HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 257-CP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 1979 |
I. NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI LỢN TRONG NHỮNG NĂM QUA
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ tư và Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ hai về chủ trương sớm đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính, cân đối với trồng trọt, trong mấy năm qua, một số địa phương đã chú trọng phát triển chăn nuôi lợn, từ đó đã tạo điều kiện đưa năng suất và sản lượng cây trồng nhất là lương thực hàng năm tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, đàn lợn cả nước từ năm 1976 đến nay không phát triển. Tổng số lợn năm 1978 có 8,8 triệu con, so với năm 1976 giảm 1,8%. Bình quân trên 1 hécta gieo trồng mới có 1,18 con. Trọng lượng lợn xuất chuồng thấp, bình quân 43kg/con. Tỷ trọng đàn lợn quốc doanh và tập thể mới chiếm 8,4%. Đàn lợn gia đình tăng chậm, bình quân thường xuyên mỗi hộ nông dân mới nuôi được 1, 2 con lợn và còn tới 20% hộ nông dân chưa nuôi lợn.
Chăn nuôi lợn bị giảm sút đã ảnh hưởng nhiều đến việc cung cấp thực phẩm, đồng thời giảm sút nguồn phân bón cho cây trồng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình nói trên là:
1. Các ngành, các cấp từ trung ương đến cơ sở chưa quán triệt yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện và mối quan hệ mật thiết giữa trồng trọt và chăn nuôi, chưa thấy rõ chăn nuôi là động lực thúc đẩy trồng trọt phát triển, nên trong công tác chỉ đạo thường tách rời sản xuất lương thực và chăn nuôi, không mạnh dạn đầu tư ban đầu cho chăn nuôi để đưa chăn nuôi lên cân đối với trồng trọt.
2. Các địa phương chưa mạnh dạn dành 15% đất để sản xuất thức ăn cho gia súc như Nghị quyết của trung ương Đảng đã đề ra. Đến nay các hợp tác xã ở miền Bắc mới dành khoảng gần 3% đất cho chăn nuôi. Diện tích vụ đông chưa được mở rộng. Việc quản lý nguồn thức ăn gia súc chưa tốt, nhiều nơi còn tùy tiện dùng thóc chăn nuôi vào những việc khác như bồi dưỡng tập quân sự, làm thủy lợi, liên hoan, v.v…
Các nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp có thể làm thức ăn gia súc như cám, khô dầu, xác mắm.. có khối lượng rất lớn còn để phân tán ở nhiều ngành, quản lý thiếu chặt chẽ, chưa tập trung sử dụng cho chăn nuôi và còn lãng phí nhiều.
3. Cơ sở vật chất và kỹ thuật về giống lợn, chế biến thức ăn, thú y, v.v… còn thiếu và hoạt động yếu. Những cơ sở đã có thường chưa sử dụng hết công suất thiết kế.
4. Nhiều chính sách về chăn nuôi chưa được chấp hành nghiêm chỉnh, mặt khác có một số chính sách không còn phù hợp với tình hình mới cũng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.
5. Bộ máy chỉ đạo và quản lý ngành chăn nuôi lợn chưa được tổ chức thành hệ thống từ trung ương đến cơ sở, hiệu lực chỉ đạo còn quá yếu.
II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI LỢN TRONG NHỮNG NĂM TỚI
Trong những năm tới, Bộ Nông nghiệp và các địa phương phải đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn với tốc độ nhanh và vững chắc nhằm đáp ứng ba yêu cầu: tăng nguồn thực phẩm, giải quyết phân bón cho cây trồng và tăng nguồn hàng xuất khẩu, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch Nhà nước.
Nói chung trong cả nước phải phấn đấu tiến tới mỗi hécta gieo trồng bình quân phải có 3 con lợn, sản xuất 150 kilôgam thịt lợn hơi, 7 tấn phân chuồng, trên cơ sở đó đảm bảo vững chắc năng suất lúa cả năm bình quân 5 tấn/hécta. Ở những vùng có năng suất lúa cao hơn, những vùng chuyên canh lúa, hoa màu, cây công nghiệp, vùng mở rộng diện tích vụ đông, v.v… có yêu cầu phân bón nhiều hơn, phải cố gắng đưa lên từ 4 đến 6 con lợn trên hécta gieo trồng.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, phải phát triển mạnh mẽ đàn lợn ở cả 3 khu vực: quốc doanh, tập thể và gia đình nông dân, chủ yếu là đẩy mạnh chăn nuôi trong khu vực tập thể và gia đình nông dân.
Nhiệm vụ chính của những cơ sở chăn nuôi quốc doanh và tập thể là sản xuất nhiều lợn giống tốt, đồng thời cung ứng một cách có kế hoạch khối lượng thịt ngày càng nhiều và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn cho Nhà nước.
Chăn nuôi gia đình trong thời gian tới phải tiếp tục phát triển cả về số lượng và trọng lượng lợn xuất chuồng. Phấn đấu mỗi hộ thường xuyên nuôi 2 lợn, sản xuất trên 100 kilôgam thịt hơi/năm. Cố gắng giảm đến mức thấp nhất số hộ chưa nuôi lợn.
Bộ Nông nghiệp phải có kế hoạch khẩn trương mở rộng việc chăn nuôi lợn xuất khẩu, tiến hành khoanh một số vùng có điều kiện về con giống, thức ăn và thuận tiện giao thông để tổ chức nuôi lợn thịt, lợn sữa xuất khẩu; phải tận dụng các cơ sở sẵn có và nghiên cứu xây dựng thêm những cơ sở công nghiệp chế biến tổng hợp các sản phẩm chăn nuôi để xuất khẩu.
III. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP LỚN
a) Các tỉnh phải chỉ đạo các hợp tác xã xây dựng kế hoạch cân đối chăn nuôi với trồng trọt, kiên quyết dành 15% đất để trồng các loại cây làm thức ăn cho gia súc và phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về quản lý, sử dụng đất này trong Thông tư số 291-TTg ngày 19-05-1978 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ vụ mùa sắp tới và đông xuân 1979 – 1980, các huyện đồng bằng và trung du dành 15% đất cho chăn nuôi, vùng vành đai thực phẩm có thể dành tới 30 – 40%, các huyện miền núi cố gắng dành ít nhất 10% đất cho chăn nuôi.
Các hợp tác xã sử dụng số thức ăn trên đất phần trăm này để tổ chức chăn nuôi lợn tập trung và giao cho gia đình xã viên nuôi lợn cho hợp tác xã (ngoài số lợn mà gia đình phải thường xuyên nuôi theo kế hoạch) và nộp sản phẩm chăn nuôi cho hợp tác xã theo định mức quy định.
b) Ủy ban nhân dân và ngành nông nghiệp các tỉnh, huyện phải hướng dẫn kiểm tra việc dành đất cho chăn nuôi và sử dụng thức ăn sản xuất ra để phát triển chăn nuôi. Hàng năm hợp tác xã có kế hoạch phát triển chăn nuôi bao nhiêu thì dành đất sản xuất đủ thức ăn cho chăn nuôi bấy nhiêu.
c) Để có một khối lượng thức ăn đầu tư ban đầu cho ngành nông nghiệp và ngành ngoại thương tổ chức chăn nuôi lợn xuất khẩu, trong hai năm 1979 và 1980, Nhà nước cho nhập một số ngô, cao lương… đủ để làm vốn quay vòng xuất khẩu lợn và nhập khẩu thức ăn gia súc.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại thương bàn kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện chủ trương này ngay trong năm 1979.
Ở những vùng có điều kiện, có thể tổ chức công ty chăn nuôi xuất khẩu để đảm nhiệm việc sản xuất kinh doanh lợn xuất khẩu.
d) Bộ Nông nghiệp và các địa phương phải đẩy mạnh việc chế biến thức ăn gia súc theo lối công nghiệp; khẩn trương tổ chức những nông trường chuyên trồng cây thức ăn gia súc để giải quyết đủ nguyên liệu cho các xí nghiệp thức ăn gia súc hoạt động hết công suất.
Trong những năm trước mắt ngoài số thức ăn cấp cho chăn nuôi quốc doanh. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Lương thực và Thực phẩm cần khoanh một số vùng màu tập trung để ngành nông nghiệp tổ chức thu mua hoa màu làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.
Các tỉnh phải giúp các hợp tác xã mở rộng việc chế biến thức ăn gia súc. Xây dựng những cơ sở chế biến thức ăn cho từng cụm 5, 7 hợp tác xã do huyện chỉ đạo và hướng dẫn.
e) Thống nhất việc quản lý, bảo quản, chế biến và phân phối thức ăn gia súc vào ngành nông nghiệp. Tất cả các ngành có những phụ phẩm công, nông nghiệp có thể dùng làm thức ăn gia súc, đều phải giao nộp cho ngành nông nghiệp theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước để chế biến thành thức ăn hỗn hợp, phân phối cho các cơ sở chăn nuôi. Ngành hải sản phải tận thu cá vụn và các phụ phẩm công nghiệp chế biến hải sản để chế biến thành bột cá cho chăn nuôi, đồng thời ở những nơi ngành hải sản không có điều kiện thu mua hết số cá vụn thì ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngành hải sản, tổ chức thu mua hết số cá vụn này để chế biến thành thức ăn gia súc.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng với các Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực và Thực phẩm, Bộ Hải sản, Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương bàn kế hoạch thực hiện chủ trương nói trên. Bộ Nông nghiệp cần tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để có thể tiếp nhận các nguồn thức ăn của các ngành giao cho vào đầu năm 1980.
Để có đủ lợn con giống đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi lợn với tốc độ nhanh, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh phải có kế hoạch tăng nhanh đàn lợn nái cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức gây thêm nhiều lợn nái đồng thời chọn lọc, nuôi dưỡng tốt để tăng số lứa đẻ trong một năm, tăng số con nuôi sống trong mỗi lứa.
Địa phương nào cũng phải có kế hoạch sản xuất lợn con giống cân đối với kế hoạch chăn nuôi, trước mắt phải tự giải quyết đủ lợn con giống trong từng huyện, tiến tới tự giải quyết đủ trong từng hợp tác xã và có kế hoạch cải tạo giống lợn xấu bằng cách tổ chức bình tuyển, chọn lọc giống lợn địa phương và phát triển các giống lợn lai, giống lợn mới có năng suất cao.
Phải gây nuôi đủ lợn đực giống tốt, đồng thời mở rộng diện thụ tinh nhân tạo lợn sớm nâng tỷ trọng đàn lợn lai và lợn ngoại chiếm ít nhất 40% tổng số lợn.
Bộ Nông nghiệp cần có kế hoạch củng cố và hoàn chỉnh hệ thống trại giống lợn từ trung ương đến cơ sở. Phải đảm bảo mọi điều kiện cần thiết, nhất là thức ăn để phát huy tác dụng của các trại giống trong việc cải tạo dần đàn lợn giống của ta ngày càng có phẩm chất tốt và năng suất cao.
Trong những năm tới, phải phấn đấu hạn chế và giảm tới mức thấp nhất sự thiệt hại về dịch bệnh. Tiêu diệt bệnh dịch tả lợn, hạn chế bệnh dịch đóng dấu, tụ huyết trùng và các bệnh ký sinh trùng của lợn.
Bộ Nông nghiệp phải tăng cường hệ thống thú y từ trung ương đến cơ sở, nhanh chóng mở rộng mạng lưới thú y dân lập ở tất cả các huyện.
a) Đối với chăn nuôi quốc doanh:
Các nông trường chăn nuôi phải có kế hoạch sản xuất thức ăn và giao nộp thịt cho Nhà nước theo chỉ tiêu kế hoạch.
Sau khi đã tận dụng hết khả năng sản xuất thức ăn để chăn nuôi lợn, nếu xét thấy còn có điều kiện chăn nuôi được nhiều hơn thì Nhà nước sẽ giao thêm thức ăn để nông trường sản xuất con giống hoặc lợn thịt giao nộp cho Nhà nước theo định mức quy định.
Nếu nông trường giao nộp định mức kế hoạch thì phần thịt vượt kế hoạch được tính theo giá khuyến khích.
b) Đối với chăn nuôi của hợp tác xã:
Ruộng đất thực sự dành cho chăn nuôi của hợp tác xã không tính vào diện tích phải bán lương thực cho Nhà nước, nhưng phải làm nhiệm vụ bán thịt cho Nhà nước. Thuế Nông nghiệp trên đất dành cho chăn nuôi được nộp bằng tiền.
Hợp tác xã phải sử dụng toàn bộ sản phẩm trên đất phần trăm này vào mục đích chăn nuôi và bán lợn thịt cho Nhà nước theo định mức hợp lý ổn định cho mỗi hécta đất dành cho chăn nuôi.
Nhà nước thu mua theo hợp đồng kinh tế hai chiều 90% số lợn thịt chăn nuôi theo kế hoạch, trong đó 50% mua theo giá chỉ đạo, 40% mua theo giá khuyến khích.
c) Đối với chăn nuôi của gia đình nông dân:
Nhà nước thu mua theo hợp đồng kinh tế hai chiều 50% số lợn thịt chăn nuôi theo kế hoạch với giá chỉ đạo. Đối với phần còn lại, nông dân được sử dụng hoặc trao đổi với thị trường, nếu bán cho Nhà nước thì được trả theo giá khuyến khích và được mua thêm một số hàng công nghiệp.
Ổn định mức bán lợn thịt cho Nhà nước theo kế hoạch giao cho hợp tác xã và gia đình nông dân trong từng kế hoạch 5 năm, bắt đầu từ năm 1980.
Những địa phương có cơ sở chăn nuôi quốc doanh và tập thể phát triển mạnh mẽ, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch được giao thì có thể giảm bớt số lợn thịt thu mua của gia đình nông dân.
Giá chỉ đạo vẫn như cũ, giá khuyến khích hiện nay tính tăng 50% so với giá chỉ đạo.
d) Đối với những người nuôi lợn nái, lợn đực giống:
Nhà nước khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi lợn sinh sản.
Người nuôi lợn nái bán lợn con giống theo kế hoạch điều hòa của địa phương thì được tính như bán lợn thịt cho Nhà nước theo kế hoạch. Cứ mỗi kilôgam lợn con giống được tính bằng 1,2 đến 1,5 kilôgam lợn thịt và được hợp tác xã bán hỗ trợ cho từ 1 đến 2 kilôgam thức ăn tinh, trích ở số thức ăn ở đất phần trăm dành cho chăn nuôi. Nếu là lợn lai kinh tế hay lợn ngoại thì được tính cao hơn một ít.
Người nuôi lợn đực giống theo kế hoạch của địa phương được miễn bán lợn thịt cho Nhà nước và hàng năm được hợp tác xã bán hỗ trợ cho một số thức ăn ngang với số thức ăn bình quân bán cho người nuôi lợn nái.
Những gia đình nuôi lợn nái và lợn đực giống nếu không có điều kiện nuôi lợn thịt thì được hợp tác xã bán cho từ 5 đến 10 kilôgam thịt mỗi năm, lấy ở số thịt mà hợp tác xã tính cho người nuôi lợn thịt có nhận lợn con do hợp tác xã điều hòa.
Phát triển chăn nuôi lợn với tốc độ nhanh trong điều kiện lương thực còn có khó khăn và làm cải biến tập quán lâu đời về chăn nuôi lợn trong nhân dân là một việc rất khó. Ngành nông nghiệp và Ủy Ban Nhân Dân các cấp cần có nhận thức đầy đủ, tổ chức kiểm điểm những ưu khuyết điểm của ngành và địa phương, đề ra kế hoạch và biện pháp cụ thể, đồng thời phải chỉ đạo tập trung, giải quyết dứt điểm những vấn đề cụ thể để nhanh chóng đưa chăn nuôi tiến lên.
Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm chấn chỉnh lại công tác chỉ đạo chăn nuôi, cố gắng trong một thời gian ngắn xây dựng tổ chức ngành chăn nuôi lợn thành một ngành có hệ thống từ trung ương đến cơ sở và có hiệu lực chỉ đạo.
Bộ Nông nghiệp và Ủy Ban Nhân Dân các cấp phải có kế hoạch phổ biến sâu rộng nghị quyết này xuống cơ sở, phối hợp với các đoàn thể phát động quần chúng thi đua phát triển chăn nuôi, kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào chăn nuôi lợn, phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi tốt, đồng thời phải động viên khen thưởng thích đáng những đơn vị và cá nhân chăn nuôi giỏi.
Bộ Nông nghiệp cùng với các ngành có liên quan khẩn trương ban ngành thông tư hướng dẫn cụ thể việc thi hành nghị quyết này.
Những chủ trương và chính sách ban hành trước đây trái với những điều quy định trong nghị quyết này đều bãi bỏ.
|
T.M.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.