HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 168-CP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1968 |
Hội đồng Chính phủ, trong phiên họp Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 07 tháng 8 năm 1968, sau khi nghe ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê báo cáo, đã nhận định tình hình tính toán kinh tế trong thời gian qua ở nước ta, đề ra phương hướng nhiệm vụ và một số biện pháp đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật tính toán, từng bước cơ khí hoá, tiến lên tự động hoá công tác tính toán kinh tế trong thời gian tới như sau :
Trong công tác quản lý kinh tế của ta hiện nay, trình độ hạch toán còn rất thấp, việc nghiên cứu và phân tích kinh tế chưa được coi trọng : việc ứng dụng toán kinh tế vào công tác kế hoạch hoá và quản lý kinh tế chưa được chú ý, các phương pháp tính còn sơ sài ; hệ thống thông tin kinh tế chưa hoàn chỉnh, các chế độ ghi chép, các biểu mẫu báo cáo, các phương pháp tính toán chưa thống nhất ; việc chấp hành các chế độ báo cáo chưa nghiêm túc.
Khối lượng tính toán hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu của việc nâng cao trình độ hạch toán và tăng cường quản lý kinh tế. Số liệu ban đầu thu thập được chưa đủ để tiến hành tốt việc nghiên cứu kinh tế, nhiều chi tiêu quan trọng chưa tính toán được. Tính toán để phân tích kinh tế chưa sâu, chất lượng kém, sai sót nhiều.
Tính toán chủ yếu làm bằng tay, năng suất thấp, nhiều trường hợp tính chậm và kém chính xác. Bàn tính gẩy chưa được dùng rộng rãi, máy tính các loại hiện có còn ít, máy tính cỡ lớn chưa có và nói chung chưa biết sử dụng.
Mạng lưới thông tin liên lạc còn hẹp và chưa đủ sức phục vụ hoạt động bình thường của hệ thống thông tin kinh tế. Số liệu báo cáo chuyển từ cơ sở lên cấp trên rất chậm.
Để khắc phục các tình trạng nói trên, một trong những vấn đề cấp thiết là phải tiếp tục chấn chỉnh công tác tính toán kinh tế, gấp rút cải tiến kỹ thuật tính toán, từng bước cơ khí hoá, tiến lên tự động hoá công tác này.
II. VỀ CÔNG TÁC TRONG THỜI GIAN TỚI
Từ những nhận định trên, Hội đồng Chính phủ nêu lên phương hướng, nhiệm vụ công tác tính toán kinh tế và sử dụng công cụ tính toán trong thời gian tới như sau :
Vấn đề cải tiến kỹ thuật tính toán phải nhằm phục vụ tốt cho việc cải tiến quản lý kinh tế, nâng cao trình độ hạch toán và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước. Cải tiến kỹ thuật tính toán phải làm song song với việc hoàn chỉnh hệ thống thông tinh kinh tế, cải tiến phương pháp xử lý thông tin và hiện đại hoá từng bước mạng lưới thông tin liên lạc.
Trong kỹ thuật tính toán thì cơ khí hoá, tiến lên tự động hoá là mục tiêu lâu dài ; trước mắt, trong vài ba năm tới, phải áp dụng thật rộng rãi bàn tính gẩy, đồng thời thực hiện một phần cơ khí hoá (áp dựng máy tính cỡ nhỏ và máy tính đục lỗ) và một chừng mực nào đó tự động hoá công tác tính toán (áp dụng máy tính điện tử). Khi làm những việc trước mắt phải tích cực chuẩn bị cho các bước phát triển về sau.
Sau đây là một số vấn đề cụ thể :
1. Giải quyết một số vấn đề cơ bản.
Để góp phần tăng cường và nâng cao năng lực quản lý và hạch toán kinh tế, đồng thời tạo điều kiện thiết thực cho việc sử dụng công cụ cơ giới vào công tác tính toán và ứng dụng toán học vào quản lý kinh tế, Tổng cục Thống kê và các ngành trong khối kinh tế có trách nhiệm hoàn chỉnh hệ thống thông tinh kinh tế và cải tiến các phương pháp xử lý thông tin kinh tế. Cụ thể là :
- Tổng cục Thống kê cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hoàn chỉnh một hệ thống chi tiêu kinh tế tương đối ổn định.
Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và các ngành quản lý sản xuất và kinh doanh tiếp tục xây dựng chế độ ghi chép ban đầu thống nhất giữa 3 loại hạch toán thống kê, kế toán và nghiệp vụ kỹ thuật và các chế độ báo cáo thống kê làm cơ sở cho chế độ hạch toán thống nhất trong nền kinh tế quốc dân ; cải tiến chế độ biểu mẫu báo cáo cho thích hợp với cách làm tính trên máy ; đề ra biện pháp tăng cường kỷ luật báo cáo, bảo đảm cho các chế độ ghi chép ban đầu và các chế độ báo cáo được chấp hành nghiêm túc v.v…
- Tổng cục Thống kê cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các ngành quản lý kinh tế nghiên cứu ứng dụng toán kinh tế trong công tác kế hoạch hoá và quản lý kinh tế, cải tiến và làm phong phú thêm các phương pháp tính, nghiên cứu và đề xuất các phương pháp tính có hiệu suất cao, v.v…
- Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm nghiên cứu và thực hiện từng bước mở rộng và hiện đại hoá mạng lưới thông tin liên lạc, bảo đảm truyền đạt và trao đổi thông tin kinh tế giữa các ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất với các cơ quan chỉ đạo, tổng hợp và với các xí nghiệp tính toán được nhanh chóng, chính xác và bí mật.
2. Về sử dụng các phương tiện (công cụ) tính toán và tổ chức các cơ sở (xí nghiệp) tính.
Trước mắt phải tổ chức sử dụng thật rộng rãi các phương tiện tính toán nhỏ và cải tiến như bàn tính gẩy, các bảng tính lập sẵn v.v… Bắt đầu từ nay cho đến cuối năm 1969, tất cả cán bộ, nhân viên làm các công việc tính toán về kế toán, thông kê, kế hoạch và nghiệp vụ kỹ thuật ở các cơ quan, xí nghiệp, cửa hàng mậu dịch, v.v… phải biết sử dụng thành thạo bàn tính gẩy.
Phải tổ chức sử dụng thật hợp lý và thật tốt những máy tính đã có.
Trang bị thêm máy tính cỡ nhỏ (chú trọng máy tính quay tay) trước hết cho các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị kinh tế có khối lượng tính toán tương đối lớn.
Đồng thời, tại các cơ quan kinh tế tổng hợp ở trung ương và tại một số đơn vị kinh tế trọng yếu sẽ dần dần sử dụng máy tính cỡ lớn (máy tính đục lỗ và máy tính điện tử). Lúc đầu, có thể là chưa dùng hết công suất máy, nhưng cần mạnh dạn áp dụng một số máy tính cỡ lớn để thí nghiệm các phương pháp tính và các đồ án tính toán trên máy, nghiên cứu khoa học, đúc rút kinh nghiệm và lấy đó làm cơ sở đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân máy tính, đồng thời góp sức giải quyết một phần khối lượng tính toán.
Đối với chiếc máy tính điện tử hiện có thì Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước nên tổ chức giới thiệu sử dụng, đồng thời qua đó mà đào tạo cán bộ. Các ngành kinh tế có thể sử dụng máy này để thí nghiệm các đồ án tính toán và nghiên cứu việc chuẩn bị xây dựng trung tâm tính toán của ngành mình.
Phải thi hành thật chặt chẽ các quy chế về bảo dưỡng và sửa chữa máy tính. Phải xây dựng các cơ sở sửa chữa máy tính và tổ chức quản lý thống nhất các cơ sở ấy về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ.
Việc xây dựng các cơ sở (xí nghiệp) tính toán phải đi từ nhỏ đến lớn, từ hình thức thấp đến hình thức cao. Phải làm thí điểm, đúc rút kinh nghiệm rồi mở rộng dần mạng lưới các cơ sở (xí nghiệp) tính toán.
Trong tương lai, theo sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu của công tác cải tiến quản lý kinh tế sẽ tổ chức ở nước ta đủ bốn hình thức xí nghiệp tính toán : phòng máy tính, trạm máy tính, trung tâm tính toán và hệ thống điều khiển tự động. Trước mắt trong vài ba năm tới, chú trọng xây dựng các phòng, trạm máy tính và một vài trung tâm tính toán làm thí điểm.
Giao cho Tổng cục Thống kê, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế và văn hoá và yêu cầu chung của nền kinh tế quốc dân lập kế hoạch tổ chức và trang bị trong từng thời gian vài ba năm một, và dự kiến hướng trang bị cho đợt sau để dần dần từng bước đi từ áp dụng công cụ cải tiến tới cơ khí hoá và tự động hoá công tác tính toán.
Bộ Nội thương và các cơ quan quản lý công nghiệp địa phương phải tổ chức sản xuất và phân phối bàn tính gẩy để kịp cung cấp cho nhu cầu rất lớn sắp tới của các ngành kinh tế quốc dân.
Bộ Công nghiệp nặng có trách nhiệm nghiên cứu và tổ chức sản xuất các phụ tùng thay thế, các chi tiết máy tính và tiến lên sản xuất các loại máy tính mà ta có thể sản xuất được.
Bộ Ngoại thương có trách nhiệm nhập khẩu đủ các loại máy tính theo kế hoạch hàng năm với chất lượng tốt và giá rẻ.
3. Về nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ.
Trong việc thực hiện cơ khí hoá và tự động hoá tính toán kinh tế, công tác nghiên cứu khoa học phải được tiến hành song song với việc trang bị kỹ thuật và quản lý các cơ sở (xí nghiệp) tính toán. Phải có kế hoạch nghiên cứu ứng dụng toán kinh tế vào công tác kế hoạch hoá và quản lý kinh tế, nghiên cứu nâng cao năng suất và chất lượng tính toán, cải tiến các phương pháp xử lý thông tin, cải tiến các loại phương tiện tính toán dùng trong kinh tế, đúc rút kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật của nước ngoài để nhanh chóng đuổi kịp trình độ thế giới và giải quyết tốt vấn đề cơ khí hoá và tự động hoá tính toán kinh tế ở nước ta.
Vấn đề đào tạo cán bộ có vị trí rất quan trọng. Nó phải được thực hiện khẩn trương trên cả hai mặt :
a) Phổ cập các kiến thức cơ bản về kỹ thuật tính toán;
b) Đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên nghiệp và công nhân máy tính.
Số lượng cán bộ các loại cần đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu trước mắt và lâu dài ; cần áp dụng đồng thời tất cả các hình thức đào tạo ở trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, cần gửi nhiều người ra học ở nước ngoài, chủ yếu là theo các trình độ đại học và trên đại học.
Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và đại học môn kỹ thuật tính toán và cách sử dụng các phương tiện tính toán thông dụng.
Tổng cục Thống kê có trách nhiệm nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt phương án phổ cập các kiến thức cơ bản về kỹ thuật tính toán cho cán bộ, nhân viên, trước hết là cho cán bộ quản lý kinh tế và kỹ thuật.
Tổng cục Thống kê và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước nghiên cứu lập kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật máy tính để đưa vào kế hoạch chung về đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật.
Tổng cục Thống kê là cơ quan giúp Hội đồng Chính phủ tổ chức và chỉ đạo thực hiện công tác cải tiến kỹ thuật tính toán, từng bước cơ khí hoá và tự động hoá tính toán kinh tế trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân.
Giao cho Tổng cục Thống kê, cùng với các ngành liên quan, nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ quy định những vấn đề cụ thể không nêu trong nghị quyết này, như các điều lệ tổ chức và chế độ làm việc của các cơ sở (xí nghiệp) tính toán kinh tế, các kế hoạch sử dụng, sửa chữa, nhập khẩu, sản xuất và phân phối phương tiện tính toán, các quy chế về bảo dưỡng và sửa chữa máy tính, v.v…
Cho phép thành lập Cục kỹ thuật tính toán thuộc Tổng cục Thống kê. Tổ chức này có trách nhiệm giúp Tổng cục Thống kê làm hai nhiệm vụ chính :
a) Quản lý kỹ thuật các cơ sở (xí nghiệp) tính toán và các cơ sở sửa chữa máy tính ; tổng hợp, nghiên cứu và lập kế hoạch trang bị cho các cơ sở nói trên, kiến nghị kế hoạch nhập khẩu, sản xuất và phân phối các loại vật tư, thiết bị và phương tiện tính toán. (Trong tương lai, khi cơ khí hoá tính toán đã phát triển, Hội đồng Chính phủ sẽ xét và quy định trách nhiệm về việc thống nhất quản lý phân phối các phương tiện tính toán) ;
b) Nghiên cứu khoa học về cơ khí hoá và tự động hoá tính toán kinh tế ; lập kế hoạch đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật về cơ khí hoá và tự động hoá tính toán cho các ngành kinh tế.
Ở các cơ quan trung ương có khối lượng tính toán lớn, có nhiều xí nghiệp tính toán sẽ thành lập phòng kỹ thuật tính toán. Các phòng này chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Cục kỹ thuật tính toán.
Khi mạng lưới xí nghiệp tính toán đã mở rộng ở các thành phố và các tỉnh, sẽ thành lập phòng kỹ thuật tính toán trong các chi cục thống kê.
Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành có liên quan ở trung ương và các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố chấp hành đầy đủ nghị quyết này, quyết tâm đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật tính toán, từng bước cơ khí hoá và tiến lên tự động hoá công tác tính toán kinh tế để đưa công tác này lên kịp với yêu cầu nâng cao trình độ hạch toán, tăng cường và cải tiến công tác quản lý nền kinh tế quốc dân.
|
T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.