HỘI ĐỒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 147-CP |
Hà Nội, ngày 14 tháng 5 năm 1980 |
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội đồng Chính phủ đã có những đóng góp tích cực vào những thành tích và thắng lợi chung của cả nước trên các mặt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, nhìn chung sự hoạt động của Hội đồng Chính phủ cũng như của các ngành, các cấp chưa đáp ứng đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng. Việc quán triệt và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng còn chậm và không đạt kết quả mong muốn; nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước không được thi hành đến nơi đến chốn.
Sở dĩ có tình hình nói trên, một mặt do bộ máy của các ngành, các cấp chưa được kiện toàn, mặt khác do chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ và của các ngành, các cấp chưa được thực hiện tốt, nhất là trên các mặt sau đây:
- Chưa thực hiện đúng đắn các mối quan hệ giữa các thành viên của Hội đồng Chính phủ, giữa các ngành, các cấp như chế độ đã quy định;
- Chưa tổ chức nắm vững tình hình, xử lý thông tin và giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra;
- Chưa chuẩn bị tốt các đề án; việc nghiên cứu các vấn đề làm chậm và chưa chu đáo, không bảo đảm cho các quyết định đúng đắn và kịp thời;
- Việc truyền đạt các quyết định không sâu sắc, việc tổ chức thực hiện thiếu kế hoạch cụ thể và chặt chẽ, việc kiểm tra thiếu nghiêm túc; kỹ thuật và thưởng phạt chưa nghiêm minh;
- Chưa phát huy tốt chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Để nâng cao hiệu lực quản lý và chỉ đạo của bộ máy Nhà nước cùng với việc tăng cường và kiện toàn bộ máy theo các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, cần cải tiến một bước chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ, của các ngành, các cấp nhằm vào các yêu cầu sau đây:
1. Bảo đảm quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm quản lý tập trung thống nhất, bảo đảm thực hiện luật pháp Nhà nước.
2. Bảo đảm mối quan hệ giữa các thành viên của Hội đồng Chính phủ và giữa các ngành, các cấp trên cơ sở dân chủ tập thể và tập trung thống nhất.
3. Bảo đảm làm tốt các khâu quan trọng trong quá trình chỉ đạo:
- Nắm vững tình hình, xử lý thông tin, giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra;
- Nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ để có những quyết định đúng đắn, kịp thời và toàn diện;
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các quyết định.
Để đạt được các yêu cầu kể trên, cần thực hiện đúng các chức năng cũng như các mối quan hệ giữa Hội đồng Chính phủ, giữa Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Hội đồng Chính phủ mà Nghị định số 172-CP và Quyết định số 141-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định, đồng thời phải cụ thể hoá và bổ sung những điều cần thiết nhằm chấn chỉnh và kiện toàn các khâu quan trọng trong quá trình điều hành bộ máy Nhà nước. Cụ thể là:
Đi đôi với việc tiếp tục xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của Bộ trưởng, Hội đồng Chính phủ cần tăng cường hiệu lực lãnh đạo tập thể đối với những vấn đề quan trọng. Những nội dung sau đây cần được đưa ra bàn trong các phiên hợp toàn thể Hội đồng Chính phủ:
- Các chính sách lớn, các kế hoạch và biện pháp lớn nhằm thực hiện các Nghị quyết quan trọng của Đảng, của Quốc hội;
- Kế hoạch Nhà nước dài hạn và hàng năm; kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước; các công tác quan trọng hàng quý, 6 tháng, hàng năm ...;
- Các chủ trương và công tác lớn có quan hệ đến hoạt động chung của các ngành, các cấp. Ngoài các vấn đề kinh tế, phải chú ý đúng mức các vấn đề văn hoá, xã hội.
Hội đồng Chính phủ thực hiện đúng chế độ sinh hoạt định kỳ để tăng cường trách nhiệm tập thể của các thành viên Hội đồng Chính phủ. Mỗi quý, Hội đồng Chính phủ họp phiên toàn thể hai lần, một lần vào giữa tháng thứ hai, một lần vào cuối tháng thứ ba của quý. Trường hợp cần thiết, có thể có phiên họp bất thường.
Với trách nhiệm là thành viên của Hội đồng Chính phủ, mỗi Bộ trưởng phải tham gia tích cực vào sự lãnh đạo tập thể của Hội đồng Chính phủ, đồng thời làm tốt trách nhiệm quản lý ngành hoặc lĩnh vực được phân công.
Bộ trưởng có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của Hội đồng Chính phủ; chỉ khi nào được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ trưởng mới được cử Thứ trưởng thường trực đi họp thay.
Về mỗi phiên họp Hội đồng Chính phủ, cần thông báo trước các vấn đề sẽ thảo luận để các Bộ trưởng chuẩn bị ý kiến; trong phiên họp ấy, Hội đồng Chính phủ chỉ tập trung bàn các vấn đề đã được thông báo.
Đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau, Hội đồng Chính phủ cần có kết luận dứt khoát, rõ ràng. Cần thực hiện chế độ lấy biểu quyết về những vấn đề quan trọng, buộc mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Hội nghị toàn thể Hội đồng Chính phủ, Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ cần đề cao phê bình tự phê bình; đối với những việc không thi hành hoặc thi hành không đúng các Nghị quyết, cần kiểm điểm nghiêm túc để có kết luận về trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.
Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ là một hình thức sinh hoạt của Hội đồng Chính phủ giữa hai kỳ họp Hội đồng Chính phủ. Mỗi tháng Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ họp hai kỳ, mỗi kỳ một hoặc hai ngày, để kiểm điểm tình hình thực hiện các Nghị quyết lớn của Hội đồng Chính phủ, giải quyết các việc quan trọng và cấp bách, xác định chương trình làm việc, chuẩn bị các vấn đề cần xin ý kiến Bộ chính trị Trung ương Đảng hoặc cần đưa ra Hội đồng Chính phủ. Trong các buổi họp để kiểm điểm tình hình chung hoặc bàn các vấn đề lớn có liên quan đến nhiều ngành, cần có đủ các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng có liên quan tham dự.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ, làm cho các phiên họp có những quyết định rõ ràng, dứt khoát, các Bộ trưởng chủ đề án, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực, phải chuẩn bị tốt các đề án và dự thảo nghị quyết. Muốn vậy, các đồng chí Bộ trưởng chủ đề án có thể lập các tổ hoặc nhóm chuyên đề để cùng với Thủ trưởng các ngành có liên quan nghiên cứu trước khi gửi đề án và dự thảo Nghị quyết lên trình hội nghị. Đối với các vấn đề phức tạp về kinh tế, kỹ thuật cần có nhiều phương án khác nhau, ít nhất là hai phương án, để Hội đồng Chính phủ xem xét và lựa chọn. Nội dung những đề án và dự thảo nghị quyết đưa trình Hội đồng Chính phủ xem xét phải được các ngành có liên quan nhất trí về cơ bản; nếu có những điểm chưa nhất trí, thì phải nêu rõ mọi lý lẽ của sự không nhất trí đó để khi đưa ra bàn, Hội đồng Chính phủ chỉ tập trung trao đổi ý kiến về những điểm chưa nhất trí, làm cho hội nghị sớm có những quyết định dứt khoát.
Đề án và dự thảo Nghị quyết đưa ra bàn ở Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Chính phủ, như Văn bản số 141-CP đã quy định, phải được Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng thường trực xem trước và phải gửi cho các thành viên 5 ngày trước khi họp kèm theo kế hoạch triển khai thực hiện. Những đề án có nội dung phải nghiên cứu kỹ thì cần gửi trước từ 10 đến 20 ngày.
Các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ cần có chương trình công tác phù hợp với chương trình công tác của Hội đồng Chính phủ.
Sau khi Hội đồng Chính phủ có Nghị quyết, các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng có liên quan cần có kế hoạch chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ấy trong khối hoặc trong ngành và định kỳ báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng dành thì giờ tập trung vào những vấn đề quan trọng và cấp bách của Chính phủ, nhất là các chính sách cụ thể và biện pháp lớn nhằm tổ chức thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng có chế độ làm việc trực tiếp với các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố để giải quyết các vấn đề lớn của ngành và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ có chế độ làm việc với các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ít nhất 6 tháng một lần.
Khi có những công việc quan trọng, cấp bách, Bộ trưởng và Chủ tịch các tỉnh, thành phố có quyền yêu cầu làm việc trực tiếp với Thủ tướng, hoặc các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan.
Phó Thủ tướng được phân công giúp Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực công tác nào, thì chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong lĩnh vực công tác ấy, bao gồm các nhiệm vụ sản xuất, xây dựng, kinh doanh, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật, chính sách và chế độ quản lý, tổ chức và cán bộ, v.v... Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực chủ động phối hợp với các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khác có liên quan và các Bộ trưởng quản lý ngành tổng hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra.
Các Phó Thủ tướng không giải quyết những việc thuộc trách nhiệm và quyền hạn của Bộ trưởng, chỉ điều hoà phối hợp những việc có tính chất liên ngành mà các Bộ trưởng không tự giải quyết được với nhau.
Đi đôi với việc nắm ngành, các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức nắm tình hình các địa phương, gắn chặt ngành với địa phương; hết sức coi trọng việc kiểm tra các ngành và các địa phương thi hành các Nghị quyết, thực hiện các kế hoạch và chính sách. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng coi trọng việc phát huy chức năng quản lý của các Bộ trưởng.
Các Phó Thủ tướng thường trực làm việc theo chế độ như sau:
Các Phó Thủ tướng thường trực là một tập thể giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi tình hình chung và điều hành công việc hàng ngày.
Trong ba Phó Thủ tướng thường trực, lúc nào cũng phải có một đồng chí thường trực hàng ngày ở cơ quan để giúp Thủ tướng Chính phủ giải quyết công việc.
Mỗi tuần một lần, các Phó Thủ tướng thường trực hội ý để nắm tình hình điểm lại công việc và đề ra những việc cần làm trong tuần tiếp theo.
Phó Thủ tướng thường trực hội ý với Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực và Thủ tướng các ngành có liên quan để giải quyết những việc hàng ngày. Trong các buổi sinh hoạt này, nếu có việc liên quan đến kế hoạch, thì Phó Thủ tướng thường trực mời Phó Thủ tướng phụ trách kế hoạch cùng dự. (Nếu đồng chí này không dự được thì có thể cử một Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đến dự).
Các Phó Thủ tướng thường trực có nhiệm vụ báo cáo đều đặn công việc với Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định những vấn đề quan trọng.
Để bảo đảm sự chỉ đạo tập trung và thống nhất của Hội đồng Chính phủ, các văn kiện quan trọng của Hội đồng Chính phủ đều do Thủ tướng xét duyệt và ký ban hành; khi cần thiết, Thủ tướng Chính phủ có thể uỷ nhiệm Phó Thủ tướng thường trực ký thay. Ngoài ra, các văn bản khác đều do Phó Thủ tướng thường trực ký. Trước khi ký, Phó Thủ tướng thường trực cần gửi Thủ tướng Chính phủ xem trước, đối với những vấn đề không cần xem trước thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi ký.
Các văn bản có tính chất đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện, giải quyết công việc đã có chủ trương, chính sách đều do các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực ký.
2. Về hoạt động của Bộ trưởng:
Bộ trưởng hoạt động theo trách nhiệm và quyền hạn như Nghị định số 172-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định (và sẽ được bổ sung, cụ thể hoá thêm). Cần chú trọng chấn chỉnh chế độ làm việc của Bộ trưởng để làm tốt cả hai mặt trách nhiệm của Bộ trưởng: trách nhiệm quản lý ngành kinh tế, kỹ thuật hoặc văn hoá, xã hội được giao và trách nhiệm đối với công việc chung của Hội đồng Chính phủ mà mình là một thành viên.
Trong mỗi Bộ thực hiện chế độ thủ trưởng, bảo đảm tập trung thống nhất, để Bộ trưởng nắm được thấu suốt tình hình, ra quyết định đúng đắn, kịp thời và thống nhất, khắc phục tình trạng phân tán.
Quan hệ giữa các Bộ trưởng là quan hệ phối hợp và phụ thuộc lẫn nhau bằng luật pháp quản lý của Nhà nước. Mỗi Bộ trưởng đều thực hiện quyền kiểm tra giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực mình quản lý ở tất cả các ngành, các cấp và theo chế độ quy định.
Mỗi Bộ trưởng cần tăng cường phối hợp với các Bộ trưởng khác trên tinh thần trách nhiệm chung, chủ động và hợp tác xã hội chủ nghĩa. Tinh thần hợp tác và phối hợp phải được quán triệt trong toàn ngành và giữa các ngành, trở thành nếp quan hệ thường xuyên để mọi việc có liên quan giữa ngành với ngành đều được giải quyết nhanh chóng. Thủ trưởng mỗi Bộ, Tổng cục đều có trách nhiệm, căn cứ chức năng quản lý của mình, góp ý kiến vào các đề án, các kiến nghị do Thủ trưởng các Bộ, Tổng cục khác hoặc Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố nghiên cứu để trình Hội đồng Chính phủ, hoặc Thủ tướng Chính phủ; thời hạn góp ý kiến vào các đề án phải theo chế độ quy định. Các Bộ trưởng phải chủ động xử lý những vướng mắc trong nội bộ ngành, giữa ngành mình với ngành khác. Chỉ trong trường hợp công việc đã đưa đến các Bộ trưởng mà các Bộ trưởng không cùng nhau giải quyết được (vì không đủ quyền hạn hoặc quá phức tạp) thì mới đưa lên Thủ tướng Chính phủ giải quyết. Trước khi đưa lên, các Bộ trưởng phải cùng nhau kiến nghị cách giải quyết (dù là có những ý kiến khác nhau) và cùng ký vào văn bản báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Phủ Thủ tướng không trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ trưởng.
Cần phát huy chức năng chỉ đạo và quản lý toàn ngành của Bộ trưởng, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Các Bộ trưởng cần có chế độ làm việc thường kỳ với các sở thuộc ngành ở các tỉnh, thành phố để chỉ đạo địa phương quản lý tốt các lĩnh vực, xây dựng ngành ở địa phương và giúp địa phương giải quyết khó khăn, thúc đẩy mọi mặt công tác. Đối với những vấn đề không nhất trí giữa Bộ với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng phải đích thân giải quyết, nếu không giải quyết được cần báo cáo lên Thủ tướng hoặc Thường vụ Hội đồng Chính phủ giải quyết.
Bộ trưởng cần chấn chỉnh và tăng cường bộ máy quản lý, chỉ đạo cụ thể việc thi hành bốn chế độ trong các cơ quan Nhà nước để đảm bảo bộ máy có chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện các quyết định ở địa phương và cơ sở; quản lý chặt chẽ hiệu quả các hoạt động kinh tế, văn hoá, kết hợp phát huy quyền hạn và trách nhiệm của cơ sở.
Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố phải thường xuyên báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ theo chế độ quy định; báo cáo của Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh phải do đích thân Bộ trưởng và Chủ tịch ký, khi đi vắng thì do người Phó thường trực ký. Các đề nghị của các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố gửi lên Thủ tướng đều phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng thường trực, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ký. Các văn bản trả lời các đề nghị ấy đều do Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ Nghị quyết này xem xét lại công việc của mình để có kế hoạch chấn chỉnh lại chế độ làm việc và tổ chức bộ máy của ngành và địa phương cho phù hợp với yêu cầu và nội dung cải tiến một bước chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ.
Tổ chức, nhiệm vụ và chế độ làm việc của Văn phòng Phủ Thủ tướng được quy định trong một văn bản riêng.
|
Phạm Văn Đồng (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.