TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VN - ỦY BAN ATGT QUỐC GIA |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/NQLT/TLĐ-UBATGT |
Hà Nội, ngày 07 tháng 08 năm 2009 |
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 22 CT/TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 6 năm 2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự ATGT;
Phát huy kết quả đạt được sau 5 năm (2003-2008) tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2003/NQLT/TLĐ-UBATGTQG ngày 10 tháng 4 năm 2003, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục công nhân viên chức và lao động (CNVCLĐ) cả nước tự giác thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông: đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không, trọng tâm là Luật giao thông đường bộ năm 2008.
I. MỤC TIÊU VÀ ĐỐI TƯỢNG TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của CNVCLĐ, đồng thời mỗi CNVCLĐ cả nước là một tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng.
2. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của tổ chức Công đoàn và lực lượng CNVCLĐ cả nước trong việc xây dựng nếp sống có văn hóa khi tham gia giao thông bằng các hành vi, ứng xử cụ thể góp phần xây dựng “Văn hóa giao thông”.
3. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Liên đoàn lao động địa phương với Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến và giáo dục CNVCLĐ tự giác thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong cả nước.
4. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến và giáo dục là tất cả CNVCLĐ trong các thành phần kinh tế trên phạm vi cả nước, từ đó tác động tích cực đến mọi người thân trong gia đình.
1. Tăng cường và đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong CNVCLĐ cả nước phù hợp với từng đối tượng và môi trường hoạt động; nội dung tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu và dễ nhớ; quán triệt sâu sắc ý thức trách nhiệm trong cộng đồng và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành về trật tự ATGT, nhất là Luật giao thông đường bộ và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước như: Chỉ thị số 22 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến các cấp Công đoàn, cán bộ đoàn viên công đoàn và người lao động; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác đối với lực lượng lao động trẻ.
2. Nội dung tuyên truyền cụ thể hàng năm hoặc nội dung trọng tâm trong từng thời kỳ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia. Trong giai đoạn 2009-2010 tập trung tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ 2008, Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và đường sắt, sử dụng áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh khi đi lại bằng phương tiện đường thủy nội địa, phòng ngừa tai nạn giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và đường ngang dân sinh.
3. Hướng dẫn và vận động CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn trong cả nước gương mẫu đi đầu trong việc tự giác tuân theo các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông, mỗi CNVCLĐ là hạt nhân tích cực, gương mẫu trong phong trào xây dựng “Văn hóa giao thông”, tạo sức lan tỏa sâu rộng và phát triển bền vững trong toàn xã hội.
III. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP THỰC HIỆN
A. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
1. Hướng dẫn các cấp Công đoàn tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn trong cả nước theo định hướng về nội dung trọng tâm trong từng thời kỳ; theo dõi việc tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của CNVCLĐ và có biện pháp khuyến khích CNVCLĐ vận động người thân tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.
2. Chỉ đạo Công đoàn các cấp đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để CNVCLĐ dễ tiếp thu, in và phát hành tờ rơi, tranh cổ động, tổ chức các hội thi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT trên hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, các ngành, địa phương và của hệ thống Công đoàn.
3. Chỉ đạo Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Ban An toàn giao thông cùng cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT như: mở các lớp tập huấn giới thiệu các luật chuyên ngành, các văn bản mới hướng dẫn thi hành luật, các quy định liên quan; tổ chức hoặc tham giác các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn và các tổ chức công đoàn cơ sở.
4. Vận động CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn thi đua tham gia hoạt động bảo đảm trật tự ATGT, thực hiện tốt nếp sống văn hóa giao thông theo hành vi cụ thể (ba “có” và bốn “không”) sau đây:
- Có hiểu biết đầy đủ pháp luật về an toàn giao thông;
- Có ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông;
- Có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện với người đồng hành, tận tình giúp đỡ khi người bị nạn;
- Không uống rượu bia trước và khi lái xe;
- Không vi phạm quy tắc giao thông;
- Không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông;
- Không có thói hư tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia giao thông cũng như khi xảy ra tai nạn giao thông.
5. Đẩy mạnh cuộc vận động đoàn viên công đoàn và CNVCLĐ sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, mặc áo phao khi đi đò qua sông, giáo dục và nhắc nhở trẻ em không ném đá lên tàu, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô tô hoặc xe gắn máy, thực hiện nghiêm quy định về nồng độ cồn khi lái ô tô, đi môtô hoặc xe gắn máy, v.v…
B. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
1. Thường xuyên cung cấp cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các thông tin, tài liệu về tình hình trật tự ATGT và chủ đề tuyên truyền trong từng khoảng thời gian để phục vụ công tác tuyên truyền tới các cấp công đoàn và CNVCLĐ đoàn viên công đoàn trong cả nước.
2. Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT nhằm thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch này.
3. Chỉ đạo các cơ quan thành viên của Ủy ban, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Công đoàn ngành trung ương, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn tổ chức thực hiện và phối hợp hoạt động trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở địa phương hoặc ngành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.
4. Hàng năm, hỗ trợ kinh phí cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (bao gồm cả kinh phí hỗ trợ các Công đoàn ngành trung ương) thực hiện Nghị quyết liên tịch; Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ kinh phí theo khả năng cho Liên đoàn lao động cùng cấp tổ chức thực hiện Nghị quyết liên tịch trên địa bàn.
1. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch giúp Tổng Liên đoàn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện và lập dự toán kinh phí hàng năm.
2. Giao cho Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam là cơ quan thường trực tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Trường trực giúp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết liên tịch.
3. Hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết liên tịch có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm và đề xuất kế hoạch thực hiện Nghị quyết cho năm sau, báo cáo Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; sau 3 năm tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện; sau 5 năm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm nhằm điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết phù hợp với tình hình mới.
4. Khi đánh giá kết quả 3 năm và 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết xét chọn các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo đảm an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông và những cá nhân có thành tích để đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khen thưởng bằng hình thức phù hợp pháp luật hiện hành về thi đua khen thưởng.
Các cấp Công đoàn trong cả nước lấy việc tuyên truyền, phổ biến và vận động CNVCLĐ tự giác tuân thủ pháp luật và tham gia hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông làm một trong những tiêu chuẩn chính thức để bình xét, chấm điểm thi đua xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh hàng năm của tập thể, xây dựng cá nhân điển hình tiên tiến.
Hàng năm, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn các ngành trung ương, các Công đoàn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban An toàn giao thông cùng cấp có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này./.
TM. ỦY BAN AN TOÀN |
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN |
Nơi nhận: |
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.