HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/NQ-HĐND |
Cao Bằng, ngày 08 tháng 12 năm 2023 |
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024 TỈNH CAO BẰNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHÓA XVII KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 50/2020/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Cao Bằng;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tại Tờ trình số 3116/TTr-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2023 dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng năm 2024; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với nội dung sau:
Triển khai đúng tiến độ, đạt kết quả cao 03 chương trình trọng tâm, 03 nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách, rút gọn thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
2.1. Chỉ tiêu về kinh tế
(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 8%. Trong đó:
- Nông, lâm, ngư nghiệp: 3,2%.
- Công nghiệp, xây dựng: 11,35%.
- Dịch vụ: 8,6%.
- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp: 8,6%.
(2) GRDP bình quân đầu người: 46,98 triệu đồng/người.
(3) Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1 đơn vị diện tích (ha) đạt 48 triệu đồng.
(4) Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn (bao gồm cả giá trị hàng hóa giám sát) đạt 716 triệu USD. Trong đó: kim ngạch nhập khẩu đăng ký tại địa bàn đạt 198 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu đăng ký 363 triệu USD; giá trị hàng hóa giám sát đạt 155 triệu USD.
(5) Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.918 tỷ đồng. Trong đó: thu nội địa 1.318 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 600 tỷ đồng.
(6) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11%.
(7) Tỷ lệ chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/ bê tông hóa mặt đường đạt 83%. Tỷ lệ xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/ bê tông hóa đạt 99,4%.
2.2. Chỉ tiêu văn hóa - xã hội
(8) Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Tăng thêm 6 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
(9) Duy trì tỷ lệ 15 bác sỹ/vạn dân, 35 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã 85,71%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%.
(10) Tỉ lệ gia đình văn hóa đạt 85%; tỉ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt 95%; tỉ lệ khu dân cư văn hóa đạt 59%; tỉ lệ khu dân cư có nhà văn hóa đạt 97,3%, trong đó tỷ lệ khu dân cư có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sử dụng đạt 48%.
(11) Giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% trở lên.
(12) Tỉ lệ lao động qua đào tạo 50,9%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề 38,8%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị 3,15%.
(13) Phấn đấu tăng thêm 5 xã điểm đạt từ 17 - 18 tiêu chí nông thôn mới.
2.3. Các chỉ tiêu về môi trường
(14) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,52%
(15) Phấn đấu đạt 93% dân cư thành thị được dùng nước sạch, 94% dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.
(16) Số hộ chăn nuôi đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở tăng thêm 1.905 hộ.
(17) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 92,5%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 91,6%.
3. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1. Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Trồng trọt: Tiếp tục tăng cường phổ biến, hướng dẫn, người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; nghiên cứu phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu và hướng đến một số loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Trong đó, duy trì ổn định đối với diện tích các cây trồng chính như: cây lúa; cây ngô … ; rà soát chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, cụ thể chuyển: 735ha sang trồng cây lâu năm, 57,8ha trồng cây hàng năm khác; tăng diện tích trồng mới các loại cây trồng đột phá như: cây Lê 100 ha, cây Dẻ 205 ha, Thạch đen 150 ha, Thuốc lá 129 ha; tập trung tăng năng suất các cây trồng chủ lực của tỉnh như: Cây mía 675,4 tạ/ha; cây Thuốc lá 26,46 tạ/ha; cây Dong riềng 543,7 tạ/ha,... Làm tốt công tác dự tính, dự báo, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch. Tăng cường công tác quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các huyện, thành phố. Đẩy mạnh triển khai các dự án nông nghiệp thông minh, trong đó hoàn thành các dự án nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh.
Chăn nuôi: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại chăn nuôi, cơ cấu lại giống vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất và giá trị, tiếp tục triển khai các giải pháp chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại. Hỗ trợ làm chuồng trại cho 1.500 con trâu, bò sinh sản, vỗ béo, lợn nái; hỗ trợ mua con giống 1.500 con trâu bò, 2.500 con lợn; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi 75ha. Phát triển các đàn vật nuôi chủ yếu của tỉnh tăng về số lượng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng so với năm 2023. Tập trung thu hút và hỗ trợ để các dự án chăn nuôi tập trung sớm đi vào hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất như dự án trang trại chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH-TrueMilk. Thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, phòng, chống rét và chủ động thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông.
Lâm nghiệp: Tập trung triển khai sớm các dự án trồng rừng năm 2024 với diện tích 2.861ha. Hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tiến hành mở rộng thêm diện tích các loại cây lâm sản như: cây Hồi 125ha, cây Quế 100ha, Trúc sào 300ha, cây Mác ca 200ha... Ứng dụng khoa học công nghệ về trang thiết bị khai thác, chế biến, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị. Làm tốt công tác bảo vệ phòng chống cháy rừng, ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.
Xây dựng nông thôn mới, sản phẩm OCOP: triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung hỗ trợ 5 xã: xã Hồng Việt, huyện Hoà An; xã Bế Văn Đàn, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa; xã Đức Xuân, huyện Thạch An; xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh đạt 17 - 18 tiêu chí trong năm 2024 và xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng đạt nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ một số cơ sở sản xuất hoàn thiện chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.
3.2. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp
Tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến khoáng sản đang hoạt động như tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo điều kiện để các đơn vị có nhu cầu nhập khẩu, mua nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất. Tạo mọi điều kiện cần thiết cho các nhà máy chủ lực (nhà máy sản xuất phôi thép, sản xuất tinh quặng Niken đồng, sản xuất Feromangan) sản xuất hoàn thành kế hoạch đảm bảo giá trị tăng trưởng của ngành. Triển khai thực hiện dự án Khai thác lộ thiên khu Bắc mỏ sắt Nà Rụa, thành phố Cao Bằng.
Tìm kiếm, thúc đẩy các nhà đầu tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Chu Trinh; xây dựng cụm công nghiệp Hưng Đạo, cụm công nghiệp miền Đông. Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch.
Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu, năng lượng, tăng năng suất, hạ giá thành và bảo vệ môi trường. Tăng cường kết nối sản xuất công nghiệp chế biến với nông nghiệp đối với các sản phẩm có lợi thế gắn với các Chương trình trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa mới trên địa bàn tỉnh.
Khởi công các dự án thủy điện: Bảo Lạc A, Thượng Hà, Bản Ngà, Bản Riển. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án thủy điện: Pác Khuổi, Hồng Nam, Khuổi Luông. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát ngành điện đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất tiêu dùng.
3.3. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ
Tiếp tục xây dựng ngành thương mại phát triển theo hướng kết hợp truyền thống và văn minh hiện đại. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, phiên chợ; hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế địa phương tham gia các Hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, tìm kiếm mở rộng thị trường sản phẩm hàng hóa, ổn định sản xuất. Kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ nông sản, kết hợp với xây dựng mạng lưới phân phối kết nối với các địa phương trong tỉnh, trong vùng và nước ngoài (Trung Quốc) theo quy hoạch.
Trao đổi với Bộ, ngành liên quan và phía Trung Quốc hoàn thành việc nâng cấp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu lên cửa khẩu quốc tế; mở lối thông quan vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu tại cầu II Tà Lùng - Thủy Khẩu; mở song phương cặp cửa khẩu Lý Vạn - Thạc Long. Hoàn thiện việc lập Đồ án quy hoạch phân khu các khu vực cửa khẩu, lối mở tạo cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch chi tiết, giải phóng, thu hồi đất đai, thu hút đầu tư... trong Khu kinh tế cửa khẩu. Thực hiện tốt chương trình nộp thuế điện tử 24/7, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp các khoản thuế, phí xuất nhập khẩu.
Quản lý giá cả dịch vụ kinh doanh vận tải linh hoạt, phù hợp với giá nhiên liệu, đặc biệt là dịch vụ vận tải hành khách. Tăng cường chất lượng công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cấp, duy trì Cổng du lịch thông minh caobangtourism.vn phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone (app Cao Bang Tourism); duy trì và phát triển các trang thông tin điện tử, fanpage, website về du lịch Cao Bằng. Đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ di sản địa chất, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường; hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm di sản thuộc các tuyến du lịch. Chú trọng triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường hướng đến mục tiêu xây dựng Cao Bằng là điểm đến an toàn, thân thiện, xanh - sạch - đẹp. Tăng cường hợp tác với phía Trung Quốc việc đưa đón khách du lịch 2 nước tại khu du lịch thác Bản Giốc. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng theo khuyến nghị của UNESCO; phát triển CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng giai đoạn 2023 - 2026. Tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO Khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng. Tiếp tục phối hợp với Chuyên gia UNESCO, viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, Ban quản lý CVĐC Cao Nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang nghiên cứu triển khai tuyến du lịch kết nối giữa 2 CVĐC.
Triển khai hiệu quả Chính sách hỗ trợ phát triển Du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025 theo Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời làm tốt công tác theo dõi, vận động tái tục đối với người tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo duy trì và phát triển đối tượng tham gia một cách bền vững. Kiểm tra, giám sát việc đóng BHXH cho người lao động của doanh nghiệp.
3.4. Quy hoạch, kế hoạch, xây dựng, giao thông, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Phê duyệt các Đồ án: quy hoạch phân khu các khu vực cửa khẩu thuộc đồ án Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng; điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Thông Nông; điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Quảng Uyên. Triển khai lập các đồ án: Quy hoạch phân khu Đề Thám; Quy hoạch phân khu Sông Bằng; Quy hoạch phân khu Sông Hiến; Quy hoạch phân khu Hợp Giang; Quy hoạch vùng huyện Hòa An; Quy hoạch vùng huyện Quảng Hòa.
Giao kế hoạch đầu tư công 2024 kịp thời gian theo quy định của pháp luật. Tiếp tục duy trì hoạt động tổ công tác về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư công để bám sát tiến độ thi công, giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh như Đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Đường tỉnh 208, Trụ sở làm việc HĐND - UBND - Đoàn ĐBQH tỉnh...; kịp thời điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 theo tiến độ triển khai dự án. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, bảo trì công trình.
Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Duy trì giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tối đa không quá 02 ngày làm việc. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các thủ tục hành chính về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.
Phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án phát triển đô thị 10A, 9A, 7A, 3A, Bắc Sông Hiến và phấn đấu khởi công trong năm 2024.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 của tỉnh theo kế hoạch, trong đó tập trung thực hiện cổ phần hóa đối với Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển và môi trường; thoái vốn nhà nước tại Công ty in Việt Lập Cao Bằng; Công ty cổ phần giống và thức ăn chăn nuôi Cao Bằng; giải thể Tổng công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Cao Bằng - CT TNHH.
3.5. Lĩnh vực Tài nguyên môi trường
Thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản để đảm bảo hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tuân thủ theo các quy định của pháp luật, nhằm tăng thêm nguồn thu từ hoạt động khoáng sản. Thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất; đảm bảo dòng chảy tối thiểu của các sông; ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác nước quá mức làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khoan, thăm dò nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước tại địa bàn các huyện, thành phố.
3.6. Công tác quản lý, điều hành ngân sách và các tổ chức tín dụng
Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách, giảm tỷ lệ nợ thuế. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thu chi ngân sách; tiếp tục thực hiện áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện các chính sách cho vay theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.
3.7. Công tác Khoa học và Công nghệ
Tiếp tục triển khai 03 dự án Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia thuộc Chương trình Nông thôn miền núi và thực hiện các dự án mới theo thông báo của Bộ KH&CN. Triển khai và thực hiện mới 49 đề tài, dự án các cấp tỉnh, cấp cơ sở, gồm có: 34 nhiệm vụ chuyển tiếp (27 nhiệm vụ cấp tỉnh, 05 nhiệm vụ cấp cơ sở, 02 nhiệm vụ phối hợp cấp bộ ngành) và dự kiến 15 nhiệm vụ thực hiện mới từ năm 2024. Tổ chức Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XIX năm 2024 và chuỗi sự kiện thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024 tại tỉnh Cao Bằng. Tuyển chọn và tổ chức tuyển chọn các Đề án phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Cao Bằng bắt đầu thực hiện năm 2024 (dự kiến 09 đề án). Nghiên cứu, triển khai các dự án hợp tác với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc về nông nghiệp trên các lĩnh vực: dự báo và kiểm soát dịch bệnh động, thực vật; khoa học kỹ thuật máy móc nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có ưu thế...
3.8. Thông tin và Truyền thông
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Duy trì quản lý, vận hành có hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung. Tiếp tục xây dựng kho dữ liệu dùng chung; hoàn thiện chuẩn hóa Cơ sở dữ liệu nền tảng, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành; phát triển hạ tầng dữ liệu không gian đô thị, hợp nhất các dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông và các dữ liệu khác trên nền GIS. Triển khai các phương án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh mạng, bảo vệ người dân, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.
Tiếp tục thực hiện Hạ tầng bưu chính phát triển theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong bưu chính. Chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Đảm bảo phát triển báo chí xuất bản, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử theo đúng tôn chỉ, mục đích phục vụ công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền.
3.9. Văn hóa, xã hội
Tăng cường chỉ đạo thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tăng cường quản lý các lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phát huy tính thống nhất trong đa dạng, bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc, các lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc tỉnh Cao Bằng. Tiếp tục phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển Thể thao thành tích cao giai đoạn 2020 - 2025. Tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao cấp tỉnh, các giải thi đấu thể thao khu vực và toàn quốc. Phát triển phong trào thể thao quần chúng rộng khắp trong tỉnh.
Rà soát, tổ chức mạng lưới trường, lớp năm học 2023 - 2024, 2024 - 2025 phù hợp với tình hình thực tế của từng huyện, thành phố; đầu tư, phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa; khảo sát và tư vấn cho 39 trường học đăng ký đánh giá đạt chuẩn quốc gia năm 2024. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học; thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Khuyến khích phát triển mô hình xã hội hóa giáo dục ở các cấp học...
Tăng cường giám sát tích cực chủ động bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi như: Cúm A (H7N9), Cúm A (H5N1), bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, dịch hạch, bạch hầu... Duy trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số và các chương trình y tế khác. Tiếp tục cử cán bộ chuyên môn đi luân phiên hỗ trợ cho tuyến dưới và tiếp nhận sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến Trung ương cho tuyến tỉnh. Tăng cường sự phối hợp của các Ban, Ngành, Đoàn thể, các Tổ chức xã hội cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; đặc biệt tăng cường phối hợp với các lực lượng Quân y trong công tác phòng chống thiên tai thảm họa, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích các đơn vị thực hiện các hoạt động xã hội hóa công tác y tế theo đúng các quy định của Nhà nước nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; phối hợp với các công ty tư vấn trong nước, các tổ chức đại diện của nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hướng tới các thị trường có thu nhập cao, ổn định và phù hợp với đặc thù lao động của tỉnh. Tiếp tục thực hiện các bước đầu tư dự án Đầu tư xây dựng sàn giao dịch việc làm (trực tiếp, trực tuyến); kết nối cung cầu lao động (giai đoạn 2).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể trong việc vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc. Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các quy định, chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
3.10. Nội vụ, ngoại vụ, thanh tra, tư pháp
Tiếp tục chỉ đạo triển khai triển khai thực hiện Nghị quyết quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở xóm, tổ dân phố; mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đồng bộ các nội dung cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo một số ngành, huyện và thành phố; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ; công tác thanh niên; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ; dân vận chính quyền, dân chủ cơ sở, bình đẳng giới và công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2024; thực hiện tốt công tác tuyển dụng công chức, viên chức; đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ CBCCVC.
Phối hợp với phía Trung Quốc và các tỉnh tổ chức thành công Chương trình Gặp gỡ đầu xuân giữa các Bí thư Tỉnh ủy và Hội nghị lần thứ 15 Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) năm 2024. Tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, trực tiếp là hai thành phố Bách Sắc, Sùng Tả và bốn huyện biên giới tiếp giáp; đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành khác của Trung Quốc đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, thông qua việc thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai Bên, tăng cường các chuyến thăm, làm việc, trao đổi đoàn cấp cao. Tăng cường quan hệ với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; mối quan hệ phối hợp với các hội đồng hương Việt kiều gốc Cao Bằng ở các nước.
Triển khai kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm vào các vấn đề bức xúc; nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả, chất lượng công tác tư pháp. Thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
3.11. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội
Tiếp tục thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Duy trì thực hiện tốt quy chế phối hợp các lực lượng theo Nghị định 03/2019/NĐ-CP ở các cấp. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy định của các cấp về an ninh - quốc phòng; duy trì, thực hiện có hiệu quả các Hiệp định, Biên bản, Thoả thuận về biên giới, cửa khẩu trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các huyện: Hạ Lang, Hà Quảng, Thạch An; Chú trọng cải tạo, củng cố các công trình quân sự có sẵn, địa hình có giá trị chiến dịch, chiến thuật,... tạo cơ sở cho triển khai thực hiện nội dung huấn luyện, diễn tập đảm bảo sát thực tế các tình huống quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình và triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Cao Bằng; chỉ đạo thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm; triệt phá các ổ nhóm tội phạm, từng bước kiềm chế làm giảm các loại tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XVII, Kỳ họp thứ 17 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.