CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2001/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2001 |
Trong hai ngày 03 và 04 tháng 7 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 năm 2001, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Đề án "Một số ý kiến về các vấn đề sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992"; nghe Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ báo cáo Đề án "Những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân".
Hiến pháp năm 1992 từ khi được ban hành đã kịp thời thể chế hoá đường lối của Đảng ta trong những năm đầu đổi mới, tạo cơ sở pháp lý cho bước chuyển nền kinh tế nước ta từ cơ chế kế hoạch hoá, tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến nay, nước ta đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới với nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do vậy, Hiến pháp cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những quan điểm mới mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã tổng kết về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước, về nền kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế... Việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục loại bỏ các nhân tố không còn phù hợp, mở đường cho công cuộc cải cách kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ phát triển, trên cơ sở phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân.
Về những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Chính phủ cho rằng, phải xác định rõ hơn nội dung quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, tiến tới đổi mới tổ chức bộ máy hành chính các cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.
Giao Bộ Tư pháp, Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh các dự thảo đề án kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và các Luật sửa đổi trên, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định việc trình Bộ Chính trị.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp bị oan, sai do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị quyết.
Cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan có thẩm quyền tố tụng nói riêng đã có nhiều cố gắng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong hoạt động tố tụng hình sự thời gian qua, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng khi ra các quyết định không tránh khỏi sai sót, trong khi chính sách giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai còn nhiều vướng mắc, gây thiệt hại cho đương sự, hạn chế dân chủ và tác động xấu đến nhiều mặt trong đời sống xã hội. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, cần phải có Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải quyết vấn đề bồi thường cho các trường hợp oan, sai.
Giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
3. Chính phủ nghe Trưởng ban Ban Tôn giáo của Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Pháp lệnh Tôn giáo; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Pháp lệnh.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; truyền thống phụng đạo, yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo. Pháp lệnh Tôn giáo được ban hành nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân cùng chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giao Ban Tôn giáo của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
4- Chính phủ đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày dự thảo Báo cáo Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2001.
Chính phủ nhận định, tuy gặp nhiều khó khăn khách quan, nhưng hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2001 vẫn bảo đảm xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm phát sinh trong sản xuất và đời sống, đồng thời theo sát mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây là sự cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao của tập thể Chính phủ. Trước nhiệm vụ nặng nề của 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần tiếp tục phát huy thành tích đạt được, tích cực đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2001và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đề án ghi trong chương trình công tác năm 2001 của Chính phủ.
Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh báo cáo trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi gửi các Bộ, ngành và địa phương.
5- Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2001; nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tình hình tài chính, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và giải pháp điều hành ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2001.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2001 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 54,9% dự toán năm, đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm gần đây. Tổng sản phẩm trong nước tăng 7,1%, trong đó quý II tăng 7%, thấp hơn quý I (7,2%); có một số chỉ tiêu chủ yếu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước và đạt khá so với kế hoạch. Các vấn đề xã hội có những tiến bộ và thành quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, lúng túng. Giá nông sản vẫn tiếp tục giảm. Tiêu thụ nông sản chưa tìm được hướng ra cơ bản, sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn tín dụng đạt thấp, tốc độ xuất khẩu chậm dần ...
Để hoàn thành kế hoạch về những chỉ tiêu cơ bản của năm 2001, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải triển khai quyết liệt hơn các giải pháp bổ sung điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001 tại Nghị quyết 05/2001/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung xử lý các vấn đề cấp bách như tiêu thụ nông sản, kích cầu đầu tư, xuất khẩu; bảo đảm tiến độ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2002, gắn với phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001-2005. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xoá đói giảm nghèo, tăng sức mua của dân cư trên cơ sở tăng cường đầu tư và phát triển sản xuất; ổn định an ninh, trật tự xã hội, giải quyết tốt vấn đề việc làm và bài trừ các tệ nạn xã hội; tích cực triển khai các biện pháp phòng và đối phó với lụt bão.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.