HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 127-CP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 1977 |
MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG TRƯỚC MẮT ĐỐI VỚI VIỆT KIỀU
Việt Kiều ở rải rác nhiều nước trên thế giới, phần đông có tinh thần yêu nước. Nhưng cũng có một số cam tâm làm tay sai cho địch, thù hằn với cách mạng và cũng có một số nhỏ bị địch lợi dụng làm tay sai cho chúng. Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, phần lớn bà con đã ủng hộ bằng nhiều hình thức cuộc đấu tranh của nhân dân trong nước.
Từ ngày nước nhà được thống nhất và mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước, bà con Việt kiều càng hướng về Tổ quốc, thiết tha được về thăm quê hương, được đoàn tụ với gia đình, được về nước phục vụ, được Chính phủ bảo hộ quyền lợi chính đáng khi còn ở nước ngoài, v.v…
Để giải quyết một phần những nguyện vọng nói trên với bà con, Hội đồng Chính phủ quyết định một số chủ trương trước mắt đối với Việt Kiều như sau :
I. CHỦ TRƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC TẦNG LỚP VIỆT KIỀU
1. Đối với trí thức: Trí thức Việt kiều phần đông có kiến thức khoa học, kỹ thuật khá, có hiểu biết về sản xuất và quản lý kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. Vì vậy, cần động viên và sử dụng tốt anh chị em vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước.
a) Đối với những anh chị em làm những ngành nghề cần thiết cho trong nước, nếu tình nguyện xin về hẳn, và các cơ quan trong nước sắp xếp được thích đang về công việc v.v…thì sẽ lần lượt điều động chị em về.
b) Đối với những anh chị em chưa có điều kiện về, thì giao công việc cho anh chị em làm tại chỗ, như giao đề tài nghiên cứu, làm công tác thông tin khoa học, sưu tầm tài liệu, v.v…Hàng năm, anh chị em có thể về làm việc ngắn ngày với các ngành có liên quan trong nước. Những công trình nghiên cứu, những sáng chế, phát minh có giá trị đều được xét và khen thưởng.
2. Đối với học sinh đại học đang học: Các sứ quán của ta cần nắm lại đầy đủ lực lượng này (số lượng, ngành nghề đang học, v.v…) và theo sự hướng dẫn của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp có thể gợi ý học những ngành nghề phù hợp với yêu cầu trong nước. Các Sứ quán cần tổ chức tốt việc quản lý anh chị em, giúp bồi dưỡng về chính trị, động viên anh chị em khắc phục khó khăn tiếp tục học tập thành tài. Đối với những học sinh gặp nhiều khó khăn trong đời sống, Nhà nước sẽ xem xét cụ thể và giúp đỡ, căn cứ vào đề nghị của Sứ quán.
3. Đối với công nhân và công thương gia: Nói chung số bà con này đều đã có gia đình, cơ nghiệp ở nước sở tại, đời sống tương đối ổn định, nên ở lại làm ăn lâu dài, và tùy theo khả năng mà đóng góp vào việc xây dựng đất nước. Từng thời gian, bà con có thể về thăm quê hương.
Những công nhân lành nghề muốn xin về nước hẳn để phục vụ, thì sẽ xem xét từng trường hợp, và có thể được bố trí làm việc trong các xí nghiệp của Nhà nước.
Sứ quán và Hội Việt kiều nên động viên công thương gia gửi máy móc, vật tư, tiền, v.v… để góp phần xây dựng đất nước.
4. Đối với những người già cả muốn về nước hưởng tuổi già:
Nếu có điều kiện thuận lợi để tự túc sinh sống ở trong nước, thì có thể được phép hồi hương.
5. Đối với các thiếu nhi Việt kiều: Các đoàn thể Việt kiều ở nước sở tại, với sự giúp đỡ của Sứ quán, có trách nhiệm tổ chức cho các cháu học tiếng Việt và lịch sử Việt Nam. Việt kiều muốn cho con cái về nước học tập thì phải có thân nhân ở trong nước chịu trách nhiệm nuôi dưỡng.
6. Đối với số người trước đây ngụy quyền cho đi thăm gia đình, chữa bệnh, đi tu nghiệp nay xin về: Cần xem xét cụ thể thái độ chính trị của từng người và gia đình họ (và khả năng nghề nghiệp), để giải quyết có thể cho hồi hương từng trường hợp.
A. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI VỀ NƯỚC CÔNG TÁC
1. Đối với những người về hẳn: Những trí thức, công nhân lành nghề được phép về làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước đều được tuyển dụng theo đúng quy chế của Nhà nước. Họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân, viên chức. Các ngành ở trung ương, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận Việt kiều về hẳn trong nước công tác cần bố trí công việc hợp với ngành nghề và năng lực của anh chị em, sắp xếp lương bổng cho thích đáng theo chế độ chung ở trong nước, có chiếu cố, có thể có phụ cấp thêm nếu gặp sinh hoạt khó khăn trong một thời gian nhất định. Những người có tài năng đặc biệt cần được ưu đãi thích đáng.
Việt kiều được về hẳn trong nước công tác cần tự túc mọi chi phí : trong trường hợp quá khó khăn, Nhà nước có thể giúp đỡ, căn cứ đề nghị của các Sứ quán. Để quen dần với đời sống trong nước, trong thời gian một năm sau khi về nước, Việt kiều được chiếu cố về tiêu chuẩn lương thực và thực phẩm. Ban Việt kiều trung ương có trách nhiệm cùng các ngành có liên quan (Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm , v.v…) bàn bạc và quy định cụ thể.
2. Đối với những người được mời về nước làm việc ngắn ngày:
Nhà nước sẽ đài thọ các khoản chi phí đi, về, ăn, ở, đi lại,v.v… và tính vào ngân sách của cơ quan mời. Ban Việt kiều trung ương, Bộ tài chính và Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và trình Chính phủ phê chuẩn chế độ này.
B. ĐỐI VỚI VIỆT KIỀU ĐƯỢC HỒI HƯƠNG:
Việt kiều được hồi hương phải tự túc về mọi chi phí. Cần khuyến khích Việt kiều mang về các máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất.
Về đến địa phương, những Việt kiều có nghề nghiệp và còn sức lao động sẽ được giúp đỡ giải quyết công ăn việc làm .
C. ĐỐI VỚI VIỆT KIỀU VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG:
Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao có trách nhiệm với sự thỏa thuận của Ban Việt kiều trung ương, giải quyết nhanh chóng các đơn của Việt kiều xin về thăm quê hương trong vòng 3 tháng sau khi Sứ quan ta nhận được đơn. Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Nội thương tổ chức khác sạn nội địa và việc đón tiếp Việt kiều về thăm quê hương, bảo đảm được ăn, ở đàng hoàng.
D. VỀ HÀNG HÓA, NGOẠI TỆ CỦA VIỆT KIỀU MANG VỀ:
- Hàng hóa và ngoại tệ do Việt kiều mang về phải được khai báo theo đúng thủ tục của Hải quan. Hàng hóa của Việt kiều về ngắn ngày, ngoài những thứ được miễn thuế theo quy định của Nhà nước, đều phải đóng thuế theo chế độ chung.
- Tài sản của Việt kiều hồi hương ( kể cả số Việt kiều về nước hẳn để công tác) được hưởng chế độ tài sản di chuyển.
- Ngoại tệ mang về được đổi theo tỷ giá khuyến khích.
E. ĐỐI VỚI THÂN NHÂN CỦA VIỆT KIỀU XIN RA NƯỚC NGOÀI ĐỂ THĂM HOẶC Ở HẲN VỚI VIỆT KIỀU:
Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao có trách nhiệm bàn bạc với Ban Việt kiều trung ương để xét từng trường hợp và quyết định.
Để đưa công tác Việt kiều đi vào nề nếp, động viên và sử dụng tốt khả năng của Việt kiều vào việc xây dựng đất nước, và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Việt kiều cần phải:
1. Tăng cường cán bộ có năng lực cho những bộ phận chuyên trách công tác Việt kiều ở các Sứ quán ta tại nước ngoài có nhiều Việt kiều.
2. Ở trong nước, cần tăng cường cơ quan Ban Việt kiều trung ương; ở các cơ quan có nhiều việc liên quan đến Việt kiều như Bộ ngoại giao, Bộ nội vụ, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần có một bộ phận chuyên trách để giúp thủ trưởng (là thành viên Ban Việt kiều trung ương), giải quyết những vấn đề của Việt kiều theo chức năng của mình.
3. Các cơ quan như Bộ Nội thương, Cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, v.v… và các Ủy ban nhân dân địa phương trên cơ sở những chủ trương, chế độ đối với Việt kiều, có trách nhiệm giải quyết một cách thuận lợi, nhanh chóng những yêu cầu của Việt kiều lúc về nước (ăn ở, đi lại, đổi tiền, tham quan v.v….)
Ban Việt kiều trung ương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra thực hiện nghị quyết này.
|
T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.