CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/1997/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1997 |
VỀ ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ PHỤC VỤ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC
Công nghệ tự động hoá là tập hợp các phương pháp và kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo ra các thiết bị, hệ thống thiết bị và quá trình sản xuất được điều khiển tự động để thay thế hoặc giảm nhẹ lao động trực tiếp của con người, đồng thời nâng cao năng suất lao động, chất lượng của sản phẩm và hiệu quả hoạt động của con người trong các loại hình công việc khác nhau.
Ngày nay, tự động hoá xâm nhập và phát triển mạnh mẽ vào tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, có vai trò to lớn thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Nghị quyết này khái quát tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá ở nước ta, khẳng định các quan điểm, mục tiêu và đề ra các chủ trương, biện pháp thực hiện để thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
I. TÌNH HÌNH VÀ YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ Ở VIỆT NAM
1. Nền công nghiệp nước ta được hình thành và phát tiển từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh nên mặc dù trong những năm qua đã được quan tâm đầu tư, đổi mới và gần đây có những sự thay đổi rõ rệt, nhưng nhìn chung vẫn còn là một nền công nghiệp chậm phát triển với công nghệ sản xuất lạc hậu, sản xuất thủ công và cơ khí nhỏ chiếm tỷ lệ lớn trong nhiều lĩnh vực kinh tế, mới có một số các dây chuyền sản xuất được bán tự động hoặc tự động hoá ở trình độ thấp và còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Nhằm tạo ra sự chuyển biến trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năm 1990 Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ban điều hành Nhà nước về tự động hoá. Năm 1994 hội khoa học công nghệ tự động Việt Nam được thành lập để tập hợp và phát huy tiềm lực của đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực tự động hoá. Mấy năm nay công tác nghiên cứu triển khai phát triển công nghệ tự động hoá đã được quan tâm và đầu tư phát triển. Các chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ và các dự án thử nghiệm khoa học - công nghệ về tự đông hoá cấp Nhà nước giai đoạn 1986 - 1990; 1991 - 1995; 1996 - 2000 đã được triển khai thực hiện và đã thu được một số kết quả bước đầu trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng sản xuất. Nhưng nhìn chung, hiệu quả của các hoạt động này còn thấp và còn nhiều hạn chế.
3. Công tác đào tạo cán bộ về lĩnh vực tự động hoá đã có những chuyển biến, nội dung và hình thức đào tạo được hiệu chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tiến bộ kỹ thuật và yêu cầu sử dụng cán bộ, song cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cán bộ về lĩnh vực tự động hoá vẫn còn nghèo nàn, không đồng bộ. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ sở đào tạo với các viện nghiên cứu và các cơ sở sản xuất để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chưa được quan tâm đúng mức. Lực lượng cán bộ, chuyên gia kỹ thuật tự động hoá hiện nay còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi.
4. Gần đây, bên cạnh việc hình thành những khu công nghiệp, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài có công nghệ sản xuất tự động hoá hiện đại, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới, cải tiến, nâng cấp dây chuyền sản xuất của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đã có bước phát triển. Tuy nhiên, công việc này mới mang tính chất cục bộ, tự phát, còn nhiều vấn đề tồn tại trong các khâu từ nhập khẩu đến làm chủ công nghệ, cần có sự quản lý và chỉ đạo thống nhất của Nhà nước.
Nhìn chung, trong nền công nghiệp nước ta đã có sự quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu triển khai ứng dụng các công nghệ sản xuất tự động hoá tiên tiến, nhưng công tác này còn chậm. Sự chậm phát triển và đổi mới ứng dụng công nghệ tự động hoá là một nguyên nhân làm cho năng suất, chất lượng sản phẩm của nhiều ngành kinh tế chậm được nâng cao, đang là một thách thức lớn đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
5. Việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những năm tới đặt ra yêu cầu cấp bách phải tổ chức, thực hiện một chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá. Sự phát triển và đổi mới nhanh chóng công nghệ tự động hoá của các nước trong khu vực và thế giới tạo điều kiện cho chúng ta tiếp thu và áp dụng ngay các thành tựu mới của công nghệ tự động hoá hiện đại, tiên tiến. Tiềm năng vốn có của đội ngũ cán bộ kỹ thuật khi được tập hợp và sắp xếp lại, với những cơ chế, chính sách phù hợp và sự đầu tư thích đáng của Nhà nước sẽ trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy tiến trình tự động hoá các qua trình sản xuất.
Tình hình trên đây đòi hỏi nước ta phải có chiến lược riêng thông qua một chương trình quốc gia phát triển ứng dụng công nghệ tự động hoá nhằm góp phần nhanh chóng đưa nước ta vượt qua khỏi nguy cơ tụt hậu về kinh tế, vươn tới hội nhập vào cộng đồng thế giới và khu vực đang phát triển sôi động.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ ĐẾN NĂM 2020
1. Quan điểm ứng dụng và phát triển tự động hoá
a. Phát triển tự động hoá ở nước ta phải đồng thời đi theo cả hai hướng: Tiếp thu, ứng dụng những công nghệ tự động hoá tiên tiến của nước ngoài và nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nội sinh để nghiên cứu nâng cao, sáng tạo công nghệ. Trong giai đoạn trước mắt, tiếp thu, ứng dụng công nghệ là hướng chủ yếu.
b. Kết hợp một cách hợp lý giữa việc đổi mới công nghệ (kể cả đổi mới từng phần, hiện đại hoá từng khâu, tùng bộ phận) với việc tận dụng các công nghệ hiện có nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác mọi tiềm lực vốn có phục vụ phát triển sản xuất.
c. Tranh thủ đi thẳng vào ứng dụng công nghệ tự động hoá hiện đại có chọn lọc, phù hợp đối với từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất và trong từng giai đoạn phát triển khác nhau. Chủ động trong chuyển giao công nghệ và nghiên cứu làm chủ công nghệ nhập để khai thác nâng cao hiệu quả ứng dụng, đồng thời làm cơ sở cho việc nghiên cứu sáng tạo nâng cao.
d. Triển khai ứng dụng công nghệ tự động hoá vào các lĩnh vực sản xuất, hoạt động dịch vụ kinh tế - xã hội, có phân giai đoạn thực hiện và đầu tư có trọng tâm vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp được lựa chọn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, vào các ngành then chốt phục vụ xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng.
đ. Các nội dung của công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phải xuất phát trực tiếp từ nhu cầu thực tế sản xuất trên cơ sở thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Nghiên cứu - Đào tạo - Sản xuất.
2. Mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá
a. Mục tiêu ngắn hạn đến năm 2000
- Lựa chọn, tiếp thu, giám định, làm chủ và khai thác có hiệu quả các công nghệ tự động hoá tiên tiến của nước ngoài được chuyển giao vào Việt Nam.
- Vận hành và khai thác có hiệu quả các thiết bị và dây chuyền công nghệ tự động hoá hiện có của các ngành sản xuất, đồng thời thực hiện việc cải tiến, nâng cấp hoặc đổi mới công nghệ trên cơ sở áp dụng công nghệ tự động hoá hoặc nâng cao mức độ tự động hoá.
- Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng ứng dụng các công nghệ, thiết bị tự động hoá tiên tiến trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp và các ngành then chốt như: Năng lượng, Dầu khí, Chế tạo máy, sản xuất Vật liệu xây dựng, Giao thông, Luyện kim, chế biến Nông - Lâm - Hải sản v.v...
- Tập hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành tự động hoá và từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai của đội ngũ này để có thể đảm đương được việc thực hiện các nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao trong những giai đoạn tiếp theo. Hình thành và đưa vào hoạt động các cơ sở thiết kế, chế tạo sử dụng công nghệ hiện đại (CAD, CAM).
- Xây dựng các định hướng chiến lược, chủ trương chính sách và quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ tự động hoá ở Việt Nam đến năm 2010 và 2020.
b. Mục tiêu dài hạn
Đến năm 2010 trình độ công nghệ tự động hoá của nước ta trong mọi lĩnh vực hoạt động nói chung phải tiếp cận trình độ của các nước phát triển trong khu vực. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ sản xuất phải được đổi mới về cơ bản với mức độ tự động hoá phát triển ở mức độ cao. Một số lĩnh vực phải đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
3. Nội dung ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá
Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá đến năm 2020 được phân thành các giai đoạn thực hiện phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: 1996 - 2000; 2000 - 2010 và 2010 - 2020. Nội dung thực hiện của mỗi giai đoạn được thể hiện bằng những kế hoạch cụ thể, có sự điều chỉnh qua mỗi giai đoạn thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đề ra và bao gồm những nội dung chính sau đây:
a. Công tác triển khai ứng dụng công nghệ tự động hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ vào mục tiêu đã lựa chọn trong chiến lược phát triển của mình, các ngành, các lĩnh vực được ưu tiên tiến hành xây dựng các dự án triển khai, ứng dụng công nghệ tự động hoá, có trọng điểm trong mỗi giai đoạn thực hiện chương trình.
Trên cơ sở kế hoạch và nhu cầu phát triển sản xuất, kế hoạch cải tạo, nâng cấp hoặc đổi mới công nghệ của các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp, các Bộ, Ngành, Địa phương hình thành chương trình gồm các dự án nghiên cứu triển khai của các cơ sở nghiên cứu khoa học và tư vấn công nghệ, các dự án chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
Áp dụng kỹ thuật mới để cải tiến, nâng cấp hoặc đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất hiện tại của các ngành kinh tế theo hướng nâng cao mức độ tự động hoá và tự động hoá các dây chuyền sản xuất thủ công, lạc hậu.
b. Công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ tự động hoá
- Tăng cường hoạt động tư vấn chuyển giao và giám định công nghệ, nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ tự động hoá của các nước trên thế giới để lựa chọn các công nghệ tiên tiến, thích hợp đối với từng ngành sản xuất của Việt Nam.
- Nghiên cứu làm chủ các công nghệ tiên tiến nhập để cải tiến, hiệu chỉnh và thích nghi các công nghệ này với điều kiện, yêu cầu sản xuất, khai thác có hiệu quả công nghệ nhập, nâng cao năng lực quản lý, vận hành và bảo dưỡng dây chuyền công nghệ.
- Nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, thiết kế, chế tạo các dây chuyền công nghệ tự động hoá tiên tiến tiếp cận với trình độ kỹ thuật hiện đại của thế giới.
c. Công tác đào tạo và xây dựng tiềm lực phát triển công nghệ tự động hoá
Yếu tố quyết định sự thành công của chương trình, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng nêu trên là năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Vì vậy, cần phải áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao về số lượng và chất lượng đào tạo cán bộ của các cơ sở đào tạo và nâng cao năng lực nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu Khoa học - Công nghệ về tự động hoá .
III. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP CHÍNH NHẰMTHÚC ĐẨY ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ TỰ ĐỘNG HOÁ
1. Xây dựng kế hoạch úng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá trên quy mô quốc gia.
Trên cơ sở các kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá của các Bộ, ngành và địa phương, cơ quan chỉ đạo thực hiện chương trình sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể quy mô Quốc gia trong từng năm, từng giai đoạn thực hiện và căn cứ vào kế hoạch này để lập ra các dự án triển khai ứng dụng cụ thể.
2. Xây dựng tiềm lực nghiên cứu khoa học - công nghệ
- Kiện toàn hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai về lĩnh vực tự động hoá của các Bộ, trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia, các doanh nghiệp, các phòng thí nghệm và trung tâm nghiên cứu của các trường đại học. Tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan này để hình thành mạng lưới hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo có đủ năng lực thực hiện các chức năng nghiên cứu triển khai, ứng dụng, tư vấn và giám định công nghệ.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu khoa học. Tập trung xây dựng một số đơn vị trọng điểm và các phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc Gia về tự động hoá; thành lập một số cơ sở sản xuất nghiên cứu triển khai công nghệ tự động hoá trong các khu công nghệ cao.
3. Tăng cường công tác nghiên cứu triển khai.
- Xây dựng và ban hành cơ chế quản lý, chính sách thích hợp nhằm đẩy mạnh và gắn kết công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo ở các viện nghiên cứu, các trường đại học với các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.
- Tăng cường việc chuyển giao và triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ sản xuất tự động hoá hiện đại hoá vào Việt Nam.
- Phối hợp, khai thác, kế thừa các hoạt động và kết quả nghiên cứu của các công trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của các viện nghiên cứu, các trường đại học để tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư.
4. Tổ chức đào tạo cán bộ.
Kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo cán bộ và tăng cường trang thiết bị thí nghiệm phục vụ đào tạo. Cải tiến, bổ xung và hoàn thiện chương trình, giáo trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ cán bộ. Xây dựng quy hoạch đào tạo và sử dụng cán bộ, chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành tự động hoá. Khuyến khích mọi hình thức đào tạo trong và ngoài nước.
5. Đẩy mạnh hợp tác Quốc tế
- Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ sự hợp tác Quốc tế để nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, tìm hiểu và chuyển giao công nghệ tự đông hoá vào Việt Nam.
- Tạo môi trường thuận lợi về pháp lý, tài chính, ngân hàng và hạ tầng cơ sở để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chuyển giao các công nghệ tự động hoá sản xuất hiện đại vào Việt Nam.
6. Hỗ trợ và huy động vốn
- Nhà nước ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, từ các chương trình viện trợ Quốc tế và huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cho công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và xây dựng tiềm lực cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tự động hoá.
- Nhà nước hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và huy động vốn đầu tư nước ngoài cho việc thực hiện các nội dung then chốt nhất trong các dự án triển khai ứng dụng. Xây dựng và ban hành các chính sách tài chính thích hợp về thuế, về tín dụng v.v... để khuyến khích, hỗ trợ hoặc buộc các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại tiên tiến.
Chính phủ lập Chương trình kỹ thuật - Kinh tế Quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá và giao trách nhiệm cho các Bộ, Ngành và địa phương trong việc thực hiện chương trình như sau:
- Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính, các Bộ ngành có liên quan và các địa phương xây dựng chương trình kỹ thuật - kinh tế Quốc gia về tự động hoá, tổ chức điều hành và chỉ đạo thực hiện chương trình.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp thẩm định, quản lý, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình và lập dự toán ngân sách cho việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình trong các kế hoạch hàng năm.
- Bộ Tài chính cấp phát kinh phí cho các Bộ, ngành và địa phương tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phối hợp với Bộ Công nghiệp, các cơ quan có liên quan xây dựng và ban hành các chính sách về tài chính nhằm khuyến khích việc ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá.
- Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường có trách nhiệm soạn thảo các quy chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện chương trình.
- Các Viện nghiên cứu của các Bộ, ngành, của các trường Đại học và Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công Nghệ Quốc gia tăng cường kết hợp với nhau, với các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và triển khai ứng dụng phát triển công nghệ tự đông hoá.
- Các Bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân địa phương xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch 5 năm, hàng năm của mình thông qua ban điều hành chương trình để tổng hợp vào kế hoạch chung của Nhà nước. Từng thời kỳ báo cáo cho Ban Điều hành về tình hình thực hiện của Bộ, ngành và địa phương mình. Trên cơ sở đó Ban Điều hành Chương trình tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.