2 huyện đảo và những vùng khó khăn của thành phố.
2.5. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển - đảo, có phương án kịp thời đối phó với mọi tình huống xấu xảy ra, xử lý kịp thời và đúng đắn các vấn đề phức tạp nảy sinh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
2.6. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ.
2.7. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khoá IX quan tâm củng cố, xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo phương châm “hướng về cơ sở”; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; kịp thời phát hiện, biểu dương nhân rộng các điển hình tiên tiến; quan tâm chăm lo xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Xây đựng và phát trlển thành phố Hải Phòng với tốc độ nhanh, bền vững, vì Hải Phòng, vì vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Trách nhiệm này trước hết là của Đảng bộ và nhân dân thành phố, đồng thời cũng là trách nhiệm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, các đoàn thể nhân dân ở Trung ương và sự phối hợp thường xuyên của các địa phương trong vùng và cả nước.
2. Thành phố cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; đồng thời, các ban, bộ, ngành Trung ương cần có ý thức và trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ thành phố trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển các ngành trên địa bàn, kiểm tra và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thành phố. Các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh trong khu vực cần chủ động phát triển quan hệ liên kết, hợp tác với thành phố trên các lĩnh vực, tạo nên sự gắn bó và sức mạnh chung.
3. Giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương khẩn trương thực hiện các chủ trương sau:
3.1. Trên cơ sở xác định vị trí của thành phố đến năm 2020, cần tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, cập nhật, điều chỉnh đồng bộ quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch tổng thể phát triển thành phố về đô thị và kinh tế - xã hội đến năm 2010 và năm 2020 giúp thành phố làm tốt việc cụ thể hoá các quy hoạch chi tiết, phù hợp với một thành phố cảng công nghiệp hiện đại theo hướng mở và phát huy mạnh mẽ lợi thế riêng của thành phố.
3.2. Chỉ đạo việc thực hiện đầy đủ các cơ chế hiện hành đã phân cấp cho địa phương, đồng thời tiếp tục phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn cho thành phố, nhất là về đầu tư, tài chính, ngân sách, tổ chức cán bộ và thẩm quyền quyết định để tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh hơn.
3.3. Về những vấn đề cụ thể:
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ cho phép Hải Phòng được áp dụng cơ chế tài chính ưu đãi trong phân bổ ngân sách của Trung ương, để lại một số nguồn thu tại chỗ cho địa phương, nhất là nguồn thu từ quỹ đất, tương tự như đã áp dụng cho các đô thị loại I của quốc gia hoặc các cửa khẩu, tạo nguồn để thành phố thêm vốn đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông xây dựng khu đô thị mới Bắc sông Cấm; xây dựng hạ tầng du lịch và đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực hội nhập cho các doanh nghiệp.
- Bộ Giao thông vận tải cùng các ngành chức năng và thành phố khẩn trương điều tra, khảo sát và nghiên cứu bổ sung quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển ở Hải Phòng và vùng Đông Bắc, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu tại Lạch Huyện như đề nghị của thành phố và một số cơ quan chức năng chuyên ngành của Trung ương để trình Chính phủ sớm quyết định. Xác định việc huy động các nguồn lực, phân kỳ đầu tư, từng bước xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kéo dài tới Đình Vũ; hiện đại hoá, nâng cấp đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Đình Vũ; xây dựng các cầu (hoặc đường hầm) ra các huyện đảo và nâng cấp, mở rộng sân bay Cát Bi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế động lực và thành phố.
- Bộ Thuỷ sản, Tổng cục Du lịch nghiên cứu xây dựng đảo Bạch Long Vĩ sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ; xây dựng đảo Cát Bà cùng với Đồ Sơn, Hạ Long trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế của cả nước.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Uỷ ban Thể dục - Thể thao sớm trình Chính phủ việc thành lập Trường đại học Hải Phòng trên cơ sở nâng cấp Trường đại học Sư phạm Hải Phòng theo mô hình đại học đa ngành; xây dựng Bệnh viện Việt - Tiệp thành bệnh viện đa khoa khu vực với các chuyên khoa sâu, chất lượng cao nhằm phục vụ cho cả vùng duyên hải Bắc Bộ, góp phần giảm tải cho Thủ đô Hà Nội; nghiên cứu xây dựng khu liên hợp thể thao theo tiêu chuẩn hiện đại, đóng vai trò là một trong những trung tâm thể thao mạnh của cả nước.
- Bộ Quốc phòng phối hợp với thành phố xây dựng các phương án kết hợp quốc phòng với kinh tế trên các vị trí phòng thủ trọng yếu của thành phố, nghiên cứu xây dựng quân cảng tại Hải Phòng.
- Bộ Nội vụ cùng với Ban Tổ chức Trung ương sớm xem xét việc để Hải Phòng được hưởng các cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy và cán bộ theo tiêu chuẩn quy định đối với đô thị loại I.
4. Hàng năm, Ban Bí thư và Chính phủ làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng để nắm tình hình, chỉ đạo xử lý kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
|
TM.
BỘ CHÍNH TRỊ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.