CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2006/NQ-CP |
Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2006 |
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 3 NĂM 2006
Trong 02 ngày 28 và 29 tháng 3 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2006, bàn và quyết nghị các vấn đề sau đây:
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI, Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2005 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2005. Nhìn lại năm qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nền kinh tế nước ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Song với sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, sự năng động sáng tạo của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo kiên quyết, điều hành tập trung, linh hoạt của Chính phủ theo đúng các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, kinh tế đất nước đã đạt tốc độ tăng trưởng 8,43%, cao nhất trong vòng 9 năm qua; hoạt động dịch vụ và du lịch chuyển biến khá; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực; kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch đề ra, nhập siêu giảm đáng kể so với năm 2004; các loại hình doanh nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế; nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển đạt khá, nhất là huy động vốn đầu tư nước ngoài và vốn của khu vực dân cư; thu cân đối ngân sách Nhà nước vượt dự toán và tăng khá so với năm 2004, góp phần tăng chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác; cơ cấu thu, chi ngân sách tiếp tục có tiến bộ; bội chi ngân sách trong giới hạn cho phép, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đạt được những thành công mới.
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách năm 2006 theo Nghị quyết của Quốc hội, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng phát triển và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh dịch vụ; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, kiểm tra chặt chẽ, chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư phát triển; tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Báo cáo bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2005 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2006; Báo cáo bổ sung đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2005, triển khai nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 2006; Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2004 và thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội khoá XI, Kỳ họp thứ 9 các Báo cáo trên.
Trong những năm qua, việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức nước ta nhìn chung còn thấp, hiệu quả sử dụng ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp còn hạn chế, khả năng nghiên cứu, làm việc độc lập trong môi trường hội nhập quốc tế còn yếu. Nguyên nhân của tình trạng đó là: việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học còn nhiều hạn chế; một bộ phận giáo viên dạy ngoại ngữ còn yếu kém về năng lực chuyên môn, lạc hậu về phương pháp; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ còn nghèo nàn, thiếu thốn… Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những đòi hỏi bức xúc phải đổi mới căn bản quá trình dạy và học ngoại ngữ cho thế hệ trẻ.
Đề án dạy và học ngoại ngữ cần thể hiện rõ các nội dung về việc lựa chọn một môn ngoại ngữ là môn học chính thức cho học sinh tiểu học bắt đầu từ độ tuổi nhất định và khuyến khích học thêm ngoại ngữ khác trong các cấp học cao hơn nhưng phải bảo đảm việc tiếp nối về dạy và học ngoại ngữ giữa các cấp học, bậc học; chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo trình, phương pháp dạy và học; kết hợp nguồn lực ngân sách Nhà nước với đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực và các hình thức tổ chức dạy và học.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2006 – 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi quyết định.
Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2006. Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật nhằm tạo sự đồng bộ trong các quy định pháp lý về đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về xây dựng và đấu thầu để các quy định pháp luật này sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, gửi xin ý kiến các thành viên Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006. Tuy nhiên, Luật này chỉ điều chỉnh việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và Chính phủ, không điều chỉnh các thỏa thuận quốc tế nhân danh các cơ quan nhà nước ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Xuất phát từ nhu cầu hợp tác quốc tế ngày càng tăng và sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước với hoạt động đối ngoại nhân dân, cần thiết phải ban hành Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế phải thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta theo phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; phù hợp với nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, báo cáo xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2006 duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định: sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao; nông nghiệp mặc dù gặp hạn hán, thiên tai nhưng vẫn bảo đảm tiến độ gieo trồng và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả; dịch vụ phát triển khá; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao; nguồn vốn đầu tư đạt khá, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; thu, chi ngân sách Nhà nước bảo đảm tiến độ; hoạt động tiền tệ, tín dụng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế. Một số mặt hoạt động xã hội có tiến bộ.
Những khó khăn nổi lên là: nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt thấp hơn so với kế hoạch cả năm và mục tiêu phấn đấu trong quý I năm 2006; kết quả sản xuất nông nghiệp đạt thấp; giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chậm; tình trạng tham nhũng và các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn có hiệu quả; các vụ đình công ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư; trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp…
Cùng với việc triển khai quyết liệt Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2006, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu; huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tổ chức thanh tra, kiểm tra nghiêm ngặt, chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng theo Công điện số 496/CĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; có Chương trình hành động cụ thể thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; đấu tranh quyết liệt phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.