CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2002/NQ-CP |
Hà Nội , ngày 03 tháng 1 năm 2002 |
Trong ngày 27, 28 và sáng ngày 29 tháng 12 năm 2001, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12 năm 2001, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2001. Căn cứ trên tinh thần Nghị quyết của Quốc hội ngày 28 tháng 11 năm 2001 về việc Phê chuẩn Hiệp định giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại và những cam kết đã được thoả thuận, Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chương trình để chủ động thực hiện Hiệp định có hiệu quả. Chương trình bao gồm các hoạt động cụ thể, đồng bộ với các bước đi thích hợp, nhằm mục đích: giới thiệu và quán triệt cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hiểu biết đầy đủ về nội dung chủ yếu của Hiệp định, những thuận lợi, khó khăn và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Hiệp định; các việc phải khẩn trương triển khai thực hiện nhằm tạo thế chủ động như: nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, xúc tiến thương mại và các biện pháp tự vệ trong thương mại hàng hoá...; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương và các doanh nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, cũng như thực hiện Hiệp định nói riêng.
Chính phủ nhất trí thông qua nội dung Chương trình. Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin và các Bộ, ngành có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Chương trình nói trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt trong tháng 01 năm 2002.
Trên cơ sở Chương trình chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong quý I năm 2002 phải xây dựng chương trình hành động cụ thể của mình về các việc cần triển khai, đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ngành hàng và của doanh nghiệp, tạo thế chủ động thực hiện đúng các cam kết trong Hiệp định.
Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử quốc gia là hai nguyên tắc cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế và cũng là yếu tố quan trọng trong chính sách kinh tế thương mại. Cho đến nay, các nội dung pháp lý của việc đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Khi nước ta tham gia thị trường quốc tế ngày càng sâu, rộng, bên cạnh những mặt tích cực, cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực khó dự đoán trước, do vậy, việc ban hành Pháp lệnh về Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế, Pháp lệnh về Các biện pháp tự vệ trong thương mại hàng hoá với nước ngoài tại thời điểm này là rất cần thiết. Các Pháp lệnh được ban hành sẽ thể chế hoá các nguyên tắc của thương mại quốc tế trong pháp luật Việt Nam, làm cơ sở cho việc ký kết và tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới trong thời gian tới.
Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh hai dự án Pháp lệnh trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Những năm qua, Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo và đầu tư nhiều cho công tác dân số, ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các văn bản pháp luật về công tác dân số, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác dân số đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ổn định tốc độ phát triển dân số và chất lượng dân số, nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo... Trước sự phát triển của tình hình kinh tế - xã hội, của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách dân số hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải có một văn bản có giá trị pháp lý cao, tạo cơ sở cho việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của công tác dân số.
Giao Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, năm 1993 Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân đã được ban hành và góp phần tích cực vào việc phát triển xã hội hoá các hoạt động y tế, chăm lo tốt hơn cho sức khoẻ nhân dân. Xuất phát từ nhu cầu của nhân dân mong muốn được hưởng các dịch vụ y tế thuận lợi hơn và với chất lượng cao hơn, việc ban hành Pháp lệnh Hành nghề Y tế ngoài công lập trên nền tảng kế thừa Pháp lệnh Hành nghề Y, dược tư nhân là cần thiết để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc phát triển các hoạt động y tế ngoài công lập.
Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Khoa học và công nghệ những năm qua đã phát huy nhiều tác dụng trong việc phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Mặc dù vậy, hoạt động khoa học - công nghệ vẫn chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với các hoạt động kinh tế - xã hội, còn nhiều chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất về khoa học - công nghệ chưa tập trung, chưa phát huy được hết tiềm năng của đội ngũ cán bộ khoa học. Để tạo bước đổi mới cơ bản, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và nghiên cứu, ứng dụng khoa học- công nghệ, đưa khoa học - công nghệ thực sự trở thành nền tảng và động lực của phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ cần được tiếp tục đổi mới trên các mặt tổ chức, tài chính, nhân lực, chính sách...
Giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Đề án trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo này.
Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo này.
Năm 2001, Chính phủ đã triển khai sớm nhiệm vụ kế hoạch năm, đã quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc, dành thời gian hợp lý cho công tác xây dựng thể chế, chiến lược vĩ mô; điều hành có kết quả các công tác trọng tâm nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khai thông thị trường và khuyến khích xuất khẩu, đẩy mạnh tiến độ thực hiện vốn đầu tư, khai thác các nguồn lực trong nước, cải thiện đời sống nhân dân, cứu trợ và khắc phục thiệt hại ở những vùng bị lũ lụt... Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng. Các mặt công tác xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Ngăn chặn được âm mưu và hành động do tổ chức phản động ở bên ngoài lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây rối ở một số địa bàn.
Tuy vẫn còn một số hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung Chính phủ đã rất nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành. Tập thể Chính phủ đoàn kết, nêu cao ý thức cộng đồng trách nhiệm, bám sát đường lối, đi sâu cơ sở, quyết sách kịp thời, điều hành linh hoạt, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ được đề ra trong các nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Năm 2002, các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện thành công 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá X; nghiêm chỉnh thực hiện việc "Chấn chỉnh kỷ luật hành chính" trong bộ máy hành chính nhà nước, nhằm khắc phục cơ bản tình trạng kỷ cương hành chính lỏng lẻo hiện nay. Ngay từ quý I năm 2002, các cấp, các ngành và địa phương phải tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ về việc chấp hành các chủ trương, quyết định của Chính phủ và của các cấp trong hệ thống hành chính để có kế hoạch chấn chỉnh, xử lý.
Về những giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong quý I năm 2002, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai giao kế hoạch đến các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị; tập trung giải quyết tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ tồn đọng, kéo dài; chăm lo cho nhân dân vui Tết cổ truyền Nhâm Ngọ vui tươi, an toàn và tiết kiệm, tạo niềm tin và sự quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 ngay trong tháng đầu, quý đầu.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.