CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2004/NQ-CP |
Hà Nội , ngày 30 tháng 12 năm 2004 |
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 15/2004/NQ-CP NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2004 VỀ PHIÊN HỌP THƯỜNG KỲ THÁNG 12 NĂM 2004
Trong 2 ngày 27 và 28 tháng 12 năm 2004, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:
Trong năm qua, mặc dù có nhiều yếu tố tác động không thuận đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta như: rét đậm đến sớm, lũ quét, lở đất và hạn hán nặng kéo dài ở nhiều địa phương, dịch cúm gia cầm xảy ra trên diện rộng, giá cả thị trường thế giới và trong nước tăng cao... nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn được duy trì, đời sống xã hội vẫn tiếp tục phát triển. Nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt hoặc vượt kế hoạch Quốc hội đề ra. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch tích cực; công nghiệp và xuất khẩu tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao; thu ngân sách và thực hiện vốn đầu tư phát triển tăng, nhập siêu giảm; các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh, chính trị được giữ vững.
Đạt được kết quả trên là do sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và nhân dân cả nước. Đồng thời, cũng là kết quả của sự chỉ đạo khẩn trương, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, sự điều hành linh hoạt, cụ thể, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ. Năm 2004, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, chú trọng hơn công tác thanh tra, kiểm tra và bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giữa thực hiện nhiệm vụ trọng tâm với giải quyết vấn đề đột xuất. Tập thể Chính phủ đoàn kết, phát huy tinh thần tập trung, dân chủ, đề cao ý thức trách nhiệm, chủ động phối hợp hoạt động có hiệu quả trong bộ máy Chính phủ và với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Năm 2005 là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2001-2005), nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính theo lộ trình đề ra; khẩn trương triển khai ngay từ đầu năm các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ; chú trọng hơn đến phát triển các ngành dịch vụ, đến chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh; chủ động thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, kiềm chế tốc độ tăng giá trong phạm vi mục tiêu đã định; chỉ đạo tích cực phát triển các lĩnh vực xã hội, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm cả trong sản xuất và tiêu dùng; xử lý có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc như tăng dân số, tai nạn giao thông, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện kéo dài; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần đề cao tinh thần trách nhiệm chủ động phối hợp công tác với nhau và chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương mình hoàn thành tốt nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phát động sâu rộng phong trào thi đua phát huy nội lực trong sản xuất, kinh doanh và công tác đời sống, xã hội; tập trung nhiều thời gian hơn để chỉ đạo hoàn thành kế hoạch năm 2005, giảm bớt hội họp, các thủ tục, nghi lễ, các chuyến đi nước ngoài không thực sự cần thiết...
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội số 36/2004/QH11 về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước và Nghị quyết số 37/2004/QH11 về giáo dục. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiến hành ngay việc rà soát hệ thống văn bản pháp luật, để sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh thể chế, chế tài về thanh tra, kiểm tra, giám sát, định mức trong đầu tư, xây dựng.
Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và đại biểu dự họp, hoàn chỉnh Báo cáo Kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành năm 2004 và chương trình công tác năm 2005 của Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ gửi báo cáo đến các Bộ, ngành, địa phương để quán triệt, tổ chức thực hiện.
Xây dựng chính phủ điện tử là quá trình hợp lý hoá và minh bạch hoá các quy trình giải quyết công việc, nâng cao chất lượng thông tin và xử lý thông tin, tăng cường và mở rộng các dịch vụ công, phát huy dân chủ... trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật mới nhất về công nghệ thông tin và truyền thông. Xây dựng chính phủ điện tử là bước đi quan trọng và cần thiết trong kế hoạch cải cách nền hành chính công, nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và bộ máy hành chính các cấp, giảm hội họp, giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tiền của xã hội.
Giao Bộ Bưu chính - Viễn thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Kế hoạch tổng thể Phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam đến năm 2010, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I năm 2005.
Luật Hải quan được ban hành từ năm 2001 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng hoạt động hải quan trong quản lý xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra thuế và chống thất thu thuế. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới công tác hải quan và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Hải quan ban hành năm 2001 có nhiều điểm cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Luật; Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật này.
Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễm dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được ban hành năm 1995, đã có tác dụng tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng qua gần 10 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều nội dung hạn chế. Trước tình hình lây, nhiễm HIV/AIDS ở nước ta đang tiến triển ở mức độ nhanh và có chiều hướng ngày càng lan rộng trong cộng đồng, việc ban hành Pháp lệnh Phòng, chống HIV/AIDS để thay thế Pháp lệnh ban hành năm 1995 là rất cần thiết, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về phòng, chống HIV/AIDS và ngăn chặn có hiệu quả hơn dịch bệnh HIV/AIDS.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh; Bộ trưởng Bộ Y tế thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Pháp lệnh này.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.